Chuyện tình của chàng sĩ quan Hải quân và cô gái Hà Thành

Nhắc lại chuyện tình yêu cách đây hơn 30 năm, Đại úy QNCN Lê Thị Xuân, Thủ kho quân nhu Lữ đoàn 171 (Quân chủng Hải quân) không giấu được sự bồi hồi, xúc động: 'Tôi vốn là gái Hà Nội, lại nhìn cũng không đến nỗi nào. Vì vậy, ngày ấy cũng có nhiều người mai mối, đánh tiếng tìm hiểu lắm. Chẳng hiểu duyên số thế nào lại về làm dâu Hà Tĩnh. Bây giờ nghĩ lại, có lẽ tôi 'phải lòng' anh vì tính hài hước, ga lăng, cùng vẻ đẹp trai phong trần của người lính biển'.

Năm 1990, cô gái đẹp người đẹp nết gốc Hà Thành nhà ở Khu tập thể Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 Lê Thị Thanh Xuân “đầu quân” về Học viện Chính trị (nằm ở Hà Đông; lúc ấy, Hà Đông là thủ phủ của tỉnh Hà Tây cũ chứ chưa sáp nhập vào Hà Nội). Đảm nhiệm nhiệm vụ văn thư bảo mật của học viện, Lê Thị Thanh Xuân là cô gái “thanh” về sắc, lại nhẹ nhàng nền nã, nết na nên không ít những chàng trai vây quanh, tán tỉnh. Trong số những "vệ tinh", có một chàng sĩ quan Hải quân khá điển trai, quê gốc Hà Tĩnh.

Kể về chiêu tán đổ "một nửa" của mình ngày ấy, Đại tá Lê Đình Việt không giấu được tự hào, nói: Chỉ thoáng nhìn thấy cô ấy trong một lần xuống phòng văn thư bảo mật, thế nhưng tôi đã “chết” đứ đừ. Nhưng làm thế nào để “tiếp cận” đối tượng trong khi lịch học tập của học viên sĩ quan vốn “khép chặt như vòng quay”? Vậy là trong đầu tôi chợt lóe lên phương án... Thế là, từ hôm đó, cuối tuần nào chàng trai xứ Nghệ Lê Đình Việt cũng “mon men” xin đến nhà Xuân để “làm công tác dân vận”. Lúc đó, khu tập thể của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 chỉ cách Học viện Chính trị một bức tường. Thế nhưng, để đến nhà Xuân, Việt phải ra cổng trước và vòng lại phía hông trường. Vậy là cứ chiều cuối tuần, Việt lại có mặt ở nhà Xuân. Lúc đầu Việt chỉ được Xuân đón tiếp một cách hờ hững, bình thường. Thế nhưng, chiến dịch "mưa dầm thấm lâu", lại được thêm sự ngầm ưng ý của hai bậc phụ huynh, những “bữa cơm dân vận” tại căn nhà tập thể chật hẹp nhưng ấm lòng khiến Xuân dần xích lại gần Việt hơn, và tình yêu cũng dần dần nảy nở. Và rồi, khi tình yêu đã đủ độ chín, Việt báo cáo nhà trường, xin phép hai gia đình được tổ chức lễ cưới.

Tháng 10-1992, một đám cưới nhà binh đã chính thức diễn ra tại Học viện Chính trị. Chú rể mặc bộ quân phục hải quân thật “oách”, bên cạnh là cô dâu ôm bó hoa dịu hiền trong chiếc váy cưới màu trắng tinh khôi. Họ mỉm cười hạnh phúc trong tiếng vỗ tay chúc mừng của đồng đội và người thân hai bên gia đình. Tổ ấm của đôi vợ chồng trẻ là gian tập thể của Học viện Chính trị và cũng là nơi chào đón cô con gái đầu lòng.

3 tháng sau ngày cưới, cũng là kết thúc thời gian học hoàn thiện lớp trung, sư đoàn, Lê Đình Việt trở về Lữ đoàn 171 Quân chủng Hải quân nhận nhiệm vụ. Lê Thị Thanh Xuân tiếp tục công việc tại học viện. Họ tạm thời xa nhau do yêu cầu nhiệm vụ. 3 năm sau, theo lời động viên của chồng, Lê Thị Thanh Xuân quyết định vào tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để hợp lý hóa gia đình, ổn định cuộc sống. Tổ ấm của họ là căn phòng nhỏ đơn sơ nằm ở Khu tập thể B của Lữ đoàn 171. Tuy còn nhiều khó khăn nhưng ngôi nhà nhỏ lúc nào cũng đầy ắp niềm vui và tiếng cười hạnh phúc, nhất là khi cô con gái thứ hai chào đời. "Đến bây giờ nhìn lại, cuộc sống gia đình dẫu còn nhiều gian khó, nhưng điều làm chúng tôi hạnh phúc nhất là luôn sống vì nhau, yêu thương nhau hết lòng", chị Lê Thị Thanh Xuân trải lòng.

MAI THẮNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/que-huong/chuyen-tinh-cua-chang-si-quan-hai-quan-va-co-gai-ha-thanh-649275