Chuyện tình đảo trưởng

“Tình yêu của lính biển mặn nồng hơn muối” – một chiến sĩ Trường Sa đã nói như vậy. Trong dịp công tác tại Trường Sa, tôi đã tò mò hỏi chuyện tình yêu của các đảo trưởng. Mỗi người mỗi vẻ nhưng chuyện tình nào cũng rất thi vị, đậm đà hương vị biển đảo.

Ta đẩy nhanh tiến trình tìm hiểu nhé! “Tôi yêu anh Hải rồi nhận lời lấy anh khi quen nhau chỉ khoảng mấy tháng. Bạn bè ai cũng kêu: “Sao mà nhanh quá vậy!”. Tôi nói với anh: “Nhẽ ra phải tìm hiểu 3 năm mới cưới. Nhưng vì bố anh là cán bộ tập kết, em miễn cho một năm. Anh được kết nạp Đảng từ khi còn rất trẻ, em miễn cho năm nữa. Sắp tới, anh đi Trường Sa công tác, em miễn nốt năm thử thách còn lại” – Chị Phan Thị Thanh, vợ Trung tá Lê Đình Hải, Đảo trưởng đảo Sơn Ca hồn hậu “bật mí” kể về mối tình “sét đánh” giữa hai anh chị như vậy. Ra đảo Sơn Ca, tôi đã “căn vặn” anh Hải về thật hư của chuyện “yêu và cưới trong một tháng” này. Anh Hải bộc bạch: “Có gì đâu, bố tôi quê xã Đại Hòa (Đại Lộc, Quảng Nam), cùng xóm với bố mẹ Thanh. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, công tác tại Thanh Hóa rồi xây dựng gia đình. Sau khi đất nước thống nhất, bố tôi đưa cả gia đình về lại Quảng Nam sinh sống. Lúc này, tôi 25 tuổi, đã là sĩ quan. Lần đầu về phép thăm quê, gặp Thanh, thấy cô hàng xóm dễ thương quá, tôi hỏi luôn: “Anh là Bộ đội Hải quân, thời gian về phép ít lắm, em có đồng ý lấy anh thì ta đẩy nhanh tiến trình tìm hiểu nhé!”. Hôm ấy, Thanh không nói gì, chỉ thấy má hồng ửng đỏ. Tôi biết ngay là cô ấy đã đồng ý”. “Cưới nhau xong, anh Hải đưa tôi vào Nha Trang tìm kế sinh nhai để vợ chồng được gần nhau. Thú thực, từ đó, tôi mới bắt đầu nếm trải những thăng trầm của đời vợ lính. Bây giờ, mọi khó khăn dường như đã qua đi. Mỗi lần nhớ lại, tôi không hiểu là mình đã vượt qua bằng cách nào” – nói đến đây, chị Thanh bỗng rơi nước mắt... Ngày vào Nha Trang, anh mượn tạm một căn phòng nhỏ ở khu tập thể để chị ở rồi... biệt tăm trong đơn vị. Hơn một tháng sau, anh mới về và cho chị biết là đơn vị trực chiến. Sau đó, anh đi công tác ở Trường Sa. Mỗi lần trở về đất liền cũng không ở nhà với chị được bao lâu vì thời gian biểu của anh luôn túi bụi với huấn luyện, học tập, trực SSCĐ. “Cuộc sống khó khăn quá, mấy lần tôi tính đem con quay về quê nhờ ba mẹ hai bên trông nom, nhưng thương anh vất vả, đành lần hồi nuôi con lợn, con gà kiếm sống. Có lần, nuôi được 20 con gà thịt thì bị kẻ gian vào bắt trộm, mẹ con đang ôm nhau khóc bỗng nhiên anh Hải về. Giấu anh cũng chẳng được, đành kể khiến anh tiếc của thì ít mà xót vợ, xót con thì nhiều. Nhưng cũng nhờ những kỉ niệm ấy mà anh Hải thương yêu vợ con hơn. Cứ mỗi lần chuẩn bị về phép, anh ấy lại điện trước và dặn: Quần áo bẩn của con cứ để đấy, anh về sẽ giặt nhé. Bộ đội “tồ” lắm anh ạ, chẳng biết làm việc nhà đâu nhưng được cái chịu khó” – chị Thanh cho biết. Được yêu nhờ gầy, đen Trước hôm ra Trường Sa, chúng tôi đến thăm nhà Thượng tá Vi Đức Thanh - Đảo trưởng đảo Trường Sa Lớn. Chị Bình – vợ anh Thanh nhờ chúng tôi chuyển hộ cho anh gói quà và nói: “Anh Thanh bảo ngoài đó chẳng thấy thiếu gì, chỉ cần thư vợ viết nhưng chị và cháu vẫn gửi quà vì biết, thực ra cuộc sống của bộ đội ngoài đó vẫn còn thiếu thốn chứ lấy đâu ra đầy đủ như trong đất liền”. Trường Sa bây giờ đã có điện thoại. Vợ chồng chị Bình - anh Thanh vẫn thường gọi điện cho nhau hằng ngày, thế mà vẫn viết thư cho nhau, kể ra cặp vợ chồng đã bước qua tuổi tứ tuần này thật lãng mạn! Chúng tôi tò mò hỏi chuyện tình yêu giữa hai người, chị thẹn, nhưng cũng tiết lộ đôi điều. Năm 1994, anh Thanh lúc đó 26 tuổi, mang quân hàm đại úy, cùng trong đoàn cán bộ, chiến sĩ Đoàn M01 Hải quân về quê chị ở Vạn Ninh (Khánh Hòa) làm công tác dân vận. Chị Bình khi ấy là bí thư chi đoàn thôn Xuân Tử, cũng tham gia làm thủy lợi với bộ đội. Mấy ngày đầu anh đến làm quen, chị cứ thấy thương thương vì trông anh gầy, đen. Đến lúc quen nhau, biết anh mới 26 tuổi, chị lại càng thương vì biết các anh thường luyện tập trên bãi biển nắng cháy da nên trông mới “già” như vậy. Từ “tình mến thương” chuyển sang tình yêu lúc nào thì chị cũng không rõ, chỉ biết là khi anh ngỏ lời, chị im lặng... đồng ý. Chuyện “nhờ gầy, đen mà được yêu” không chỉ riêng Thượng tá Vi Đức Thanh. Hôm chúng tôi đến thăm đảo chìm Đá Nam, được nghe anh em kể chuyện về tình yêu rất đẹp của vợ chồng Thượng úy, Đảo trưởng Hoàng Tiến Dũng. Dũng kể: “Năm 2003, tôi về phép ở quê nhà, thị xã Cửa Lò, Nghệ An. Bố mẹ giục đi “tìm hiểu” và mách cho địa chỉ là một cô giáo dạy trung học phổ thông”. Gặp cô giáo ấy, Dũng “kết” ngay nhưng chân tay lại run lên bần bật. “Về nhà, ngồi nghĩ lại, tôi thấy mình chẳng có ưu điểm gì đáng kể ngoài cái “mác” lính biển. Còn lại, người thì gầy nhom, da thì đen đúa... Càng nghĩ, càng thấy tự ti. May sao, cô ấy như đọc được suy nghĩ của tôi. Về sau, khi đã thành vợ chồng, cô ấy nói: Không gầy, đen thì sao gọi là bộ đội ở đảo. Em “chấm” điểm 10 cho anh chính nhờ làn da đen nhưng trái tim hồng đấy nhé !”. Bây giờ, vợ chồng Dũng đã có hai con. Cháu thứ hai sinh tháng 6-2009, Dũng vẫn chưa được gặp con vì lúc vợ có thai thì cũng là lúc Dũng nhận nhiệm vụ ở đảo Đá Nam. Vợ chồng anh đã quyết định đặt tên con là Hoàng Nhật Nam để kỉ niệm về việc cháu chào đời khi bố đang làm nhiệm vụ tại Đá Nam. “Tôi háo hức chờ ngày về phép quá, nghe gia đình gọi điện thông báo là con trai rất giống bố nhưng hi vọng là cháu đừng quá đen bởi không phải ai cũng may mắn gặp được người vợ thương chồng như tôi” – Hoàng Tiến Dũng nói vui như vậy. Bài và ảnh: Hồng Hải

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/10/91/91/107289/Default.aspx