Chuyện tình đẹp của đôi vợ chồng tuổi xế chiều yêu nhau từ những vần thơ

Trong cái nắng dịu nhẹ của mùa thu Hà Nội, nhắc đến những câu chuyện tình già lãng mạn, một người đất Sơn Công quả quyết với tôi rằng, hiện ở trong vùng, hễ ai có dịp tiếp xúc dù chỉ một lần cũng đủ để mỉm cười với hạnh phúc bình dị của cặp vợ chồng tuổi xế chiều. Họ lãng mạn, yêu hay giận nhau đều thể hiện bằng thơ ca.

Đó là câu chuyện tình của ông Nguyễn Thanh Quang và bà Cao Thị Xem (xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, Hà Nội), vốn quanh năm gắn bó với cây lúa, ruộng đồng nhưng chuyện tình đầy chất thơ của ông bà khiến nhiều người phải ngưỡng mộ. Giữa nhịp sống hối hả thời hiện đại này, họ đã cùng nhau tạo nên một chuyện tình đầy chất thơ và thấm đượm tình phu thê.

Khi nhắc đến 2 từ hạnh phúc, có người bảo, cứ nhiều tiền là mua được, có quyền là ra lệnh được. Thế nhưng, trong cuộc đời không hiếm người quyền cao vọng trọng, tiền bạc dư dả, nhưng lại phải bi lụy, rơi nước mắt, bất lực vì nhận ra sự giả dối của người vợ, người chồng hàng ngày ở kề bên. Những thứ làm họ mờ mắt chính là tiền bạc, là chức tước, địa vị xã hội. Và suốt cuộc đời họ là kẻ nô lệ cho những thứ phù du đó.

Còn với vợ chồng ông Quang, hạnh phúc chỉ giản đơn là biết yêu thương nhau trong mọi hoàn cảnh. Những năm tháng xưa, nhà nghèo, đói khổ vợ chồng ông vẫn yêu thương, trân trọng nhau mỗi ngày. Ngay như bây giờ, ông bị lãng tai, sức khỏe yếu, trở trời hay đau ốm nhưng với bà, ông vẫn là người đàn ông đẹp nhất.

Hàng ngày ông Quang, bà Xem vẫn thường cùng nhau đọc thơ, kể lại những kỷ niệm thời trẻ của ông bà (Ảnh: Nguyễn Hoa)

Hàng ngày ông Quang, bà Xem vẫn thường cùng nhau đọc thơ, kể lại những kỷ niệm thời trẻ của ông bà (Ảnh: Nguyễn Hoa)

Ông Quang kể lại rằng, ông bà yêu nhau qua những vần thơ. Nhìn bà với ánh mắt đầy trìu mến, ông cười hóm hỉnh và nói: “Còn trẻ, bà ấy xinh đẹp nhất nhì làng với nước da trắng, miệng cười duyên dáng. Ngày ấy chúng tôi quen nhau trong đội thanh niên, văn nghệ của làng. Một chiều tình cờ tôi chở bà về nhà, ngại ngùng chẳng nói với nhau được câu nào, bà lẳng lặng ngồi phía sau yên xe.

Rồi còn nhiều, nhiều những buổi chiều như thế. Yêu thầm bà, tôi làm một bài thơ tình “Gửi người con gái tuổi 20” để tặng bà ấy. Và may mắn khi nghe những vần thơ giãi bày tình cảm chân thành ấy, bà đã nguyện cùng tôi viết nên những trang thơ hạnh phúc tiếp theo”.

Theo ông Quang, bản thân ông nghèo, cầu hôn bà chẳng có nhẫn vàng, chẳng sính lễ cao sang. Ngày cầu hôn, ông chỉ vỏn vẹn câu nói: “Tôi có sức khỏe, có tình yêu, bà có thương tôi thì ưng thuận về cùng tôi”. Và thế, chỉ mỗi buồng cau ông bà đã bền duyên nhau đến gần trăm tuổi, khi 7 người con lần lượt ra đời và giờ đều lớn khôn, trưởng thành. Với con cái, ông bà cũng chỉ bảo nhẹ nhàng không mắng chửi, gửi gắm mong mỏi đến con thông qua những vần thơ do chính ông sáng tác.

Giờ đây, khi ở cái tuổi mắt đã mờ, tay đã yếu nhưng bà Xem vẫn ân cần chăm cho ông từng muỗng cơm, ly nước. Nhìn cách chăm chồng nhẹ nhàng, tận tụy, hết mình của bà mới thấu hiểu hết tình cảm ông bà dành cho nhau, giống như tình cảm của đôi lứa mới yêu đầy sức mãnh liệt. Đôi khi, người dân trong xóm không khỏi xuýt xoa khi bắt gặp ông bà nắm tay nhau bước đi chậm rãi.

Mỗi tối, ông Quang thường đọc thơ tặng vợ, có khi bà Xem phụ ông chép thơ. Cứ như vậy, cuộc tình của họ với những thăng trầm gói gọn trong gần 200 bài thơ ông làm mà bà đều cẩn thận chép lại vào những cuốn sổ dày và gìn giữ chúng như báu vật.

Nguyễn Hoa

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/chuyen-tinh-dep-cua-doi-vo-chong-tuoi-xe-chieu-yeu-nhau-tu-nhung-van-tho-80300.html