Chuyện tình đẹp của ông chủ xóm trọ khiến nhiều người ngưỡng mộ

'Có lần trời mùa đông, bố tớ về thăm mẹ mà không mặc đủ ấm. Mẹ tớ lấy cho bố cái áo len vàng mặc tạm. Sau mẹ tớ bảo 'eo ơi cái áo con gái, mặc tạm thôi chứ bố mày đi lên cơ quan cứ mặc suốt'.

Chuyện tình của cặp vợ chồng già qua lời kể của cô con gái khiến cộng đồng mạng xúc động và ngưỡng mộ.

Chia sẻ câu chuyện về bố mẹ mình, Nguyễn Mỹ Hạnh, 26 tuổi (Hoàng Mai, Hà Nội) nói, bố cô ‘nghiện vợ’ theo cách của người già.

Cô kể, bố để ý mẹ từ ngày còn học chung cấp 1, cấp 2. Mẹ cô học giỏi nổi tiếng, còn bố thì đẹp trai nhưng học kém. Học chung từ nhỏ nhưng mãi đến khi học hết cấp 3, bố mẹ cô mới yêu nhau sau nhiều năm bố yêu mẹ đơn phương, theo đuổi và chinh phục.

Câu chuyện tình yêu của ông Nguyễn Văn Huy (SN 1958) và bà Mai Hằng Nga (SN 1961) được cô con gái chia sẻ, gây xúc động cho nhiều người.

Câu chuyện tình yêu của ông Nguyễn Văn Huy (SN 1958) và bà Mai Hằng Nga (SN 1961) được cô con gái chia sẻ, gây xúc động cho nhiều người.

‘Ngày ấy mẹ tớ học đại học, còn bố tớ đi bộ đội. Biết mẹ tớ thích hoa lan, mỗi lần về thăm người yêu, bố tớ đều tặng mẹ tớ một cành hoa lan thơm nức.

Sau này khi xây nhà mới, bố tớ đã đặt một cây lan trồng ngoài vườn, ngay cửa sổ phòng ngủ của bố mẹ. Đến giờ là 18 năm, cây to vượt 3 tầng nhà rồi. Cứ mùa hoa nở là sáng bố tớ lên hái, đặt ở bàn cho mẹ tớ mang đi làm hoặc cài lên tóc’.

‘Có lần trời mùa đông, bố tớ về thăm mẹ mà không mặc đủ ấm. Mẹ tớ lấy cho bố cái áo len vàng mặc tạm. Sau mẹ tớ bảo ‘eo ơi cái áo con gái, mặc tạm thôi chứ bố mày đi lên cơ quan cứ mặc suốt’. Bố tớ trả lời ‘đúng là mẹ mày chẳng biết gì. Người ta mặc cái áo đấy là vì nó có hơi ấm của người yêu chứ có phải vì cái áo đẹp đâu’’.

Ở nhà, ‘mẹ chúng mày’ ăn cái gì thì ‘chúng mày’ phải ăn theo cái đó. Mặn nhạt, luộc xào đều theo chế độ ăn của mẹ. ‘Vợ muốn ăn gì là bữa ấy có món đó. Chai nước muối súc miệng và phích nước nóng lúc nào cũng đầy sẵn để riêng phục vụ vợ’ – Hạnh kể về bố.

Tình cảm bố mẹ cô dành cho nhau cũng rất đặc biệt. Bố cô vốn có thói quen ăn uống đúng giờ, mà không ăn đúng giờ sẽ bị tụt huyết áp. Mẹ cô đi làm về muộn, thấy chồng nằm trong giường thì bảo lần sau cứ ăn cơm trước đi, không phải đợi. Nhưng hôm sau mẹ về muộn, các con lại thấy bố nằm giường, nhất quyết chờ mẹ về ăn cơm. Từ đó, mẹ cô tự ý thức về nhà ăn cơm đúng giờ cùng chồng.

Cũng là một thói quen, tối nào ăn uống xong, 2 ông bà cũng đánh cờ tướng với nhau xong mới đi ngủ.

Tình cảm của cặp vợ chồng già khiến nhiều bạn trẻ ngưỡng mộ.

Không chỉ chu đáo với vợ, bố cô còn có quan điểm cực kỳ tâm lý khi không đặt nặng chuyện con trai, con gái mặc dù ông là con trai trưởng. ‘Mẹ sinh 2 cô con gái. Mẹ động viên bố sinh thêm đứa nữa nhưng bố tớ không chịu. Cuối cùng, mẹ vẫn đẻ thêm đứa út nhưng lại là con gái. Bố bảo, bố rất tự hào về 3 đứa con gái này. Bố chẳng cần con trai. Nếu giờ không có các con với mẹ các con, bố chẳng cần gì hết. Nhà cửa đất đai bố cũng chẳng cần. Bố sống một mình cũng được’.

Hạnh nói, bố mẹ cô yêu thương nhau theo cách của người già, nghĩa là không chỉ chăm sóc mà còn ủng hộ nhau.

Đợt dịch bệnh khiến nhiều người khó khăn về kinh tế, mẹ cô gợi ý hỗ trợ những người đang thuê trọ nhà cô mỗi nhà 10kg gạo từ chính cửa hàng bán gạo của gia đình, kèm thêm chai nước mắm ngon. Bố cô ủng hộ ngay. Ông tự tay chở gạo trên chiếc xe cub 81 vào tận xóm trọ, trao cho từng nhà. Món quà sẽ được ông bà chia sẻ cho các hộ mỗi tháng một lần cho đến khi hết dịch.

Những túi gạo được ông bà chở đến tận xóm trọ để tặng người lao động.

Chia sẻ về lý do làm từ thiện, cô Mai Hằng Nga (SN 1961) nói: Năm 19 tuổi, tôi đỗ đại học, cũng là năm mẹ tôi mắc bệnh qua đời. Vì là bệnh ung thư nên bao nhiêu tiền của gia đình đã ‘đội nón’ ra đi. Gia đình cũng chỉ là nhân viên nhà nước nên kinh tế gia đình đã khó lại chồng khó.

Hằng ngày, tôi đạp xe đến trường mất khoảng 25 phút. Buổi sáng nhịn, trưa chỉ được nghỉ 1 tiếng để buổi chiều lại học tiếp. Tiền không có vì nhà nghèo, nhịn đói là thường xuyên. Có hôm đói quá, tôi đi ra phố lang thang, trong đầu chỉ có một điều ước: giá có ai cho mình một cái bánh mỳ. Nhưng tất cả chỉ là điều ước thôi, bụng đói vẫn đói. Bởi vậy, bây giờ chỉ nghĩ đến điều đó, tôi rất thương những người khó khăn’.

Mỹ Hạnh bảo, trong thời gian dịch bệnh vừa rồi, mặc dù giá gạo tăng nhưng ông bà bảo nhau quyết không tăng giá, hết hàng thì nghỉ ở nhà. Cô nói, thực sự nể phục đức độ của bố mẹ.

Cô chia sẻ, năm nay 26 tuổi, cô đã chứng kiến nhiều bạn bè kết hôn sớm hơn mình, người hạnh phúc, người giàu có, người thì không... ‘Tớ nhận ra, để tìm được một người ở bên cạnh, khỏe mạnh không ốm đau, không ai đi sớm bỏ ai lại, cùng nhau chứng kiến con cái trưởng thành và cùng nhau sống tử tế để đức cho con cháu, mới là thứ xa xỉ nhất của đời người’.

Riêng cô chỉ mong tìm được một người yêu thương mình như bố đã yêu mẹ.

'Bó lúa bố mua về bảo con gái cắm lọ, chụp ảnh rồi ghi chú thích 'Hai lúa đổi đời' - từ trồng lúa sang bán gạo' - Mỹ Hạnh chia sẻ về khiếu hài hước của bố.

Nguyễn Thảo

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/gia-dinh/chuyen-tinh-dep-cua-ong-chu-xom-tro-va-co-gai-hoc-gioi-noi-tieng-635116.html