Chuyện tình đẹp của Trung tướng, Phó giáo sư Văn Cương và cô hiệu trưởng

Trung tướng, Phó giáo sư Văn Cương - nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Chính trị - Quân sự (nay là Trường Sĩ quan Chính trị) thuộc lớp cán bộ quân đội trưởng thành qua các cương vị cán bộ chính trị trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc. Ông là tấm gương sáng trong công tác giáo dục, đào tạo mà đến nay nhiều thế hệ học trò mỗi khi nhắc đến luôn bày tỏ sự trân trọng, kính quý.

Đặc biệt, Trung tướng, Phó giáo sư Văn Cương còn có một mối tình đẹp với cô Vũ Thị Vinh Hương, nguyên Hiệu trưởng Trường cấp 3 (nay là Trung học phổ thông) Hàn Thuyên. Ở cương vị hiệu trưởng nhiều năm tại hai trường học nổi tiếng trên đất Kinh Bắc xưa, họ luôn thấu hiểu và đồng hành bên nhau trên mỗi chặng đường đời. Giờ đây, thầy Hiệu trưởng Văn Cương đã đi xa hơn chục năm, còn cô Hiệu trưởng Trường cấp 3 Hàn Thuyên nay đã 97 tuổi. Đến thăm cô, chúng tôi rất vất vả mới khơi gợi được trong cô những ký ức xa xôi về chuyện tình của thầy cô. Sau một hồi nghiên cứu cuốn sổ tay thơ và nghe cô trả lời, chúng tôi cũng hình dung ra chuyện tình yêu của ông bà hiệu trưởng...

“Người tình” đầu tiên và theo bà, cũng là duy nhất của Trung tướng, Phó giáo sư Văn Cương chính là bà-cô nữ sinh cùng học Trường Thành chung (tỉnh Bắc Ninh) vào những năm trước Tổng khởi nghĩa. Chưa đầy nửa năm sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cô trở thành một trong mấy chục sinh viên tốt nghiệp khóa sư phạm đầu tiên của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đó là khóa học do Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp yêu cầu phải đào tạo cấp tốc và Người đã đến dự lễ bế giảng như một hình thức khai sinh cho nền giáo dục dân chủ mới. Đất nước bước vào kháng chiến, cô giáo trẻ rời Hà Nội trở về quê dạy học và làm công tác bình dân học vụ.

Dạy được 3 năm, quân Pháp đánh chiếm phía Nam tỉnh Bắc Ninh làm trường của cô tan tác, cô phải sơ tán lên An toàn khu Việt Bắc, vừa dạy học vừa làm việc tại Trung ương Hội Phụ nữ. Công tác được ít năm, một hôm cô nhận được bức thư của một người lạ, giục cô về xuôi làm lễ cưới. Bàng hoàng, tự ái, cô không biết là ai dám hỏi cưới mình. Cuối cùng cô cũng nhớ ra. Ba năm trước, có lần bên bờ sông Đuống, cô bị một anh bộ đội ăn mặc ra dáng chỉ huy, chặn đường đặt vấn đề rất thẳng: “Cô ạ. Tôi biết cô lâu rồi, yêu lâu rồi, hai bên họ hàng đều tử tế, biết nhau cả. Tôi muốn xây dựng với cô. Cô cho biết ý kiến!”. Nghe anh tỏ tình, cô giãy nảy: “Ô hay cái anh này, sao dễ thế được. Tôi cũng biết anh đấy. Nhưng tôi mồ côi bố từ nhỏ, mẹ tôi vất vả nuôi tôi ăn học, bây giờ lại đang ốm nặng, tôi có lòng nào nghĩ đến chuyện xây dựng gia đình!”. Cô giận dỗi bỏ đi. Nhưng bước đi vài bước cô ngoái đầu nói vớt một câu: “Có gì thì phải chờ chứ”.

Trung tướng, Phó giáo sư Văn Cương và vợ Vũ Thị Vinh Hương trong một lần thăm lại chốn xưa. Ảnh lưu trữ gia đình

Lúc này, đọc hết lá thư, cô như nghe lời tỏ tình của chàng trai xưa vẳng lại. Ngày ấy, sau khi cự tuyệt anh, cô về nhà được một tuần thì người mẹ qua đời. Vậy là 3 năm đã trôi qua với bao nhiêu sóng gió cuộc đời cùng những gian nan của công cuộc kháng chiến. Vậy là 3 năm anh chờ đợi cô. Anh chờ cho cô đoạn tang rồi mới lên tiếng đòi cưới. Vừa giận, vừa thương anh, sau một vài ngày suy nghĩ, cô quyết định “cũng liều nhắm mắt đưa chân”, xin Trung ương Hội cho nghỉ phép, về quê cưới. Cô đi bộ một mình, không có đại diện cơ quan đi cùng. Dọc đường, cô mua hai mét lụa trắng, tranh thủ khâu lấy chiếc áo cưới để mặc cho tươm tất.

Hình ảnh của anh chỉ huy Tiểu đoàn Thiên Đức (đơn vị mang tên dòng sông Đuống) nổi tiếng đẹp giai, thư sinh hiện lên trong trí tưởng tượng của cô, buộc cô phải tha thứ, châm chước cho cái tội chủ quan, liều lĩnh của anh. Lội suối, trèo đèo, chân cô sưng phồng trên đường về xuôi. Nhưng về tới nơi cô chờ suốt một tuần mới nhận được lời nhắn: “Hoãn cưới”. Tiểu đoàn Thiên Đức của anh có lệnh điều động đột xuất, chuyển hướng tác chiến sang địa bàn tỉnh khác.

Lủi thủi trở lại Tân Trào, tiếp tục công tác, Vinh Hương đã hình dung tới một lá thư của anh xin lỗi hoãn cưới vô thời hạn. Nhưng không, chưa đầy năm, cô lại nhận được thư báo trở về xuôi lần nữa. Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Lê Thị Xuyến phải động viên, khích lệ, cử người trong cơ quan Trung ương Hội đi cùng cô cho yên tâm. Về tới nơi, không ai ngờ, chàng rể lại động viên cô chờ một tuần. Không thể hiểu nổi. Hỏi mãi cô mới biết lý do. Hóa ra chàng rể trúng mẹo “khích tướng”. Trong cuộc họp giao ban, Tiểu đoàn trưởng tuyên bố: “Chính trị viên Văn Cương được ưu tiên ở nhà chuẩn bị cưới vợ, không đánh trận sắp tới. Lo cưới vợ thì còn đầu óc nào mà đánh đấm”. Chạm tự ái, Văn Cương kiên quyết tham gia trận đánh, nhận trực tiếp chỉ huy một mũi, thề “không thắng sẽ không về cưới vợ”.

Một tuần lễ trôi qua, cô dâu sống trong lo âu, căng thẳng. Cuối cùng, tin thắng trận cũng báo về. Quân Pháp bị đánh bật ra khỏi căn cứ, Tiểu đoàn Thiên Đức giải phóng một vùng tề rộng lớn. Chàng rể không bị thương, thân thể khỏe mạnh. Đám cưới của cô giáo Vũ Thị Vinh Hương được tổ chức gắn với chương trình báo công, mừng thắng trận. Dưới ánh đèn bão “vặn kịch bấc” không cần tán che phòng máy bay địch, chiếc áo trấn thủ của chú rể làm nền cho màu áo lụa trắng của cô dâu khâu năm trước. Sau đám cưới, đơn vị của chú rể lại tranh thủ bàn ghế có sẵn, tiếp tục họp rút kinh nghiệm trận đánh. Đêm tân hôn, cô dâu ngủ với mẹ chồng. Chỉ sang ngày hôm sau, nhà chủ mới cho đôi vợ chồng mới cưới mượn chiếc chõng tre và căn buồng chái hồi lâu không dùng làm phòng tân hôn. Sáng hôm sau, cô dâu, chú rể đã phải chia tay nhau. Cô dâu rơm rớm nước mắt ngược đường trở lại với Việt Bắc “thủ đô gió ngàn”. Chàng rể dẫn quân xuống vùng hạ lưu sông Đuống.

Cô giáo Vũ Thị Vinh Hương bắt đầu cuộc đời vợ lính, là đằng đẵng tháng ngày xa chồng. Vừa dạy học vừa làm công tác phụ nữ trong Trung ương Hội tiếp 3 năm nữa, cho đến ngày giải phóng Điện Biên cô mới được “bén hơi chồng”, bước vào cuộc sống gia đình thực thụ. Năm 1964, cô vào hàm thụ Đại học Sư phạm, học cùng lớp với các nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, Phạm Tiến Duật và nhà văn Ma Văn Kháng, rồi nhanh chóng trở thành một trong những cô giáo dạy Văn hay nhất của Ty Giáo dục tỉnh Bắc Ninh bấy giờ. Khi đảm nhiệm công tác Hiệu trưởng trường Hàn Thuyên, cô vẫn hoàn thành mọi công việc tổ chức quản lý đào tạo, đảm đang việc nước, việc nhà, tần tảo nuôi con cho chồng đi chiến đấu...

Rất may là lãnh đạo Tổng cục Chính trị đã sớm thông cảm với những khó khăn, thiệt thòi của vợ chồng cô giáo Bắc Ninh. Ông Đoàn Chương (sau là Trung tướng Đoàn Chương, em trai Đại tướng Đoàn Khuê) tặng ngay đồng đội Văn Cương một chiếc xe đạp cũ nhưng săm lốp còn rất tốt. Đó chính là chiếc xe của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh để lại trước khi lên đường vào Nam. Có xe đạp, ông Văn Cương chủ động đạp xe 40km, mỗi tháng đôi lần về thăm vợ con, không phải đi bộ 3-4 cây số ra bến xe khách xếp hàng mua vé nữa. Ít năm sau, ông chính thức chuyển sang làm công tác giáo dục-đào tạo. Trung tướng Trương Công Cẩn, Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Chính trị-Quân sự mời ông về quê Bắc Ninh giảng dạy với tư cách một giảng viên cao cấp...

Vợ chồng Trung tướng, Phó giáo sư Văn Cương, hai hiệu trưởng đáng kính của nhiều thế hệ học trò. Ảnh tư liệu gia đinh.

Hình ảnh vị tướng già đầu bạc, vóc dáng mảnh khảnh mà nhanh nhẹn như một vận động viên đã ăn sâu vào ký ức học viên nhiều khóa. Vị tướng Hiệu trưởng về già được hưởng hạnh phúc từ một nghề nghiệp mới giống như người vợ của mình: Hạnh phúc nghề sư phạm. Đó là hàng trăm lá thư chúc Tết, thư báo cáo thành tích, “khoe quân hàm” của học trò khắp nơi gửi về thăm thầy mỗi năm. Một trong những học trò cưng của thầy sau khi gửi thư giãi bày hoàn cảnh công tác trong Nam rất khó khăn, còn được thầy gửi cho một số tiền cùng lời khuyên “vay tiền thêm vào, mua lấy chiếc xe máy cũ mà về thăm vợ cuối tuần cho bớt khổ”. Nhận được tiền, người học trò bùi ngùi cảm động như nhận được quà của một người cha.

Vào những ngày thu năm 2023 này, bà Hiệu trưởng Trường cấp 3 Hàn Thuyên Bắc Ninh bước đi ngày một chậm. Ở cái tuổi cận bách niên, trí nhớ của bà mỗi năm một kém. Tuy vậy, bà vẫn tiếp tục công việc giáo dục như một thói quen nghề nghiệp. Bà giáo dục con cháu qua những câu chuyện kể: Chuyện mùa thu Cách mạng Tháng Tám, khi ông Văn Cương, bạn học đồng môn tham gia hoạt động cách mạng, cùng các anh cán bộ Việt Minh đi giành chính quyền; chuyện bà đi dạy bình dân học vụ rồi lên chiến khu công tác; chuyện 4 lần bà được gặp Bác Hồ; chuyện tiễn các em học sinh chưa đầy 17 tuổi tình nguyện lên đường đánh giặc... Trong số đó, nhiều học trò hy sinh mà đến giờ cô vẫn nhớ họ tên, ngày tháng năm sinh và lực học. Nhưng riêng chuyện Trung tướng Văn Cương, bà lại nhớ không nhiều. Chỉ đến khi lật từng tấm ảnh chụp cảnh doanh trại, chiến trường... hỏi chuyện, mắt bà mới bừng sáng, như sống lại những kỷ niệm của tình yêu anh bộ đội một thời. Như muốn tổng kết câu chuyện, chấm dứt sự tò mò của chúng tôi, bà chia sẻ câu thấm thía: "Giây phút hạnh phúc nhất trong đời người vợ lính là khi nghe tin “ông tướng ấy được cấp trên cho về gần nhà làm thầy giáo, cùng nghề dạy học với mình!”.

PGS, TS PHẠM THÀNH HƯNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Tướng lĩnh Việt Nam xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tuong-linh-viet-nam/chuyen-tinh-dep-cua-trung-tuong-pho-giao-su-van-cuong-va-co-hieu-truong-751486