Chuyện tình dưới chân núi Bồ Bồ

Căn nhà nhỏ ở số 45 Duy Tân, Đà Nẵng có đôi vợ chồng gắn bó với nhau từ tuổi thiếu niên. Người chồng là Đại tá CCB Nguyễn Đức Hiền, vừa được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND (tháng 5-2018). Còn vợ là Lâm Thị Phượng, nữ y tá nổi tiếng của Ban dân y Điện Bàn trong chiến tranh.

Căn nhà nhỏ ở số 45 Duy Tân, Đà Nẵng có đôi vợ chồng gắn bó với nhau từ tuổi thiếu niên. Người chồng là Đại tá CCB Nguyễn Đức Hiền, vừa được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND (tháng 5-2018). Còn vợ là Lâm Thị Phượng, nữ y tá nổi tiếng của Ban dân y Điện Bàn trong chiến tranh.

Ông Hiền xem vết thương bụng của vợ. Ảnh: H.V

Ông Hiền xem vết thương bụng của vợ. Ảnh: H.V

NHỮNG LẦN CHẠM TRÁN MỸ

Cặp đôi trai anh hùng, gái thuyền quyên này đều quê ở dưới chân núi Bồ Bồ, xã Điện Tiến, Điện Bàn (Quảng Nam). Cô du kích Lâm Thị Phượng lúc 16 tuổi đã đẹp lắm. Dáng cao ráo, trắng trẻo, tóc dài, nhiều chàng để ý, nhưng cô chỉ gật đầu với chàng trai Nguyễn Đức Hiền và hứa hẹn sẽ chờ đợi anh về. Từ du kích thoát ly làm bộ đội chủ lực của huyện, ông Hiền càng đánh càng hăng. Trong cuốn lịch sử của LLVT Điện Bàn, cái tên Đại đội phó Đại đội 1 Nguyễn Đức Hiền được nhắc đến với những trận đánh tiêu biểu. Đặc biệt ông là người nhiều lần chạm trán với lính Mỹ. Đó là trận đánh đồn Gò Đinh năm 1967. Trong trận này, Đại đội 1 được giao nhiệm vụ tiêu diệt trung đội Mỹ chốt ở đây. Chiến sĩ chỉ mặc quần đùi, bôi nhọ nồi và lá rau lang kín người. Mũi 1 do ông Hiền làm mũi trưởng nhận diệt 4 lô cốt và 1 chòi canh. Khi ông chỉ huy anh em tiếp cận và tháo gỡ 10 lớp mìn và chuẩn bị áp sát mục tiêu thì một tình huống xảy ra lúc giữa khuya: một toán Mỹ từ phía chợ lù lù vào cổng chính. Quá bất ngờ, mũi trưởng Hiền chỉ kịp ngoắc chiến sĩ nằm sát xuống đất và ông ép người vào chiếc thang gỗ. Bọn Mỹ leo lên chiếc thang này vào lô cốt mà không hề biết “Việt Cộng” ngay dưới chân. Đúng hiệu lệnh, đơn vị nổ súng diệt gọn đồn.

Trong cuộc chạm trán với trung đoàn Mỹ ở các xã Gò Nổi tháng 10-1967, Đại đội phó Nguyễn Đức Hiền được cấp trên giao nhiệm vụ chỉ huy Đại đội phối hợp với du kích liên tục tổ chức trận địa, đánh phản công. Suốt 6 ngày đêm, ta và địch giằng co, khiến chúng không vào làng được. Bộ đội trong công sự phủ cỏ kiên trì chờ đợi. Xế chiều, 3 tên Mỹ đầu tiên mặc áo mưa, ngó nghiêng vào trận địa của ta và xì xào với nhau “No Vi-xi” (không Việt Cộng). Các chiến sĩ muốn nổ súng nhưng Đại đội phó Hiền cản lại. Đúng như ông nhận định, tưởng an toàn, địch kéo quân vào mỗi lúc mỗi đông. Đợi cho thật gần, lúc này ông Hiền ra lệnh toàn đơn vị xông lên. Gần 100 tên Mỹ bị diệt, 1 máy bay trực thăng cứu viện đã bị bắn rơi. Đại đội 1 được tặng Huân chương Chiến công hạng 3, riêng ông được tặng bằng khen và danh hiệu Dũng sỹ diệt Mỹ, sau đó được bổ nhiệm làm Đại đội trưởng. Trận này ông bị thương toác bả vai và vợ ông chính là người trực tiếp băng bó. Ông được ra miền Bắc điều trị, đi học rồi tiếp tục vào chiến đấu ở Thành cổ Quảng Trị, giáp mặt với lính Mỹ nhiều phen nữa.

MANG RUỘT RA TRƯỚC… QUAN TÒA

Cưới nhau năm 1966 nhưng đánh giặc liên miên, ông bà chẳng mấy khi đoàn tụ. Bà Phượng lăn lộn khắp các xã từ vùng cát đến Gò Nổi. Vừa làm vừa học từ kinh nghiệm chiến trường, bà trở thành đội trưởng đội phẫu, có mặt ở những trận đánh lớn, cấp cứu, điều trị thương binh, đặc biệt là trong chiến dịch xuân Mậu Thân ở Quảng Đà. Lần bị bắt 3 tháng năm 1969 và bị tra tấn dã man đã cho bà cách ứng phó khi đi tù. Năm 1971, địch đánh hơi vị trí đứng chân của đội phẫu ở xã Điện Hồng. Suốt 20 ngày đêm, chúng cho 40 xe bọc thép chà đi xát lại vùng này. Khi bị phát hiện, bà Phượng vọt ra khỏi miệng hầm và trúng ngay loạt đạn vào bụng. Chúng đưa lên trực thăng rồi chở bà ra điều trị ở bệnh viện Duy Tân, Đà Nẵng. 7 lần bác sĩ phẫu thuật bụng là 7 lần bà lôi chỉ khâu cho ruột bục ra để chống đối. Đến lần thứ 8 thì bà không cho mổ nữa. Chúng tức tối giam bà vào nhà lao và sau đó đưa ra xử tại Tỉnh đường Hội An cùng các tù nhân khác. Trước bá quan văn võ, bà Phượng một mực kêu oan, rằng tên là Nguyễn Thị Liên, thợ may, về thăm quê thì bị Mỹ bắn lủng ruột, bị mổ 7 lần không xong. Tại đây, bà giở áo lôi bộ ruột được bọc trong bao ni-lon ra cho các quan tòa xem. Tất cả ồ lên sửng sốt, sau đó tha bổng ngay. Bà trở về trong vòng tay đồng đội sau một năm đấu trí với kẻ thù. Suốt 3 tháng hành quân ra Bắc điều trị vết thương, bà tiếp tục chịu đau đớn với bó ruột hở của mình. Đến Hà Nội khi Mỹ ném bom B52 suốt 12 ngày đêm, bà ôm vết thương đi các nhà máy, công trường để tố cáo tội ác Mỹ- ngụy. Có lần phái đoàn phụ nữ của Nhật khâm phục nghị lực của bà đã phỏng vấn qua Đài tiếng nói Việt Nam. Ở quê, cha bà bí mật mở radio nghe tên mới biết con mình còn sống và dỡ bỏ bàn thờ đã lập lâu nay…

Bà Phượng cười khi nhớ lại những ngày khốc liệt: “Người ta hay nói bóng gió “ruột để ngoài da” đến lượt cô đúng nghĩa đen luôn. Đi đâu cũng ôm nó đi theo, giặt giũ hàng ngày như áo quần, ai thấy cũng khiếp. May mà không nhiễm trùng”. Sau đó, bà được đưa sang Trung Quốc mổ nối ruột. Vết sẹo trên bụng bà dài thêm vài tấc nữa nhưng đó cũng là cú đóng cuối cùng…Lại nói chuyện vợ chồng của ông bà cũng ly kỳ không kém bất cứ thiên tình sử nào. Ra Hà Nội, đến thăm nhà người chú, thấy tấm ảnh chồng tặng cho gia đình treo trên tường, bà mừng không kể xiết khi mà 4 năm rồi không hề biết tin tức của nhau. Bà liền gặp Ban Thống nhất Trung ương để chuyển thư vào chiến trường Quảng Trị. Mấy tháng sau, ông Hiền nhận được thư, liền xin ra Bắc gặp vợ. Lúc này, bà lại đang ở Trung Quốc, nhận thư ông gửi, liền rút ngắn thời gian an dưỡng, tức tốc về Việt Nam. Cô con gái Nguyễn Thị Như Lệ sinh năm 1974 chính là món quà tình yêu lớn nhất mà cuộc đời tặng cho ông bà qua bao biến cố.

Sau năm 1975, bà Phượng về Đà Nẵng, làm ở Ban bảo vệ bà mẹ, trẻ em và kế hoạch hóa gia đình tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Ông mải miết rong ruổi chiến trận. Làm Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 101, Vùng 5 Hải quân, ông tham gia giải phóng tỉnh Kô Kông (Campuchia) tháng 1-1979, rồi về Sư đoàn 2, có mặt ở các tỉnh đông bắc Campuchia mùa khô 1983-1984. Ông chỉ về gần nhà và về hưu khi làm ở Ủy ban kiểm tra Đảng ủy Quân khu 5. Bốn người con sinh ra, một tay bà chăm sóc, vun vén đều được ăn học thành đạt, trong đó 2 cậu con trai đều là kỹ sư điện và điện tử. Quầy tạp hóa nhỏ trong nhà cùng vài bàn cà-phê mỗi ngày bà duy trì mấy chục năm nay vừa giúp có thu nhập vừa là niềm vui khiến bà luôn tươi trẻ.

Trong câu chuyện, người anh hùng dành cho vợ những lời ngưỡng mộ: “Bà ấy cái gì cũng hơn tôi. Thương binh hạng 2, tôi chỉ hạng 3. Tôi chỉ giáp mặt với Mỹ, bà ấy đấu khẩu cả quan tòa. Bà ấy chính là anh hùng của gia đình chúng tôi”.

HỒNG VÂN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/65_191681_chuyen-tinh-duoi-chan-nui-bo-bo.aspx