Chuyện tình lãng mạn của vợ chồng từng là bạn học cấp 3

Sau nhiều khó khăn, vất vả, ông Dũng có tình yêu lãng mạn với cô bạn cùng lớp cấp 3. Sau 40 năm, tình cảm ấy vẫn luôn thăng hoa cùng niềm hạnh phúc gia đình.

Tình yêu thuở học trò

Xuất hiện trong chương trình Tình trăm năm, ông Lê Trung Dũng (64 tuổi) và bà Nguyễn Thị Thanh Hà (64 tuổi) mang đến câu chuyện tình lãng mạn.

Những năm cấp 3, ông Dũng và bà Hà là bạn học cùng lớp. Lúc này, ông đã thầm yêu cô bạn học xinh đẹp nhất lớp. Ông nhiều lần tìm cớ gặp bà Hà như mượn tập chép bài, xin nước rửa tay… Thậm chí ông học chơi guitar để có dịp thể hiện trước người mình yêu.

Tốt nghiệp cấp 3, ông Dũng vào học tại trường quân sự. Học xa nhà, 2 tháng ông mới được về một lần. Suốt thời gian đi học, ông vẫn theo đuổi bà Hà bằng những lá thư tay.

Vợ chồng ông Dũng tại chương trình Tình trăm năm.

Tuy vậy bà Hà vẫn chưa đồng ý yêu anh sinh viên trường quân sự. Mỗi khi Tết đến, nhà bà thường có nhiều nam thanh niên đến chơi.

Năm đó, nhà bà Hà cũng có nhiều bạn trai đến giúp rửa lá, vo gạo, chẻ củi… để chuẩn bị nấu bánh chưng. Ông Dũng về quê đón Tết và đến thăm nhà bà Hà. Vừa đến cổng, ông thấy bên trong có nhiều thanh niên lạ mặt.

Ông thoáng buồn, có chút ghen tuông. Tuy vậy, ông vẫn điềm tĩnh, chờ đợi đến lượt được bà Hà tặng 1 cành táo chưng Tết khi ra về.

Bà Hà kể: “Hôm đó, bạn nào ra về, tôi cũng cắt, tặng 1 cành táo. Ông ấy là người cuối cùng và cũng được tôi tặng cành táo. Vậy mà lúc ra về, ông ấy bứt hết táo trên cành, đem rải đầy trên đường trong vườn nhà tôi. Tôi tức lắm.

Ông Dũng và vợ thời son trẻ.

Hôm sau, tôi nhận được thư của ông giải thích hành động của mình. Trong thư ông ấy viết: “… trái táo rơi không phải theo lực hút của Định luật Newton mà mình muốn thả táo để ươm mầm cho một tình yêu sau này”.

Sau đó, ông Dũng tiếp tục gửi cho bà Hà bức thư như một cách ép bà đưa ra lựa chọn có chấp nhận tình cảm của mình hay không. Trong thư ông cho biết ngày mùng 4 Tết sẽ cùng các bạn đi du lịch.

Ông viết rõ rằng nếu bà Hà chấp nhận tình cảm của ông thì đồng ý đi cùng. Ngược lại, bà đừng mở cổng nhà mình khi thấy ông đến, đứng trước nhà.

Nhận thư, bà Hà bối rối đến nỗi phải đánh thức mẹ giữa đêm để xin ý kiến. Sáng hôm sau, khi thấy ông Dũng đứng trước cổng nhà, bà ra mở cửa mời ông vào chơi. Cả hai ngồi nhìn nhau mà không biết nói gì.

Cuối cùng, ông Dũng mở lời, mời bà Hà đi chơi cùng. Bà từ chối rồi nói đúng như lời mẹ dặn: “Thôi Dũng cứ yên tâm học tập. Mình sẽ vẫn là bạn tốt của nhau…”.

Cả hai yêu nhau qua những lá thư tay và những lần gặp gỡ ít ỏi.

Sau lần gặp gỡ ấy, ông Dũng trở lại trường với niềm tin đã được bà Hà mở lòng. Hai người tiếp tục thư từ qua lại.

Vượt trở ngại

Dẫu vậy, lúc này trái tim bà Hà vẫn chưa chọn ông Dũng. Bà vẫn cùng lúc viết thư cho nhiều bạn trai. Một lần, ông Dũng đến nhà bà chơi và vô tình thấy những bức thư của mình nằm lẫn với thư của một người đàn ông khác.

Đặc biệt, ông phát hiện bức thư bà Hà đang viết dở để hồi âm cho người bạn trai đang học ở Tiệp Khắc. Ông nổi giận, cầm lá thư của mình xé nát rồi rải đầy đường. Khi thấy bà Hà đuổi theo sau, ông nói mình không thiết sống nữa và đòi “đi chết”.

Bà Hà nhớ lại: “Lúc đó, tôi dễ tin lắm. Tôi tưởng thật nên không dám để ông ấy về một mình mà quyết định đưa ông về nhà. Trên đường đi, tôi cố thanh minh lý do mình viết thư an ủi, chia sẻ với người bạn ở Tiệp Khắc.

Đưa ông ấy đến nhà, tôi mới yên tâm quay về. Nhưng lúc này, ông ấy nói không yên tâm để tôi về một mình. Thế là ông ấy lại đưa tôi về nhà. Đến nhà, tôi cũng không nỡ để ông ấy ra về lẻ bóng nên 2 đứa cứ đưa nhau đi đi về về”.

Sau nhiều trở ngại, ông bà có một đám cưới ấm áp với đông đảo bạn bè, người thân đến chúc phúc.

Những kỷ niệm đậm chất ngôn tình ấy khiến bà Hà rung động. Bà mở lòng và yêu anh bạn cùng lớp từ thời học phổ thông. Tuy vậy, khi tình yêu của hai người sâu đậm, sắp tính đến chuyện kết hôn, hai người lại gặp những trắc trở.

Trở ngại đầu tiên đến từ sự hiểu lầm giữa mẹ ông Dũng và bà Hà khi hai người bất ngờ gặp nhau trên phố. Lần ấy, khi tình cờ gặp mẹ của người yêu, bà Hà luống cuống, hồi hộp đến độ “mặt tái xanh, thở hổn hển, nói không ra hơi”.

Sự việc khiến mẹ ông Dũng lầm tưởng bạn gái của con có sức khỏe kém. Bà yêu cầu con trai không quen biết, yêu thương cô gái này nữa vì “nó sức khỏe yếu thậm chí đang bị bệnh tim”.

Ngoài ra, bà cũng không thích con trai lấy vợ là bạn học cùng lớp lại cùng tuổi. Bà lo việc lấy vợ cùng tuổi, con trai sẽ không được vợ tôn trọng.

Ông Dũng phải giải thích, thuyết phục mẹ nhiều lần. Cuối cùng, mẹ ông cũng để hai người đến với nhau. Sau khi ra trường, cặp đôi tổ chức đám cưới trong sự chúc phúc của đông đảo bạn bè, người thân.

Năm sau, ông bà sinh con trai đầu lòng. Trong cuộc sống vợ chồng, ông bà luôn yêu thương và tôn trọng nhau. Ông Dũng thuộc tuýp người nghiêm túc, chân thật và rất chung thủy.

Suốt 40 năm chung sống, cả hai chưa bao giờ cãi nhau hay để tình cảm vợ chồng sứt mẻ. Hiện nay, ông bà có cuộc sống hạnh phúc viên mãn bên con cháu.

Hiện nay, ông bà có cuộc sống hạnh phúc viên mãn bên con cháu.

Ông Dũng tâm sự: “Ngày xưa, bố tôi ở chiến trường Tây Nguyên, mẹ thì ở Vĩnh Linh. Hai người ở hai nơi phủ kín khói lửa bom đạn nhưng vẫn gặp và sống với nhau rất hạnh phúc.

Đó là tấm gương để tôi noi theo. Tôi là bộ đội thời bình, không xa vợ con nhiều. Sau khi kết hôn lại có con ngay nên tôi chủ yếu về chăm sóc vợ con, yêu thương gia đình”.

Cuối chương trình, bà Hà bất ngờ gửi cho chồng bức thư tay. Trong thư, bà nhắc lại những kỷ niệm khó quên của hai người từ thời còn học chung lớp đến khi yêu nhau, trở thành vợ chồng.

Những lời trong thư khiến ông Dũng xúc động, bồi hồi. Ông mong muốn hai vợ chồng sẽ giữ mãi tình yêu, niềm hạnh phúc này để làm gương, giúp cuộc sống của các con cũng hạnh phúc, yên ấm hơn.

Hà Nguyễn

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/tinh-tram-nam-tap-146-chuyen-tinh-lang-man-cua-vo-chong-tung-la-ban-hoc-cap-3-2145937.html