Chuyện tình lung linh bên núi Ca Đay

Mùa xuân năm 2016, một dấu mốc đáng nhớ của đồng bào dân tộc Chứt (bản Rào Tre, xã Hương Liên, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh), bởi năm 2015, với sự nỗ lực của BĐBP Hà Tĩnh và chính quyền địa phương đã mai mối, dệt nên tình yêu đẹp cho 4 cặp thanh niên người Chứt nên duyên vợ chồng với thanh niên người Kinh, người Mã Liềng. Đây là kết quả sự nỗ lực của BĐBP và chính quyền địa phương nhằm xóa bỏ tình trạng kết hôn cận huyết thống làm mai một nòi giống của đồng bào Chứt.

Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Tĩnh tổ chức lễ ăn hỏi cho đôi uyên ương Lê Xuân Công và Hồ Thanh Mai. Ảnh: V.H

Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Tĩnh tổ chức lễ ăn hỏi cho đôi uyên ương Lê Xuân Công và Hồ Thanh Mai. Ảnh: V.H

Người dệt nên những tình yêu đẹp

Chúng tôi tới bản Rào Tre vào những ngày đất trời bắt đầu bước vào một mùa xuân mới. Đối với người Chứt, đây là mùa xuân tươi mới sau 25 năm BĐBP Hà Tĩnh tiến hành Đề án bảo tồn và phát triển dân tộc Chứt, nay đã tìm ra con đường xóa bỏ tình trạng hôn nhân cận huyết thống tồn tại từ bao đời nay, làm mai một nòi giống.

Theo Đại tá Võ Trọng Hải, Chỉ huy trưởng BĐBP Hà Tĩnh, việc mai mối cho thanh niên dân tộc Chứt kết hôn với thanh niên dân tộc Kinh, Mã Liềng và dân tộc Chứt ở Quảng Bình đã được BĐBP Hà Tĩnh âm thầm thực hiện từ lâu và kết quả năm 2015, đã có 4 cặp nên duyên vợ chồng. "Thực trạng hôn nhân cận huyết đang đẩy người Chứt vào tình thế xói mòn giống nòi. Việc tìm cách giải quyết thực trạng này cũng khó khăn chẳng khác gì BĐBP Hà Tĩnh tìm cách đưa đồng bào từ trong hang đá về lập nên bản Rào Tre và dạy cho người Chứt biết lao động sản xuất, biết chăm lo đến đời sống" - Đại tá Võ Trọng Hải cho biết thêm.

Được biết, để hoàn thành Đề án "Bảo tồn và phát triển đồng bào Chứt đến năm 2020", BĐBP Hà Tĩnh đề ra nhiều giải pháp thiết thực, mang tính nhân văn và hơn hết là tình cảm gắn bó với đồng bào Chứt. Đại tá Võ Trọng Hải chia sẻ: "Để có được kết quả tốt đẹp như hiện nay, BĐBP Hà Tĩnh bằng mọi cách tuyên truyền, vận động, tìm nguồn kinh phí hỗ trợ tiền, phối hợp với địa phương cấp đất ở, đất sản xuất, hỗ trợ làm nhà lên tới 120 triệu đồng cho một đôi uyên ương. Số vốn ban đầu này sẽ tạo nền tảng vững chắc cho các cặp vợ chống trẻ phát triển, ổn định cuộc sống lâu dài.

Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức giao lưu văn hóa giữa đồng bào Chứt ở 2 tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh vào dịp lễ, Tết, tạo cơ hội cho trai gái các bản giao lưu, gặp gỡ nhau làm nảy nở thêm nhiều tình yêu mới. Bên cạnh đó, BĐBP còn thiết lập đường dây nóng giữa hai địa phương có đồng bào Chứt sinh sống để kịp thời tương trợ nhau trong mai mối".

Ngoài ra, cán bộ BĐBP trực tiếp dẫn các thanh niên trong bản Rào Tre đi giao lưu tiếp cận với đồng bào các dân tộc khác. Trung tá Võ Anh Tuấn, Chính trị viên Đồn BP Bản Giàng, tâm sự: "Bất cứ khi nào có dịp, cán bộ Đồn BP Bản Giàng lại chở thanh niên trong bản đi sang các bản làng biên giới của tỉnh Quảng Bình tìm người yêu. Từ Rào Tre đến vùng Cà Xèng, Ra Mai (Quảng Bình) xa gần trăm cây số, nhưng cứ cách một tuần, cán bộ Đồn BP Bản Giàng thay nhau dẫn thanh niên trong bản sang bên ấy giao lưu.

Đồng thời tiến hành phối hợp với Đồn BP Ra Mai, Cà Xèng tạo điều kiện tuyên truyền, vận động cho thanh niên 2 bên giao lưu, tìm hiểu để nên duyên lứa đôi. Đối với Rào Tre, một năm có hai cái Tết là Tết lấp lỗ và Tết ăn cơm mới, đơn vị cử cán bộ cùng với thanh niên Rào Tre đi các bản mời thanh niên về giao lưu văn hóa, văn nghệ để làm quen, tìm hiểu. Trong những đêm giao lưu như thế, nhiều cặp đã nên duyên vợ chồng và vẽ nên những câu chuyện tình lung linh như những câu chuyện cổ tích".

Mùa xuân của những tình yêu

Những ngày cuối đông của năm 2015 đã trở thành dấu ấn của người Chứt sau 25 năm hòa nhập thế giới văn minh, họ mới có dịp tổ chức đám cưới với một người ngoài bản. Theo bà Hồ Thị Nam, Trưởng bản Rào Tre cho biết: "Truyền thống của người Chứt, nếu người con trai thích người con gái, chỉ lên rừng chặt bó củi để trước nhà cô gái ấy, tối đó chàng trai có thể tới nhà cô gái để ở. Vì vậy, việc kết hôn cận huyết thống cứ bám lấy bà con chúng tôi ở Rào Tre". Cuộc hôn nhân giữa Lê Xuân Công và Hồ Thanh Mai đã mở ra những hy vọng mới, chấm dứt tình trạng hôn nhân cận huyết thống đang hiện hữu tại Rào Tre.

Chúng tôi tìm đến nhà vợ chồng Lê Xuân Công, khi hai vợ chồng đang chuẩn bị lễ vật đón năm mới. Vừa gói bánh chưng trong tiết xuân ấm áp, Lê Xuân Công vừa tâm sự: "Cách đây 4 năm, Đồn BP Bản Giàng tổ chức đêm giao lưu thắm tình quân dân tại bản Rào Tre. Khi đó, tôi đang là chiến sĩ BĐBP, tình cờ gặp và rất ấn tượng với Mai, vợ tôi bây giờ. Khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, tôi mới có cơ hội gặp gỡ Mai nhiều hơn, từ đó tình yêu chớm nở".

Nhưng khi vừa hân hoan trong niềm hạnh phúc thì đôi bạn trẻ đã phải xa nhau. Vì nhà nghèo, Công phải vào miền Nam làm ăn. Cùng lúc đó, gia đình biết chuyện Công dành tình cảm cho cô gái dân tộc Chứt nên đã phản đối quyết liệt. Mẹ Công vì sợ sự khác biệt trong phong tục, lối sống nên không chấp nhận một người con dâu là người dân tộc thiểu số. Công chấp nhận yêu thương trong xa cách, anh chăm chỉ làm ăn và thường xuyên gọi điện động viên người yêu.

Mặt khác, Công "cầu cứu" đồng đội và chỉ huy Đồn BP Bản Giàng làm "cầu nối" thuyết phục mẹ và gia đình. Cuối cùng gia đình đã chấp thuận cho đôi trẻ đến với nhau. Đám cưới của Công và Mai được Đồn BP Bản Giàng tổ chức rất long trọng, được Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh hỗ trợ vốn, đất ở, đất sản xuất để xây dựng nền móng cho cuộc sống gia đình.

Đại tá Trần Ngọc Thanh, Chính ủy BĐBP Hà Tĩnh tặng quà đôi uyên ương. Ảnh: Viết Hà

Sau đám cưới lịch sử giữa Lê Xuân Công và Hồ Thanh Mai tiếp tục là 3 đám cưới nữa được diễn ra trong niềm vui khôn xiết của gia đình, làng bản. Đặc biệt, sau nhiều công sức mai mối, ngày 1-12-2015, đám cưới giữa chàng trai Hồ Văn Nghĩa, dân tộc Chứt và cô gái Hồ Thị Kham, dân tộc Mã Liềng, xã Thanh Hóa (Tuyên Hóa, Quảng Bình) đã được tổ chức.

Đây là đám cưới đầu tiên giữa người Chứt và Mã Liềng kể từ khi 2 tộc người này được phát hiện. Đám cưới được Đồn BP Bản Giàng phối hợp với chính quyền, đoàn thể xã Hương Liên (Hương Khê) và xã Thanh Hóa (Tuyên Hóa, Quảng Bình) tổ chức văn minh tiết kiệm, trong niềm vui của 2 gia đình và đồng bào 2 dân tộc. Đây là thắng lợi bước đầu trong "cuộc chiến" chống hôn nhân cận huyết của BĐBP Hà Tĩnh và chính quyền địa phương.

Theo Trung tá Võ Anh Tuấn: Nhằm đẩy lùi tình trạng hôn nhân cận huyết, hướng tới việc xóa bỏ những hủ tục lạc hậu trong tổ chức lễ cưới, BĐBP Hà Tĩnh phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền, vận động, tổ chức các hoạt động giao lưu giữa thanh niên 2 dân tộc Chứt (bản Rào Tre, xã Hương Liên) và Mã Liềng (thuộc bản Cà Xèng, xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa), để tiếp tục thêu dệt nên những mối tình mới, những đôi uyên ương mới, đưa dân tộc Chứt ngày một phát triển và vươn cao.

Viết Hà

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/chuyen-tinh-lung-linh-ben-nui-ca-day/