Chuyện tình người ở bãi rác Đá Mài

Ở giữa chênh vênh lưng chừng ngọn núi nơi mùi rừng núi bị trộn lẫn với mùi rác thải, nghĩa địa vô danh của 13 hài nhi xấu số vẫn nằm lặng im chứng kiến những người nhặt rác ngày ngày mưu sinh. Nhưng cũng nhờ những con người cùng khổ ấy, những đứa bé bị tước mất quyền sống này mới có được một nơi chôn cất tử tế…

Cũng là một sinh linh bé nhỏ được hoài thai và sinh ra trên đời, nhưng các em không được nuôi dạy lớn khôn như bao đứa trẻ khác. Đó là những đứa trẻ bị bố mẹ bỏ rơi từ khi vừa mới lọt lòng ở bãi rác núi Đá Mài, xã Tân Cương, Thái Nguyên. Ở giữa chênh vênh lưng chừng ngọn núi nơi mùi rừng núi bị trộn lẫn với mùi rác thải, nghĩa địa vô danh của 13 hài nhi xấu số vẫn nằm lặng im chứng kiến những người nhặt rác ngày ngày mưu sinh. Nhưng cũng nhờ những con người cùng khổ ấy, những đứa bé bị tước mất quyền sống này mới có được một nơi chôn cất tử tế…

Nhặt rác nhặt cả hài nhi

Bãi rác Đá Mài nằm cách thành phố Thái Nguyên hơn chục km, nằm lọt thỏm giữa rừng núi mênh mông, vốn là nơi mưu sinh của hơn hai chục gia đình nghèo khó ở xã Tân Cương và các xã lân cận. Và trong những ngày mưu sinh ấy, tại bãi rác này, những người công nhân không chỉ tìm thấy những chai lọ, giấy vụn… thứ để họ có thể bán lấy tiền. Cái mà họ tìm thấy đôi khi còn là xác của những hài nhi xấu số bị cha mẹ bỏ rơi.

Ngỡ rằng ở những nơi mà con người ta phải đầu tắt mặt tối kiếm sống thì sẽ không còn thời gian mà lo nghĩ đến chuyện khác, hay việc tìm thấy xác của những đứa bé sẽ làm họ sợ hãi mà bỏ qua. Nhưng không, chính từ những con người cùng khổ đó, ngọn lửa của tình người lại được thắp sáng khi họ đã lên ý tưởng xây dựng nghĩa trang cho những hài nhi vô tội. Câu chuyện tình thương, lòng tốt của những người dưng còn to lớn hơn cả người làm cha, làm mẹ đã nhẫn tâm vứt bỏ chính những đứa con dứt ruột đẻ ra của mình đã khiến nhiều người phải rơi nước mắt.

Khi nghe câu chuyện của những người nhặt rác nơi đây, mỗi một xác hài nhi nhặt được lại là một hoàn cảnh thương tâm, khiến bất cứ ai nghe thấy cũng phải rùng mình. Anh Ngô Văn Quyền, người đề xuất ý tưởng và cũng là người miệt mài đến xã Tân Cương và Công ty Môi trường đô thị xin một khoảnh đất nhỏ trong bãi rác để làm nghĩa trang chôn các hài nhi xấu số vẫn nhớ như in cảnh tượng nhặt được một bé trai bụ bẫm, trắng trẻo từ bãi rác: "Cuối năm 2012, một ông đi cùng tôi cuốc vào một cái ống quần, thấy bùng nhùng, ông ấy hơi đoán ra và sợ hãi chạy đến bảo tôi "mày ơi, tao cuốc phải cái gì mềm mềm, mày vào xem hộ tao với".

Anh Ngô Văn Quyền, người quản trang hoàn lương.

Khi tôi ra xem thì thấy một bé trai bụ bẫm phải tầm 4 cân, có hai vết kéo cắt cổ và một vết kéo đâm trúng tim". Chứng kiến cảnh ấy, không ai cầm được nước mắt và bàng hoàng trước cái chết tức tưởi, vô tội, đáng thương tột độ của bé trai ấy. Anh và những người công nhân bới rác vội đưa cháu bé đi tắm rửa và chôn cất cẩn thận. Chỉ tay vào một nấm mồ lớn, anh bảo: "Đây là một bé gái. Có một cậu vào nhặt rác nhặt được từ hôm trước, hôm sau tôi mới biết thì cháu đã thâm tím cả lại. Cháu bé dài khoảng 70 phân. Tôi đóng quan tài 80 phân mà còn hơi chật".

Lần khác, như thường lệ, vợ chồng anh vào bãi rác làm việc. Khi chiếc xe vệ sinh của công ty vừa lăn bánh rời khỏi bãi rác thì anh phát hiện có một bao tải khá lớn buộc chặt miệng túi. Nghĩ rằng bên trong sẽ có nhiều nilon và sắt vụn, anh chạy tới tháo miệng túi. Hai vợ chồng anh bàng hoàng khi phát hiện một túi nilon màu đen lẫn vào các túi rác khác, bên trong là xác một đứa trẻ sơ sinh vẫn còn nguyên cuống rốn, bị kiến bu kín, đất cát, nước bẩn lem luốc. Anh chị vội đưa cháu đi tắm rửa và chôn cất đàng hoàng. Cả nghĩa trang có 13 ngôi mộ thì chỉ có 2 ngôi mộ có tên. Bởi lẽ có những người nhặt rác vì thương xót trước hoàn cảnh của đứa bé mà mình nhặt được nên luôn bị ám ảnh và nghĩ cho các cháu một cái tên để mong sớm siêu thoát.

Ngoài 13 ngôi mộ này ra, theo những người công nhân làm việc tại bãi rác cho biết thì trước kia còn nhiều xác hài nhi khác được tìm thấy. Khi đó bãi rác còn chưa có sự quản lý cẩn thận nên những người bới rác đã đem xác các cháu bé đi tắm rửa và chôn ở ven những ngọn đồi gần đó.

Người quản trang hoàn lương

Hàng ngày đội bới rác của anh Quyền vẫn vật lộn trên bãi rác Đá Mài để kiếm sống mặc cho những hiểm nguy bệnh tật có thể mắc phải. Cứ đúng 6h sáng, bãi rác Đá Mài mở cửa để những người công nhân vào nhặt rác mưu sinh. Tất cả đều diễn ra theo đúng trật tự, quy củ dưới sự hướng dẫn của anh Quyền, đội trưởng đội nhặt rác nghèo và cũng là người đã xây dựng nghĩa trang hài nhi xấu số này.

Và khi nói về anh, những người dân nơi đây đều tỏ vẻ khâm phục một con người đầy nhân hậu. Nhưng ít ai biết được rằng, con người hiền lành này cũng từng có một quá khứ không mấy tốt đẹp cho lắm. Trước đây, anh Quyền là một thanh niên nghịch ngợm, đánh nhau có tiếng ở xã Tân Cương. Những vết sẹo ngang dọc trên khuôn mặt nhăn nheo, già nua của anh là minh chứng rõ nhất cho một quá khứ bất hảo. Nhưng sau đó, nhờ sự động viên của gia đình, của chính quyền, anh hoàn lương và lập gia đình. Khi có bãi rác Đá Mài, anh xin nhận làm đội trưởng đội nhặt rác để thu gom rác của tất cả mọi người, rồi gọi người tới bán.

Bãi rác Đá Mài.

Cả bãi rác có hơn hai chục người bới rác, chủ yếu là trong xã Tân Cương và các xã lân cận, đều làm việc dưới sự "điều hành" của anh mà không hề có sự tranh giành lãnh địa như nhiều nơi khác. Khi phân loại xong, mọi người đều ra về, một mình anh làm nốt công việc đem đi bán và mang tiền đến từng nhà cho mọi người. Tết đến anh lại đi mua những nhu yếu phẩm như mứt, rượu, bia… bán cho mọi người bằng việc trừ vào tiền nhặt rác. Hiện nay vợ anh ốm không thể cùng anh đi nhặt rác được nữa, một mình anh lại bươn chải để lo cho cuộc sống gia đình. May mắn, hạnh phúc nhất với vợ chồng anh là có cô con gái lớn học rất giỏi tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Về công việc quản trang, vốn là người ít nói, lại không thích khoe khoang nên chúng tôi phải gợi ý mãi anh mới kể chuyện. Trước đây cả khu đồi này toàn đá hộc, khi những người bới rác nhặt được xác hài nhi đem lên đây chôn, có xác đặt trong thùng xốp, ngay dưới một phiến đá, có xác được chôn dưới một lớp đất ít ỏi. Cảm thương với những nấm mồ vô chủ và những đứa trẻ vô tội không được làm người, anh Quyền đã lặn lội lên gặp lãnh đạo xã và lãnh đạo Công ty Môi trường đô thị xin được cấp một mảnh đất nhỏ ngay lưng đồi, cạnh bãi rác làm nơi chôn cất các hài nhi xấu số. Rất may, anh nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của những người lãnh đạo có tâm.

Năm 2011, chính anh là người đi cậy từng phiến đá lên và thuê thêm thợ phát quang lưng đồi để xây lại thành một nghĩa trang nhỏ khang trang. Thậm chí, anh còn mời linh mục và cha xứ đến làm lễ cho các hài nhi vô tội.

Nói về công việc thiện nguyện của mình, anh chỉ nhỏ nhẹ: "Tôi chỉ nghĩ đó là việc nên làm, dù sao chúng cũng chỉ là một con người". Rồi anh nhìn mấy cây hoa đơn anh trồng đang héo dần héo mòn vì đồi toàn đá không có nước để sinh sống mà thở dài: "Chả hiểu sao mấy cây hoa không thể mọc lên nổi. Sắp tới tôi sẽ phát quang hết và sơn sửa lại nghĩa trang cho sáng sủa hơn".

Hằng ngày, anh Quyền và những người nhặt rác vẫn làm việc miệt mài để mưu sinh, nhưng họ vẫn không quên thắp hương cho những nấm mồ vô danh để các bé vơi đi phần nào nỗi hiu quạnh khi không may mắn được làm người. Những nén tâm hương ấy vừa thắp lên tình người cảm động nơi tận cùng của sự nghèo khó, vừa là tiếng chuông cảnh tỉnh đối với những bậc làm cha, làm mẹ khi họ đang tâm vứt bỏ đứa con của mình.

Ông Vương Sĩ Tạo, Chủ tịch UBND xã Tân Cương cho biết: "Có hơn chục thai nhi được người bới rác phát hiện ra, với tấm lòng hảo tâm, anh Quyền đã xây dựng một nghĩa trang nho nhỏ, sau đó anh mời linh mục ở nhà xứ Tân Cương đến làm lễ cho các hài nhi xấu số. Có nhiều đoàn Phật tử, cả người lao động cũng lên để thăm nghĩa trang. Có người xin làm hầm để đặt xác hài nhi, nhưng chúng tôi nói rằng trong bãi rác đã xây dựng nghĩa trang rồi, để họ chôn cất ở đó để trông nom. Dẫu sao các cháu cũng là một con người. Việc của anh Quyền là tự phát, xuất phát từ cái nghề đi nhặt rác, lại thấy cảnh thương tâm như thế, anh cũng báo cáo chính quyền và chúng tôi nhất trí tạo điều kiện cho anh xây dựng một nghĩa trang nho nhỏ trên đồi, để cho anh chôn cất ở đấy.

Trước đây anh Quyền là một thanh niên nghịch ngợm, đánh nhau có tiếng, sau hoàn lương. Anh làm việc này thầm lặng mục đích không phải để mọi người biết, mà là xuất phát từ tấm lòng của anh ấy. Chúng tôi cũng báo cáo với thành phố một là tạo điều kiện cho gia đình anh, hai là xây dựng nghĩa địa cho khang trang".

Nguồn CAND: http://cstc.cand.com.vn/vi-vn/cuocsong/muonmaucs/2014/1/187122.cand