Chuyện tình như trong cổ tích của đôi vợ chồng khiếm thị

Mặc dù 2 vợ chồng đều bị khiếm thị, tuy nhiên hàng ngày họ vẫn cùng nhau rong rủi trên những cung đường, dệt lên những ước mơ cho tương lai tươi sáng sau này.

Hát và bán hàng rong là nghề mưu sinh của đôi vợ chồng khiếm thị.

Tự nuôi sống bản thân vì không muốn thành gánh nặng

Dưới tiết trời se lạnh của những ngày cuối năm, khi mọi người đang tấp nập, hối hả để hoàn thành nốt những công việc còn dở dang để chào đón năm mới thì anh Tống Hoàng Trung Hiếu (SN 1980) và chị Lê Thị Hồng Năm (SN 1977, tạm trú tại phường Khánh Xuân, TP.Buôn Ma Thuột) vẫn cứ chậm rãi, dắt tay nhau đi khắp các nẻo đường của TP Buôn Ma Thuột để bán hàng rong.

Người đàn ông với thân hình rắn rỏi một tay cầm hàng rong, một tay luôn nắm chặt tay không rời người phụ nữ nhỏ thó của mình. Hai con người bình dị chỉ biết dò dẫm tìm đường thông qua chiếc gậy nhỏ. Người đàn ông bước chậm rãi và luôn dõi theo vợ mình bằng tâm trí như sợ lạc mất nhau giữa dòng đời hối hả.

Do có hẹn từ trước nên 2 vợ chồng tranh thủ một chút thời gian buổi trưa để trò chuyện và tâm sự về cuộc đời của mình với chúng tôi. Dưới căn phòng trọ mà 2 vợ chồng thuê để đi mưu sinh ở phường Khánh Xuân (TP.Buôn Ma Thuột), chị Năm cho biết, chị là con út trong gia đình có 5 anh chị em ở huyện Vĩnh Lộc (tỉnh Thanh Hóa).

Tuy nhiên, từ khi sinh ra chị đã không được như bạn bè cùng trang lứa và anh chị trong gia đình bởi chỉ sau khi sinh chị được 2 ngày, gia đình chị phát hiện mắt trái của chị bị nhắm nghiền. Đến nửa tháng sau, con mắt còn lại của chị cũng không thể mở ra để thấy ánh sáng mặt trời.

Sau đó, gia đình chị đưa chị đến bệnh viện thăm khám và chữa trị, tuy nhiên các bác sĩ cho biết do sinh thiếu tháng nên cả 2 con mắt của chị đều đã bị mù và không có cách nào để chữa trị.

Tuy nhiên, không chấp nhận số phận nên gia đình chị Năm vẫn tiếp tục đưa chị đi chữa trị khắp nơi. Nhưng nhiều năm trôi qua đôi mắt chị vẫn chỉ nhìn thấy một màu đen. Sau đó, do kinh tế gia đình không còn, bố mẹ chị già yếu nên mọi người đành buông xuôi trước số phận của chị.

Đến năm 2001, sau khi mẹ qua đời, chị Năm phải cất nỗi đau vào một góc để đi bán vé số nuôi người bố đã già.

“Từ bé, mọi sinh hoạt của tôi hầu như đều do mẹ chăm lo từng li từng tí. Vì thế, khi mẹ đột ngột qua đời, tôi vô cùng suy sụp, nhưng khi nghĩ đến người bố già, tôi đã không cho phép mình bỏ cuộc mà tiếp tục đứng lên lo cho bố và cũng lo cho chính bản thân mình”, chị Năm bộc bạch.

Sau đó, do đam mê ca hát và có chút năng khiếu nên chị đi theo 1 đoàn hát ở Hà Nội để bán hàng rong mưu sinh. Tuy nhiên, cuộc sống trớ trêu thay, sau nhiều tháng đi khắp nơi chị tay trắng trở về mà không được trả bất kì đồng lương nào.

Một thời gian sau, bố chị cũng già yếu rồi qua đời. Do các anh chị trong nhà đã có gia đình nên chị không muốn trở thành gánh nặng cho mọi người, từ đó chị một mình bước ra đời để nuôi sống bản thân.

Đám cưới không gia đình, bạn bè

Mặc dù cuộc sống khó khăn những hai anh chị luôn luôn vui vẻ và hạnh phúc với nhau.

Mặc dù cuộc sống khó khăn những hai anh chị luôn luôn vui vẻ và hạnh phúc với nhau.

Một lần tình cờ chị Năm được chị bạn giới thiệu anh Hiếu (Đắk Lắk), cũng là một người cùng cảnh ngộ với chị. Sau nhiều lần nói chuyện qua lại điện thoại, chị Năm và anh Hiếu như thấu được nỗi lòng nhau mặc dù chưa một lần gặp gỡ. Hai con đường, nhưng dường như cùng chung một số phận đã đem lòng yêu nhau tự bao giờ.

Tuy nhiên, khi gia đình và bạn bè 2 bên biết về mối quan hệ của 2 người thì kịch liệt phản đối. Mọi người đều cho rằng nếu 2 người khiếm thị lấy nhau thì cuộc sống sẽ vô cùng khó khăn, vất vả. Khi đó, 2 người sẽ không thế vượt qua và sống tốt được.

Nhưng bằng tình yêu chân thành và sự cố gắng của mình để vượt qua rào cản, anh chị đã tổ chức đám cưới với nhau vào ngày 18/9/2009 (âm lịch) mặc dù không có sự chứng kiến và chúc phúc của gia đình, người thân. Sau đó, chị Năm vào TP Buôn Ma Thuột cùng anh Hiếu mưu sinh bằng nghề hát dạo, bán hàng rong.

“2 vợ chồng ra thuê trọ ở riêng, không có sự hỗ trợ, giúp đỡ của gia đình 2 bên nội ngoại nên mỗi ngày chỉ kiếm được 100.000 - 200.000 đồng do đó không đủ chi phí phục vụ sinh hoạt và trả tiền trọ.

Có những hôm tiết kiệm, 2 vợ chồng phải ăn chung một tô mì. Không những thế vào giữa năm 2017, tôi bị té từ trên gác trọ xuống dẫn đến gãy chân nên mọi gánh nặng đều đổ dồn lên vai vợ.

Tuy nhiên, khi đó vợ không từ bỏ mà quan tâm, chăm sóc tôi mỗi ngày nên tôi vô cùng xúc động và cảm ơn vì vợ luôn cạnh mình”, anh Hiếu nghẹn ngào nói.

Mặc dù khó khăn về cuộc sống, thiếu thốn tình cảm từ gia đình nhưng 2 vợ chồng anh Hiếu chị Năm luôn yêu thương, đùm bọc lẫn nhau mà không bao giờ to tiếng với nhau. Mỗi ngày, sau khi bán hàng về, mỗi người một việc để phụ giúp nhau. Trong lúc chị Năm chuẩn bị cơm nước thì anh Hiếu dọn dẹp nhà cửa, 2 con người cứ thế sống với nhau suốt gần 10 năm qua.

Nói về ước mơ và dự định của mình, chị Năm chực trào nước mắt nói, chị cũng là một người phụ nữ nên luôn khao khát có một đứa con để vui cửa vui nhà. Tuy nhiên, do hoàn cảnh 2 vợ chồng khó khăn nên chị chỉ dám mơ ước mà không thể biến nó thành hiện thực.

“Vợ chồng tôi cũng muốn có con lắm, nhưng sợ sinh con ra thì con cũng sẽ bất hạnh như chúng tôi. Bên cạnh đó, 2 vợ chồng không đủ điều kiện cho con được bằng bạn bằng bè, như thế có lỗi với con lắm.

Bên cạnh đó, tôi thích ca hát từ nhỏ và luôn mơ ước một lần được tham gia thi hát để thỏa mãn đam mê của mình. Nhưng với một người tật nguyền như tôi thì ước mơ có lẽ cũng chỉ là mơ ước…”, chị Năm trầm ngâm nói.

Trúc Hân

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/gia-dinh/chuyen-tinh-nhu-trong-co-tich-cua-doi-vo-chong-khiem-thi-3972549-c.html