'Chuyện tôi kể' - nghệ thuật chắp cánh cho thông điệp phòng chống ma túy

Hưởng ứng 'Tháng hành động phòng chống ma túy', 'Ngày quốc tế phòng, chống ma túy' (ngày 26-6), sáng 19-6, Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy (PSD) phối hợp cùng với Hội Nhạc sĩ Hà Nội và Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức khai mạc Hội trại sáng tác 'Chuyện tôi kể…'.

Hưởng ứng “Tháng hành động phòng chống ma túy”, “Ngày quốc tế phòng chống ma túy” chương trình “Hội trại sáng tác - Chuyện tôi kể…” được tổ chức nhằm phát huy sức mạnh của văn học nghệ thuật nói chung và âm nhạc, hội họa nói riêng để tất cả các nguồn lực cùng chung tay tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp xã hội, đặc biệt là thanh thiếu niên trong công tác phòng, chống ma túy; một thảm họa trong tương lai có nguy cơ ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, đạo đức; Điều đặc biệt hơn nữa, những tác phẩm được sáng tác trong chương trình sẽ được ủng hộ vào việc thành lập “quỹ hỗ trợ, phòng chống ma túy và Liên hiệp các doanh nghiệp xã hội” trong thời gian sắp tới.

Hội trại sáng tác "Chuyện tôi kể" nhằm tạo ra các tác phẩm về văn học, âm nhạc, hội họa... tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về phòng chống ma túy.

Hội trại sáng tác "Chuyện tôi kể" nhằm tạo ra các tác phẩm về văn học, âm nhạc, hội họa... tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về phòng chống ma túy.

Chương trình “Hội trại sáng tác – Chuyện tôi kể…” được Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy (PSD) phối hợp cùng với Hội nhạc sỹ và Hội họa sỹ thành phố Hà Nội tổ chức với mục đích tập trung công tác tuyên truyền, giáo dục phòng chống ma túy đến mọi tầng lớp nhân dân dưới hình thức thể hiện qua hoạt động sáng tác các nhạc phẩm, các tác phẩm hội họa.

Ông Lê Trung Tuấn chia sẻ hành trình nẻo về từ một con nghiện thâm niên và ý nghĩa của "Chuyện tôi kể"

Ông Lê Trung Tuấn (Chủ tịch Hội đồng Quản trị PSD Group - người sáng lập viện nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy PSD) chia sẻ: "xuất phát từ quá trình nghiên cứu của viện PSD trong 6 năm qua, tôi thấy thiếu vắng những tác phẩm âm nhạc hội họa, có thể tác động tới nhiều tầng lớp trong xã hội. Bản thân tôi nhận thấy, những tác phẩm đó đủ sức có thể thay đổi suy nghĩ của những người đang nỗ lực từ bỏ ma túy để trở về với đời thường, giảm đi sự kì thị, mang lại khát vọng mong mỏi trở về của họ. Những tác phẩm nhằm kêu gọi mọi người tránh xa ma túy vẫn còn dừng lại ở những con số rất ít, và chính vì vậy viện PSD cố gắng tổ chức chương trình để có thể có thêm những tác phẩm âm nhạc, văn học, hội họa để có thể phục vụ được nhiều tầng lớp trong xã hội để chúng ta hiểu rõ về ma túy, nhìn nhận ma túy ở góc độ khác, ở một góc độ nhân văn hơn đối với những người đang nỗ lực từ bỏ ma túy, giảm đi sự kì thị của xã hội đối với họ để họ có thể trở về với cuộc sống đời thường lương thiện".

Tại Hội trại sáng tác lần này, chủ đề ma túy sẽ được kể lại qua những nét chấm phá của màu sắc, những thông điệp sẽ được thẩm thấu vào lòng người từ chính những giai điệu, những ca từ để thấy rằng, ngoài những đau thương mất mát ma túy đem lại, chúng ta còn nhìn thấy được khát vọng, ước mơ từ chính những người trong cuộc từng lầm lỡ và đang vươn lên để làm lại cuộc đời.

Chia sẻ về quãng thời gian từng là một người nghiện và hành trình cai nghiện thành công của chính mình, ông Lê Trung Tuấn cho biết, bản thân mình luôn căm thù ma túy và sẵn sàng quyết chiến trong cuộc chiến chống ma túy. Trong suốt 6 năm qua, Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy đã luôn nỗ lực đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong công tác phòng, chống ma túy. Hội trại sáng tác lần này cũng nhằm đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền phòng, chống ma túy trong tình hình mới. Những tác phẩm được sáng tác trong chương trình sẽ được ủng hộ vào việc thành lập “Quỹ hỗ trợ, phòng chống ma túy và Liên hiệp các doanh nghiệp xã hội” trong thời gian sắp tới, đồng thời đóng góp vào nguồn tư liệu quý giá phục vụ cho công tác truyền thông phòng, chống ma túy.

TS.Nguyễn Cửu Đức, Hàm Phó Vụ trưởng Vụ Khoa giáo Văn xã (VPCP) cho biết thêm, tệ nạn ma túy trên toàn thế giới đang diễn ra phức tạp, có 275 triệu người trên toàn thế giới hiện nay đang sử dụng các loại ma túy. Tại việt nam có 229 nghìn người nghiện ma túy theo con số thống kê của Bộ Công an, nếu mỗi người trong số đó tiêu tốn 100.000 đồng/ ngày cho việc sử dụng ma túy thì một năm đã tiêu tốn hết hơn 8000 tỷ cho ma túy. Bản thân những người này cũng không có đóng góp tạo ra của cải vật chất. "Nhiều năm qua, Đảng Nhà nước và địa phương đã có những chính sách để phòng chống ma túy. Vì thế, việc sử dụng những hình thức văn hóa nghệ thuật là một sáng kiến có ý nghĩa cao trong việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức của người dân trong phòng chống ma túy. Sau hội trại này, các tác phẩm sẽ được sử dụng có hiệu quả để đạt được tính lan tỏa cao nhất".

Cho rằng chúng ta cần tránh xa ma túy, nhưng không nên xa lánh, kỳ thị những người đã lầm lỡ sa chân vào vũng lầy ma túy, những người đang cố gắng từng ngày để vươn tới ngày mai tươi sáng của họ, ông Phùng Quang Thức, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở LĐTB&XH Hà Nội) hy vọng dưới góc độ nhân văn hơn, chiều sâu hơn, các tác phẩm từ Hội trại sáng tác sẽ thể hiện cho người dân, đặc biệt là giới trẻ, những người mắc nghiện và những người cai nghiện nhận diện rõ hơn về ma túy.

Bên cạnh đó nhằm tôn vinh những kết quả mà Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy đã làm được trong suốt 6 năm qua, cũng như những đóng góp to lớn của các công ty thành viên trong tập đoàn PSD Group đã làm được trong việc “Đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong công tác phòng chống ma túy”. Tạo tiền đề cho sự phối kết hợp tổ chức các chương trình hoạt động gây quỹ “Phòng chống ma túy” ở thời gian tới.

Chương trình “Hội trại sáng tác - Chuyện tôi kể…” được Ban tổ chức thực hiện trong 3 ngày: 19-21 tháng 6-2019 tại Khu du lịch sinh thái Long Việt , và Hồ Suối Hai, huyện Ba Vì, Tp. Hà nội. Các tác phẩm hội họa sẽ được mang ra bán đấu giá và toàn bộ số tiền thu được sẽ xung vào quỹ hỗ trợ phòng chống ma túy và tệ nạn xã hội.

Khánh Huy

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/chuyen-toi-ke-nghe-thuat-chap-canh-cho-thong-diep-phong-chong-ma-tuy-152502.html