Chuyện Trung thu xưa và nay

Người ta thường nói Trung thu là tết của thiếu nhi, có lẽ câu này đúng với Trung thu xưa hơn. Ngày nay, mỗi dịp Trung thu khí thế rôm rả hơn trước, nhưng người lớn lại vui Trung thu có khi còn nhiều hơn trẻ con.

Khi xưa, trẻ con thường mong đến Trung thu, bởi cuộc sống thời đó khó khăn, thiếu thốn đủ thứ. Chỉ đến ngày Trung thu mới có bánh kẹo, những ngày khác không có. Thời ấy ti vi chưa có, phim chiếu rạp thì người lớn mới có tiền mua vé, trẻ em ít khi được vào rạp xem phim, nên đến ngày Trung thu được xem múa sư tử ai cũng thích.

Đồ chơi Trung thu chủ yếu là đèn ông sao, nhưng cũng phải gia đình khấm khá mới mua được, gia đình nào nghèo thì tự làm đèn cho con từ vỏ lon sữa bò, bằng cách đục một lỗ thủng, cắm cây nến vào đó rồi đốt lên. Ấy vậy nhưng Trung thu xưa vẫn vui lắm, vì thời ấy nhà cửa, xe cộ ít lại có nhiều bãi đất trống để trẻ con chơi bịt mắt bắt dê, trốn tìm... dưới ánh trăng, có khi vui chơi đến khuya được.

Chương trình Trung thu được Thành Đoàn Cẩm Phả phối hợp với một số ban, ngành trên địa bàn tổ chức tại xã Cẩm Hải (TP Cẩm Phả).

Chương trình Trung thu được Thành Đoàn Cẩm Phả phối hợp với một số ban, ngành trên địa bàn tổ chức tại xã Cẩm Hải (TP Cẩm Phả).

Trung thu ngày nay sôi động hơn, ở các xã nghèo đã được nhiều tổ chức, mà tích cực nhất là đoàn thanh niên vào cuộc tổ chức cho các em thanh, thiếu nhi vùng sâu, vùng xa vui tết Trung thu thật náo nhiệt. Ở các khu vực đô thị, thậm chí một khu phố có vài dãy phố tổ chức trung thu. Giờ kinh tế gia đình nào cũng khấm khá hơn trước nhiều lần, mua cái bánh trung thu hay cái đèn ông sao chỉ là chuyện nhỏ với hầu hết các gia đình.

Thế nhưng, khoảng không gian rộng để ngắm trăng lên từ mặt sông hay lấp ló sau lũy tre một thời thơ mộng như trước rất khó. Chẳng bố mẹ nào dám để trẻ em dưới 15 tuổi ra đường chơi tự do buổi tối một mình như trước đây, vì xe cộ nhiều và nhiều lo lắng không tên khác. Trẻ em ngồi trong nhà chơi điện tử, bấm điện thoại, còn trăng trung thu chỉ khi nào lên thật cao mới nhìn thấy, vì nó bị vướng do nhiều ngôi nhà cao tầng che khuất.

Nhiều khu phố, tổ dân hàng năm đều tổ chức Trung thu, gọi là tổ chức cho các cháu, nhưng lượng người lớn tham gia có khi còn đông hơn trẻ con. Cứ trước Trung thu khoảng hơn một tuần là khu phố tôi lại có một nhóm thanh niên tích cực (gọi như thế vì họ không phải trưởng hay phó khu phố) đến các nhà cùng dãy phố vận động đóng góp vài trăm nghìn đồng/gia đình để tổ chức Trung thu, số tiền cũng tùy theo giá cả hàng năm.

Bánh trung thu năm nay nhiều mẫu mã hơn nhưng giá cả vẫn khá đắt đỏ. (Ảnh một điểm bán bánh trung thu ở phường Cẩm Tây, TP Cẩm Phả).

Hiếm khi trưởng hay phó khu phố đứng ra tổ chức, chỉ trừ những nơi có địa điểm tổ chức Trung thu phù hợp, còn thường là cấp trên không chỉ đạo thì họ không dại gì mà làm. Bởi sau đó chuyện nọ xọ chuyện kia, nếu khu phố không có địa điểm phù hợp mà tổ chức ngoài đường thì vi phạm giao thông, rồi còn mang tiếng tổ chức người dân nhậu nhẹt, vì chỉ ăn bánh nướng thì không ai đến. Đó chưa kể, khi có tí rượu bia vào, nhiều anh phát ngôn bừa bãi, họ còn bị mang tiếng...

Thời buổi "tấc đất tấc vàng" tìm được chỗ để tổ chức cũng không dễ, bây giờ các dãy phố đa phần các ngôi nhà quỹ đất hạn hẹp chỉ đủ cho gia chủ sinh hoạt chứ mấy nhà có sân rộng. Đành rằng hiện nay khu phố nào cũng có nhà văn hóa, thế nhưng cả khu phố thường khoảng 500 hộ với hàng nghìn nhân khẩu mà tổ chức ăn uống, múa, hát thì nhà văn hóa nào chứa nổi. Nếu cho mượn thì được dãy phố này lại mất lòng dãy phố kia, vả lại các dãy phố cũng không muốn mượn nhà văn hóa, vì còn phải tổ chức mấy ngày (ngày treo sao, ngày chính thức, ngày hạ sao), đồ đạc để qua đêm ai ra ngủ mà trông coi được, lại còn ảnh hưởng đến đội ngũ hàng ngày đến sinh hoạt thể thao ở nhà văn hóa...

Khó là vậy, nhưng Trung thu trong các khu phố vẫn đâu vào đấy và rất đông người đến tham gia. Nhiều người, nhất là những người cao tuổi đều nhớ về một thời tình làng nghĩa xóm nơi mình sinh sống và cố níu kéo nó lại bằng nhiều cách. Chỉ có dịp tết Trung thu là ngày để hàng xóm láng giềng ngồi lại được với nhau. Vì ngày Tết Nguyên đán, người về quê nội, người quê ngoại, còn ngày tết Trung thu hầu như không mấy ai về quê cả. Vậy là chuyện “Trung thu trở thành ngày của người lớn” cũng có lý do của nó. Có khi, nhờ có ngày Trung thu mà hàng xóm (nhất là người trẻ tuổi) mới biết nhau tên là gì, ngày thường cũng chỉ biết là người mới chuyển đến xóm mình ở thôi.

Lướt qua các dãy hàng bán bánh trung thu thì cũng thấy hầu hết bánh cho người lớn, vì bánh với giá bán từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng/hộp thì trẻ con tiền đâu mà mua. Bánh cho trẻ nhỏ giá hơn chục đến vài chục nghìn đồng/cái, nhưng chiếm ở vị trí khiêm tốn trong hàng bán bánh.

Với những người lớn tuổi đã chứng kiến Trung thu xưa và nay thì Trung thu nay vẫn sôi động hơn, dẫu nhiều người lớn tham gia hơn nhưng nó lại là lý do để duy trì, vì họ nắm giữ kinh tế cũng là người đứng ra tổ chức. Trẻ con vui chơi, phá cỗ còn người lớn ngắm trăng để nhớ lại tuổi ấu thơ của mình, cũng là dịp để hàng xóm láng giềng trò chuyện, xích lại gần nhau, thân thiết hơn...

Công Thành

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202009/chuyen-trung-thu-xua-va-nay-2502344/