Chuyện từ những tấm lòng thiện nguyện của người Hà Nội - Kỳ cuối: Không cần trái tim lớn, mà là nhiều trái tim ấm áp

Họ là những con người mang trái tim nhiệt thành, vô ưu nhất để gieo hạt mầm nhân ái nở hoa đến với cộng đồng.

Yêu thương nhân lên

Cuộc trò chuyện với bà Phan Thị Bính, 64 tuổi, tổ dân phố số 22, khu dân cư số 2 bán đảo Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội, người khởi xướng mô hình xe cấp cứu miễn phí cho bệnh nhân nghèo tại Hà Nội đã cho người viết cảm nhận nghĩa cử cao đẹp của những trái tim thầm lặng. Dù bản thân mang bạo bệnh, tuổi cao sức yếu nhưng với tinh thần “tương thân tương ái”, bà Bính vẫn hết lòng với công việc thiện nguyện.

Bà Bính kể rằng, từ khi mô hình chiếc xe cứu thương đi vào hoạt động khoảng cuối năm 2018, bà luôn túc trực 24/24g để nghe các cuộc điện thoại từ đường dây nóng gọi đến nhờ hỗ trợ. Thời gian đầu, bên cạnh những chuyến xe nghĩa tình, nhiều hoàn cảnh khó khăn, người bệnh nặng được hỗ trợ kịp thời thì bà Bính cũng phải đối mặt với một thách thức không ngờ khác. Bởi, đây là lần đầu tiên tại Hà Nội, có một cá nhân tự bỏ tiền túi mua chiếc xe cứu thương để chở miễn phí cho bệnh nhân nghèo đã khiến nhiều người hoài nghi. Thậm chí, một số người gọi điện chửi bới, đe dọa vì nghĩ nhóm thiện nguyện của bà là lừa đảo. Điều này không làm bà Bính buồn và chán nản. Trái lại, bà Bính lúc nào cũng hoạt bát vui vẻ với công việc thiện nguyện.

Bà Bính từng chia sẻ, để có thể mua được chiếc xe cấp cứu chở bệnh nhân, bà đã phải chia sẻ và nhờ các tấm lòng hảo tâm tham gia. Bản thân bà cũng phải bán đất để lấy tiền mua xe. Các con bà sinh sống nước ngoài cũng tình nguyện đóng góp tiền giúp mẹ làm từ thiện. Thời gian đầu, bà Bính trăn trở làm sao kêu gọi thêm những người lái xe chở miễn phí.

May mắn, nhờ sự truyền thông từ các cơ quan báo chí, bà Bính nhận được nhiều lời đề nghị tình nguyện làm tài xế không lương. Có trường hợp một đôi vợ chồng đã gọi điện đến nhờ bà tư vấn việc mua xe cứu thương và mong muốn được đồng hành cùng với nhóm thiện nguyện của bà để nhân lên những việc làm ý nghĩa cho cộng đồng. Câu chuyện nhân ái từ chuyến xe cứu thương nghĩa tình đã lay động nhiều tấm lòng thiện nguyện khác.

Ngoài vận hành xe cấp cứu miễn phí, bà Bính và những người bạn còn tham gia nấu và phát cơm, cháo miễn phí tại một số BV trên địa bàn Hà Nội. Bà Bính tâm sự: “Phải nói là rất mệt, vì tôi tuổi cũng đã cao nhưng lúc nào cũng luôn chân, luôn tay. Hiện tại, việc phát cháo thì nhóm chúng tôi bắt đầu từ tháng 3-2019, phát cơm thì mới hồi tháng 5 với 3 buổi cháo, 4 buổi cơm trong tuần.

Hiện tại, bà Bính cùng đội ngũ bác sĩ ở Sài Gòn đang triển khai chương trình mổ mắt từ thiện đem lại ánh sáng cho những người nghèo. Bà Bính đã liên hệ với BV Mắt Hà Nội hỗ trợ địa điểm 300 ca mổ được thành công tốt đẹp. Về phần kinh phí, bà Bính cũng kêu gọi 200 triệu đồng từ các tấm lòng hảo tâm và bản thân bà Bính cũng đóng góp 100 triệu đồng vào chương trình.

 PGS.TS.BS Ngô Văn Toàn tại chương trình “Khám và phẫu thuật nhân đạo tại Hà Giang”. Ảnh CLB Sala

PGS.TS.BS Ngô Văn Toàn tại chương trình “Khám và phẫu thuật nhân đạo tại Hà Giang”. Ảnh CLB Sala

Và cho đi mãi

Gần 10 năm trên nẻo đường thiện nguyện, CLB Sala - nhóm tình nguyện nhân đạo trong lĩnh vực y tế-sức khỏe đã đi đến nhiều nơi của dải đất hình chữ S để thăm, khám điều trị, phẫu thuật miễn phí cho những người bệnh nghèo, dân tộc, vùng sâu, vùng xa với mục đích thay đổi của những người bệnh khuyết tật hệ vận động. Người thuyền trưởng của hành trình trao yêu thương là PGS.TS. BS. Ngô Văn Toàn, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình (CTCH), Phó Viện trưởng Viện CTCH, BV Việt Đức. Dù ở tuổi ngũ tuần, công việc tại BV bận rộn nhưng ông vẫn hăng say với công tác thiện nguyện.

Trước đây, BS. Ngô Văn Toàn có cơ hội cùng tham gia những đợt mổ từ thiện cùng đoàn bác sĩ tình nguyện Australia tại Việt Nam. Từ năm 1995 đến nay, BS Toàn chưa từng vắng bóng trong bất kỳ một chuyến từ thiện nào dành cho trẻ khuyết tật Việt Nam do tổ chức chân giả ngoại tuyến P.O.F kết hợp Viện Phẫu thuật Hàn lâm cổ bàn chân Hoa Kỳ thực hiện. Tham gia những chuyến mổ từ thiện với các chuyên gia đầu ngành CTCH của thế giới, bản thân ông tự đặt câu hỏi: Tại sao người Việt Nam không thể chung tay tổ chức chương trình phẫu thuật từ thiện ngay chính quê hương mình? Từ những trăn trở đó, có một CLB Sala ra đời để làm những việc rất nhỏ, thiết thực, cụ thể. Hàng nghìn trường hợp được tư vấn và thăm khám miễn phí, hàng trăm bệnh nhân người lớn và trẻ em được phẫu thuật mổ miễn phí là con số biết nói trên hành trình chia sẻ yêu thương.

Những ngày nắng như đổ lửa không ngăn được những bước chân và trái tim nhiệt huyết của các bác sĩ trong CLB Sala. Họ đã đến với Hà Giang cùng với sự phối hợp với đoàn bác sĩ, chuyên gia CTCH của tổ chức VietCal (Hoa Kỳ), trong chương trình “Khám và phẫu thuật nhân đạo tại Hà Giang”. Qua 3 ngày làm việc tại Hà Giang, chương trình đã thăm khám cho gần 150 trường hợp, phẫu thuật cho 24 bệnh nhân trong đó có 10 bệnh nhi. Bên cạnh hoạt động phẫu thuật nhân đạo, CLB Sala cũng tặng 100 phần quà cho các trường hợp đến khám và 24 bệnh nhân mổ. Hỗ trợ kinh phí đi lại cho các bệnh nhân nghèo vùng xa đến khám. Hỗ trợ kinh phí ăn ở đi lại các cho bệnh nhân được mổ. Song song với hoạt động chuyên môn, CLB còn tặng 200 cặp sách cho các học sinh trường THCS bán trú Quản Bạ đúng dịp tổng kết cuối năm.

Trước đó, hành trình trao yêu thương đã đến với Cao Bằng, khám và phẫu thuật miễn phí cho 90 bệnh nhân khuyết tật vận động có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa của Cao Bằng. Ngoài ra, CLB Sala cũng trao tặng 200 cặp sách cho thầy cô giáo và học sinh trường tiểu học – THCS Sam Luồng.

Đối với BS. Ngô Văn Toàn, phẫu thuật là nhiệm vụ, trách nhiệm của người thầy thuốc, còn làm từ thiện, không đòi hỏi bác sĩ mới làm từ thiện, không phải thật giàu, không phải trái tim “lớn” mà quan trọng là có nhiều người cộng sự “đồng cam cộng khổ” để các hoạt động của CLB đều hơn, hiệu quả hơn.

Những người như bác sĩ Toàn, như bà Phan Thị Bính, như CLB Thiện nguyện Trái tim Hải Âu, CLB Từ trái tim đến trái tim… hay những cơ quan, tổ chức đoàn thể, các bạn trẻ khởi xướng các phong trào thiện nguyện… nhiều và nhiều các cá nhân, tổ chức nữa trên địa bàn TP Hà Nội đang góp những trái tim ấm áp vào dòng chảy chia sẻ trên khắp đất nước. Đó là những người làm từ thiện bằng ngọn lửa ấm từ con tim, kết nối cộng đồng, kết nối những số phận. Tấm lòng, hành động của họ thực sự là nét văn hóa đẹp đẽ của lòng thiện, của sự chung tay. Tấm lòng đó đã kết nối Thủ đô với cả nước, cả nước với Thủ đô, để không ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc sống này.

Nam Dương – Mộc Miên – An Nhiên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/chuyen-tu-nhung-tam-long-thien-nguyen-cua-nguoi-ha-noi-ky-cuoi-khong-can-trai-tim-lon-ma-la-nhieu-trai-tim-am-ap-155740.html