Chuyện tử tế - nhân lên những mầm thiện

Trong cuộc sống hối hả với những toan tính, bon chen vẫn xuất hiện nhiều việc làm tử tế. Công việc có khi kéo dài hàng chục năm, chẳng mang cho họ một chút lợi nhuận nhưng lại mang nhiều điều tốt cho những người xung quanh. Nếu bạn quan tâm đến cộng đồng, xã hội thì bạn sẽ thấy xã hội còn có rất nhiều người đã làm việc tử tế đáng trân trọng và nêu gương.

Cụ ông 10 năm đi nhặt kim tiêm

Hơn một năm nay, ông Nguyễn Văn Bùi, 74 tuổi, ở khu 2, thị trấn Cái Rồng, đành chịu ngồi ở nhà, vì căn bệnh giãn tĩnh mạch ở chân khiến ông không đi lại được, nếu không mắc căn bệnh ấy thì chắc cứ mỗi buổi chiều ông Bùi lại lên đường đi nhặt kim tiêm.

Cứ thế hơn 10 năm qua, ngày nào ông Bùi cũng xách chiếc thùng sơn cũ, cùng với chiếc que kẹp để đi nhặt ống kim tiêm do những người nghiện ma túy dùng xong vất bừa bãi. Ông Bùi sống ở thị trấn Cái Rồng, nhưng ông sang cả các xã lân cận thị trấn để nhặt. Ban đầu người ta cũng không biết ông nhặt về làm gì, sau hiểu ra, họ đều có lời cảm ơn ông giúp cho đường phố, môi trường được sạch sẽ, an toàn hơn, để không nguy hiểm cho người khác.

Một phần số kim tiêm mà ông Nguyễn Văn Bùi thu gom được trong 10 năm qua.

Những lời cảm ơn của bà con, đó là những gì mà ông Bùi nhận được từ công việc suốt 10 năm trời đi làm việc không công. Tuổi già, như bao người khác, ông cũng có nhiều bệnh tật nhưng ông vẫn luôn cố gắng đi thu nhặt kim tiêm vì luôn lo lắng nếu mình không đi gom nhặt lại thì trẻ nhỏ chơi đùa hay bất kỳ ai đó cũng dễ vô tình dẫm phải. Số kim thu về nhiều quá, ban đầu ông đào cái hố sâu gần 2m ngoài vườn nhà để đổ xuống đó đốt đi. Có người hiểu ra bảo ông: “Ông tiêu hủy như vậy vẫn không đảm bảo đâu”. Vậy là, ông để số kim tiêm đó vào một nơi an toàn ở cái chuồng lợn cũ nhà mình, rồi che đậy cẩn thận. Ban đầu vợ con ông thấy sợ, nhưng sau thấy công việc đó cũng không gây hại cho ai trong gia đình, lại an toàn cho nhiều người khác ngoài xã hội lại thôi. Ông gom lại thành đống suốt 10 năm được 30 chiếc thùng đựng sơn 18 lít đầy, ước tính hàng vạn chiếc kim.

Hiện nay vì mang bệnh, ông Bùi tạm ngơi nghỉ công việc không công đã gắn bó hơn 10 năm qua. Số kim tiêm ông gom nhặt về đã được các đơn vị chức năng đem đi tiêu hủy. Điều ông Bùi thấy vui là ngày nay, lớp trẻ giờ cũng đã có nhận thức, số người nghiện đã ít đi nên ông cũng phần nào an ủi được tinh thần. Ông chỉ mong sao, lớp trẻ không còn ai dại dột nghiện ngập, để đừng có kim tiêm rơi vãi trên đường tạo thành mối nguy hại cho cộng đồng.

Cả đời gắn bó với rừng cò

Ông Phạm Văn Hà, thôn Làng Ruộng, xã Đại Bình, huyện Đầm Hà, năm nay đã 72 tuổi. Tôi đến thăm ông, thấy bàn tay ông run run khi pha trà mời khách, do căn bệnh pakinson hành hạ. Suốt mấy chục năm nay ông chấp nhận cuộc sống túng thiếu, khi mà người khác được giao rừng thì họ chặt đi để trồng keo, còn ông giữ lại rừng tự nhiên để làm chốn đi về của cò, mà không có thu nhập gì. Ông Hà trông cò từ khi mái tóc còn xanh, nay mái đầu đã bạc phơ rồi.

Ông Hà cứu một con chim non rơi từ trên tổ xuống.

Ông đưa tôi lên rừng cò, chân ông run rẩy dò dẫm bước trên những thảm lá mục đầy phân cò. Ông bảo: “Tôi đã già yếu rồi, nhưng các con chẳng đứa nào muốn thay thế tôi làm việc trông cò”. Rừng cò hiện dần lên trước mắt, một khu rừng hỗn hợp nhiều loại cây, trong đó nhiều nhất là tre, dóc. Ông Hà chợt giật mình vì thấy một chú cò chân bị buộc sợi dây vì mắc phải bẫy của bọn săn cò, may sao cò còn bay được về. Ông cẩn thận tháo sợi dây ra khỏi chân chú cò, ông bảo: “Cò khôn lắm, nó biết bay về đây thì sẽ sống”. Ông vuốt nhẹ vào đầu con cò rồi mắng yêu: “May cho mày nhé, không lại bị nướng chả rồi”. Con cò lờ đờ mệt mỏi, vì trước đó nó cố vùng vẫy khỏi bẫy thợ săn, nó đập cánh chậm chạp rồi từ từ bay lên không trung. Đôi mắt ông Hà ngước nhìn theo và ánh lên niềm vui.

Tổ cò trong rừng thường làm rất tuềnh toàng, cò con hay bị rơi xuống dưới. Hầu như về mùa cò sinh nở, ngày nào vào rừng ông Hà cũng nhặt được chú cò non bị rơi. Ông cẩn thận nhặt chú cò đặt lên cành cây, để khi chim mẹ đi kiếm ăn về lại đưa con mình về tổ. Vườn cò giống như cái chợ vỡ, đủ loại giọng cò lớn, cò bé, cò mẹ, cò con. Dường như chúng cảm thấy yên tâm khi về đến rừng của ông Hà, là thế giới riêng của chúng.

Năm 1979, ông Hà rời quân ngũ và được tiếp nhận khu rừng ở thôn Làng Ruộng, xã Đại Bình. Thời điểm đó, nơi đây còn rất hoang vắng, ban đầu khu vườn rừng nhà ông cũng đã xuất hiện khoảng trăm con cò, rồi chúng kéo đến ngày một đông, làm tổ rồi sinh con đàn cháu đống, khiến khu vườn rừng nhà ông Hà trở thành rừng cò. Theo cán bộ UBND xã Đại Bình thì rừng cò có đến hàng vạn con. Công việc trông nom rừng cò cũng rất vất vả và bận rộn, bởi có những thời gian ông phải thức trông rừng vì sợ bọn săn trộm vào săn cò ban đêm, rồi lại ban ngày. Những năm gần đây, việc trông cò của ông Hà đã nhàn hơn trước. Xã Đại Bình đã cử cán bộ chuyên theo dõi bảo vệ đàn cò, hễ nhận được điện thoại của ông Hà báo có kẻ đến săn trộm cò là lập tức cùng công an và dân quân xã vào cuộc truy đuổi. Nhờ được bảo vệ, mà rừng cò ngày nay không còn bọn đến săn trộm và số lượng cò được nhân lên đông đúc.

Ông Hà hiến hơn 3.000m2 đất để làm đường dẫn lên Cột cờ Đầm Hà.

Năm 2018, công trình Cột cờ Đầm Hà tạo điểm nhấn cho huyện Đầm Hà và xã Đại Bình, được xây dựng tại xã Đại Bình vào tháng 6 và hoàn thành vào tháng 9/2018. Công trình có con đường với 559 bậc thang dẫn lên cột cờ có liên quan đến phần đất gia đình ông Hà. Ông đã tình nguyện hiến luôn 3.000m2 để làm đường lên cột cờ. Việc làm này của ông đã tạo thuận lợi cho du lịch được đưa vào Đại Bình (Đầm Hà), giúp cho việc bảo vệ rừng cò được các cấp thẩm quyền quan tâm hơn, khi đó sẽ có người thay ông bảo vệ rừng cò, khi ông không còn đủ sức để làm công việc này nữa.

Ấm lòng những bát cháo từ thiện

Mấy năm gần đây, cứ buổi sáng khoảng 6 giờ là những người từ các xã nghèo của huyện Ba Chẽ đến điều trị tại Trung tâm Y tế huyện thêm ấm lòng vì có bát cháo miễn phí vào buổi sáng. Thế nhưng ít ai biết được để có bát cháo ấm lòng đó, bà Ngô Thị Thuận, 68 tuổi, ở thị trấn Ba Chẽ, đã phải cùng các thành viên của Hội Chữ thập đỏ, Hội LHPN, Đoàn thanh niên thị trấn Ba Chẽ (huyện Ba Chẽ) thức dậy từ hơn 4 giờ sáng để nấu cháo. Công việc nấu cháo của Bà Thuận chỉ với mục đích giúp những người ở xã nghèo, khi đến điều trị bệnh tại Trung tâm Y tế huyện bớt đi những vất vả khi chữa bệnh.

Bà Thuận (bên trái) hàng ngày dậy từ hơn 4 giờ sáng để nấu và phát cháo cho bệnh nhân ở Trung tâm Y tế huyện Ba Chẽ.

Để có tiền nấu cháo hàng ngày, bà Thuận đi vận động các tổ chức cá nhân có tấm lòng hảo tâm trên địa bàn đóng góp. Ban đầu cháo chỉ được cấp phát cho các hộ nghèo, thế nhưng trong mấy năm gần đây, từ Chương trình xây dựng nông thôn mới, số hộ nghèo ở các xã trên địa bàn huyện Ba Chẽ đã giảm đi rất nhiều, do vậy, cháo từ thiện đã được phát cho tất cả người dân đến từ các xã. Kể từ năm 2016, khi chương trình nấu cháo từ thiện được thực hiện, tính đến hết năm 2018, nguồn huy động xã hội hóa của các tập thể, cơ quan, các nhà hảo tâm, quyên góp được 118,862 triệu đồng và 240kg gạo, tổng số đã phát cho 3.589 lượt bệnh nhân được hưởng thụ. Từ đầu năm 2019 đến nay, tuy chưa có số liệu thống kê (vì chỉ thống kê một lần vào cuối năm) nhưng chương trình vẫn được tiếp tục hàng ngày đến với người bệnh từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần (vì thứ bảy, chủ nhật người bệnh thường về nhà).

Công Thành

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/nhip-cau-nhan-ai/201910/chuyen-tu-te-nhan-len-nhung-mam-thien-2457394/