Chuyển từ 'tháo gỡ khó khăn' sang 'tạo thuận lợi'

'Tôi không thích cụm từ 'tháo gỡ khó khăn' vì như vậy là chúng ta cứ chạy theo khó khăn và vai trò chủ động dẫn dắt của Nhà nước giảm đi rất nhiều. Hãy chuyển từ 'tháo gỡ khó khăn' sang 'tạo thuận lợi', đây là cách tiếp cận tốt hơn', ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất.

Kinh tế thế giới tiếp tục rủi ro, bất định

Sáng 11.1, Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy - Vietnam Economic Times phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức Diễn đàn thường niên Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2024 (lần thứ 16) với chủ đề “Thúc đẩy cơ chế chính sách, thực thi mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới”.

Các đại biểu tham gia phiên thảo luận

Các đại biểu tham gia phiên thảo luận

Điểm lại bối cảnh kinh tế toàn cầu năm 2023, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia cho biết, kinh tế thế giới tiếp tục bất định, đầy rủi ro, tăng trưởng vẫn trên đà giảm. Dẫn chứng công bố của Ngân hàng Thế giới (WB), ông Lực cho biết, GDP năm 2023 chỉ đạt 2,6% (thấp hơn mức 3% năm 2022) và tiếp tục chậm lại vào năm 2024 với mức tăng 2,4% trong năm 2024 khi Mỹ và Trung Quốc tăng trưởng chậm. Cùng với đó, lạm phát giảm từ mức đỉnh 8,6% năm 2022 xuống còn 5% cuối năm 2023 và 3,9% cuối năm 2024.

Một trong những rủi ro, thách thức chính trong năm 2023 - 2024, theo TS. Cấn Văn Lực, đó là xung đột địa chính trị tiếp tục phức tạp và gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn.

Cùng với đó là sự đổ vỡ của một số ngân hàng tại Mỹ, Thụy Sĩ; nợ công và nợ tư tăng; rủi ro thị trường tài chính, tiền tệ toàn cầu, rủi ro nợ xấu và vỡ nợ gia tăng; rủi ro an ninh năng lượng, an ninh lương thực vẫn hiện hữu. "Giá cả, lạm phát, lãi suất toàn cầu giảm nhưng còn ở mức cao, rủi ro tài chính - tiền tệ tăng khiến tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu chậm hơn. Điều này tác động tiêu cực đến xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng, du lịch quốc tế và thị trường tài chính của Việt Nam", TS. Cấn Văn Lực lưu ý.

Củng cố động lực hiện hữu, phát huy động lực mới

Trong bối cảnh đó, để tạo đà tăng trưởng cho năm 2024, vị chuyên gia này nhấn mạnh, cần củng cố, làm mới các động lực tăng trưởng hiện hữu và phát huy, khai thác các động lực tăng trưởng mới.

Cụ thể, thúc đẩy các động lực tăng trưởng hiện hữu bao gồm: đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; kích cầu đầu tư tư nhân và tiêu dùng nội địa; hỗ trợ doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực từ suy giảm xuất khẩu, đầu tư; quan tâm thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng của các đầu tàu nền kinh tế, nhất là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng... Nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách, đặc biệt giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô. Chú trọng cơ cấu lại nền kinh tế sau giai đoạn dài trùng xuống vì đại dịch, chậm trễ xử lý doanh nghiệp, dự án yếu kém.

Đối với phát huy, khai thác các động lực tăng trưởng mới, điểm nhấn là đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện thể chế, nhất là hướng dẫn thực hiện các Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng, các luật sửa đổi khác, cơ chế hỗ trợ trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu… Quan tâm xây dựng thể chế cho phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo, bao gồm cả cơ chế thử nghiệm - sandbox.

Bên cạnh đó, sớm xây dựng Đề án nâng cao năng suất lao động quốc gia; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; tạo môi trường thông thoáng hơn nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo; thành lập Ủy ban Năng suất quốc gia; thực thi hiệu quả liên kết vùng...

Theo bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cấp cao của WB tại Việt Nam, đầu tư tư nhân của Việt Nam đang ở mức rất thấp, chi tiêu của người tiêu dùng có xu hướng chững lại và thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn. Do đó, Việt Nam cần có nhiều chính sách để hỗ trợ các lĩnh vực này. "Việt Nam cần thay đổi để phục hồi kinh tế tư nhân, cùng với đó dần phục hồi chi tiêu tiêu dùng trong nước. Ngoài ra, bên cạnh giao thương quốc tế, thương mại nội địa cũng phải được thúc đẩy", bà Dorsati Madani đề xuất.

Cần không khí mới cho tăng trưởng

Nhấn mạnh năm 2023 thực sự rất khó khăn với cả doanh nghiệp và nền kinh tế, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế của VCCI dẫn chứng:mặc dù số lượng doanh nghiệp thành lập mới đạt kỷ lục là 159.294 doanh nghiệp, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2022 nhưng tốc độ thành lập mới doanh nghiệp lại thấp so với nhiều năm gần đây. Số lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường lại cao kỷ lục; số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 89,1 nghìn doanh nghiệp; 65,5 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; 18.000 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng trầm lắng, xuất khẩu giảm, nhất là với nhiều ngành có vai trò của doanh nghiệp tư nhân rất lớn.

Bước sang năm 2024, theo ông Tuấn, một trong những định hướng quan trọng của Quốc hội và Chính phủ là phải làm sao cho doanh nghiệp đỡ khó khăn hơn. “Tôi không thích cụm từ “tháo gỡ khó khăn” vì như vậy là chúng ta cứ chạy theo khó khăn và vai trò chủ động dẫn dắt của Nhà nước giảm đi rất nhiều. Hãy từ “tháo gỡ khó khăn” chuyển sang “tạo thuận lợi” - đây là cách tiếp cận tốt hơn”, ông Đậu Anh Tuấn nói và nhấn mạnh rằng, “vai trò sẵn sàng trong việc tạo thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có lẽ là điều cần phải làm ở nhiều cấp”.

Trong bối cảnh thị trường còn nhiều thách thức, đơn hàng giảm, ông Tuấn cho rằng, cần giảm chi phí kinh doanh và có gói giải pháp tổng thể cho việc này. “Quốc hội đã chấp thuận giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 8% tiếp tục kéo dài đến giữa năm 2024, song việc giảm thuế, phí và các khoản phải nộp cần được tăng cường hơn. Chi phí về thủ tục hành chính, những khoản về thanh tra kiểm tra định kỳ nếu không cần thiết cần tiếp tục phải giảm để hỗ trợ phục hồi và tháo gỡ khó khăn trong thời gian tới”.

Mặt khác, rất nhiều doanh nghiệp cảm nhận được khi thực hiện thủ tục hành chính ở các địa phương, đó là tâm lý đình trệ, chờ đợi khá phổ biến. Vì vậy, cần thúc đẩy, tạo lập được không khí thực thi tốt hơn nữa ở nhiều cấp. Theo ông Tuấn, có rất nhiều Nghị quyết, nhiều cuộc gặp của Chính phủ song điều này cần chuyển động mạnh xuống cấp địa phương, bộ ngành. Tức là cần một không khí mới cho quá trình phát triển, cho quá trình tăng tốc năm 2024. Bởi nếu chính sách tốt nhưng thực thi không tốt thì hiệu ứng chính sách trên thực tế không cao.

Hà Lan

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/chuyen-tu-thao-go-kho-khan-sang-tao-thuan-loi-i357351/