Chuyện 'tửu hậu, trà dư'

Trong những ngày cuối năm, Tết cận kề, bên tách cafe buổi sáng chúng tôi thường hỏi nhau rằng: Tết này liệu có mất vui vì Nghị định 100?

Tết không men, Tết có còn “bốc”?

Rượu, bia vẫn là chủ đề bàn tán rôm rả nhất với cánh đàn ông mặc dù Nghị định 100 đã có hiệu lực mấy mươi ngày rồi. Uống hay không uống, uống nhiều hay ít, uống lúc nào bây giờ không khác nào “tửu hậu, trà dư”.

Trong những ngày cuối năm, Tết cận kề, bên tách cafe buổi sáng chúng tôi thường hỏi nhau rằng: Tết này liệu có mất vui vì Nghị định 100? Dĩ nhiên với những “đệ tử lưu linh” thì mất vui thật vì họ tụt hết hứng khi không có men trong người, kể cả mất cảm hứng khi...lái xe!

Nhưng nói đi cũng phải nghĩ lại. Tôi đã từng chứng kiến và tham dự những bữa tiệc chúc Tết từ nhà người thân đến bạn bè, đồng nghiệp, đó là những cái Tết ngập ngụa trong cơn say.

Tết mà cứ đưa lên chúc nhau phát là cạn, không cạn bị mang tiếng...thất lễ, có nơi còn bày ra luật “phúc - lộc - thọ”, “vào ba ra bảy” và vô vàn các lý do để mời mọc, khịa nịa.

Đến khi ra về bổ nghiêng bổ ngửa, dắt xe té lên té xuống mà phải về vì đầu năm ai ở lại nhà người khác được! Cũng may là đi đường làng nên tôi phi xuống ruộng, giày thì chiếc còn chiếc mất, xe thì không thể kéo lên được, quần áo đầy bùn đất, quên hết...sĩ diện nên nằm trên yên xe máy ngủ luôn một giấc, khi tỉnh dậy trời đã hửng sáng mới hì hục kéo xe lên và dắt bộ về nhà.Có thể bạn quan tâm

Tôi cũng chứng kiến người bạn của mình đã vĩnh viễn chia tay tuổi thanh xuân để yên nghỉ mãi dưới mảng cỏ xanh...!

Thuở xa xưa, phong tục đầu năm mới, khi khách đến chúc Tết, gia chủ sẽ mời rượu, gọi là ly rượu mừng xuân, không uống nhiều chỉ một đôi ly lấy lệ.

Ly rượu đầu năm thể hiện sự ấm cúng và đoàn kết gia đình, nhưng các ông bà mình thủa xưa chỉ uống 1 ly rượu, thường đó là ly rượu cúng mâm cơm ông bà để hưởng lộc, và khi uống xong thì ông bà cũng không đi đâu xa mà phải ở lại nhà thờ để thắp nhang và hầu, hoặc đi bộ quanh làng để chúc tết nhau.

Nhưng ngày nay thế hệ chúng ta lại làm sai lệch đi nét đẹp đó, nên mỗi khi Tết đến xuân về, ly rượu đầu xuân biến thành “chầu nhậu đầu năm” cũng là điều dể hiểu.

Từ “dzô100%...”

Lâu nay như là một thói quen cố hữu trên bàn ăn người Việt, ly rượu, ly bia là màn chào hỏi đầu tiên để tình cảm con người trở nên thân mật hơn, từ việc thăm nhà, dạm hỏi, đám cưới, tân gia, quan hệ làm ăn đối tác, thăng quan tiến chức, thiết đãi yến tiệc…

Sự hiện diện của rượu, bia luôn thường trực và như một cách để chúc mừng nhau, hỏi thăm nhau trong các buổi tiệc, bởi rượu vào lời ra thì mới được việc, sự đồng lòng của mọi người phải uống hết, cạn ly thì tình nghĩa mới đong đầy (!?).

Phải say mới là vui?

Phải say mới là vui?

Bởi thế, “dzô100%” như một khẩu hiệu chính thức đã hình thành từ bao giờ của dân “nhậu” mỗi khi tụ họp, cũng 100% này mà sau đó là bao chuyện nực cười và cũng nhiều chuyện đau lòng.

Là một doanh nhân, tôi cũng thường có những buổi tiệc với khách hàng, đối tác trên bàn nhậu, uống nhiều thậm chí rất nhiều là khác và những lúc như thế có khi còn quên cả lối về.

Thậm chí ngày mai khi tỉnh dậy còn không nhớ mình hôm qua đã nói những gì và cũng bao chuyện nực cười xảy ra, dĩ nhiên tôi luôn đặt giới hạn cho chính mình trong ăn uống làm sao để không mất ý thức, hành vi gây phiền toái cho người khác.

Tôi cũng có nhiều người bạn làm ăn, đối tác uống dữ tợn và không bao giờ thấy họ say, nhưng sau những cuộc bí tỉ như thế, hôm sau nghe họ kể lại khối chuyện rắc rối xảy ra khiến tôi không khỏi giật mình.

Vì đằng sau 100% ấy không còn là chính mình mà như một thực thể sống nào khác kiểu ma đưa lối quỷ dẫn đường để lại bao hệ lụy cho gia đình, người thân xã hội.

...đến Nghị định 100

Từ lúc Nghị định 100 ra đời như một liều thuốc thức tỉnh mọi người, không chỉ có tác dụng răn đe mà còn là những mức phạt rất nặng đánh thẳng vào tâm lý và kinh tế.

Đặc biệt với việc ra quân đồng loạt của cơ quan ban ngành, chốt chặn kiểm tra tất cả các tuyến đường với những ai tham gia giao thông mà sử dụng rượu bia. Những người thường xuyên đi tiếp khách, quan hệ đối tác như tôi bỗng thấy sợ và phải cẩn thận hơn.

Tức là không phải là tìm cách tránh né các chốt chặn hay kiểm tra của cơ quan chức năng mà sự cẩn thận được nâng lên mức ý thức cho bản thân mình và cả đối tác khách hàng.

Thay vì lúc trước gặp nhau là cháy hết mình 100%, không say không về thì bây giờ lại nhẹ nhàng hơn nhiều, trước khi uống phải có sự cam kết chung của nhau là không được lái xe dù đó là xe gì, phải có người chở về… không nên uống quá say để mất ý thức hành vi.

Thời gian dành cho gia đình nhiều hơn, giúp cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn. Nghị định 100 theo tôi đã góp phần thay đổi nhiều về hệ lụy xã hội như giảm áp lực tai nạn giao thông đường bộ, giảm áp lực kẹt xe mỗi khi đám cưới, tiệc cuối năm và giảm tải bến bãi đỗ xe…

Nghị định 100 là "chốt chặn" tai nạn giao thông rất hiệu quả

Có những ý kiến trái chiều về Nghị định 100 và chi tiết trong từng mức phạt, tuy nhiên với cá nhân tôi cảm nhận thì đó là một tín hiệu rất tốt và hữu ích cho những ngày cuối năm và cận kề tết cổ truyền dân tộc.

Vì thực ra rượu bia chỉ là những chất xúc tác có lợi nếu ta biết uống đúng chỗ, đúng lúc và không lạm dụng thì sẽ mang lại tốt đẹp cho tất cả mọi người, xã hội và giúp mọi người ý thức rõ mình hơn để có những hành động đúng mực trong quan hệ gia đình, xã hội.

Những ngày xuân này có lẽ trước khi hô “dzô100%” chúng ta phải giật mình nghĩ lại Nghị định 100 và chắc chắn những ai vững thần kinh nhất cũng phải e dè trước khi cạn ly.

Cảm ơn báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp đã mở chuyên mục “CẢM XÚC XUÂN” để tôi có thể chia sẻ những suy nghĩ của mình, chúc quý báo và tất cả độc giả năm mới an khang, thịnh vượng!

Vũ Tâm - Tổng Giám đốc Công ty BĐS VIP

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/chuyen-tuu-hau-tra-du-165576.html