Chuyện văn nghệ ở xứ Tiên

Cách đây 30 năm, vào đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, Tiên Phước là huyện miền núi xa xôi cách trở của tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng. Tôi vẫn còn nhớ không nhầm, lúc bấy giờ vùng đất trung du nhấp nhô gò đồi là nơi ươm mầm văn học nghệ thuật của địa phương với kết quả đạt được ngoài mong đợi. Hồi đó cuộc sống của mọi người mọi nhà đều nghèo khó, nhất là những người làm công ăn lương Nhà nước. Tuy nhiên, có một điều “hơi lạ” là nhiều người rất ham “văn nghệ văn gừng”, thích làm thơ viết văn và “xuất bản miệng” khi tụ tập ở các quán cóc bình dân sau một ngày lao động nhọc nhằn.

Những năm tháng ấy, tôi làm phóng viên kiêm biên tập viên của Đài Truyền thanh Tiên Phước. Tôi đề xuất với anh Trần Quang Bửu- Trưởng đài, mở Chuyên mục Văn nghệ chủ nhật phát trên sóng FM của đài huyện. Anh Bửu nhất trí ngay. Lúc bấy giờ đài có hai phát thanh viên là Đỗ Phát và Thu Thương có giọng đọc khá truyền cảm được thính giả yêu thích mến mộ. Nhuận bút không cao, mỗi tạp văn hay truyện ngắn, mỗi chùm thơ… được phát sóng, tác giả được chi trả khoản tiền đủ để cà-phê thuốc lá độ dăm ba hôm, hoặc một chầu rượu gạo thừa sức khao vài người bạn thân quen. Anh Bửu và tôi không ngờ Chuyên mục Văn nghệ chủ nhật của đài huyện lại được các bạn viết ở các cơ quan ban ngành của huyện và các em học sinh Trường cấp 3 Huỳnh Thúc Kháng nhiệt tình cộng tác. Xí nghiệp Chế biến tổng hợp huyện có Phạm Văn Đốc. Phòng Văn hóa - thông tin (VH-TT) huyện có Trần Hữu Phước. Hiệu sách nhân dân huyện có Lê Trường Long. Khu vực trung tâm huyện có Đoàn Ngọc Hy, Phan Xuân Lĩnh. Trường cấp 3 Huỳnh Thúc Kháng có Nguyễn Thị Diệu Hiền, Nguyễn Thị Thanh Thảo, Nguyễn Thị Anh Thư, Hoàng Diễm…

Ngõ đá ở xóm Bàu như một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt được thu vào ống kính của nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh.

Ngõ đá ở xóm Bàu như một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt được thu vào ống kính của nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh.

Chuyên mục Văn nghệ chủ nhật của đài huyện trở thành nơi giới thiệu những sáng tác “cây nhà lá vườn” của những người cầm bút ở địa phương. Anh Nguyễn Trịnh (nay đã mất) làm Trưởng phòng VH-TT huyện thấy vậy, nảy ra sáng kiến thành lập Câu lạc bộ Thơ - nhạc nhằm tạo “sân chơi trí tuệ” cho những ai yêu thích văn học nghệ thuật. Anh bàn với lãnh đạo đài huyện phối hợp thực hiện. Câu lạc bộ do Phòng VH-TT huyện quản lý, tổ chức sinh hoạt theo định kỳ. Đài Truyền thanh Tiên Phước đảm nhận khâu âm thanh, ánh sáng và thu âm các tiết mục thơ nhạc để phát trên sóng đài huyện. Cho đến nay, đã 30 năm trôi qua, nhưng tôi vẫn nhớ mãi cái đêm ra mắt Câu lạc bộ Thơ - nhạc tại Thư viện H. Tiên Phước. Người yêu thích thơ nhạc ngồi kín khán phòng, đứng tràn ra cả hành lang. Họ là các cô giáo, thầy giáo dạy văn, là các em học sinh Trường cấp 3 Huỳnh Thúc Kháng. Đặc biệt, có không ít người làm nghề bốc vác, chạy xe đạp thồ… cũng đến dự để được nghe bạn của họ - anh Đoàn Ngọc Hy, đọc những bài thơ viết lúc ngày say. Đêm ra mắt Câu lạc bộ Thơ - nhạc, Phạm Văn Đốc đọc hai bài thơ do anh sáng tác là “Không tên” và “Chuyện cau trầu và dòng sông” đã nhận được những tràng vỗ tay tán thưởng của đông đảo khán giả.

Qua “sân chơi trí tuệ” do anh Nguyễn Trịnh khởi xướng, sau này nhiều bạn viết tiếp tục khẳng định mình và tiến xa hơn nữa. Trần Hữu Phước có nhiều truyện viết cho tuổi mới lớn được Nhà xuất bản Kim Đồng chọn in thành sách. Lê Trường Long có thơ in đều đều trên tạp chí Đất Quảng. Nguyễn Thị Anh Thư, Nguyễn Thị Thanh Thảo có nhiều sáng tác mới được đăng trên các báo và tạp chí… Phạm Văn Đốc là kỹ sư Hóa - sinh, qua Câu lạc bộ Thơ - nhạc, lãnh đạo huyện phát hiện ra thơ anh giàu hàm lượng trí tuệ, cách biểu đạt mới mẻ và quan trọng hơn là anh “có nghề” trong việc viết lách. Vì thế, lãnh đạo huyện đã điều chuyển anh sang làm công tác khác để phát huy năng lực của mình. Và hiện nay anh đảm nhận cương vị Bí thư Huyện ủy Tiên Phước. Còn tôi, nhờ tham gia câu lạc bộ mà có được tập thơ “Than lửa và tàn tro” (NXB Đà Nẵng - 1992). Lúc bấy giờ anh Nguyễn Khánh (nhà thơ Mỹ An) làm Trưởng phòng GD-ĐT huyện mua 300 tập thơ của tôi để cấp phát cho các trường học trong huyện. Không ngờ tập thơ của tôi lại gợi cảm hứng sáng tác cho các thầy cô giáo để rồi sau đó Phòng GD-ĐT huyện tuyển chọn những bài thơ có chất lượng tốt và in thành tập “Khúc tâm tình yêu thương”. Sở GD-ĐT Quảng Nam- Đà Nẵng “học tập và làm theo cơ sở” cho ra mắt bạn đọc tuyển tập thơ văn “Ký ức thời gian”.

Đường quê xóm Bàu, xã Tiên Cảnh, nơi thu hút nhiều văn nghệ sĩ đến tham quan.

Năm tháng trôi qua. Bây giờ ở Tiên Phước đã có thêm nhiều người cầm bút, đơn cử như Nguyễn Thị Kim Thiện (Phòng VH-TT huyện) đã có thơ đăng trên nhiều tờ báo lớn của cả nước. Còn những người thuộc lớp cha anh trưởng thành từ Câu lạc bộ Thơ - nhạc thuở nào, hiện là hội viên Hội VH-NT Quảng Nam: Lê Trường Long, Nguyễn Thị Thanh Thảo, Mỹ An (Nguyễn Khánh), Nguyễn Tam Mỹ (Thái Nguyên Tài) và Nguyễn Ba (họa sĩ). Thiết nghĩ H. Tiên Phước nên tạo điều kiện bằng cách thành lập Câu lạc bộ Thơ - nhạc để anh chị em cầm bút ở quê hương có một “sân chơi trí tuệ” nhằm sáng tạo nên những tác phẩm có chất lượng cao viết về nơi mình đang sống. Bởi anh chị em là những người “nằm vùng” ở cơ sở, hiểu rõ về những đổi thay của quê hương hơn ai hết.

NGUYỄN TAM MỸ

Ngõ đá ở xóm Bàu như một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt được thu vào ống kính của nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh.

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_226079_chuyen-van-nghe-o-xu-tien.aspx