Chuyển vạt da cuống mạch 'lấp đầy' vết thương khuyết hổng gót chân cho trẻ

Trong thời gian được nghỉ học ở nhà để phòng chống lây nhiễm Covid-19, D. bị tai nạn. Các bác sĩ đánh giá vết thương khuyết hổng vùng gót chân của bệnh nhi khá nghiêm trọng, đã lộ gân và xuất hiện tình trạng viêm, chảy dịch…

Vết thương lõm sâu ở gót chân của trẻ.

Vết thương lõm sâu ở gót chân của trẻ.

Trung tâm Sản Nhi (BV Đa khoa Phú Thọ) vừa thực hiện thành công phương pháp chuyển vạt da cuống mạch liền trong điều trị khuyết hổng phần mềm vùng gót chân do tai nạn.

Bệnh nhi N.Đ.D (10 tuổi, trú tại Đoan Hùng – Phú Thọ) được đưa đến Trung tâm Sản Nhi trong tình trạng gót chân bên trái có một vết thương khuyết hổng phần mềm kích thước 4x5cm, lộ gân Achilles, sưng đau và chảy dịch.

Theo thông tin từ phía gia đình, trong thời gian được nghỉ học ở nhà để phòng chống lây nhiễm Covid-19, D. bị tai nạn chấn thương mất vạt da phần gót chân trái do đưa gót chân vào nan hoa xe đạp khi xe đang chạy nhanh xuống dốc.

Tại Trung tâm Sản Nhi, qua thực hiện khám lâm sàng và tổng hợp các kết quả xét nghiệm, chiếu chụp, các bác sỹ đánh giá vết thương khuyết hổng vùng gót chân của bệnh nhi khá nghiêm trọng, đã lộ gân và xuất hiện tình trạng viêm, chảy dịch. Sau khi hội chẩn, các bác sỹ quyết định phẫu thuật che phủ vết thương bằng phương pháp chuyển vạt da cuống mạch liền.

Theo ThS.BS chấn thương chỉnh hình Trần Thanh Hoàn – Trung tâm Sản Nhi, phẫu thuật chuyển vạt da cuống mạch liền là phương pháp có ý nghĩa quan trọng trong điều trị các khuyết hổng phần mềm, nhất là các vị trí ít phần mềm như ở 1/3 dưới cẳng chân, gót chân hay mu bàn chân.

Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhi.

Đối với trường hợp bệnh nhi N.Đ.D, các bác sỹ đã lấy một vạt da cân vùng giữa bắp chân, có mạch nuôi đi từ dưới cổ chân lên quay xuống che phủ cho vùng gót chân. Với kỹ thuật này, vạt da không sống bằng nguồn nuôi tại chỗ mà sẽ được nuôi sống bằng mạch máu theo vạt, do đó đòi hỏi phẫu thuật viên phải nắm rất rõ và chính xác về mạch máu, thần kinh để thiết kế vạt và cuống vạt.

Đồng thời quá trình phẫu thuật cần hết sức tỉ mỉ, cẩn thận, không được làm tổn thương hay đụng dập mạch máu trong vạt và trong cuống vạt; khi xoay vạt không để gập góc mạch máu cuống vạt gây tắc mạch dẫn đến hoại tử vạt da mới được chuyển.

Vết lõm ở gót chân của trẻ đã được "lấp đầy"

Đáng lưu ý, việc chăm sóc vạt da sau phẫu thuật cũng là vấn đề hết sức quan trọng. Bác sỹ sẽ phải theo dõi liên tục để đánh giá mức độ sống của vạt, từ đó có những xử lý can thiệp kịp thời khi cần thiết. Phẫu thuật được đánh giá là thành công khi tình trạng sức khỏe bệnh nhân được ghi nhận có tiến triển tốt; vạt da che phủ vết thương hồng hào; vết mổ khô; mọi vận động của cơ chân được đảm bảo hoạt động bình thường. Sau 6 ngày điều trị hậu phẫu, bệnh nhi D. được đánh giá có đầy đủ các yếu tố trên nên được cho xuất viện.

Chuyển vạt da cuống mạch liền là một kỹ thuật khó và phức tạp, đặc biệt khi thực hiện trên trẻ em bởi mạch máu nhỏ và thường bị co lại trong quá trình phẫu thuật.

N. Huyền

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/chuyen-vat-da-cuong-mach-lap-day-vet-thuong-khuyet-hong-got-chan-cho-tre-post338777.info