Chuyện về an toàn chung cư- Bài 3: Người lớn cũng phải học kỹ năng sống ở chung cư cao tầng

Câu chuyện về an toàn nhà chung cư không phải đến trường hợp bé N.P.H rơi từ tầng 12 tòa nhà 60B Nguyễn Huy Tưởng người ta mới nhắc đến, mà hàng năm, bất cứ khi nào xảy ra những vụ tai nạn thương tâm vấn đề này đều nóng hôi hổi.

Ngặt một lỗi, nóng là như thế, mỗi lần người ta lại tìm ra một cách để cho căn hộ mình ở an toàn hơn, thế nhưng năm này qua năm khác, vẫn cứ xót xa khi nghe tin về cô, cậu bé nào đó tử vong do rơi từ tầng cao xuống. Vậy thì nguyên do tại đâu?

Nói về vấn đề này sau tai nạn của bé H, anh N.B.H, kỹ sư xây dựng, đã có kinh nghiệm thi công và làm chủ nhiệm nhiều công trình chung cư cho biết, những tai nạn đó nếu đổ lỗi cho chủ đầu tư là không thể. Bởi theo anh, bất cứ công trình chung cư nào khi xây dựng cũng đều tuân thủ khá nghiêm ngặt những quy định về an toàn cho người sử dụng.

“Theo Quy chuẩn Xây dựng Việt Nam (QCXDVN) 05:2008/BXD, lô gia và sân thượng ở các vị trí cao từ tầng 9 trở lên phải có chiều cao tối thiểu là 1400mm. Tương tự, cửa sổ các phòng chỉ được làm cửa lật hoặc cửa trượt có cữ an toàn khi mở, vị trí của các bộ phận điều khiển đóng mở cũng phải cao ít nhất từ 1400mm tính từ mặt đất. Thậm chí khoảng cách giữa hai thanh lan can cũng được quy định rất rõ, độ rộng tối tiểu không quá 10cm", anh H. cho biết.

Quy chuẩn Xây dựng Việt Nam đã quy định rất rõ chiều cao của ban công, lô gia

Quy chuẩn Xây dựng Việt Nam đã quy định rất rõ chiều cao của ban công, lô gia

Cũng theo anh, mặc dù QCXDVN đã chỉnh sửa nhiều lần, thế nhưng hầu như chiều cao ở vị trí như ban công, lô gia, cửa sổ đều không thay đổi. Theo đó, QCVN 04-1:2015/BXD – Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về nhà ở và công trình công cộng cũng quy định, cửa sổ các phòng từ tầng 9 trở lên chỉ được làm cửa lật hoặc cửa trượt. Vị trí của các bộ phận điều khiển đóng mở cửa phải thực hiện theo QCVN 05:2008/BXD. Rào hoặc lan can chống rơi ngã tại các cửa sổ đối với phòng từ tầng 9 trở lên phải không thấp hơn 1,4m; đối với phòng dưới tầng 9 phải không thấp hơn 1,1m.

Với QCVN:2019/BXD, vẫn tiếp tục rào, lan can ban công và lô gia, bao gồm cả chiều cao từ sàn đến mặt dưới lỗ cửa/bậu cửa sổ trong nhà chung cư, nhà chung cư hỗn hợp không được nhỏ hơn 1,4m.

Như vậy theo anh H, từ trước đến nay, quy chuẩn trong xây dựng vẫn không hề thay đổi về độ cao ban công, lô gia hay vị trí lật mở cửa sổ. “Nếu theo như các báo đưa về độ cao an toàn mà Cục trẻ em đưa ra, rằng lan can nhà ban công cao tầng tối thiểu phải cao 1,1m thì hiện các công trình chung cư từ 2010 trở lại đây hoàn toàn đáp ứng được giới hạn an toàn.”

Trả lời về thắc mắc liệu các công trình có bớt đi chiều cao của ban công hay lô gia khi thi công thực tế, anh H cho rằng, đây là việc rất khó có thể xảy ra. “Các nhà đầu tư không dại gì đi làm sai một hạng mục có thể dễ dàng đo đếm. Họ có thể ăn gian, nhập nhằng về diện tích, hoặc cũng có thể lập lờ, đánh tráo vật liệu chứ hoàn toàn không hạ thấp ban công hay lô gia” - anh H dẫn chứng việc này bằng câu chuyện, mặc dù đã có rất nhiều vụ trẻ em ngã từ ban công, lô gia nhà chung cư tử vong, nhưng chưa nhà đầu tư nào bị đưa ra tòa. “Bởi trong trường hợp này, họ hoàn toàn xây đúng theo quy chuẩn” - lời anh H.

Ngoài các biện pháp an toàn trong căn hộ, chính người lớn cũng phải học lại kỹ năng sống ở chung cư cao tầng

Quy chuẩn đã rõ, các chủ đầu tư cũng không sai. Trao đổi về vấn đề này, chị N.T.H, khu đô thị Ecopark quan điểm: “Thực sự cũng phải đặt ra trách nhiệm của các bậc phụ huynh trong các câu chuyện đau lòng này. Trẻ em từ 3 – 6 tuổi là lứa tuổi hiếu động lại chưa đủ ý thức về sự nguy hiểm, nên nếu lơ là, không chỉ việc rơi ngã mà bất cứ điều gì cũng khiến chúng tổn thương. Quay lại chuyện chung cư, về câu chuyện cô bé bên khu Rừng Cọ chui từ phòng ngủ ra ngồi vắt vẻo ở bên ngoài cửa sổ cuối năm 2019 nhiều người đổ lỗi cho chủ đầu tư thiết kế dở. Nhưng thực tế theo thiết kế vị trí đó chỉ mở được khoảng 5 – 10cm, được khống chế bởi một cái chốt. Nhưng đa phần các gia đình khi sinh sống đã tháo cái chốt đó ra để thoáng nhà. Thế mới có cơ hội để một đứa trẻ 5 tuổi có thể leo ra”.

Cũng cùng quan điểm việc xảy ra những tai nạn thương tâm phần lớn là do người lớn chủ quan, chị T.T.L, khu chung cư Him Lam Thạch Bàn, Long Biên nói: “Vị trí cửa sổ đa phần ở các nhà chung cư đều rất cao. Thế nhưng do để đủ công năng cho ngôi nhà, nhiều những căn hộ chủ đầu tư thiết kế phòng ngủ tương đối nhỏ. Và để gọn gàng, nhiều hộ gia đình sắp xếp vị trí giường sát cửa sổ. Đây cũng là lỗi hớ hênh để các bé có thể dễ dàng trèo lên cửa sổ”.

Như vậy, không phải trẻ em, có lẽ chính người lớn mới là đối tượng nên học lại kỹ năng sống tại các khu nhà cao tầng song song với những việc triển khai triển khai các biện pháp an toàn trong căn hộ. Với trẻ từ 0 – 6 tuổi, do chưa thể dạy chúng kỹ năng thoát hiểm nên phụ huynh phải thường xuyên để mắt đến trẻ nhỏ; tuyệt đối không để trẻ ở nhà một mình vì điều này dễ khiến trẻ hoảng sợ, lo lắng và hay tìm cách thoát ra ngoài tìm người thân…

Minh Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/chuyen-ve-an-toan-chung-cu-bai-3-nguoi-lon-cung-phai-hoc-ky-nang-song-o-chung-cu-cao-tang-230228.html