Chuyện về các cột mốc biên giới tại Bảo tàng Quảng Ninh

Tại không gian lòng thuyền, tầng 2 của Bảo tàng Quảng Ninh hiện đang trưng bày 3 cột mốc biên giới đã được dựng vào năm 1890 và 1 cột mốc dựng năm 1893 trên đất Móng Cái xưa… Báo Quảng Ninh điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh

Các em học sinh tham quan cột mốc cổ trưng bày tại Bảo tàng Quảng Ninh.

Các em học sinh tham quan cột mốc cổ trưng bày tại Bảo tàng Quảng Ninh.

Các cột mốc này nằm trong số hơn 40 cột mốc đã được cắm trên toàn bộ đường biên giới dài hơn 100km giữa tỉnh Quảng Yên (nay là tỉnh Quảng Ninh) với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) sau Công ước Pháp - Thanh năm 1887, nhằm phân chia lại đường biên giới giữa Bắc Kỳ và Trung Quốc.

Trải qua hàng trăm năm phơi mưa nắng, các cột mốc làm từ đá khối tự nhiên này còn khá nguyên vẹn với những thông tin lưu trên cột, về số mốc, năm lập mốc, các chữ bằng tiếng Hán, tiếng Pháp, phiên dịch ra là: Biên giới Trung Quốc - An Nam (theo cách gọi nước ta của người Pháp lúc đó).

Cột mốc số 9 hiện được trưng bày tại Đồn Biên phòng Bắc Sơn (xã Bắc Sơn, TP Móng Cái).

Cột mốc biên giới gắn liền với chủ quyền quốc gia của mỗi dân tộc. Trải qua thời gian, hệ thống đường biên, cột mốc quốc giới đã trở thành di sản văn hóa với các giá trị khoa học, lịch sử, quân sự, ngoại giao độc đáo. Sớm ý thức được điều này, ngay từ năm 2006, khi tỉnh đang chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng tiến hành công tác phân giới, cắm mốc trên biên giới Quốc gia Việt Nam - Trung Quốc trên địa phận Quảng Ninh, Bảo tàng Quảng Ninh đã đề nghị được sưu tầm các cột mốc cổ này. Từ sự đồng thuận của tỉnh, sự giúp sức của các cán bộ Ban Phân giới cắm mốc (Bộ đội Biên phòng tỉnh), Bảo tàng Quảng Ninh đã sưu tầm được 4 cột mốc kể trên. Gần đây, Bảo tàng Quảng Ninh tiếp tục sưu tầm được 2 cột mốc số 13, 14 tại huyện Hải Hà.

Qua tìm hiểu từ các nguồn tư liệu, chúng tôi được biết, 4 mốc giới cắm tại Móng Cái đều nằm ở những vị trí rất quan trọng. Trong đó, mốc số 2 dựng tại khu vực Lục Lầm, mốc số 3 dựng sát bờ đê ven sông biên giới Bắc Luân, mốc số 5 dựng trên đồi phía Tây Nam đầu cầu Bắc Luân, mốc số 12 dựng gần bờ sông biên giới tại thôn Nậm Si, Pò Hèn (nay thuộc xã Hải Sơn, TP Móng Cái). Riêng 2 mốc số 13, 14 hiện chưa tìm được địa điểm cắm mốc.

Ông Kiều Đinh Sơn, Giám đốc Bảo tàng Quảng Ninh, cho hay: Thông thường, các cột mốc cũ sẽ bị phá hủy đi sau khi có hệ thống cột mốc mới thay thế. Các cột mốc cũ làm bằng đá khối, cao tầm 2m và nặng tới vài tạ/cột, vì thế, nếu không có sự chủ động của đơn vị thì cũng khó lưu giữ được bởi việc đào rồi vận chuyển về nguyên vẹn từ địa hình đồi núi biên giới gập ghềnh, nhiều sông suối là không dễ. Quá trình thực hiện phân giới cắm mốc của Quảng Ninh, một số đơn vị biên phòng cũng giữ lại được một số cột mốc, chúng tôi rất mong sưu tầm thêm, bổ sung vào bộ sưu tập cột mốc biên giới quốc gia cổ của đơn vị, để trưng bày phục vụ người dân và du khách gần xa.

Ngọc Mai

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/201904/chuyen-ve-cac-cot-moc-bien-gioi-tai-bao-tang-quang-ninh-2437325/