Chuyện về chiếc lồng bàn 'siêu thủ công' có giá lên tới 30 triệu đồng

Đã hàng trăm năm nay, vật dụng này là thứ vô cùng quen thuộc, nhất là ở vùng quê. Chiếc lồng bàn đan bằng tre hoặc bọc vải màn, dù đơn giản nhưng đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm cho cả gia đình...

Hiện nay ngoài lồng bàn tre, còn có nhiều loại lồng bàn bằng nhựa hoặc bằng inox khá đẹp, hay lồng bàn giữ nhiệt gọn gàng, nhẹ nhàng như một chiếc màn chụp mini... Tuy nhiên với nhiều người, lồng bàn bằng mây tre vẫn mang lại một cảm giác thân quen, ấm áp, thân thiện với môi trường.

Đặc biệt, lồng bàn mây, tre không chỉ che đậy thức ăn mà còn là sản phẩm trang trí bằng cách treo tường tại các quán ăn hay để làm điểm nhấn decor cho tường nhà. Một số kiến trúc sư còn dùng lồng bàn mây tre để trang trí trần nhà bằng cách xếp đan xen với những bóng đèn âm trần, rất đẹp mắt.

LÀNG NGHỀ PHỤC VỤ CUỘC SỐNG

Trong phát triển làng nghề thủ công truyền thống, nghề mây tre đan chiếm một vị trí quan trọng. Trải qua hàng trăm năm phát triển, nghề mây tre đan luôn giữ được chỗ đứng nhất định trên thị trường tiêu dùng. Làng nghề Phú Vinh (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) là ngôi làng tiêu biểu nhất trong sản xuất mây tre đan tại miền Bắc, nơi đã tạo ra những sản phẩm đẹp mắt và tinh xảo, phát huy sáng tạo đưa sản phẩm làng nghề dần đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật mây tre đan.

Theo dòng lịch sử, nghề mây tre đan truyền thống đã tồn tại và phát triển ở làng hơn 400 năm. Làng Phú Vinh được hình thành từ năm 1700, với tên gọi ban đầu là làng Phú Hoa Trang (Trời phú cho dân có bàn tay lụa), vì người dân nơi đây có bàn tay khéo léo, điệu nghệ, giỏi đan lát mây tre. Và cứ thế, theo nghề “cha truyền con nối”, những đứa trẻ làng Phú Vinh lớn lên đã nằm lòng các thuộc tính của từng cây tre, từng sợi mây. Những người thợ lành nghề càng ngày càng tạo ra nhiều các sản phẩm mây tre đan đẹp mắt, tinh xảo, đa dạng về mẫu mã, chủng loại.

Trước đây, đồ mây tre đan Phú Vinh sản xuất chủ yếu là để phục vụ cho cuộc sống hàng ngày như: thúng mủng, dần, sàng, túi, hộp đựng… Ngày nay, làng có nhiều mẫu mã, chủng loại đòi hỏi kỹ thuật cao như tranh chân dung, phong cảnh, hoành phi câu đối, chim thú hay sản phẩm gốm sứ quấn mây, các đồ dùng trang trí nội thất như: chao đèn, rèm cửa… Đặc biệt nhất, những ngày gần đây đã có rất đông khách du lịch tìm về đến làng nghề để tận mắt chiêm ngưỡng quá trình làm ra chiếc lồng bàn “đắt nhất Việt Nam”.

Vợ chồng ông Trần Văn Khá và bà Nguyễn Thị Tiến bên một sản phẩm mới hoàn thành.

Đây là sản phẩm sáng tạo của vợ chồng ông Trần Văn Khá và bà Nguyễn Thị Tiến. Ông Khá cho biết: “Vợ tôi làm nghề từ rất sớm, mới lên 6 tuổi đã biết làm nghề và gắn bó với nghề đến nay cũng hơn 60 năm. Còn tôi đi bộ đội, mãi đến sau giải phóng năm 1975, tôi mới về lại quê nhà cùng làm nghề mây tre đan với vợ. Bà ấy nổi tiếng ở làng vì tốc độ đan tre mây nhanh gấp hai, ba người bình thường. Trước kia đan làn xách, tất cả các chị em mới đan chưa xong 4 cái thì bà có thể đan xong 8 cái rồi”.

Theo lời ông Khá, năm 2001 ông tâm sự với bà Tiến muốn chuyển đổi sang một sản phẩm khác độc đáo hơn những sản phẩm hiện có tại làng mình, đó là chiếc lồng bàn. Ban đầu, ông còn hỏi bà có tự làm được không hay cần đi học thêm kinh nghiệm, nhưng bà trả lời ngay: “Ông cứ nghĩ ra sản phẩm, cái gì tôi cũng làm được, không phải đi học ở đâu”.

Ông Khá kể xưa kia ở làng, ông từng trông thấy những chiếc lồng bàn nhà nghèo đan bằng tre kiểu nong mốt, trong khi lồng bàn nhà giàu đan bằng mây. Thời gian đi bộ đội, qua nhiều miền quê khác nhau, ông đã nhìn thấy cả những chiếc lồng bàn với hình rồng phượng, đường kỷ hà, khoảng trống và khoảng hoa văn được bố trí hài hòa, nhìn rất quý phái, sang trọng. Ông nghĩ, nếu mình cũng sản xuất những sản phẩm tinh xảo như vậy, giá trị kinh tế thu được chắc chắn sẽ cao hơn.

CHIẾC LỒNG BÀN ĐẮT NHẤT VIỆT NAM

Nghĩ là làm, công đoạn đầu tiên là ông bà đi mua 50kg mây từ các khu chợ tại Thạch Thất (Hà Nội), sau đó lọc ra được khoảng hơn 10kg mây già, đẹp, óng dài, thân thon đều để lại đan kết. Chẻ mây xong thì đem đi sấy cho khô, kiểm tra thấy trắng rồi phơi, nhưng không được phơi lâu kẻo sợi mây sẽ bị biến màu sang ố đỏ. Trải qua nhiều công đoạn cạo vỏ, chẻ nan, ông Khá chuốt được những sợi mây dài tới 4 mét. Yêu cầu của những sợi mây là phải dài, mảnh, trắng muốt, mỏng mịn như tờ giấy pơ-luya.

Sau đó, ông sẽ có nhiệm vụ xâu núm, còn bà sẽ ngồi tết hoa. Có hai loại hình hoa cho lồng bàn đặc biệt này là hoa xác rắn và hoa dế. Theo lời bà Tiến, sở dĩ ông bà chỉ đan hai loại này vì những hình hoa khác tuy có thể đẹp nhưng lại không đạt được công năng sử dụng, dễ để ruồi muỗi lọt vào. Mỗi phần của chiếc lồng bàn sử dụng kiểu sợi mây khác nhau từ mây để làm núm lồng bàn, mây để tết hoa, mây để làm mâm, đến mây để đan khung...

Trong khi những chiếc lồng bàn truyền thống đan từ những nan to, đề cao tính chắc chắn, bền bỉ, thì bà Tiến làm cuộc cách mạng tạo ra chiếc lồng bàn như những sợi tơ kết vào nhau. Những sản phẩm đầu tiên được đan với 300 sợi nan dọc (công), về sau cải tiến cho sợi nhỏ như sợi tóc, lên đến con số 1.200 công. Thời gian làm chiếc núm mất ba ngày, làm mâm mất 7 ngày và thêm 7 ngày đan khung. Thành quả làm ra là chiếc lồng bàn mây tre chỉ nặng vỏn vẹn 290 gram. Theo bà Tiến, một chiếc lồng bàn ông bà có thể hoàn thành trong thời gian nhanh nhất là 16 ngày.

Có một thương lái trước kia chuyên buôn hàng mây, ghé vào thấy sản phẩm lồng bàn đầu tiên của ông bà rất đẹp mắt và quyết định lấy hàng đi giao và bán được với giá 4,5 triệu đồng. Từ đấy về sau, sản phẩm lồng bàn mây tre đan của ông bà ngày càng tinh tế hơn, tỉ mỉ hơn, đồng thời mức giá cũng cao dần lên. Từ 5 triệu, rồi tăng lên 12 triệu đồng. Hiện nay mỗi sản phẩm có giá 30 triệu đồng. Đến thời điểm hiện tại, ông bà đã cho ra đời hơn 400 chiếc lồng bàn mây tre.

"Nhẹ bẫng như mây, xuyên thấu như vải màn, những hoa văn tinh xảo như một tác phẩm mỹ nghệ... Ngay cả những thợ giỏi nhất trong làng cũng không đan được chiếc lồng bàn như vậy", nghệ nhân Nguyễn Văn Trung, người đan tranh Bác Hồ bằng mây, đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội mây tre đan Chương Mỹ cho hay.

“Đây không phải là hàng đại trà mà là sản phẩm để kỷ niệm và biếu tặng nhau. Khách hàng mua về cũng không dùng để đậy thức ăn mà để cất vào tủ kính, sưu tầm hay trang trí nhà cửa… Tuy nhiên, hai nghệ nhân đều đã cao tuổi, 5 người con lại không ai theo nghề. Hai bác giờ chỉ làm vì đam mê và chắc cũng chỉ duy trì được vài năm nữa là cùng…”.

Trà Giang

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/chuyen-ve-chiec-long-ban-sieu-thu-cong-co-gia-len-toi-30-trieu-dong.htm