Chuyện về cô gái dành 367 ngày để thêu một bức tranh bằng… chân

Không chỉ xúc cơm bằng chân, tắm giặt bằng chân, Đỗ Thị Út còn gây nên sự bất ngờ khi dành 367 ngày để thêu xong một bức tranh công bằng đôi chân của mình. Cô tâm niệm, dù không có được đôi tay lành lặn nhưng những gì mọi người làm được, cô cũng làm được.

Dù không có được đôi tay lành lặn nhưng cô gái 28 tuổi luôn cô gắng làm được mọi việc như bao người bình thường.Bức tranh đầu tiên được Đỗ Thị Út thêu bằng chân sau 367 ngày (ảnh nhỏ). Ảnh: Vi Bình

Mọi sinh hoạt đều bằng chân

Ngôi nhà đơn sơ của gia đình Đỗ Thị Út nằm ở khu 1, xã Xuân Quang, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Chị Út năm nay 28 tuổi, có một cơ thể không được lành lặn như người khác, do bị nhiễm chất độc da cam từ bố sau những năm tháng ông tham gia chiến tranh. Đôi tay của chị không vận động được nên mọi sinh hoạt hàng ngày của chị đều phải phụ thuộc vào đôi chân.

Nhìn thấy cháu nhỏ thêu tranh, chị Út đã nảy ra ý định sẽ tự mình thêu một số bức tranh. Ngay sau đó, chị Út đã nhờ cháu mình chỉ dạy các bước thêu tranh và cách sử dụng chỉ mầu như thế nào cho phù hợp. Sau khi ngồi trên xe lăn ra chợ mua vật liệu, mỗi ngày Út dành 11 tiếng để thêu tranh. “Tôi thêu tranh bằng chân, một phần vì muốn sử dụng thời gian mình có một cách hữu ích. Mặt khác, muốn nhắn nhủ với những người bạn khuyết tật, bị ảnh hưởng chất độc da cam khác đừng bao giờ bỏ cuộc. Những gì mọi người bình thường làm được, chúng ta cũng sẽ làm được”, chị Út bộc bạch.

Có cháu trong nhà hướng dẫn và cộng với việc tự tìm hiểu trên Internet nên chị Út tự mày mò vừa học, vừa làm. Chị say sưa với công việc quên đi mệt mỏi. Chỉ tiêu mỗi ngày của chị là bao giờ làm xong “một sởi” chỉ thì mới nghỉ ngơi. Chị Út dậy từ 5 giờ sáng để thêu những đường chỉ đầu tiên.

Để bức thêu đôi chim công hoàn chỉnh chị Út đã phải sử dụng hết 50 cuộn chỉ mầu. Ngày qua ngày, bằng sự cố gắng, sự tỉ mỉ với đôi chân của mình, chị Út thêu từng sởi chỉ, từng mầu sắc được phủ kín lên bức tranh. Đối với những người lành lặn mỗi ngày thêu 10 sởi chỉ dài 80cm là rất bình thường. Nhưng với chị Út, mỗi ngày chỉ cần hoàn thành được một sởi chỉ đó cũng là điều vui sướng nhất.

“Thời gian đầu tưởng chừng tôi sẽ không thể vượt qua được, mới ngồi thêu vài tiếng tôi đã thấy mỏi nhức toàn người. Nhưng với suy nghĩ phải quyết tâm từ những việc nhỏ nhất, nên từng ngày tôi đều cố gắng”, chị Út kể lại.

Sau 367 ngày, cô gái tật nguyền đã hoàn thành bức tranh thêu bằng chân khiến mọi người kinh ngạc. Ông Đỗ Văn Hồi (75 tuổi, bố chị Út) cũng không khỏi ngỡ ngàng khi thấy nghị lực của con gái. “Không biết bao lần thấy con ngồi cả ngày thêu tranh đến tê cứng chân, tôi đã khuyên không nên cố. Bởi Út là con thứ 7 trong gia đình cũng là con gái duy nhất nên mọi người luôn dành tình yêu thương nhiều hơn. Không vì thế mà Út để gia đình phải buồn phiền, lo lắng”, ông Hồi xúc động.

Sẽ trở thành một người có ích

Kể cho chúng tôi nghe về gia đình, ông Hồi cho biết: “Út bị tàn tật từ lúc mới sinh, trong khi 6 người anh thì bình thường. Út không thể đi lại, mọi sinh hoạt gần như là do bố, mẹ và anh chị em trong nhà giúp đỡ. Khi hơn 10 tuổi Út bắt đầu tập dùng chân để ăn cơm, uống nước.

Gia đình cũng đã từng đưa xuống lớp tập trung dành cho trẻ khuyết tật thuộc Sở LĐTB&XH đóng ở Sơn Tây, Hà Nội một thời gian. Nhưng thương con, sợ con không quen với môi trường nên gia đình lại xuống đón về. Tuy điều kiện gia đình khó khăn nhưng tôi nghĩ mọi trong gia đình tự chăm sóc vẫn tốt hơn”.

Bức tranh thêu đôi chim công mà chị Út hoàn thành được đóng khung và treo trên tường nhà trông rất nổi bật. Nhìn lên bức tranh, chị Út trải lòng: “Tôi cũng vừa mới hoàn thành bức thứ hai cỡ nhỏ, đó là bức tranh phu thê. Bức tranh đó đang được đưa đi đóng khung và chỉ ngày mai nữa thôi là bức tranh sẽ được mang về nhà. Bức tranh đó tôi đã phải mất 90 ngày, sử dụng hơn 52 loại chỉ màu thêu mới hoàn chỉnh. Đây là món quà đặc biệt tặng cho anh chị họ nhân ngày cưới coi như món quà mừng cưới”.

Chị Út từ nhỏ đã không được đến trường. Nhìn các anh chị trong nhà học bài, sau đó chị tự học bảng chữ cái, viết chữ, số rồi cũng đọc và viết thành thạo. Chúng tôi ngạc nhiên khi thấy chị Út sử dụng điện thoại cảm ứng bằng chân, xúc cơm ăn bằng chân; Và dưới những ngón chân của chị Út, những họa tiết trong bức tranh thêu dần hiện ra rực rỡ.

Bà Lê Thị Vang (73 tuổi, mẹ chị Út) với mái tóc bạc phơ nhìn cô con gái ngồi trên chiếc trên xe lăn mà không cầm được nước mắt. Từ ngày được tặng chiếc điện thoại thông minh, có đông đảo bạn bè ở khắp mọi miền Tổ quốc, nhận được nhiều lời động viên, chị Út càng cảm thấy lạc quan, tự tin hơn. “Lần nào có ai nhắn tin hỏi han, chia sẻ Út cũng đều khoe với tôi như một đứa trẻ. Út bảo dù khó khăn thế nào con cũng sẽ trở thành một người có ích”, bà Vang tâm sự.

Quyết tâm sau 1 năm rưỡi sẽ thêu xong thêm 1 bức tranh

Thời gian tới, Út tiếp tục thêu bức tranh đồng quê với khổ lớn nhiều mầu sắc rực rỡ, bức tranh trên 50 loại mầu chỉ. “Bức đồng quê này lớn hơn nhiều so với bức đôi chim công em đã từng thêu, chắc chắn thời gian hoàn thành nó sẽ là rất lâu. Em đặt quyết tâm sau 1 năm rưỡi sẽ thêu xong bức tranh này”, Út bày tỏ.

Vi Bình

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/chuyen-ve-co-gai-danh-367-ngay-de-theu-mot-buc-tranh-bang-chan-20180727203056129.htm