Chuyện về Đặng Thùy Trâm viết từ Mỹ (kỳ 4)

'Cô ấy đã chạy trên những hố bom B-52' Tiếng chuông điện thoại réo lên bất chợt. Từ đầu dây bên kia, giọng Jacks nghe như hối thúc. 4h sáng ở Milpitas, 7h sáng một ngày thượng tuần tháng 10/2005 ở Rison, Arkansas.

"Hi, Giai! Theo tôi, bà mẹ của cô Thùy Trâm cũng là anh hùng nữa đấy", Jacks nói, "Bà ấy có công sinh ra một người con gái tuyệt vời". Jacks - cựu toán trưởng năm xưa - dựng tôi dậy để nói thêm chi tiết vào câu chuyện trao đổi ngày hôm trước. Có điều gì đó đã làm xáo động Jacks. Anh ấy nói luôn một hơi: "Bà ấy trao tặng cuốn nhật ký của Thùy Trâm cho một viện bảo tàng ở Texas. Tôi hiểu ra bà ấy không còn giận người Mỹ nữa. Mấy hôm trước, tôi cứ nghĩ bà mẹ ấy rất căm giận những người Mỹ đã theo đuổi và tìm cách giết chết con gái của bà. Bà thật là cao thượng. Tôi sẽ kể lại cho Marcell (vợ của Jacks) nghe mọi chuyện...". Được thể, tôi gợi chuyện về một cuộc tập kích B-52, Jacks ngưng một chút rồi "Thôi được!", cùng tôi nhớ lại...

...Cả toán của Jacks được triệu tập lên Trung tâm Hành quân - TOC. Bốn trinh sát viên của sư đoàn 2 bộ binh tăng cường cũng có mặt. Tôi là phiên dịch của buổi thuyết trình. Thiếu tá Perkin nói (tôi nghe như thuộc lòng): "Theo tin của chi khu, tiểu khu và của lữ đoàn, một nhóm quân y của quân Bắc Việt sẽ đến tọa độ (...). Đây là nguồn tin tổng hợp tin cậy. Lực lượng địch gồm (...). Jacks, các bạn Việt Nam sẽ hỗ trợ cho anh hoàn thành công tác". Chuẩn úy Ngữ, trưởng toán trinh sát 2, nói với Jacks qua tôi: “Ráng kỳ này tóm cho được con bác sĩ Trâm".

Cũng theo tin tình báo của chi khu Đức Phổ, tiểu khu Quảng Ngãi, khu 12 chiến thuật và của sư đoàn 2 bộ binh, hai trung đoàn của sư đoàn Sao Vàng đang tập trung gần khu vực thám sát của Oregon Team. Nhưng vấn đề quan trọng nhất là làm sao định được hướng di chuyển của hai đơn vị lớn này. Từ cứ điểm San Juan Hill (đông nam Ba Tơ), hướng 270 độ, kéo lên hướng Bắc theo hình rẻ quạt thêm 45 độ, trong mặt quạt ấy là hai điểm tập trung quân của hai trung đoàn thuộc sư đoàn Sao Vàng. Họ chuẩn bị xuống đồng bằng. Thiếu tá Perkin kết luận: "Họ sẽ di chuyển lên cao, khu rừng dày hơn để tránh pháo binh và máy bay trinh sát". Đại tá lữ đoàn trưởng gửi yêu cầu về sư đoàn Americal đề nghị tạm ngưng các cuộc không thám tại khu vực rẻ quạt, nhưng tăng cường thực hiện các động tác trinh sát đánh lừa tại một số khu vực của Minh Long. Lữ đoàn đề nghị 6 phi tuần oanh tạc chiến thuật B-52 tại khu vực rẻ quạt. Sư đoàn cho biết, đúng 6h tối ngày... 1969, các pháo đài bay B-52 sẽ xuất phát từ Guam và Uta-Pao và đánh các mục tiêu theo yêu cầu.

Tôi và các trinh sát của tiểu đoàn 3/1 + 1/2 trung đội 6, đại đội 106 cảnh sát dã chiến (CSDC) Quảng Ngãi, được trực thăng vận xuống thung lũng 515. Ở đó, chúng tôi sẽ đào công sự phòng thủ, nằm chờ. Theo dự đoán, nếu B-52 đánh trúng mục tiêu, những cán binh sống sót sẽ lần theo đường 515 về vùng có dân. Chúng tôi có nhiệm vụ đón lõng những nạn nhân của B-52.

5h chiều, Jacks đưa tôi ra helipad (sân bay dã chiến) của lữ đoàn. Quân 3/1 và CSDC đã có mặt. Họ dàn hàng theo từng chiếc trực thăng. Trong tiếng ồn của cánh quạt, của mùi xăng, giữa những lời dặn dò, Jacks hét vào tai tôi: "Sau cú này, chắc tao khỏi phải đi kiếm cô bác sĩ ấy nữa. Mày cẩn thận". Rõ ràng, cái tên Thùy Trâm và toán phẫu thuật lưu động đã làm cho Jacks phân tâm. Jacks đã nhắn gửi với tôi, chỉ riêng mình tôi, những tin tức không mấy tốt lành cho những người bên kia chiến tuyến. B-52 có sức hủy diệt lớn, không thương tiếc, và được quân Mỹ cho là giải pháp quân sự có hiệu quả nhất.

B-52 đến mục tiêu đúng giờ. Từng đoàn trực thăng bay trên đầu chúng tôi khi trời vừa sáng rõ. Tôi tưởng tượng từng đoàn đổ ùa quân xuống các điểm bị trúng B-52 phía bên kia rừng núi. Lữ đoàn tung hai tiểu đoàn 3/1 + 1/20 vào cuộc hành quân trực thăng vận. Các trinh sát của 3/1 ngước nhìn, lắng nghe qua hệ thống âm thoại. Trong nắng sáng, từ một công sự dã chiến, một người lính Mỹ nói to với tôi: "Chỉ có giẻ rách chứ có gì mà ầm ĩ!". Mấy chỗ khác nghe cười ầm lên. Những người dân xuất hiện trên đường mòn. Họ như từ vùng sương mù bước ra. Có một cáng thương, trên đó là một bà già. "Bà con đi đâu đây?" - một CSDC bước ra chặn đoàn người. Một người phụ nữ tách ra: "Tụi tôi lên thăm rẫy, nhưng mấy ông giải phóng đuổi về. Lo chạy nên má tôi vấp té phải cáng về" - "Giải phóng cái gì. Mẹ nó, Việt Cộng thì nói Việt Cộng. Ba người dân lộn xộn. Giấy tờ đâu?". Chị phụ nữ móc túi áo... Tôi nhìn hơn hai chục người dân đi về Thạch Trụ.

B-52 có đánh trúng mục tiêu. Nhưng quân đổ bộ không thu được gì. Các hố bom B-52 có đường kính hình phễu khoảng 20 mét. Chẳng ai có thể kiểm chứng được kết quả. Ngày hôm sau, căn cứ Bronco bị đối phương pháo kích. Trên các mảnh nhôm bung ra từ hỏa tiễn 122 ly, nằm rải rác đây đó, có dòng chữ made in USSR. "Họ trả đũa chúng ta - Jacks nói với tôi - Thật không thể tin được! Cô ấy đã chạy trên những hố bom B-52".

Gặp mẹ chị Đặng Thùy Trâm tại Mỹ

8h tối thứ hai (giờ Washington), Đại sứ Việt Nam tại Hợp chủng quốc Hoa Kỳ Nguyễn Tâm Chiến đã có buổi tiếp thân mật gia đình liệt sĩ Đặng Thùy Trâm cùng Fred và Robert. Không quá xúc động như những lần trước, buổi gặp thực sự là một cuộc trò chuyện thân mật, vui vẻ nhưng không kém phần cảm động. Trước đó một giờ, cả đoàn với sự hướng dẫn của anh Bạch Ngọc Chiến, Tùy viên báo chí của Sứ quán, đã đến thưởng thức món ăn Việt Nam tại nhà hàng Nam Việt 1. Mẹ chị Đặng Thùy Trâm, bà Doãn Ngọc Trâm nói:

- Tôi nhận Fred là con nuôi vì anh ta là người đã gìn giữ cuốn nhật ký trong suốt 35 năm, một quãng thời gian còn hơn cả tuổi đời của Thùy (tức chị Thùy Trâm - TN). Ban đầu, tôi chỉ an ủi Fred, bảo là thôi thì xem như người trong gia đình. Anh ta nghe vậy liền đề nghị tôi nhận anh ta làm con nuôi.

* Mẹ có thể cho biết tại sao mẹ lại đồng ý cho in nhật ký Đặng Thùy Trâm?

- Từ bé, tôi đã khuyến khích các con tôi viết nhật ký và dặn là phải giữ kín, không ai được tự ý đọc của người khác. Đến khi Fred cầm quyển nhật ký của Thùy về, thoạt đầu tôi không muốn cho in nhưng có nhiều ý kiến cho rằng nên in để mọi người có thể thấy được tình cảm và tinh thần anh dũng của người Việt Nam trong cuộc chiến.

* Vì sao mẹ lại đặt tên Trâm cho tất cả các con?

- Vì tôi mong ước đứa nào cũng giống mẹ nó. Ở nhà, chúng tôi thường gọi nhau bằng tên đệm.

* Chào anh Fred! Là người ở bên kia chiến tuyến, tại sao anh vẫn quyết định tìm về Việt Nam, gặp lại gia đình Thùy?

- 35 năm qua, lúc nào 3 chữ Đặng Thùy Trâm cũng đeo đuổi tâm trí tôi, thôi thúc tôi trở lại Việt Nam. Cách đây 5 năm, thậm chí chỉ cách đây 5 tháng thôi, tôi không thể tưởng tượng nổi hôm nay tôi có bà mẹ thứ hai, có thêm gia đình thứ hai. Hôm qua, hai bà mẹ đã nói chuyện với nhau rất nhiều (mẹ Thùy và mẹ Fred - TN) về sức mạnh của tình yêu thương. Tôi không biết ngày trước ra sao nhưng bây giờ, tôi biết chắc là tương lai sẽ rất tươi sáng.

* Về và gặp lại gia đình Thùy Trâm, anh không sợ à?

- Cũng sợ chứ! Lúc đầu, tôi gửi e-mail đến cho người bạn ở Hà Nội, nhờ anh ấy đến hỏi rằng gia đình Thùy có chịu cho tôi gặp hay, hay sẽ mắng cho một trận và tống cổ tôi ra đường. Thật may mắn, tôi đã được chấp nhận.

Ngọc Thịnh
(từ Washington, Mỹ)

Lê Thành Giai
(California, Mỹ)

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/gioi-tre/chuyen-ve-dang-thuy-tram-viet-tu-my-ky-4-137372.html