Chuyện về gia đình cụ Thứ trưởng Tư pháp Nguyễn Văn Hưởng

2 anh em: Nguyễn Văn Huyên (1905–1975) – Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Nguyễn Văn Hưởng (1910–2001) – Thứ trưởng Bộ Tư pháp trong chính phủ Hồ Chí Minh 1946, còn bà chị Nguyễn Thị Mão là phu nhân của cụ Bộ trưởng Nội vụ Phan Kế Toại...

Hai anh em ruột Nguyễn Văn Huyên và Nguyễn Văn Hưởng khi du học tại Pháp.

Hai anh em ruột Nguyễn Văn Huyên và Nguyễn Văn Hưởng khi du học tại Pháp.

Xuất thân từ gia đình hiếu học

Ông Nguyễn Văn Hưởng, sinh ngày 28/2/1910, tại phố Thuốc Bắc (Hà Nội), trong một gia đình có truyền thống hiếu học và có nghề bốc thuốc, là con của hai cụ Nguyễn Văn Vượng - Phạm Thị Tý, quê ở làng Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Đông. Khi ông lên 5 tuổi thì cha qua đời, mình mẹ phải tần tảo buôn bán để nuôi các con ăn học. Năm 1926, 2 anh em Hưởng - Huyên được sang Pháp du học, chị gái Nguyễn Thị Mão đã có nhiều giúp đỡ chu cấp cho 2 em. Mấy năm ở Pháp, 2 anh em tằn tiện chi tiêu, vừa học vừa tranh thủ đi làm thêm, tới năm 1932, Nguyễn Văn Hưởng đỗ Cử nhân Luật.

Chuyện về Giấy chứng minh do Hồ Chủ tịch cấp

Trở về nước, Luật sư Nguyễn Văn Hưởng được bổ làm Tri huyện rồi Đổng lý Văn phòng Phủ Khâm sai. Không chấp nhận được cuộc sống công chức ở đất nước nô lệ, năm 1941, ông từ chức về làm luật sư. Cách mạng tháng Tám thành công, tháng 1/1946, bầu cử Quốc hội. Ngày 22/3/1946, Hồ Chủ tịch bổ nhiệm Luật sư Nguyễn Văn Hưởng làm Thứ trưởng đầu tiên của Bộ Tư pháp, ngày 5/4/1946, chính tay Bác đánh máy Giấy chứng minh cấp cho ông.

Tôi đã xem Giấy chứng minh đã ngả màu vàng đen, được cất cẩn thận trong khung kính, đặt trên bàn thờ: Hơn nửa thế kỷ rồi mà nét chữ vẫn còn rõ ràng, màu mực chưa hề phai. Vì chưa có máy chữ tiếng Việt, nên Bác đã dùng máy chữ tiếng Pháp để đánh, sau đó Người dùng bút điền dấu vào văn bản.

Cảm động trước sự tin tưởng của vị lãnh đạo tối cao, Luật sư Nguyễn Văn Hưởng đã toàn tâm, toàn ý gắn bó với sự nghiệp xây dựng Ngành Tư pháp.

... Nhân kỷ niệm 67 năm Cách mạng Tháng Tám (1945–2012), anh Nguyễn Quang Thắng, con cụ Nguyễn Văn Hưởng đã thay mặt gia đình tặng lại Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TPHCM báu vật này: “Chúng tôi có ước nguyện: tư liệu không chỉ giữ riêng của gia đình mà muốn cho hàng triệu người Việt Nam ta được chiêm ngưỡng và hiểu hơn về con người của Bác cùng cách dụng người tài cho đất nước".

Xây dựng Nhà nước pháp quyền

Theo lịch sử ngành Tư pháp: Ngay từ những ngày đầu trên cương vị Thứ trưởng, ông đã tham gia xây dựng những sắc lệnh cơ bản của chính quyền Cách mạng: Sắc lệnh về tổ chức Tư pháp; Sắc lệnh về đảm bảo tự do cá nhân, lập Hội; Sắc lệnh về Tư pháp - Công an; Sắc lệnh về Quân pháp; Luật Lao động. Trong kháng chiến chống Pháp ông còn được giao nhiệm vụ làm giám đốc Liên khu II và Liên khu XI (gồm các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ và Hà Nội), Giám đốc Vụ Hình - Hộ.

Từ năm 1955 đến năm 1980, ông là Phó Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam. Năm 1976, Luật sư Nguyễn Văn Hưởng được cử làm Phó trưởng Đoàn Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị Giơnevơ về “Công ước nhân quyền” và tham gia chuẩn bị “Công ước về biển”. Từ năm 1958 đến năm 1979 khi Nhà nước tổ chức lại ngành Tư pháp và Tòa án, sau đó thành lập lại Tòa án Nhân dân Tối cao, luật sư Nguyễn Văn Hưởng đã có công lao trong việc nghiên cứu hệ thống hóa và xây dựng pháp luật, tổng kết hoạt động xét xử của ngành Tòa án trên các mặt tố tụng hình sự và dân sự. Ông đã tham gia xây dựng nhiều văn bản quan trọng: Luật Bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể, nhà ở, thư tín; Luật Hôn nhân gia đình; Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân và Viện Kiểm sát Nhân dân các cấp.

Do những cống hiến trên lĩnh vực Tư pháp và Tòa án trong hơn nửa thế kỷ (từ năm 1946 đến khi mất - ngày 21/7/2001), Luật sư Nguyễn Văn Hưởng được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Độc lập hạng Nhì; Huân chương Kháng chiến hạng Nhất và các Huy chương Vì sự nghiệp Tư pháp, Vì sự nghiệp Tòa án…

Nguyễn Văn Huyên - tiến sĩ Văn khoa người Việt đầu tiên

Ông Nguyễn Văn Huyên sinh năm 1905. Tại Pháp, ông đậu cử nhân Văn chương năm 1929, cử nhân Luật học năm 1931 và ngày 17/2/1934, đã trở thành người của xứ An Nam đầu tiên bảo vệ xuất sắc Luận án tiến sĩ Văn khoa (bộ môn sử địa) tại Trường Đại học Tổng hợp Sorbonne.

Năm 1935, trở về nước, tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên khước từ làm quan mà chọn nghề dạy học. Thời gian (1935–1938), ông cùng Nguyễn Mạnh Tường dạy ở Trường Bưởi, Hà Nội (Trường Trung học bảo hộ), nghiên cứu và trở thành Ủy viên Thường trực duy nhất người Việt ở Viễn Đông Bác Cổ - cơ quan nghiên cứu uy tín lớn nhất ở Đông Dương và Đông Nam Á. Khi tham gia Hội đồng Nghiên cứu Khoa học Đông Dương, ông bắt tay xây dựng bộ môn “Lịch sử văn minh Việt Nam” ở Trường Đại học Luật khoa... Trong 10 năm đầu làm việc ở Việt Nam, ông đã hoàn thành hơn 45 công trình nghiên cứu có giá trị.

Là một trí thức yêu nước, từ năm 1938, Nguyễn Văn Huyên tham gia Hội Truyền bá Quốc ngữ và dành nhiều tâm huyết cho sự nghiệp nghiên cứu văn hóa dân tộc, được bầu là Ủy viên Ban trị sự của Hội ở Bắc kỳ (cùng các ông Nguyễn Văn Tố, Hoàng Xuân Hãn). Để góp phần quảng bá tiếng Việt, ông cùng nhà sử học Trần Văn Giáp nghiên cứu phương pháp “I, tờ…” để dạy và học chữ Quốc ngữ. Vào tháng Tám năm 1945, ông đã cùng với Nguyễn Xiển, Ngụy Như Kon Tum, Hồ Hữu Tường đại diện cho trí thức Thủ đô ký bức điện yêu cầu vua Bảo Đại thoái vị.

Ngay sau Cách mạng Tháng Tám, ông Nguyễn Văn Huyên cùng các trí thức Ngụy Như Kon Tum, Hồ Hữu Tường giúp Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục Vũ Đình Hòe hoàn chỉnh “Đề án cải cách giáo dục”. Trên cương vị Tổng Giám đốc Đại học vụ, ông đã làm hết sức mình để đưa Đại học Quốc gia đầu tiên của nước Việt Nam mới khai giảng đúng ngày 15/11/1945, tại Tòa nhà chính của Đại học Đông Dương, số 19 phố Lê Thánh Tông, Hà Nội. Cụ Hồ đã chủ tọa buổi lễ, có một số quan khách quốc tế đến dự.

Tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa I (ngày 3/11/1946), ông Nguyễn Văn Huyên đã được Hồ Chủ tịch giao trọng trách Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục, thay cho ông Vũ Đình Hòe chuyển sang Bộ Tư pháp. Trên cương vị này, với vốn tri thức uyên thâm và khối óc sáng tạo, ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Bộ trưởng trong suốt 28 năm (11/1946–1975).

Nguyễn Thị Mão, bà chị hết lòng vì các em

Bà Nguyễn Thị Mão sinh năm 1903. Đỗ “tú tài Tây” tại Trường nữ trung học Félix Faure Hà Nội (trường dành riêng cho nữ sinh người Pháp ở Đông Dương), bà vào học Cao đẳng Sư phạm Đông Dương (khóa 1924-1927), cùng các ông Đặng Thai Mai, Tôn Quang Phiệt... Tốt nghiệp, bà về dạy toán tại Trường nữ trung học Đồng Khánh (nay là Trưng Vương), Hà Nội. Lương của bà rất cao: 120 đồng/tháng (mà giá một tạ gạo chỉ có 3 đồng!). Vậy mà hằng tháng bà chỉ giữ lại cho mình 20 đồng, còn 100 đồng góp cùng mẹ mua ngân phiếu gửi sang Pháp, giúp 2 em ăn học.

Về sau, bà Mão kết duyên với cụ Phan Kế Toại. Trước Cách mạng Tháng Tám, cụ Toại là Khâm sai Đại thần làm việc tại Phủ Khâm sai, còn Luật sư Nguyễn Văn Hưởng, em vợ cụ, từng làm đổng lý Văn phòng Phủ.

Có một chuyện ít người biết, ngày Cụ Hồ sang Pháp tìm đường cứu nước, có gặp cụ Phan Kế Toại. Cụ Hồ khuyên cụ Toại nên vào học trường Hành chính Quốc gia để nắm được quy trình Pháp đào tạo quan lại, sau này về phục vụ đất nước vì “làm quan cũng là một nghề, phải được đào tạo hẳn hoi”.

Trước ngày 19/8/1945, cụ Toại được tiếp xúc với đại diện Việt Minh (các ông Nguyễn Khang, Lê Trọng Nghĩa và Trần Đình Long) nên ngày 17/8/1945 đã từ bỏ nhiệm sở. Trước khi đi, cụ dặn lại anh em Bảo an binh, nếu Việt Minh tấn công Dinh Khâm sai thì đừng chống lại mà tạo điều kiện cho họ vào. Sự kiện diễn ra đúng như thế vào trưa ngày 19/8. Việc đánh chiếm Dinh Khâm sai, Tòa Thị chính, Nhà băng, thậm chí Trại bảo an binh không hề đổ một giọt máu...

Sau ngày giành độc lập, Quốc hội khóa 1 đã giao cho cụ Toại nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ Nội vụ (thay cụ Huỳnh Thúc Kháng). Cụ từng là Phó thủ tướng 17 năm (1955–1973).

Kết

Về dòng tộc các cụ tới thế hệ sau này còn nhiều chuyện hay lắm, kể mãi chưa hết. Tạm dừng bằng câu chuyện thế này: Ngày hòa bình, trong một cuộc họp với cán bộ cao cấp, Bác Hồ đã chỉ vào 2 anh em ông Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Văn Hưởng và nói: "Đây chính là 2 đồng chí cộng sản ngoài Đảng, có nhiều đóng góp cho đất nước".

Trần Kiến Quốc

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/chuyen-ve-gia-dinh-cu-thu-truong-tu-phap-nguyen-van-huong-tintuc454321