Chuyện về “gốm người tình” của nghệ nhân tuổi Thân

Vào những ngày cuối năm, ông vẫn miệt mài đưa tay theo vòng xoay của bàn gốm trên chiếc xe lăn. Ông bảo, đối với ông, gốm như người tình, đã trót yêu rồi thì không thể dứt ra được.

Hiện nay, không chỉ tự lo cho cuộc sống của mình, ông Mẫn còn tạo việc làm cho những hoàn cảnh khó khăn ở địa phương, giúp họ tạo lập cuộc sống.

Ông Mẫn đang mân mê từng sản phẩm của mình.

Nên duyên với gốm

Ông Ngô Quang Mẫn (SN 1968) sinh ra tại khu phố 3, phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Năm 5 tuổi, đôi chân ông bỗng dưng bị liệt. Thế rồi từ đó, cuộc đời ông phải gắn liền với chiếc xe lăn. Tưởng chừng số phận đã hoàn toàn khép lại với người đàn ông tật nguyền, nhưng bằng tình yêu, niềm đam mê gốm của mình, ông Mẫn đã cho ra đời những sản phẩm tinh xảo.

Nói chuyện với chúng tôi, ông tự nhận rằng, mình cũng là một sản phẩm được tạo ra từ gốm. Bởi ông sống cùng gốm và xem gốm là người bạn đời. Không có nghề gốm có lẽ, ông không thể lạc quan, vui vẻ như ngày nay.

Chậm rãi điều khiển chiếc xe lăn qua dãy chậu gốm đang quay vòng trên bàn, ông Mẫn tiến đến những chiếc chậu bị nứt vỡ. Ông bảo rằng, đời mình cũng như chiếc chậu bị nứt đó. Ai cũng tưởng chừng bỏ đi nhưng bằng niềm tin ông đã tự làm lành vết nứt đó.

Được biết, ông Mẫn khi sinh ra cũng bình thường và lành lặn như bao đứa trẻ khác. Tuy nhiên, đến năm 5 tuổi, ông bỗng dưng bị liệt hai chân sau một cơn sốt. Tự thấy mình không như những đứa trẻ khác, ông luôn tỏ ra bi quan và cảm thấy tủi nhục khi tiếp xúc với người ngoài.

“Lúc đó, người thân trong gia đình và chòm xóm nghĩ rằng, tôi sẽ nằm một chỗ suốt đời. Tuy nhiên, thấy bố mẹ cực nhọc làm việc còn mình ngày lại ngày cứ ngồi trên xe, vòng qua lại trong nhà, tôi cảm thấy mình vô dụng quá. Một lần, tôi chán nản vần bánh xe lăn đi quanh xóm cho đỡ buồn thì bắt gặp những nghệ nhân gốm. Họ đang ngồi quay những vòng gốm uyển chuyển và nhìn rất thích mắt. Thế là, tôi mê mẩn gốm từ đó. Ngày nào tôi cũng qua lò gốm xem các nghệ nhân tạo hình”, ông tâm sự.

Đến năm 18 tuổi, ông Mẫn xin vào lò gốm học việc. Thời gian đầu, gia đình ông phản đối. Họ nghĩ rằng, làm gốm thì phải khỏe mạnh, chứ ai lại đi xe lăn làm gốm bao giờ. Nhưng sau đó, vì thương con, cha mẹ ông Mẫn đã đến một lò gốm gần nhà xin cho con học nghề.

Có lẽ vì thương vợ chồng có cậu con tật nguyền nên chủ lò gốm đã nhận lời. Những ngày đầu đi học nghề đối với ông Mẫn là sự nỗ lực khiến ai cũng khâm phục. Không ít lần, vì bất cẩn trong lúc chống nạng đi lại trong xưởng, ông làm đổ bể những sản phẩm vừa nung xong. Hồi đó, vất vả lắm ông mới học được nghề.

Trong khi người khác dùng thân mình làm điểm tựa lúc ngồi bàn xoay tạo hình sản phẩm thì ông phải dựa thân vào tường. Thấy ông học việc quá khổ cực, mọi người khuyên nên từ bỏ nhưng ông cảm thấy, nghề gốm đã ngấm vào trong máu của mình nên quyết tâm học bằng được.

Đối với ông, gốm không còn là nghề nghiệp đơn thuần mà chính là đam mê, lẽ sống. Cũng chính nhờ niềm đam mê đó, ông đã cho ra đời các sản phẩm gốm tinh xảo và rất có hồn. Sản phẩm của ông không chỉ được các thầy khen ngợi vì hơn hẳn các thợ nghề khác mà nó còn được nhiều người chọn mua nhất. Chính những sản phẩm đó đã trở thành biểu tượng vẻ đẹp của gốm sứ Biên Hòa.

“Người tình của gốm”

Đưa chúng tôi đi xem nơi trưng bày sản phẩm gốm trong xưởng trên đôi nạng gỗ, ông bảo ông say mê gốm, ngày nào cũng mân mê sản phẩm gốm mà mình tạo ra: “Không có vợ con nhưng đối với tôi, vợ chính là lò gốm, còn con là những sản phẩm mà mình tạo ra. Tôi yêu chúng như máu thịt, người thân của mình. Chính vì thế, có bao nhiêu thời gian hoặc dành dụm được tiền, tôi lại đầu tư hết vô lò gốm. Năm 2002, Trung ương hội Nông dân Việt Nam đã đầu tư cho một số chủ lò gốm nhiều loại máy móc để phát triển xưởng. Đi kèm với đó là các chủ lò gốm phải có trách nhiệm tạo công ăn việc làm cho người nghèo ở địa phương”, ông kể.

Ông Mẫn đã đứng ra lãnh trách nhiệm lớn lao đó. Bởi ông coi việc lo cho người thất nghiệp, người nghèo là trách nhiệm của mình. Ông nhận máy móc về và đi tìm việc cho người dân trong xã. Chỉ một thời gian ngắn, đơn đặt hàng tới không ngớt, chủ yếu là hàng xuất khẩu. Điều này giúp cuộc sống của ông cũng như người dân xung quanh khấm khá hơn.

Hiện, cơ sở gốm của ông Mẫn có khoảng 30 lao động, hầu hết là những người tuổi già, sức yếu, không thể xin được việc ở chỗ khác.

Trao đổi với chúng tôi, bà Liễu (60 tuổi, thợ nghề trong xưởng) cho biết: “Tôi đã già rồi, chân tay yếu nên xin việc đâu người ta cũng không nhận. May mà có xưởng gốm của ông Mẫn nhận tôi vào làm nên cuộc sống đỡ vất vả...”.

Nói chuyện với chúng tôi, anh Nguyễn Sĩ Kiên (30 tuổi) từng làm thợ may gia công nhưng công việc rất bấp bênh, cả gia đình khổ cực. Anh quyết theo chân ông Mẫn để mong cuộc đời mình sẽ khấm khá hơn.

“Lúc tôi mới vào làm, mặc dù chưa biết gì về gốm nhưng được mọi người và chú Mẫn chỉ dạy rất tận tình. Làm ở đây một thời gian, gia đình tôi đã có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống. Ở xưởng gốm này, chúng tôi coi nhau như người một nhà”, anh Kiên chia sẻ.

Điều mà ông Mẫn luôn trăn trở, lo lắng chính là số người thiết tha với nghề gốm Biên Hòa ngày càng hiếm. Ông nói rằng, thế hệ trẻ bây giờ rất ít người mặn mà với gốm, chẳng ai thích ngồi tỉ mẩn trên vòng xoay nữa.

Vì sợ nghề gốm mai một, đi đến đâu, ông cũng muốn truyền nghề cho những người trẻ tuổi. Ông nhiệt tình chỉ dẫn, đào tạo nghề không chỉ cho con em trong làng, mà còn cho sinh viên của trường cao đẳng Mỹ thuật Đồng Nai.

Tuy đôi chân bị khuyết tật, nhưng ông Mẫn vẫn đi tìm thị trường cho dòng gốm Biên Hòa. Ông tìm cách liên hệ, hợp tác với các bạn nghề tại làng gốm Bát Tràng (Hà Nội), Huế, Bình Dương... Mong muốn của ông là tiếp tục duy trì và phát triển dòng gốm mộc mạc này, để một ngày nào đó, gốm Biên Hòa sẽ “sống lại” thời hưng thịnh...

Ông tâm sự: “Để sống được với nghề gốm giữa thời buổi đầy khó khăn này, người thợ gốm ngoài việc nỗ lực để nâng cao chất lượng sản phẩm còn phải biết sáng tạo. Một người thợ gốm giỏi phải biết sáng tạo trong việc thiết kế mẫu và pha chế, tạo màu cho gốm...”.

DƯƠNG HẠNH

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/tin-tuc/tin-trong-nuoc/chuyen-ve-gom-nguoi-tinh-cua-nghe-nhan-tuoi-than-a134843.html