Chuyện về hai người mẹ cả đời ngóng con liệt sĩ

Thú thật, khi được lãnh đạo phân công viết bài về đề tài này, tôi đã vô cùng phân vân. Cho đến khi từ Hà Nội về tận cổng 2 gia đình liệt sĩ, tôi vẫn phải đấu tranh tư tưởng một cách khó khăn rằng, tôi có nên bước vào 2 ngôi nhà liệt sĩ ấy hay không? Tôi sợ sự có mặt của tôi trước 2 người mẹ vốn đã cạn nước mắt vì mất con trong chiến tranh, lại một lần nữa, khiến họ phải rơi lệ...

“Mẹ đừng viết thư cho con nữa”

Sau nhiều lần tìm hỏi, cuối cùng tôi cũng tìm đến được nhà bà Lưu Thị Hinh (mẹ của liệt sĩ Đinh Duy Tuân ở xã Gia Phú, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình). Đứng từ ngoài cổng, đằng sau cánh cửa mở hờ, tôi thấy thấp thoáng dáng một người hình như đang nằm nghiêng trên chiếc giường xếp. Tôi gọi 1 câu, 2 câu, rồi đến cả hơn chục câu, vẫn không thấy ai đáp lại. Kiên trì gọi lớn, cuối cùng, người mẹ già của liệt sĩ Tuân cũng nghe thấy tiếng gọi của tôi, khó khăn di chuyển ra mở cổng cho người khách lạ. Năm nay, mẹ đã 84 tuổi, mẹ ở một mình và hàng ngày hương khói cho tổ tiên, ông bà và chồng, con.

Do tuổi già, tai của mẹ Hinh không còn nghe tốt như trước. Theo đề nghị của tôi, mẹ Hinh dẫn tôi lên phòng thờ để thắp nén hương cho con trai mẹ - liệt sĩ Tuân. Trước ban thờ của con, mẹ lại khóc. Và tôi cũng không thể kìm được nước mắt. Mẹ sụt sùi kể lại: liệt sĩ Tuân là người con sống tình cảm.

Năm 19 tuổi, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, Đinh Duy Tuân cùng hàng vạn thanh niên nam, nữ cùng trang lứa của dân tộc lên đường nhập ngũ đánh giặc. Mẹ Hinh cho biết, từ ngày đi bộ đội, tháng nào ít nhất một lần Tuân cũng viết thư gửi về cho gia đình. Nhưng rồi đến những ngày, đợi mãi không thấy thư của con trai đâu, lòng mẹ Hinh nóng như lửa đốt và linh cảm điềm xấu có thể đã xảy ra với con mình.

Mẹ Lưu Thị Hinh thắp hương cho con trai - liệt sĩ Đinh Duy Tuân.

Mẹ Lưu Thị Hinh thắp hương cho con trai - liệt sĩ Đinh Duy Tuân.

“Lá thư cuối cùng tôi nhận được của con trai là vào khoảng đầu tháng 12 năm 1977, gần một năm sau ngày con nhập ngũ. Trong thư, con nói với tôi rất ngắn gọn rằng, mẹ đừng viết thư cho con nữa, đợi thư sau con gửi về có địa chỉ chỗ mới rõ ràng rồi, mẹ hãy tiếp tục viết. Nội dung chỉ có thế, chắc là do phải giữ bí mật nên con không nói rõ với tôi vì sao.

Nhưng đọc thư, tôi hiểu con mình và các đồng đội chuẩn bị đi làm nhiệm vụ ở một địa điểm khác. Không ngờ được rằng, đó là lá thư cuối cùng tôi nhận được của con. Theo giấy báo tử chuyển về, con tôi hi sinh vào ngày 25/12/1977, tức là chỉ sau thời gian gửi thư cho tôi khoảng 2-3 tuần” – mẹ Hinh đau xót nhớ lại.

Cũng giống như hàng vạn gia đình liệt sĩ khác trên khắp dải đất hình chữ S, do sự khốc liệt của chiến tranh, hài cốt của liệt sĩ Tuân cũng bị thất lạc theo sự tàn phá của bom đạn. Tuy nhiên, dù mong manh, nhưng gia đình mẹ Hinh, đặc biệt là các em của liệt sĩ Tuân (liệt sĩ Tuân là con cả trong gia đình có 5 người con – PV) vẫn không ngừng nghỉ đi tìm kiếm tin thông tin về phần mộ liệt sĩ của anh trai mình.

Rồi một ngày, những công sức ấy cũng được đền đáp khi người em gái của liệt sĩ Tuân tìm thấy một ngôi mộ ở phía dưới Dốc Bà Đắc, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang có ghi tên liệt sĩ Đinh Duy Tuân, quê quán: huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Tuy nhiên, có một thông tin không chuẩn xác là ngày hi sinh ghi: 13/7/1977 (trong khi giấy báo tử ghi ngày 25/12/1977). Gia đình mẹ Hinh nghĩ, trong chiến tranh, một số thông tin chưa trùng khớp là điều hoàn toàn có thể xảy ra nhưng họ tên và quê quán chính xác như bia mộ ghi thì đây đúng là ngôi mộ chôn cất con trai của mẹ.

Mẹ Hinh kể rằng, từ ngày tìm thấy mộ của con trai, tuy tuổi cao, sức yếu, nhưng mẹ vẫn lặn lội cùng chồng và những người con khác vào tận An Giang để nhang khói cho liệt sĩ Đinh Duy Tuân. “Ít nhất là vào các dịp Tết, Tết Thanh minh và ngày 27/7 hàng năm, con gái tôi (lấy chồng và hiện đang làm giáo viên tại TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang - PV) cũng đều sang An Giang để viếng mộ anh trai nó. Tuy nhiên, đến một ngày, con gái tôi đến thì không thấy ngôi mộ kia nữa. Không biết ngôi mộ của con tôi đã được di chuyển đi đâu” - mẹ Hinh nhớ lại.

Thế là một lần nữa, gia đình mẹ Hinh và các con lại lặn lội vào An Giang để đi tìm mộ liệt sĩ Đinh Duy Tuân. Sau nhiều công sức, cuối cùng gia đình mẹ đã tìm thấy mộ liệt sĩ Đinh Duy Tuân tại nghĩa trang Dốc Bà Đắc. Gia đình mẹ có chụp ảnh lại ngôi mộ, nhờ quản trang hương khói cẩn thận. Tuy nhiên, vào năm 2018, khi người con gái của mẹ Hinh đến để thắp hương cho anh trai thì thấy ngôi mộ có biểu hiện khác lạ, phía trên ghi thông báo rằng ngôi mộ đã được cất bốc.

Quá bàng hoàng, gia đình mẹ đến hỏi quản trang và các nguồn thông tin khác thì được biết, có gia đình liệt sĩ tên Bùi Thanh Tuân, cũng ở cùng quê Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình đã đến làm thủ tục đưa bộ hài cốt tại ngôi mộ liệt sĩ này về quê an táng.

2 người mẹ cả đời ngóng con!

Cùng ở huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, trong năm 1976, có 2 người lính nhập ngũ là liệt sĩ Đinh Duy Tuân và liệt sĩ Bùi Thanh Tuân. Cả 2 liệt sĩ có cùng tên Tuân (khác họ và tên đệm), cùng ở huyện Gia Viễn và hi sinh trong cùng năm 1977 (khác ngày, khác tháng).

Điều trớ trêu thay là trên bia mộ ghi họ và tên liệt sĩ Đinh Duy Tuân, quê ở Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, nhưng ngày hi sinh trên bia mộ thì lại ghi đúng thành ngày hi sinh của liệt sĩ Bùi Thanh Tuân – ngày 13/7/1977 (trong khi ngày hi sinh của liệt sĩ Đinh Duy Tuân là ngày 25/12/1977). Vì vậy, khi gia đình liệt sĩ Bùi Thanh Tuân đi tìm và cũng gặp ngôi mộ này (có sự hỗ trợ của phương pháp tâm linh), thì họ cũng có niềm tin rằng, tuy họ và tên đệm trên tấm bia mộ kia là chưa đúng, nhưng chắc chắn đây là ngôi mộ liệt sĩ của gia đình mình!

Ông Bùi Văn Luân, em trai của liệt sĩ Bùi Thanh Tuân chia sẻ với tôi rằng, khi ông và gia đình đi tìm, ông có mở sổ ghi chép ở nghĩa trang Dốc Bà Đắc, thì có thấy trong quá trình sao chép từ trang cũ sang trang mới, thông tin của anh trai ông có bị sai.

Cụ thể, trang gốc ghi là liệt sĩ Bùi Thanh Tuân cùng các thông tin bố, mẹ và vợ (liệt sĩ Bùi Thanh Tuân lấy vợ được 3 tháng thì lên đường nhập ngũ - PV). Tuy nhiên, theo ông Luân, khi chép sang đến trang bên cạnh thì thông tin thành liệt sĩ Đinh Duy Tuân cũng cùng thông tin bố, mẹ và vợ (trong khi liệt sĩ Đinh Duy Tuân chưa có vợ - PV). Vì vậy, ông Luân và gia đình càng thêm chắc chắn, ngôi mộ trên chính là của anh trai mình (Phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật sẽ kiểm chứng thông tin ghi trong cuốn sổ ở nghĩa trang Dốc Bà Đắc như lời ông Luân chia sẻ).

Mẹ Hà Thị Xuân, mẹ của liệt sĩ Bùi Thanh Tuân.

Để đưa được hài cốt tại ngôi mộ liệt sĩ này về quê, gia đình mẹ Hà Thị Xuân, mẹ liệt sĩ Bùi Thanh Tuân đã phải làm giấy tờ theo các thủ tục, quy định để thay đổi thông tin trên bia mộ dưới sự hỗ trợ, hướng dẫn của Sư đoàn BB330, Quân khu 9 (đơn vị mà liệt sĩ Bùi Thanh Tuân đã nhập ngũ và tham gia chiến đấu). Sau quá trình hoàn tất thủ tục, gia đình mẹ Hà Thị Xuân đã được cất bốc và đưa hài cốt ngôi mộ trên về quê án táng tại nghĩa trang của dòng họ.

Mọi chuyện tưởng như đã êm đẹp, mẹ Hà Thị Xuân cùng gia đình ngỡ như ước nguyện cả cuộc đời của họ là đưa được người con liệt sĩ Bùi Thanh Tuân của mình về quê cha đất tổ thì một ngày gần đây, gia đình mẹ Lưu Thị Hinh, mẹ của liệt sĩ Đinh Duy Tuân đã tìm đến nhà và chia sẻ câu chuyện mà họ cho rằng, ngôi mộ liệt sĩ kia chính là của liệt sĩ Đinh Duy Tuân. Và cuối cùng, 2 gia đình thống nhất, tiến hành cất bốc ngôi mộ lên để lấy mẫu phẩm đem đi xét nghiệm ADN.

Ngày lành, tháng tốt được chọn, nhằm gần ngày 27/7/2019. Chia sẻ với PV, mẹ Lưu Thị Hinh và mẹ Hà Thị Xuân cho biết, từ nhiều đêm trước, người thân cả 2 gia đình đều không thể ngủ được. Các mẹ nghĩ, con cái mẹ đã hi sinh vì Tổ quốc, đó là nỗi mất mát không chỉ riêng gia đình 2 mẹ, mà còn là nỗi đau như của hàng triệu gia đình trên khắp dải đất hình chữ S trong hành trình bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc.

Tuy nhiên, các mẹ không thể ngờ rằng, con họ, dù đã hi sinh hơn 30 năm, giờ mới chớm có tin vui tìm được hài cốt, thì lại chưa chắc chắn có phải là của con mình hay không khi mà họ đang ở cái tuổi “gần đất xa trời”.

Rồi ngày bốc mộ cũng đến dưới sự chứng kiến của đông đảo người thân của 2 gia đình, chính quyền, đoàn thể các cấp. Tuy nhiên, một kịch bản không thể lường trước được khi nhân viên của Viện Pháp y Quốc gia về tận nơi kiểm tra và khẳng định, do xương của bộ hài cốt đã bị phân hủy quá nhiều, nên không thể tiến hành làm xét nghiệm ADN. Hai bà mẹ nghe tin ấy xong thì chỉ còn biết ôm nhau khóc. Bộ hài cốt lại được chôn xuống và xây mới lại ngôi mộ.

Giờ thì không còn biện pháp khoa học nào để xác định chính xác, bộ hài cốt kia là của liệt sĩ Đinh Duy Tuân hay liệt sĩ Bùi Thanh Tuân, thậm chí nhiều khả năng bộ hài cốt cũng không phải con của ai trong số 2 mẹ vì xương cốt không còn toàn vẹn. Nhưng với hai người mẹ nay đã gần bước sang tuổi 90, với 2 gia đình, đó vẫn là ngôi mộ chung, là đứa con chung để cùng nhau nhang khói, bởi với họ bất cứ liệt sĩ nào đã hy sinh vì đất nước, cũng đều đáng được tưởng nhớ và tri ân.

Vũ Cảnh

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/doi-song-xa-hoi/chuyen-ve-hai-nguoi-me-ca-doi-ngong-con-liet-si-74996.html