Chuyện về hai nhà báo đã ngã xuống ở miền Tây Nghệ An

Để có được một vị thế xứng đáng như ngày hôm nay, biết bao thế hệ người làm báo của Báo Nghệ An đã lặng thầm cống hiến và hy sinh, trong đó có sự hy sinh của hai nhà báo Đặng Loan và Trần Văn Thông.

Tổng Biên tập dũng cảm

Trong căn nhà gỗ có tuổi đời gần 100 năm ở xóm Liên Giáp, xã Phong Thịnh (Thanh Chương), chúng tôi được nghe bà Đặng Thị Hồng Nga (sinh năm 1950), con gái của nhà báo, liệt sĩ Đặng Loan kể về người cha thân yêu của mình. Ngôi nhà ấy nằm giữa vườn cây sum suê hoa trái, là nơi nhà báo Đặng Loan gắn bó nhiều năm trong cuộc đời.

Bà Đặng Thị Hồng Nga bên những tư liệu về người cha của mình - Nhà báo, liệt sĩ Đặng Loan. Ảnh: Công Kiên

Cha tôi sinh năm 1917, quê ở xã Văn Ba, tổng Cát Ngạn, nay là xã Phong Thịnh, huyện Thanh Chương. Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, ông sớm tham gia các hoạt động đấu tranh, góp phần giải phóng quê hương. Cha tôi đã hy sinh trong trận bom Mỹ ác liệt ngày 23/5/1965, đến ngày 26/5 mới tìm thấy thi thể và được công nhận liệt sĩ…

BÀ ĐẶNG THỊ HỒNG NGA

Chân dung liệt sĩ Đặng Loan. Ảnh: GĐCC

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, nhà báo Đặng Loan từng được giao phụ trách Đội Tự vệ đỏ của tổng Cát Ngạn (1944); trong cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền (1945), ông là người lãnh đạo Đội Tự vệ đỏ bảo vệ quần chúng tham gia các cuộc biểu tình và tổ chức bao vây huyện đường, cùng các lực lượng cách mạng đấu tranh giành chính quyền về tay nhân dân.

Sau Cách mạng Tháng Tám, nhà báo Đặng Loan tiếp tục làm Bí thư Đoàn Thanh niên cứu quốc xã, Đội trưởng Đội Tự vệ đỏ rồi cán bộ thông tin tuyên truyền huyện Thanh Chương. Sau đó, ông được điều làm Thường vụ Huyện ủy, Trưởng ban Tuyên huấn huyện Con Cuông. Từ năm 1958 – 1960 ông là cán bộ tuyên huấn tỉnh Nghệ An, được cử đi học đại học ở Hà Nội…

Nhà báo Đặng Loan làm việc. Ảnh: GĐCC

Từ năm 1961 – 1965, nhà báo Đặng Loan là Trưởng phòng Tuyên huấn Ban đại diện hành chính tỉnh Nghệ An ở miền Tây và chủ bút (Tổng biên tập) Báo Miền Tây Nghệ An (về sau sáp nhập vào Báo Nghệ An). Trận bom ác liệt ngày 23/5/1965 đã cướp đi tính mạng của nhà báo Đặng Loan và một người đồng chí, đồng đội của ông.

Về sau, bà Đặng Thị Hồng Nga được những người bạn, những người đồng chí của cha mình ở Báo Miền Tây Nghệ An kể lại những kỷ niệm về Tổng Biên tập Đặng Loan và khoảnh khắc hy sinh của ông dưới làn bom Mỹ. Thời điểm ấy, cơ quan Báo Miền Tây Nghệ An chỉ có 6 cán bộ, chịu trách nhiệm đảm bảo các quy trình để cho ra đời ấn phẩm.

Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, cơ quan được lệnh và tổ chức sơ tán đến nơi an toàn nhưng Tổng Biên tập Đặng Loan vẫn bám trụ tại tòa soạn để tiện việc tiếp nhận chủ trương của tỉnh và cập nhật thông tin tình hình sản xuất, chiến đấu trên địa bàn. Với tinh thần bám trụ trận địa, nhà báo Đặng Loan đã mang theo cơm nắm, cơm đùm đến cơ sở để tìm hiểu về chiến sự và những tấm gương điển hình.

Bà Đặng Thị Hồng Nga trước bàn thờ gia tiên. Ảnh: Công Kiên

Để từ đó, ông cho ra đời những bài báo ca ngợi những tấm gương chiến đấu giỏi, những tập thể và cá nhân đã anh dũng, kiên cường bám trận địa, bắn rơi máy bay Mỹ; ca ngợi những điển hình sản xuất giỏi, chi viện cho chiến trường miền Nam.

Sáng 23/5/1965, vùng trời Nghĩa Đàn như bị xé nát bởi tiếng gầm rú của hàng chục chiếc máy bay Mỹ bay vào từ phía biển. Từng tốp máy bay thay nhau bổ nhào xuống, dội bom đánh phá các mục tiêu như Khu công nghiệp Phủ Quỳ, cơ quan chỉ đạo miền Tây, Bệnh viện Đa khoa Tây Hiếu, Xưởng 250B Phủ Quỳ…

Đang có mặt ở tòa soạn, Tổng Biên tập Đặng Loan giao nhiệm vụ cho người liên lạc thu dọn tài liệu rồi ông băng qua chặng đường đầy khói bom và hố bom nham nhở để đến Bệnh viện Tây Hiếu. Ông ra sức cùng mọi người cõng từng bệnh nhân ra hầm trú ẩn, rồi chạy đến trụ sở xã Nghĩa Quang kêu lực lượng dân quân xuống cứu Xưởng cơ khí 250B đang cháy ngùn ngụt.

Từ Xưởng cơ khí 250B trở về tòa soạn, đúng lúc ấy máy may Mỹ dội bom lần thứ hai, một quả rơi trúng ngôi nhà tranh của cơ quan và cướp đi mạng sống của Tổng Biên tập Đặng Loan và cấp dưới của ông là nhà báo Trần Văn Thông.

Nhà báo Trần Văn Thông trong ký ức người thân

Dịp này, chúng tôi ngược lên thị xã Thái Hòa, tìm gặp ông Trần Văn Điu ở khối Đồng Tâm 1 (phường Hòa Hiếu), là em trai của nhà báo, liệt sĩ Trần Văn Thông. Nhắc đến người anh trai của mình, ông Điu không nén được niềm xúc động: “Đã gần 60 năm trôi qua nhưng hình ảnh anh Thông vẫn in đậm trong tâm trí của tôi. Mỗi khi nhớ về anh, lòng tôi lại xót thương vô cùng…”.

Ông Trần Văn Điu xúc động kể về sự hy sinh của người anh trai - Nhà báo, liệt sĩ Trần Văn Thông. Ảnh: Công Kiên

Theo lời ông Điu, nhà báo Trần Văn Thông sinh năm 1924, quê ở xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), là anh cả trong một gia đình có đông anh em. Trước cách mạng, gia đình thuộc diện khá giả, cậu bé Thông được bố mẹ cho đi học nên thông hiểu nhiều điều trong cuộc sống. Nhờ đó, cậu học trò sớm nhận thấy những bất công, ngang trái trong xã hội lúc bấy giờ.

Vì vậy, Trần Văn Thông sớm tham gia hoạt động cách mạng, có mặt trong hàng ngũ lực lượng đấu tranh giành chính quyền những ngày sục sôi của Cách mạng Tháng Tám (1945). Trong những năm kháng chiến chống Pháp, ông tham gia quân ngũ và hoạt động tại chiến trường Khu 5, góp phần chiến đấu giải phóng đất nước.

Chân dung liệt sĩ Trần Văn Thông. Ảnh: GĐCC

Rời quân ngũ, ông về nhận nhiệm vụ tại Huyện ủy Nghĩa Đàn, một thời gian sau làm Chánh Văn phòng Huyện ủy và cán bộ Ban đại diện hành chính tỉnh Nghệ An ở miền Tây, tham gia công tác ở Báo Miền Tây Nghệ An. Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, vùng đất Phủ Quỳ liên tục bị dội bom, cán bộ và nhân dân nơi đây thường xuyên đối mặt với gian khổ và hiểm nguy.

“Bom Mỹ ném xuống là chuyện thường ngày, gần như ai cũng quen với cuộc sống thời chiến. Nhưng tôi không thể nào quên được trận bom dội xuống Xưởng 250B và trụ sở Ủy ban Miền Tây sáng Chủ nhật, ngày 23/5/1965, bởi nó đã cướp đi mạng sống người anh cả của chúng tôi, anh ngã xuống bỏ lại bố mẹ già và 3 đứa con thơ nheo nhóc”, ông Trần Văn Điu tâm sự.

Khu vực đứng chân Ban đại diện hành chính tỉnh Nghệ An ở miền Tây thời điểm năm 1965. Ảnh: Công Kiên

Trước trận bom một ngày, tức là đúng vào ngày thứ 7, ông Trần Văn Thông về thăm nhà (lúc này cả gia đình đã chuyển lên Nghĩa Đàn), các thành viên trong gia đình đều mừng rỡ. Vì tuy cơ quan đóng trên địa bàn Nghĩa Đàn, cách nhà không xa nhưng công việc thời chiến luôn bận rộn nên ông chẳng mấy khi được về thăm nhà.

Ông Điu còn nhớ như in sáng sớm hôm sau, bà mẹ luộc nồi khoai cho cả nhà dùng bữa. Người anh trai vừa ăn vừa dặn dò 3 đứa con nhỏ phải ngoan ngoãn, nghe lời ông bà và chú, lần này chắc bố đi lâu mới trở về (vợ ông Thông đã mất trước đó). Ăn xong, ông nói với bố mẹ rằng tình hình chiến sự ngày càng ác liệt, nên ngày Chủ nhật vẫn phải ra cơ quan trực chiến để báo ra kịp thời, phản ánh đầy đủ thông tin trên các mặt trận.

Anh trai đi được một lúc, ông Điu chợt nghe tiếng gầm rú của hàng chục chiếc máy bay quần thảo trên bầu trời Nghĩa Đàn. Rồi những loạt bom nổ rung chuyển cả mặt đất, gần 1 tiếng đồng hồ máy bay địch thay nhau dội bom xuống vùng đất xã Nghĩa Quang. Trong hầm trú ẩn, ông Điu và các thành viên trong gia đình cầu mong anh trai mình được an toàn.

Địa điểm tìm thấy hài cốt nhà báo, liệt sĩ Trần Văn Thông năm 2011. Ảnh: Công Kiên

Đến cuối buổi chiều, có người đến báo tin ông Thông bị bom vùi mất tích, ai nấy đều rụng rời tay chân. Ông Điu theo bố đến trụ sở Báo Miền Tây Nghệ An, đập vào trước mắt là cảnh hố bom chi chít, đất đá ngổn ngang, lực lượng dân quân đang đào bới để tìm những người mất tích.

Ông Điu và bố mình lật từng phiến đá, đào từng hố bom nhưng không tìm thấy anh trai của mình. Công việc tìm kiếm kéo dài đến mấy ngày sau nhưng vẫn không tìm được thi thể của nhà báo Trần Văn Thông.

Mãi đến năm 2011, tức là 46 năm sau, một gia đình ở khu vực trụ sở Báo Miền Tây Nghệ An năm xưa đào móng nhà phát hiện bộ hài cốt cùng một số tư trang. Trong đó, có chiếc bút máy khắc 3 chữ Trần Văn Thông nên xác định được bộ hài cốt ấy là anh Thông của chúng tôi. Chúng tôi thương anh vô cùng…

ÔNG TRẦN VĂN ĐIU

Công Kiên

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/chuyen-ve-hai-nha-bao-da-nga-xuong-o-mien-tay-nghe-an-post279602.html