Chuyện về lính Biên phòng nơi đại ngàn A Lưới

Sương mù dày đặc khiến Đồn Biên phòng Hương Nguyên, BĐBP Thừa Thiên Huế như ảo ảnh thấp thoáng, lúc có, khi không. Đồn nằm giữa đại ngàn A Lưới cách xa khu dân cư vài chục cây số. Đến đây, chúng tôi đã được nếm trải sự gian khó của người lính Biên phòng.

Công tác tăng gia ở Đồn Biên phòng Hương Nguyên gặp nhiều khó khăn do sương muối dày đặc. Ảnh: Lê Văn Chương

Mỗi ngày chiến sĩ tiếp phẩm của Đồn Biên phòng Hương Nguyên phải đi chợ cách đồn 80km ở thị trấn A Lưới. Như vậy, bình quân mỗi tháng, chiến sĩ tiếp phẩm đi gần 5.000km. Đó là con số biết nói về cuộc sống vất vả của những người lính đang đóng quân tại một đồn Biên phòng có cái tên đầy mơ mộng - Hương Nguyên.

Tôi từng đi dọc tuyến biên giới Đắk Lắk, đi qua Đồn Biên phòng cửa khẩu Đắk Ruê, Đồn Biên phòng Ea H’leo vào những ngày đầu mùa mưa. Cảm giác của tôi là cô đơn, trống trải, bởi đồn nằm giữa rừng khộp, suốt ngày chỉ nghe âm thanh xào xạc của rừng le. Anh em ở các đồn này nói, “muốn mua con gà phải đi 10 cây số, vì đồn nằm cách xa dân”. Nhưng, lên Đồn Biên phòng Hương Nguyên thì “chuyện mua con gà” còn vất vả gấp bội phần.

Đồn Biên phòng Hương Nguyên nằm giữa rừng già thuộc xã Hương Nguyên, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Trước cổng đồn là đường Hồ Chí Minh, đoạn chạy từ Quảng Trị qua Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam. Nằm ở độ cao gần 1.000m so với mực nước biển, trên dãy núi Trường Sơn hùng vĩ, vị trí đồn đóng nằm ở giữa rừng, cách biệt hẳn với dân cư. Suốt ngày anh em chỉ nghe tiếng lá rừng lay và gió hú như giàn nhạc thiên nhiên lạnh lẽo.

Khi màn sương tan dần, tôi rong ruổi trên chiếc xe máy chạy dọc tuyến đường Hồ Chí Minh và nhận ra rằng, trong đêm vào đồn, chiếc xe bán tải đã đưa mấy anh em đi dưới một cung đường có khá nhiều “cạm bẫy”. Dọc đường Hồ Chí Minh, một bên là mép vực sâu hun hút, một bên là vách núi. Vách núi có nơi dựng đứng, có nơi trải dài. Khi mưa rừng đổ xuống thì thỉnh thoảng vách núi tụt xuống, đổ ào qua mặt đường, cuốn mọi thứ xuống vực. Hết đất tụt lại đến đá lăn, cây lao xuống đường. Cách hầm chui A Roàng không xa, một gốc cây to 2 người ôm, dài khoảng 20m lao từ đỉnh núi cắm xuống mặt đường.

Đại úy Thái Ngọc Hùng, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Hương Nguyên có lần vượt qua một khúc cua thì nghe tiếng núi đổ sau lưng. Khi anh quay lại, thất kinh vì cả mảng núi chắn ngang đường như một bức tường thành. Cơ quan chức năng phải huy động xe cơ giới và mất rất nhiều thời gian mới gạt hết được núi đất này xuống mép vực.

Một lần khác, anh Hùng bỗng nghe âm thanh lớn như tiếng sấm, khi xe vừa đi qua một vách núi đang róc rách nước. Ngay sau đó, một tảng đá khoảng 10 tấn toác ra từ vách núi, lăn xuống đường. Tảng đá này lao xuống rất nhanh, đè bẹp mọi thứ. Khi rơi xuống mặt đường thì tảng đá lăn chậm lại, phát ra âm thanh lục khục như bánh xe lu, sau đó biến mất hút dưới vực thẳm.

Vị trí của Đồn Biên phòng Hương Nguyên hiện nay nằm ở mỏm đồi yên ngựa và là vùng “đất vàng” trong rừng. Trước đây, đồn nằm cách vị trí ban đầu 7km, mỗi ngày “anh nuôi” phải chạy chợ 174km. Mùa Đông năm 2010, sau trận mưa rừng dai dẳng, núi nứt một vệt lớn, một mảng núi tụt xuống, cuốn ngôi nhà sàn của đơn vị xuống suối, đẩy đi cách đó cả trăm cây số. Từ ngày đồn bị núi đè đến nay, bộ đội phải di tản 5 lần, 3 lần làm nhà tạm. Bây giờ mới chính thức định cư ở vùng “đất vàng” này.

Giữa rừng thiêng, nước độc, sinh hoạt khó khăn, nhưng công việc tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc, phối hợp với lực lượng bảo vệ biên giới Lào tuần tra song phương luôn được đơn vị đều đặn thực hiện. Trong những tấm ảnh lưu trữ của đơn vị, đội tuần tra biên giới bao giờ cũng thấy quần áo ướt sũng, lấm bùn lầy. Thiếu tá Lê Xuân Phương, Đại úy Đặng Văn Tố, Thượng úy Đặng Văn Tám trong ảnh, nước da tím tái, nhưng ai cũng nở nụ cười vì đã quen với gian khổ.

Ở Đồn Biên phòng Hương Nguyên vào thời điểm khí hậu khắc nghiệt nhất, nhiệt độ buổi sáng có lúc chỉ còn 15-16 độ C, có ngày nhiệt độ hạ xuống thấp hơn. Gió núi đẩy sương mù quần đảo trong sân đồn như đang trong cơn bão tuyết. Tôi chợt nhớ lời dặn dò của anh em đơn vị, “nếu lên Đồn Biên phòng Hương Nguyên dịp cuối năm thì phải mang theo 7 cái quần đùi”. Có nghĩa là quần giặt phơi 7 ngày chưa chắc đã khô.

Mùa đông năm 2017 được đơn vị đánh dấu là khoảng thời gian phải sống trong cảnh ẩm thấp, mốc meo lâu nhất. Anh em trong đơn vị chờ đến 7 ngày, rồi 17 ngày vẫn không khô quần áo. Vì năm đó, mưa gió kéo dài, toàn bộ vật dụng đều trở thành những “cánh đồng” để meo, mốc thi nhau đâm chồi, mọc từng mảng. Đối với Trung úy Nguyễn Hữu Quý, dù rét buốt như thế, nhưng anh vẫn đều đặn chạy chợ mỗi ngày 160 cây số với mũ trùm đầu, khăn che tai, bao tay dày và bộ quần áo dày cộp.

Trên con đường Hồ Chí Minh, hằng ngày, Trung úy Nguyễn Hữu Quý vẫn đều đặn đi về hơn trăm cây số để tiếp phẩm cho đơn vị. Ảnh: Lê Văn Chương

Sau những ngày mưa, từng mảng núi Trường Sơn trút xuống đường. Có lần anh Quý phải dừng lại trước núi đất đá như một quả đồi. Trên đường Hồ Chí Minh không có sóng điện thoại, nên anh Quý quay xe trở ra để bắt sóng, liên lạc với đơn vị cử người trèo qua núi đất, vác rau, cá, thịt đi thêm vài chục cây số nữa để vào đồn. Vì không có điện, không có tủ lạnh tích trữ thực phẩm, nên dù núi đổ và mưa tuôn trắng trời thì việc “chạy chợ” vẫn phải đều đặn như vòng quay định sẵn.

Trong một ngày mưa đổ, giá lạnh, tôi đã thử cảm giác bằng trải nghiệm ngồi sau xe người nhân viên tiếp phẩm để chạy chợ một chuyến trên đường Hồ Chí Minh vào lúc sáng tinh mơ. Kinh nghiệm của người làm tiếp phẩm 5 năm, nên trước khi xe rời thị trấn A Lưới vào rừng và đi trên cung đường không có dân cư, Trung úy Nguyễn Hữu Quý ghé vào cây xăng đổ đầy bình nhiên liệu, vào tiệm sửa xe ở xã Hương Lâm để tăng chỉnh lại dây sên.

Anh Lượng, chủ tiệm sửa xe tại xã Hương Lâm thán phục, nói bằng giọng Huế đặc sệt: “Xe Biên phòng chạy cỡ đó nên mỗi tháng thay vài lon nhớt, 2 tháng là thay xích. Con xe ni chạy ác chiến nhất ở đường Hồ Chí Minh, chẳng xe nào chạy bằng hắn mô”.

Lê Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/chuyen-ve-linh-bien-phong-noi-dai-ngan-a-luoi/