Chuyện về nghề 'từ mẫu'

'Cao quý nhưng nhọc nhằn, tự hào và vất vả' là những cụm từ mà người ta hay dùng để miêu tả về nghề thầy thuốc.

Có trực tiếp làm việc trong ngành y mới thấu hiểu được hết nỗi vất vả, cực nhọc mà những nhân viên y tế ở đây trải qua trong cuộc đời làm nghề của mình. Mỗi khoa, phòng, đơn vị với đặc thù công việc riêng đều có những nhọc nhằn và áp lực công việc khác nhau.

Nhưng với tình yêu, sự tâm huyết với nghề và tinh thần "Lương y như từ mẫu" mà những cán bộ ngành y luôn hết lòng phục vụ, chăm sóc người bệnh, làm tốt công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Điển hình là tập thể cán bộ nhân viên Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (HSTC-CĐ) - Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ.

Khoa HSTC-CĐ là nơi tiếp nhận người bệnh nặng từ Khoa Cấp cứu trực tiếp chuyển vào hay những trường hợp người bệnh nặng từ các khoa khác chuyển đến. Là nơi mà ranh giới giữa sự sống với cái chết mong manh chỉ bằng một tiếng tút tút kéo dài của máy theo dõi nhịp tim. Là nơi mà mỗi ca trực đều là 24/24 giờ không ngủ vì hầu hết người bệnh ở đây đều trong tình trạng hôn mê nên các bác sĩ, điều dưỡng không thể lơ là dù chỉ một phút đối với bất cứ ca bệnh nào. Và đây cũng là nơi duy nhất trong toàn bệnh viện với đặc thù chăm sóc người bệnh toàn diện mà hoàn toàn không có sự hỗ trợ từ phía người nhà người bệnh.

Khoa duy nhất trong Bệnh viện với đặc thù chăm sóc người bệnh toàn diện.

Khoa duy nhất trong Bệnh viện với đặc thù chăm sóc người bệnh toàn diện.

Một buổi sáng của các bác sĩ, điều dưỡng Khoa HSTC-CĐ bắt đầu bằng công việc thường nhật là đi buồng kiểm tra tình trạng bệnh của tất cả người bệnh đang điều trị tại Khoa. Việc thăm khám, đánh giá tiên lượng, chỉ định điều trị, chăm sóc hỗ trợ... luôn được đội ngũ y bác sĩ ở đây thực hiện tận tâm, hết lòng.

Các bác sĩ đi buồng thăm khám cho người bệnh.

Được trang bị hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại: Máy siêu lọc máu PrismaFlex; Hệ thống máy thở hiện đại: Bennet 840,960; Engstrom...; Máy Xquang tại giường; Máy siêu âm cấp cứu tại giường... Cùng các kỹ thuật chuyên sâu: Lọc máu liên tục, thay huyết tương, thăm dò huyết động Picco, thở máy chuyên sâu… Nhiều kỹ thuật đã trở thành thường quy tại khoa như: Đặt catheter tĩnh mạch trung tâm; Đặt ống nội khí quản; Đo huyết áp động mạch liên tục; Siêu âm cấp cứu tại giường… Trong thời gian tới, Khoa sẽ triển khai thêm kỹ thuật Hạ thân nhiệt; Tim phổi nhân tạo (ECMO) để mang lại kết quả điều trị tốt nhất cho người bệnh.

Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc hiện có 11 bác sĩ, 24 điều dưỡng với 39 giường bệnh, nhiệm vụ của Khoa là cấp cứu những người bệnh nặng điều trị trong toàn bệnh viện, đồng thời hỗ trợ cấp cứu và vận chuyển người bệnh phải chuyển từ tuyến dưới lên.

Bên cạnh đó, Khoa còn có nhiệm vụ hỗ trợ các khoa lâm sàng trong Bệnh viện và các bệnh viện tuyến dưới trong xử trí tình huống cấp cứu, đào tạo chuyên môn trong cấp cứu. Người bệnh đến Khoa bệnh lý chủ yếu liên quan đến hô hấp, tuần hoàn và não trong tình trạng nguy cấp đến tính mạng, cần phải cứu chữa ngay nên mỗi cán bộ, nhân viên phải năng động, nhanh trí, chính xác và tận tình; tất cả hợp thành một đội quân đoàn kết, thống nhất, thuần thục xử lý tốt các tình huống cấp cứu bệnh nhân.

Các ca bệnh nặng đều được xử lý nhanh chóng, tận tình, chính xác.

Môi trường làm việc với cường độ cao, nhiều áp lực, vừa đối diện với tình trạng nguy kịch của người bệnh lại vừa có thể phải đối diện với sự nóng nảy của người nhà. Vì thế đội ngũ y bác sĩ ở đây không chỉ phải rèn luyện về chuyên môn mà còn phải rèn luyện cho mình thói quen chịu đựng, bao dung, thấm nhuần 12 điều y đức của người thầy thuốc Việt Nam để làm tròn trách nhiệm của mình. Nếu không có lòng yêu và say nghề, tình yêu thương người bệnh, sự nhẫn nại và chịu đựng thì người thầy thuốc ở đây khó lòng bám trụ nổi.

Môi trường làm việc với cường độ và áp lực cao nhưng các thầy thuốc nơi đây vẫn nhiệt huyết với nghề.

Chia sẻ về câu chuyện trong nghề, BSCKI Nguyễn Thị Thanh Mai - Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc chia sẻ: "Trong số hàng nghìn người bệnh được cứu sống, các bác sĩ, điều dưỡng ở Khoa nhớ nhất trường hợp người bệnh Nguyễn Văn N (SN 1947) ở Bạch Hạc - Việt Trì - Phú Thọ. Người bệnh được chuyển đến trong tình trạng ngừng tuần hoàn. Với sự nỗ lực hết mình của các y bác sĩ, sau cấp cứu ngừng tuần hoàn kiên trì hơn 80 phút và kết hợp với các biện pháp hồi sức tích cực, người bệnh đã hồi phục hoàn toàn không để lại di chứng sau 1 tháng, xuất viện trở về nhà trong niềm vui vỡ òa của người thân. Đó là niềm vui vô bờ của người bệnh cùng gia đình nhưng cũng là niềm hạnh phúc thầm lặng của những người thầy thuốc".

Các buổi sinh hoạt khoa học được tổ chức hàng tuần để nâng cao kiến thức chuyên môn, cập nhật những thông tin y khoa mới, giúp nâng cao chất lượng điều trị. Hiện tại khoa đang lên kế hoạch cử cán bộ tiếp tục lên bệnh viện tuyến Trung ương học về kỹ thuật hạ thân nhiệt, tim phổi nhân tạo (ECMO) nhằm nâng cao chất lượng điều trị, mang lại sự phục vụ tốt nhất, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người bệnh.

Có thể còn rất nhiều điều chưa nói hết về những khó khăn, vất vả trong công việc mà các cán bộ của Khoa HSTC– CĐ nói riêng hay ngành y nói chung đang hàng ngày, hàng giờ trải qua khi chăm sóc, điều trị cho người bệnh, nhưng chính niềm tin, tinh thần trách nhiệm và nhiệt huyết với nghề là động lực thôi thúc các bác sĩ, điều dưỡng tiếp tục nỗ lực trên hành trình nhiều chông gai nhưng cũng đầy tự hào này. Và những hy sinh thầm lặng ấy sẽ đem lại niềm hạnh phúc, nụ cười, tô điểm cho cuộc sống thêm màu ý nghĩa.

Thanh Nga

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chuyen-ve-nghe-tu-mau-n169387.html