Chuyện về ngôi đền thiêng không sử dụng ngân sách để xây dựng

Đã từ lâu, đền Cửa Ông không chỉ được biết đến là ngôi đền thiêng của vùng Đông Bắc, nơi có cảnh quan đẹp, có tích sử oai hùng mà còn là điểm đến của hàng nghìn du khách...

Lễ đón nhận Bằng công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt đền Cửa Ông.

Lịch sử Đền thiêng

Tối 18/3 (tức mùng 2/2 năm Mậu Tuất), tại sân lễ hội đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) diễn ra Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt đền Cửa Ông và khai hội đền Cửa Ông năm 2018 với hàng nghìn du khách, người dân tham dự. Đây là hoạt động được tổ chức với quy mô cấp tỉnh, do UBND TP Cẩm Phả phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND huyện Vân Đồn tổ chức, nằm trong chuỗi các sự kiện của Năm Du lịch Quốc gia 2018 - Hạ Long, Quảng Ninh.

Là một trong những lễ hội lớn của tỉnh Quảng Ninh được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt năm 2017, hội đền Cửa Ông năm nay thu hút được hàng nghìn người đến tham quan, hành lễ. Tuy nhiên, năm nay lễ hội được tổ chức quy mô hơn bởi dịp lễ hội này, đền Cửa Ông đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt. Đây không chỉ là niềm vui của người dân Quảng Ninh, đông đảo du khách mà còn là thách thức đối với chính quyền địa phương trong việc giữ gìn, phát huy nét đẹp truyền thống và tôn nghiêm của lễ hội.

Đền Cửa Ông thờ Đức Ông Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng - con trai thứ ba của Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn cùng nhiều tướng lĩnh nhà Trần có công đánh giặc trấn ải vùng Đông Bắc. Ông có tài chiến đấu và đầy cá tính, nhiều lúc làm cha bất bình, đày ông ra Cửa Suốt (Quảng Ninh) trấn thủ bến cảng. Ông đã giữ vững vùng đất này, yên định được dân tình, ngăn những mưu mô xâm lấn của giặc Nguyên. Người dân ở đây tôn kính ông, gọi ông là Đức Ông, và đền thờ cũng gọi là đền Đức Ông.

Sử dụng nguồn công đức cho trùng tu, tôn tạo, an sinh xã hội

Hàng nghìn du khách đổ về đền Cửa Ông để vãn cảnh, tham quan. Ảnh: Đức Tùy

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Vũ Hồng Chương, Chủ tịch UBND phường Cửa Ông, Trưởng ban tổ chức lễ hội cho biết: “Từ trước đến nay, ngôi đền này có cách quản lý tiền công đức của du khách, khoa học và minh bạch. Chính vì cách quản lý này nên chúng tôi mới có tiền xây dựng, tu bổ nên ngôi đền trong khi đó không có ngân sách Nhà nước”.

Theo ông Chương, công tác quản lý và sử dụng nguồn tiền từ dân đóng góp vào bản đền được thực hiện theo quy trình chặt chẽ, công khai và có sự giám sát của các ban, ngành địa phương cùng thành phố Cẩm Phả. Sau mỗi ngày, vào 17h, Ban kiểm soát két của Đền sẽ đi mở két và đưa toàn bộ tiền có trong két về một phòng trống bố trí sẵn camera xung quanh và kiểm đếm tiền. Mỗi két có 2 chìa khóa giao cho 2 thành viên trong Ban kiểm soát (Chủ tịch MTTQ phường và cán bộ Phòng Tài chính, Kế hoạch thành phố).

Toàn bộ số tiền này vào cuối tháng sẽ được tổng hợp chuyển vào kho bạc thành phố để sử dụng cho công tác xây dựng, đầu tư, tu bổ di tích và các hạng mục, công trình hạ tầng, công trình phúc lợi xã hội, xây trường học, trạm y tế... Chỉ tính từ năm 2013 đến nay, Ban quản lý đã sử dụng gần 1.000 tỉ đồng trích từ nguồn ủng hộ, đóng góp, công đức của dân để tôn tạo, tu bổ và mở rộng khuôn viên Đền khang trang hơn, quy mô hơn.

Minh Lý

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/chuyen-ve-ngoi-den-thieng-khong-su-dung-ngan-sach-de-xay-dung-20180320080258888.htm