Chuyện về những anh nuôi mùa dịch

Dành tâm sức để chế biến hàng nghìn suất ăn đủ dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm, giúp người bệnh, cán bộ, y bác sĩ có sức khỏe 'chiến đấu' với Covid-19 là công việc của những cán bộ, chiến sĩ hậu cần Bộ CHQS tỉnh Bắc Giang và Sư đoàn 3 (Quân khu 1) trong suốt thời gian vừa qua.

Bữa ăn ngon, đủ dinh dưỡng

Mỗi bữa ăn, các cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Bộ CHQS tỉnh và Sư đoàn 3 phải lên kế hoạch chuẩn bị hàng nghìn suất. “Công việc của chúng tôi là nấu những món đủ dinh dưỡng, ngon miệng giúp các bác sĩ, cán bộ, y tế và người bệnh có sức khỏe tốt để chiến thắng dịch bệnh” - Trung tá Nguyễn Đức Hạnh, Phòng Chính trị, Bộ CHQS tỉnh chia sẻ. Để có những bữa ăn ngon, đủ dinh dưỡng và thường xuyên đổi mới, anh Hạnh cùng đồng đội phải bàn rất kỹ với Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh lên thực đơn theo tuần.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh và Sư đoàn 3 chuẩn bị suất ăn phục vụ bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Phục hồi chức năng.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh và Sư đoàn 3 chuẩn bị suất ăn phục vụ bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Phục hồi chức năng.

Từ đầu tháng 5 đến nay, hầu hết CBCS đều tham gia chống Covid với nhiệm vụ, vai trò khác nhau. Ở cơ quan, đơn vị, các anh lập kế hoạch, lên chương trình huấn luyện, thực hiện nhiệm vụ chính trị. Còn ở đây, các anh lại trở thành những anh nuôi. Chẳng mấy khi được trổ tài, mỗi người mỗi việc thoăn thoắt tay dao, tay thớt cùng chế biến, sau đó bày biện suất ăn đẹp mắt. Mỗi ngày có thêm một chút kinh nghiệm, bữa ăn ngon và đa dạng hơn, anh em cũng vui vì nhận được phản hồi tích cực của cán bộ, y bác sĩ và bệnh nhân.

Để vận hành 2 bếp dã chiến phục vụ hàng nghìn suất ăn cho cán bộ, y bác sĩ điều trị bệnh Covid ở các địa điểm: Bệnh viện Phục hồi chức năng cơ sở 1, Bệnh viện Phục hồi chức năng cơ sở 2 (tại Trường Cao đẳng Ngô Gia Tự), Bệnh viện Phổi, Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 2 (Bộ Quốc phòng), Trung tá Nguyễn Đức Hạnh đã kịp thời tham mưu trang bị 3 tủ cơm công nghiệp với công suất lớn, có thể nấu 70 kg gạo/nồi/lần (mỗi lần nấu ủ chín khoảng 2 giờ); huy động gần 100 CBCS hỗ trợ. Với mức 80 nghìn đồng/người/ngày, lực lượng hậu cần tính toán và chia theo tỷ lệ 2/4/4 (bữa sáng 16 nghìn đồng, trưa và tối mỗi bữa 32 nghìn đồng).

Từ sáng sớm, bếp ăn tại Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 tại Trường Cao đẳng Nghề công nghệ Việt - Hàn đã đỏ lửa. Cuối tháng 5/2021, Bệnh viện dã chiến nhanh chóng được lắp đặt, cơ sở hạ tầng nhà bếp cũng được CBCS sửa sang gọn gàng sạch đẹp. Ngày 2/6, hàng nghìn suất ăn được các anh chuẩn bị. Thiếu tá Nguyễn Thanh Tùng, Trung đoàn 831 (Bộ CHQS tỉnh), Phó Giám đốc Bệnh viện dã chiến cho biết: Nhờ có sự hỗ trợ của Sư đoàn 3, bếp dã chiến tại đây có 32 đồng chí, ngoài ra còn có 4 đầu bếp của các nhà hàng lớn tình nguyện hỗ trợ. Anh Tùng vừa dứt lời, bữa trưa ngày 12/6 gồm: Thịt quay nóng hổi, tôm xào hành, đậu rán, trứng rán, lạc rang, rau mùng tơi luộc, canh rau ngót được bày biện đẹp mắt. Hộp cơm, thức ăn, canh, quả tráng miệng được đóng riêng, thức nào cũng gọn gàng. Đối với người bệnh nặng, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, nhà bếp căn cứ nhu cầu đăng ký để chuẩn bị cháo, bột dinh dưỡng, phở, bún, bánh mỳ và sữa… thậm chí sẵn sàng cả những suất đồ ăn chay cho người ăn kiêng.

Công việc nào cũng tự hào

Với mỗi CBCS của Bộ CHQS tỉnh và Sư đoàn 3, được tham gia phục vụ hậu cần cho các bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 là nhiệm vụ đặc biệt nhưng cũng vô cùng tự hào. Chiến sĩ Nguyễn Khắc Thư, Sư đoàn 3 cho hay: “Khi đơn vị có thông tin, tôi cùng nhiều đồng đội khác xung phong vào tâm dịch Bắc Giang. Chúng tôi tham gia xây dựng, lắp đặt và giờ là bảo đảm hậu cần cho bệnh viện dã chiến. Tôi rất tự hào vì được góp phần nhỏ bé của mình cùng với đơn vị và nhân dân Bắc Giang sớm đẩy lùi dịch bệnh”.

Nhận lời mời của Thiếu tá Nguyễn Thanh Tùng và Thiếu tá Đỗ Hồng Vụ, Phòng Hậu cần (Bộ CHQS tỉnh), với tinh thần tình nguyện, anh Hà Văn Tuân, đầu bếp của một nhà hàng lớn ở thị trấn Nham Biền (Yên Dũng) cùng 3 đầu bếp khác sẵn sàng gác lại việc cá nhân, khăn gói ba lô tình nguyện đến bệnh viện dã chiến đặt tại Trường Cao đẳng Nghề công nghệ Việt -Hàn. Anh Tuân nói: “Là người có nghề, chúng tôi cũng mong nấu được những bữa ăn ngon phục vụ bệnh nhân cùng cán bộ, y bác sĩ. Họ được ăn ngon mới có sức khỏe để làm việc”. Nhờ sự tận tâm của các anh, từ đầu tháng 6 đến giờ, bữa cơm của cán bộ, y bác sĩ và bệnh nhân tại đây lúc nào cũng ngon.

Thượng tá Vũ Văn Hùng, Phó Chủ nhiệm Hậu cần, Bộ CHQS tỉnh nói: “Nhằm bảo đảm chất lượng bữa ăn tại các bệnh viện dã chiến, khu cách ly trên địa bàn tỉnh, Bộ CHQS tỉnh thành lập đoàn công tác là cán bộ các phòng, ban; thường xuyên kiểm tra giám sát việc tổ chức lực lượng nấu ăn, bảo đảm hậu cần. Chúng tôi yêu cầu các bếp phải nhập thực phẩm từ cơ sở uy tín, rõ nguồn gốc; xây dựng thực đơn đa dạng, đủ dinh dưỡng theo tuần. Đặc biệt khâu chế biến bảo đảm quy trình một chiều, được đóng gói, bảo quản cẩn thận trước khi chuyển đến bệnh nhân và lưu mẫu". Nhờ thực hiện bài bản, quy củ và nền nếp, hầu hết bếp dã chiến do CBCS Bộ CHQS tỉnh và Sư đoàn 3 duy trì đều đặn, được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đánh giá cao.

Bài, ảnh: Tuyết Mai

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/dich-viem-duong-ho-hap-cap-do-ncov/362274/chuyen-ve-nhung-anh-nuoi-mua-dich.html