Chuyện về những 'cây đại thụ' lan tỏa tinh thần mới trong xóa đói giảm nghèo

Để thực hiện hiệu quả công tác 'xóa đói giảm nghèo', nhiều địa phương đã có những chính sách linh hoạt; trong đó đặc biệt phát huy vai trò của người có uy tín.

Nói dân tin, làm dân theo

“Nói dân tin, làm dân theo”, lâu nay, người có uy tín được ví như những “cây đại thụ” đã và đang phát huy vai trò tiên phong để tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Nhà nước; tham gia xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo bền vững…

Vợ chồng ông Vừ Sua Ly ở bản Pha Luông, xã Co Mạ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La tuyên truyền, giáo dục con, cháu chấp hành pháp luật. Ảnh: Trần Thắng

Câu chuyện về bà Hứa Thị Xuân - người có uy tín ở thôn Yên Cốc (xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang) là một tấm gương điển hình. Ở tuổi 65, bà vẫn hăng say phát triển kinh tế, là tấm gương cho người dân trong thôn noi theo.

Được biết, năm 2013, sau 2 năm trở về sinh hoạt Đảng tại địa phương, bà Xuân được tín nhiệm bầu là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Giai đoạn này, xã Yên Nguyên đang tập trung xây dựng nông thôn mới, bà đã tích cực vận động nhân dân tham gia đóng góp sức người, sức của xây dựng cơ sở hạ tầng; tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao thu nhập.

Phát huy trách nhiệm nêu gương, bà bàn với chồng chuyển đổi diện tích đất sản xuất trồng cây ăn quả; thâm canh, xen canh trồng các loại cây ngắn ngày để lấy ngắn nuôi dài. Hiện nay, mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình bà gồm 1,3ha rừng; trên 100 gốc thanh long đỏ, 100 gốc bưởi, 70 gốc chanh tứ mùa, 50 gốc bưởi diễn; tre mai, tre bát độ. Hàng năm, gia đình bà còn thu được trên 1 tấn bí đỏ, cà pháo nhờ trồng xen vào diện tích chanh tứ mùa. Bên cạnh đó là nuôi cá, nuôi lợn sinh sản để bán lợn giống, nuôi gà. Sau khi trừ mọi chi phí, mô hình kinh tế của gia đình bà thu khoảng 250 triệu đồng/năm.

Cũng là người có uy tín ở thôn Bình An, xã Bình Nhân, huyện Chiêm Hóa, ông Hoàng Văn Luân - dân tộc Tày đã vận động nhân dân trong thôn đoàn kết, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo, bài trừ các hủ tục lạc hậu, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Ngoài ra, ông còn vận động 16 hộ gia đình trong thôn tự nguyện hiến gần 3.000m2 đất để xây dựng tuyến đường bê tông trong thôn. Vận động 100% hộ dân trong thôn ký cam kết tự nguyện hiến đất để xây dựng tuyến đường liên xã Bình Nhân - Kim Bình (đoạn đi qua địa phận thôn)...

Theo số liệu thống kê, huyện Chiêm Hóa hiện có 258 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm gần đây, đội ngũ người có uy tín được xem như những "cây đại thụ" lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Bằng uy tín của bản thân, họ đã và đang góp sức xây dựng những bản làng, thôn xóm ở Chiêm Hóa nói riêng, cùng cả nước nói chung ngày càng ấm no, giàu mạnh.

Còn tại khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa với trên 700.000 người là đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm qua, tỉnh luôn quan tâm đến bà con bằng những chính sách, chương trình cụ thể, để đồng bào phát huy tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng phát triển. Góp phần quan trọng làm nên sự phát triển chung ấy chính là những người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số. Họ trở thành cầu nối, chỗ dựa vững chắc của Đảng, chính quyền, Hệ thống dân vận, Mặt trận Tổ quốc với nhân dân.

Rời Thanh Hóa đến bản Pha Khuông (xã Co Mạ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) hỏi thăm ông Vừ Sua Ly ai cũng biết. Dù tuổi đã gần 80 tuổi nhưng vợ chồng ông Vừ Sua Ly vẫn đều đặn hàng ngày cùng nhau đến từng nhà trong dòng họ để nắm tình hình, tâm tư, tình cảm và tuyên truyền, giáo dục, vận động con, cháu trong dòng họ mình chấp hành pháp luật, không vi phạm tệ nạn xã hội…

Ghi nhận tại nhiều địa phương cho thấy, các “già làng, trưởng bản”, những người uy tín không quản ngại khó khăn, với tinh thần cần cù, sáng tạo, giàu kinh nghiệm sống và mong muốn được cống hiến cho xã hội, đội ngũ người có uy tín đã vận động bà con tích cực phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới.

Ông Vừ Sua Ly cho hay: “Để con cháu mình có cuộc sống tốt cùng sự phát triển của xã hội, tôi luôn nhắc nhở cho con cháu phải chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương, thôn bản, còn con trẻ thì phải chịu khó học tập...”

Ở Quảng Ngãi, toàn tỉnh hiện có 306 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Thời gian qua, những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đã góp sức lớn cho an bình ở miền núi Quảng Ngãi.

Đảm bảo chính sách cho người uy tín

Để động viên, khuyến khích người uy tín phát huy hiệu quả vai trò, tại Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 06/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người có uy tín đã quy định: Người có uy tín được thăm hỏi, tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán, Tết của các dân tộc thiểu số không quá 2 lần/năm; mức chi không quá 500.000 đồng/người/lần; thăm hỏi, hỗ trợ người có uy tín bị ốm đau không quá 1 lần/năm với mức chi không quá 3.000.000 đồng/người/năm với cấp Trung ương, không quá 1.500.000 đồng/người/năm đối với cấp tỉnh, không quá 800.000 đồng/người/năm đối với cấp huyện;

Thăm hỏi, hỗ trợ hộ gia đình người có uy tín gặp khó khăn (thiên tai, hỏa hoạn). Mức chi không quá 2.000.000 đồng/gia đình/năm đối với cơ quan Trung ương, không quá 1.000.000 đồng/gia đình/năm đối với cơ quan cấp tỉnh, không quá 500.000 đồng/gia đình/năm đối với cơ quan cấp huyện;

Thăm viếng, động viên khi người có uy tín, thân nhân trong gia đình (bố, mẹ, vợ, chồng, con) qua đời. Mức chi không quá 2.000.000 đồng/trường hợp đối với cơ quan Trung ương, không quá 1.000.000 đồng/trường hợp đối với cơ quan cấp tỉnh, không quá 500.000 đồng/trường hợp đối với cơ quan cấp huyện;

Khen thưởng người có uy tín có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh, trật tự, giữ gìn bản sắc văn hóa và đoàn kết dân tộc được biểu dương, khen thưởng theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng và các văn bản hướng dẫn hiện hành về thi đua, khen thưởng…

Cụ thể hóa quy định của Chính phủ, để động viên, khuyến khích người uy tín, mới đây, UBND huyện Chiêm Hóa đã tổ chức Hội nghị biểu dương người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số năm 2023.

Lãnh đạo huyện Chiêm Hóa tặng giấy khen cho 40 cá nhân là người có uy tín tiêu biểu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện năm 2023.

Hiện nay, 100% xã, thôn trong huyện Chiêm Hóa có đường ô tô đến trung tâm, 99,6% hộ gia đình được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% xã, thị trấn phủ sóng điện thoại di động; 279 thôn có nhà văn hóa, 12 xã đã được công nhận nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4%/năm... Bản sắc văn hóa dân tộc được bảo tồn, phát huy; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, khối đại đoàn kết dân tộc được tăng cường.

Lãnh đạo huyện Chiêm Hóa cho hay, thành tích đó có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ người có uy tín trên địa bàn. Thời gian qua, đội ngũ người có uy tín trên địa bàn huyện đã thực hiện tốt vai trò cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền của địa phương với đồng bào dân tộc. Họ là tấm gương sáng, đi đầu, hướng dẫn, cùng với đồng bào dân tộc đẩy mạnh phát triển kinh tế, giảm nghèo...

Theo Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tiêu chí lựa chọn người có uy tín là người tiêu biểu, có nhiều công lao, đóng góp trong các phong trào thi đua yêu nước, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ an ninh trật tự, giữ gìn bản sắc văn hóa và đoàn kết các dân tộc; bản thân và gia đình gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương; hiểu biết về văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán dân tộc; có mối liên hệ chặt chẽ và có ảnh hưởng trong dòng họ, dân tộc và cộng đồng dân cư; có khả năng quy tụ, tập hợp đồng bào dân tộc thiểu số trong phạm vi nhất định bằng lời nói, qua việc làm, được người dân trong cộng đồng tín nhiệm, tin tưởng, nghe và làm theo.

Cũng nhằm phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Quảng Ngãi thời gian qua luôn thực hiện chăm lo đầy đủ các chính sách, tích cực hỗ trợ người có uy tín. Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với đơn vị, chính quyền địa phương tổ chức nhiều lớp phổ biến, tuyên truyền để cung cấp thông tin mới; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, quốc phòng, an ninh, chính sách dân tộc và kỹ năng hòa giải, tuyên truyền, vận động quần chúng cho người có uy tín; hỗ trợ gia đình người có uy tín gặp khó khăn. Ðồng thời, gặp gỡ, biểu dương, khen thưởng cho hàng trăm lượt người có uy tín có thành tích tiêu biểu trong việc phát huy vai trò của người có uy tín ở cơ sở.

Từ những chính sách quan tâm chăm lo, người có uy tín ở các địa phương được tiếp thêm tinh thần để tích cực đi đầu, phát huy tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng. Bằng uy tín của mình, những người có uy tín đặc biệt ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách; vận động người dân giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phát triển sản xuất, xóa bỏ hủ tục...

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trò chuyện, thăm hỏi Người có uy tín, lãnh đạo xã Giang Ma, huyện Tam Đường ( Lai Châu). Ảnh: Thanh Huyền

Với khả năng “nói dân tin, làm dân theo”, đội ngũ người có uy tín trên cả nước được coi là “hạt nhân” phát triển kinh tế ở địa phương; được đồng bào tín nhiệm, tôn trọng, tin tưởng. Họ vừa chủ động, tiên phong xây dựng mô hình kinh tế hộ gia đình; định hướng và giúp đỡ hướng dẫn nhân dân địa phương cùng phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, vừa góp sức mình hoàn thành các chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo, triển khai đầy đủ các cơ chế, chính sách hỗ trợ sinh kế cho đồng bào.

Tâm An

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chuyen-ve-nhung-cay-dai-thu-lan-toa-tinh-than-moi-trong-xoa-doi-giam-ngheo-287704.html