Chuyện về những chú chó nghiệp vụ

Trên mặt trận giữ gìn an ninh trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm nơi biên giới, đằng sau những chiến công của lực lượng Bộ đội Biên phòng và Hải quan cửa khẩu quốc tế Cha Lo (Quảng Bình) có sự đóng góp rất lớn của những chú chó nghiệp vụ.

Đó là những chú chó béc giê to lớn, thân thiện với các chiến sỹ nhưng lại được xem như khắc tinh của tội phạm.

Nghề huấn luyện viên chó nghiệp vụ

Trong chuyến công tác lên Cửa khẩu quốc tế Cha Lo những ngày giáp Tết, chúng tôi có dịp trò chuyện với nhiều huấn luyện viên chó nghiệp vụ đang công tác tại lực lượng Biên phòng và Hải quan. Được nghe các anh chia sẻ những câu chuyện về chó nghiệp vụ, tôi đã hiểu được phần nào nỗi vất vả, nguy hiểm của công việc đặc biệt này.

Chó nghiệp vụ đang phục kích tội phạm.

Trung úy Chu Văn Luyến, huấn luyện viên chó nghiệp vụ đang công tác tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cha Lo tâm sự. Huấn luyện viên chó nghiệp vụ được tuyển chọn hết sức khắt khe, đó phải là người có sức khỏe tốt và yêu thương động vật. Vượt qua vòng tuyển chọn, các học viên sẽ được phân về các lớp huấn luyện chó khác nhau, riêng anh được biên chế vào lớp huấn luyện chó chiến đấu.

Để huấn luyện được một chú chó chiến đấu tốt, công tác lựa chọn chó cũng gắt gao. Đó là những chú chó được sàng lọc từ nhiều con chó khoảng 1 đến 2 tuổi, có sức khỏe tốt. Nhận chó xong, huấn luyện viên vừa phải chăm sóc chó, vừa huấn luyện nghiệp vụ. Cách huấn luyện chó phải đi từ lý thuyết đến thực hành, từ bài dễ đến bài khó.

Theo các huấn luyện viên chó nghiệp vụ, chó ở trường sẽ được dạy cách tuần tra, truy vết, canh gác, lùng sục, phục kích, vượt vật cản và các kỹ luật khác theo quy định của Bộ Quốc phòng. Xong giai đoạn 1 (3 tháng đầu), chó sẽ được tuyển chọn lại một cách kỹ càng.

Riêng con nào sợ tiếng nổ, yếu thể lực, cắn bắt đối tượng không được sẽ bị loại để bổ sung con khác. Vượt qua giai đoạn này, chó tiếp tục được huấn luyện các giai đoạn và các bài tập cao hơn, khó hơn. Đến khoảng 1 năm, chó sẽ phải thi tốt nghiệp với các bài thi rất khó. Nếu thi đậu, chó mới được phân về các đơn vị sử dụng làm nhiệm vụ.

Thiếu úy Trần Thế Anh, huấn luyện viên chó nghiệp vụ ma túy của Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cha Lo chia sẻ: “Trong quá trình huấn luyện, sử dụng chó nghiệp vụ, đòi hỏi huấn luyện viên phải thực sự yêu chó, can đảm, dũng cảm. Bởi, trong quá trình huấn luyện lẫn chiến đấu, độ nguy hiểm, rủi ro rất cao, thường xuyên vị chó cắn, hoặc đối mặt với nhiều loại tội phạm nguy hiểm”.

Chó nghiệp vụ của Bộ đội Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cha Lo tham gia tuần tra, kiểm soát khu vực biên giới.

Đặc tính nổi bật của những chú chó là mũi có khả năng đánh hơi cực nhạy và có thể phân biệt được rất nhiều mùi vị khác nhau. Chúng có thể phân biệt được 4 loại ma túy: ma túy tổng hợp, cần sa, heroin và thuốc phiện cho dù đối tượng có giấu tinh vi như thế nào. Ngoài ra, chó là loại vật rất trung thành, luôn biết cách biểu hiện tình cảm.

Anh Đỗ Mạnh Hùng, công tác tại Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Cha Lo, một huấn luyện viên chó nghiệp vụ trải lòng: “Trong quá trình huấn luyện, sử dụng, chó nghiệp vụ cũng thể hiện nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Khi chó làm việc tốt, được khen rồi thưởng thức ăn là chó vui mừng, khi buồn hay bị phạt thì chó ngồi lặng lẽ, mắt đượm buồn. Trong quá trình làm nhiệm vụ, chó sẵn sàng hy sinh để bảo vệ chúng tôi”.

Hàng ngày, anh đều cho chó tắm rửa, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thường xuyên vuốt ve, cho chó ăn ngày ba bữa đúng tiêu chuẩn và theo dõi sức khỏe của chó...

Nói về kỷ niệm huấn luyện chó nghiệp vụ, Trung úy Chu Văn Luyến nhớ lại. “Trước đây, tôi gắn bó với chú chó nghiệp vụ tên R. nhiều năm. Chú chó này do mình trực tiếp đào tạo nên và đã từng cứu sống tôi trong một lần huấn luyện. Thời điểm đó, tôi đang học ở trường và tập bơi vũ trang qua một hồ nước rộng chừng 200m trong thời tiết rét buốt rất khắc nghiệt. Khi bơi ra được khoảng 150 m thì tôi đuối sức vì trời quá rét, trên người còn mang theo nhiều hành lý.

Thấy tôi không thể vượt qua được hồ nước, R. đã cắn chặt dây kéo, tôi bơi được vào bờ. Nhờ đó, tôi và R. đã hoàn thành bài tập của mình”.Về với đơn vị, R. đã theo anh làm nhiều nhiệm vụ khác nhau, như: diễn tập khu vực phòng thủ hai tuyến biên giới, huấn luyện đầu năm; diễn tập tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn, làm nhiệm vụ ở các điểm nóng, xảy ra xung đột, điều động lên biên giới để cùng các chiến sỹ Bộ đội Biên phòng tuần tra khu vực biên giới, đấu tranh với các loại tội phạm...

Góp sức cho những chiến công

Trong những chiến công của lực lượng bảo vệ an ninh, đấu tranh phòng chống với các loại tội phạm nơi biên giới, những chú chó nghiệp vụ luôn lặng thầm theo những chiến sỹ Biên phòng và cán bộ Hải quan tham gia đánh án, sẵn sàng chiến đấu và hy sinh vì “đồng đội”.

Thiếu tá Dương Đình Hoàn, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo chia sẻ: “Hiện, Đồn đang quản lý, sử dụng một chú chó nghiệp vụ chiến đấu và một chú chó phục vụ cho điều tra ma túy. Hàng ngày, những chú chó nghiệp vụ đều theo lực lượng tuần tra, kiểm tra người, phương tiện và hàng hóa qua biên giới. Chính thứ “vũ khí sống” đó đã góp phần giúp đơn vị đấu tranh thành công nhiều vụ án liên quan đến ma túy, bắt được và làm khiếp sợ nhiều đối tượng tội phạm”.

Chó nghiệp vụ của lực lượng Hải quan Cửa khẩu quốc tế Cha Lo hỗ trợ kiểm tra hàng hóa qua biên giới.

Trung úy Hồ Hùng Dũng, Trạm phó Trạm kiểm soát biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo kể tiếp: “Có lần, anh em dẫn chó nghiệp vụ đang phục kích một đối tượng tội phạm. Khi đối tượng này xuất hiện, chúng tôi ra lệnh cho chó nghiệp vụ lao tới cắn, quật ngã đối tượng rồi anh em đã lao lên và tóm gọn.

Ngoài ra, có một số vụ vận chuyển ma túy qua cửa khẩu, đối tượng cất giấu hàng hết sức tinh vi. Nhưng với sự nhạy bén của mình, chó đã phát hiện ra ma túy trong các phương tiện hay trên cơ thể đối tượng. Nhờ đó, thời gian qua, đơn vị đã bắt được nhiều vụ vận chuyển ma túy và các đối tượng vi phạm pháp luật”.

Ông Nguyễn Văn Ngành, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Cha Lo cũng cho biết: “Thời gian qua, tại cửa khẩu quốc tế Cha Lo, tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới diễn biến hết sức phức tạp, với nhiều thủ đoạn tinh vi, đặc biệt là hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy.

Hiện, Chi cục đang sử dụng 4 con chó nghiệp vụ để đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả các hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy qua biên giới”. Nhờ sự hỗ trợ của chó nghiệp vụ, từ năm 2014 đến năm 2017, đơn vị Hải quan đã trực tiếp hoặc cùng phối hợp với lực lượng Biên phòng bắt được 12 vụ vận chuyển ma túy, tang vật thu giữ gồm 3.501 viên ma túy tổng hợp, trên 16kg quả, thân rễ cây thuốc phiện (cần sa).

Theo Báo Quảng Bình Online

Việt Hà

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/chuyen-ve-nhung-chu-cho-nghiep-vu-post255375.info