Chuyện về những chú ngựa 'triệu đô'

Bạn có muốn được chụp hình, được vuốt ve những chú ngựa Arab thuần chủng có mức giá trên trời? Bạn có muốn tìm hiểu quy trình chăm sóc, huấn luyện ngựa nhằm phục vụ thú chơi của giới siêu giàu Trung Đông? Bạn có muốn chiêm ngưỡng một cuộc đua đẳng cấp Hoàng gia, nơi những vị hoàng thân Arab rạp mình trên lưng những chú ngựa mạnh mẽ và oai phong để giành ngôi vô địch?

Qatar: Thiên đường giữa lòng sa mạc – Kỳ 9

Bạn có thể trải nghiệm tất cả những điều lạ lẫm ấy, chỉ sau một hành trình thăm thú Al Shaqab Horse Racing Academy – trung tâm nuôi dưỡng, huấn luyện và tổ chức thi đấu ngựa Arab hàng đầu của khu vực Trung Đông.

Toàn cảnh khu Al Shaqab nhìn từ bên ngoài

Toàn cảnh khu Al Shaqab nhìn từ bên ngoài

Nhìn từ ngoài vào, nhìn từ trên xuống, Al Shaqab đều khiến du khách liên tưởng tới hình dạng chiếc móng ngựa. Với diện tích lên tới một triệu mét vuông, công trình kiến trúc tuyệt đẹp này tạo điểm nhấn thị giác vô cùng ấn tượng cho khách thăm quan. Khi ngồi trên chiếc xe điện chạy vòng vèo thăm quan các hạng mục chính của khu phức hợp rộng mênh mông đang phô bày vẻ xa hoa ở mọi nơi, mọi chỗ này.

Ngựa Arab (hay còn gọi là ngựa hoa mai), từ bao đời nay đã được xếp là giống ngựa nổi tiếng nhất trên thế giới. Vượt trội với vẻ đẹp quý tộc và thể lực vô cùng sung mãn, đây cũng là giống ngựa cổ xưa nhất (xuất hiện lần đầu cách đây tới 4500 năm) và có sức ảnh hưởng mạnh mẽ tới mọi giống ngựa trên khắp thế giới. Được tộc người Bedouin ở Trung Đông thuần hóa lần đầu, giống ngựa Arab giờ tung vó trong mọi cuộc đua đường trường, tại nhiều vùng lãnh thổ cũng như châu lục trên khắp thế giới.

Tác giả bài viết, bên chú ngựa hai tuổi có giá khởi điểm 200 nghìn USD. Khi trưởng thành, nó có thể đạt tới mức giá 1 triệu USD.

Sở hữu chiều cao trung bình từ 1m35 đến 1m40, với bộ lông màu nâu thẫm điểm đốm trắng đặc trưng, giống ngựa Arab có hình dáng đặc biệt với phần đầu và đuôi đều khá cao, so với các chủng loại khác. Hình dáng thon lẳn, chạy nhanh không kém ngựa Mông Cổ, lại có khả năng thích nghi rất cao với điều kiện khô hạn của vùng sa mạc Arab và Trung Cận Đông mênh mông, ngựa Arab khi phi nước đại có thể đạt tới kỷ lục gần chín phút, để vượt qua quãng đường 7 km. Chúng cũng sở hữu sức chịu đựng vô cùng bền bỉ, khi có khả năng tung vó 160 km liền mà không cần nghỉ ngơi.

Giám đốc điều hành Al Shaqab - một người đàn ông Mexico có vẻ ngoài hồn hậu đã kiên nhẫn giải thích tới chục phút, khi nghe chúng tôi thắc mắc “làm thế nào để phân biệt được một chú ngựa Arab thuần chủng”? Theo ông, do cấu trúc xương của giống ngựa này khá đặc biệt nên hầu như không thể nhận ra chỗ tiếp giáp giữa đầu và cổ. Đó cũng là điểm mạnh khiến chúng có thể quay đầu một cách hoàn hảo, ngay cả khi đang đạt vận tốc cực đại. Xương sườn rộng, số lượng đốt sống đuôi và xương thắt lưng ít hơn giống khác, cơ thể chứa toàn các sợi cơ loại một đã khiến chúng chạy nhanh, chạy bền, dù có thân hình thon lẳn, không quá đồ sộ.

Toàn bộ các hạng mục công trình của Al Shaqab

Đua ngựa được gọi là môn thể thao hoàng gia, bởi chi phí chăm sóc và huấn luyện quá tốn kém và mất rất nhiều công sức. Để theo đuổi thú vui đắt đỏ này, chủ nhân phải đầu tư khoản chi phí trung bình ra mắt ngựa đua lên tới 200 nghìn USD/năm. Đó là chưa kể khoản tiền không nhỏ để mua ngựa giống thuần chủng, từ vài trăm nghìn tới cả triệu USD. Ông giám đốc hào hứng chỉ vào hàng loạt tấm ảnh khổ lớn trên tường, nơi những chú ngựa phô bày vẻ quý tộc tuyệt đẹp đang tung vó. “Đây là Plavius, thuộc sở hữu của Phó Thủ tướng UAE có mức giá 9,2 triệu USD. Kia là Fusaichi Pegasus, từng mang lại gần hai triệu USD tiền thưởng sau sáu chức vô địch giải thi đấu lớn. Nó cũng là con ngựa đắt giá nhất trong lịch sử, khi được nhà phối giống nổi tiếng Coolmore Stud của Ireland mua lại với mức giá… 70 triệu USD!”.

Ông cũng không giấu vẻ tự hào, khi liệt kê những chú ngựa từng đi vào lịch sử. “Con ngựa Marengo bền bỉ can trường của Hoàng đế Napoleon, con ngựa đầu tiên được Vua Henry I đưa về nước Anh… cũng đều thuộc dòng Arab”.

Đua ngựa ngày nay đã trở thành ngành thương mại mang lại lợi nhuận khổng lồ, với trị giá lên tới hàng tỷ USD. Không chỉ phổ biến ở Bắc Mỹ, Anh cùng nhiều nước châu Âu hay Arab, những cuộc đua ngựa hàng đầu đang được tổ chức ở hàng loạt các quốc gia châu Á như Nhật Bản, Hồng Công (Trung Quốc), Malaysia… Và ở bất cứ nơi đâu, ngựa Arab cũng đều phô diễn vẻ đẹp cùng ưu thế sức bền vượt trội.

“Nghề chơi cũng lắm công phu”, chăm chút, nâng niu cái đám vật nuôi quý tộc này cũng đúng là “trần ai khổ ải”. Những khu chuồng nuôi ngựa sạch bong, thoáng đãng, không chút mùi hôi với máy điều hòa phả hơi lạnh ro ro. Những dòng sông lười uốn lượn trong khu trại, để chiều chiều lũ ngựa tắm táp. Những bể sục giúp ngựa thư giãn cơ bắp, sau những buổi tập luyện mệt nhoài. Một đội ngũ đông đảo các kỹ sư, bác sĩ thú y cùng công nhân chăm chút từng cá thể ngựa, từ tắm táp, cắt tỉa lông, vệ sinh đến xoa bóp, cho ăn và chăm sóc sức khỏe. Mỗi ô nuôi nhốt được liên tục làm vệ sinh sạch sẽ, được điều chỉnh ánh sáng và cả lượng gió cho phù hợp với từng độ tuổi. Trại huấn luyện cưỡi ngựa nhận đào tạo mọi học viên từ 5 tuổi trở lên. Phía bên trong những đường chạy được trồng cỏ xanh rì hoặc trải cát mịn màng, tôi ước tính có tới cả trăm chú ngựa đang lững thững bách bộ trong khu nghỉ với mái che rất rộng.

Huấn luyện ngựa đua là một nghề đòi hỏi kỹ năng và sự kiên trì. Ngựa thường bắt đầu được dạy dỗ khi đã tròn hai tuổi. Ở độ tuổi từ 3 đến 5, một số con đã có thể chính thức tung vó trên đường đua nhưng sự sung sức cùng kỹ năng thi đấu chỉ đạt mức tối đa khi chúng lên 10. Hiếm có giống vật nào được gọi bằng nhiều danh từ như ngựa đua. “Fillie” là ngựa cái dưới 5 tuổi, sau khi trưởng thành được gọi là “mere”. Con đực dưới 5 tuổi được gọi là “gelding” hoặc “colt” nhưng sau khi trưởng thành sẽ được gọi là “stallion”. Chỉ ghi lại những thuật ngữ trúc trắc ấy vào sổ tay đã là quá mệt!

Sân vận động (ảnh trên)- nơi diễn ra những giải đua ngựa hàng đầu khu vực cũng như tổ chức những cuộc thi sắc đẹp cho ngựa mát rượi dưới tấm mái che hình móng ngựa, dù nhiệt độ bên ngoài xấp xỉ 38 độ C. Phía trên những hàng ghế mềm mại uốn quanh các khán đài là dãy phòng kính, nơi những ông chủ theo dõi từng thí sinh và mạnh tay đặt những khoản tiền cá cược khổng lồ. Al Shaqab cũng có môt không gian thi đấu nhỏ hơn để phục vụ riêng những vị hoàng thân quốc thích Qatar. Đây cũng là nơi những chú ngựa đắt giá nhất, đẳng cấp nhất được so tài, được đội vương miện trong các cuộc thi sắc đẹp.

Giới siêu giàu Qatar, bên những chú ngựa đua Arab (ảnh tư liệu trưng bày trong Bảo tàng Nghệ thuật Hồi giáo Qatar).

Được thành lập từ năm 1992 do Hoàng thân Sheikh Hamad bin Khalifa Al Thani và người vợ thứ hai - Moza Bint Nasser, Al Shaqab chính thức gia nhập Qatar Foundation (tổ chức phi chính phủ hướng tới phát triển giáo dục, khoa học và văn hóa cộng đồng) đúng 12 năm sau đó. Ở xứ sở này, huấn luyện ngựa Arab thuần chủng không chỉ là thú chơi của giới siêu giàu cùng nhóm hoàng thân quốc thích mà còn được chính phủ Qatar xếp vào danh mục Di sản văn hóa đặc trưng, cần phải gìn giữ và bảo tồn nghiêm ngặt.

Al Shaqab đã trở thành điểm đến không thể bỏ qua, khi tới Qatar. Trải nghiệm lạ lẫm nơi đây, với những chú ngựa triệu đô thật không thể quên được!

Nơi lưu giữ tinh hoa nghệ thuật Hồi giáo

Kỳ thú sa mạc biển Mesaieed

Huyền ảo “phiên chợ Ba Tư”

Chuyện về những chú chim ưng quý tộc

Katara – Dòng chảy tiếp nối

HỒ CÚC PHƯƠNG. Ảnh: GIANG NGUYỄN, HUYỀN NGA

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/item/37310402-chuyen-ve-nhung-chu-ngua-%E2%80%9Ctrieu-do%E2%80%9D.html