Chuyện về những người bám đảo

Họ là những người đến từ nhiều nơi khác nhau nhưng đang ngày đêm đổ mồ hôi vì mục tiêu chung xây dựng đảo Ngọc - quê hương thứ hai của mình như viên ngọc lung linh giữa biển khơi.

Một thuở gian khó

Bà Nguyễn Thị Thau, ở khu 1, thị trấn Cô Tô vốn quê ở Kiến An, Hải Phòng. Là một trong những công dân ra đảo Cô Tô xây dựng kinh tế mới từ năm 1978, bà Thau còn nhớ rất rõ hình ảnh của đảo nhiều năm về trước. Khi ấy, Cô Tô là một quần đảo hoang sơ, dân số thưa thớt, cơ sở hạ tầng chưa có gì, đường bộ nối liền các thôn là những con đường mòn cát trắng, quanh co. Về mùa khô nguồn nước ngọt vô cùng khan hiếm, phải chia sẻ cho nhau từng bát nước giếng để ăn.

Về giao thông đường thủy, huyện chỉ có 1 tàu khách, hai ngày mới có một chuyến ra vào đất liền. Cả huyện có 1 tàu công tác cũ với công suất nhỏ đi từ huyện vào đất liền mất 4 đến 5 giờ. Trước kia, chưa có bến cảng, gặp hôm gió to, biển động cán bộ và nhân dân phải lội nước bơi vào. Việc vận chuyển vật liệu xây dựng và hàng hóa ra đảo những năm đầu gặp muôn vàn khó khăn.

Vợ chồng ông Lê Minh Tân hạnh phúc với cuộc sống hiện tại. Ảnh chụp trước ngày 26/4/2021.

Cuộc sống khó khăn, lương thực, thực phẩm tự cung, tự cấp, người dân thiếu thông tin đã in đậm trong mỗi người dân Cô Tô lúc bấy giờ. Ông Lê Minh Tân, ở khu 1, thị trấn Cô Tô cùng có quê ở Hải Phòng cảm nhận rõ điều đó khi là một trong những người đầu tiên cõng chữ ra đảo. Sau cuộc hành trình lênh đênh trên biển, khi đặt chân tới đảo mọi điều đều rất mới mẻ với thầy giáo Tân. Cùng với đó, những khó khăn như thời tiết khắc nghiệt, sản xuất phụ thuộc vào thiên nhiên nên năng suất thấp, khai thác hải sản nhỏ lẻ cung không đủ cầu, giáo dục có được quan tâm hơn nhưng so với đất liền được ví như “một trời một vực”. Ngày ấy xã Cô Tô có một trường cấp I – II, gọi là trường nhưng thật ra là học ở nhà kho cũ, hoặc nhờ nhà dân. Bàn ghế, bảng đen đều được ghép bằng gỗ do dân đóng góp. Sách, vở, tài liệu giáo khoa đều thiếu, học sinh ít lại có nhiều trình độ khác nhau nên mỗi lớp chỉ có chừng 9 đến 10 học sinh, có lớp còn ít hơn, tuy nhà nghèo nhưng các em rất hiếu học.

Thế rồi huyện và ngành giáo dục điều động và tuyển dụng một đội ngũ giáo viên nên chỉ một năm sau các trường mầm non, cấp 1, cấp 2 đã đi vào hoạt động nề nếp và hiệu quả. Đến nay, sau 25 năm cơ sở vật chất, hệ thống trường học Cô Tô đã được đầu tư đồng bộ từ bậc mầm non đến trung học phổ thông. Hàng năm, Cô Tô có nhiều học sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn, trên chuẩn cao, các trường đã đạt chuẩn quốc gia. Điều đó làm cho ông Tân mừng lắm. Tuy nghỉ hưu rồi nhưng ông Tân vẫn theo dõi từng bước đi của ngành giáo dục huyện nhà.

Chú bé đầu tiên đã thành bộ đội

Chú bé đầu tiên của đảo Trần là Hoàng Trung Phong, con trai của chị Nguyễn Thị Cảnh, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đảo Trần và anh Hoàng Văn Hiển. Cuối năm 2001, anh Hiển và chị Cảnh cưới nhau. Tài sản duy nhất mà anh chị có được là con thuyền nhỏ bố vợ cho làm của hồi môn. Thực ra, lúc ấy buôn bán quanh bến ở Hải Hà cũng đủ để nuôi nhau, nhưng không chịu an phận nghèo khó, trong một lần theo hàng xóm ra khu vực Đảo Trần mua gom thủy sản, anh Hiển nhận thấy nếu làm căn nhà tạm ở đây vừa đánh bắt, vừa mua gom thì sẽ khá hơn. Nghĩ là làm, anh về bàn với vợ chuyển cả gia đình ra đảo sinh sống.

Vợ chồng anh Hoàng Văn Hiển và chị Nguyễn Thị Cảnh (bên phải) tiếp khách trong căn nhà đầm ấm của mình. Ảnh chụp trước ngày 26/4/2021.

Ban đầu khi nghe tin vợ chồng chị Cảnh ra đảo Trần sinh sống, nhiều người cho rằng vợ chồng chị... điên khùng, đi đày ở nơi heo hút không điện, không nước, dân cũng không. Nhưng được bố mẹ ủng hộ, vợ chồng anh chị lựa ngày biển êm dong thuyền nhằm hướng đảo Trần ra dựng tạm một căn lều để sinh sống. Từ đấy, trên mảnh đất vốn thừa thãi sóng biển, thiếu hẳn tiếng cười, bây giờ có thêm tiếng khóc trẻ thơ. Anh chị đặt tên con là Hoàng Trung Phong để ghi nhớ kỷ niệm xung phong ra bám đảo làm kinh tế.

Để có thể nuôi con nhỏ, anh chị đã gửi cháu lớn vào đất liền nhờ ông bà nuôi giúp để tiện đi học, còn Phong ở lại đảo Trần cùng với cha mẹ. Những lần chồng ra khơi dài ngày, chị Cảnh vẫn bám đảo nuôi con vừa làm cô giáo dạy con học. Chị nuôi thêm gà, vịt, bắt ngao, mò hến để cải thiện bữa ăn.

Hoàng Trung Phong chuẩn bị quân tư trang trước khi lên đường nhập ngũ. Ảnh: Nguyễn Mến (CTV)

Từ sự tần tảo của người mẹ, cậu bé Phong lớn nhanh, rắn rỏi như người cha đang bám biển. Lúc đó đảo Trần chưa có hộ dân nào nên Phong thường được các chú bộ đội ở đảo Trần yêu thương. Nhìn thấy hình ảnh các chú bộ đội nơi đảo tiền tiêu, Phong mong ước sau này mình lớn lên cũng được như các chú khoác trên mình bộ quân phục màu xanh áo lính canh giữ biển trời quê hương. Học xong lớp 12, Phong liền làm đơn tình nguyện đi bộ đội. Qua Tết vừa rồi, Phong đã cùng với những thanh niên huyện đảo Cô Tô lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc.

Trong căn nhà vững chắc của chị Cảnh bây giờ vắng bóng cậu con trai nhưng bù lại đã có điện lưới sáng bừng, đã có rất nhiều đồ điện gia dụng tiện nghi như: Nồi cơm điện, ti vi, tủ lạnh, tủ bảo quản hải sản, bình nóng lạnh... Chị Cảnh bảo sinh sống tại đây, được sự đùm bọc, giúp đỡ của bộ đội, giờ vợ chồng chị đã có cuộc sống khấm khá hơn nên càng yên tâm bám biển, bám đảo.

Chị Cảnh vẫn bám đảo nhưng không còn phải làm cô giáo bất đắc dĩ như trước nữa vì đã có 3 cô giáo tình nguyện sang đây dạy học. Cô giáo trẻ Ngần Thị Minh dạy lớp ghép gồm 5 bé từ 2 đến 4 tuổi. Cô Ngần Thị Minh sinh năm 1990 ra đảo Trần làm giáo viên từ năm 2012. Ngần bảo đã quen với sóng gió nơi này rồi và sẽ gắn bó với đảo Trần, gắn bó với trẻ thơ.

Nhìn ánh mắt các em thơ trong lớp của cô Ngần, chúng tôi nghĩ thầm, khoảng 15 năm nữa biết đâu trong số những cậu bé kia sẽ có đứa viết đơn xung phong đi bộ đội để giữ đảo như cậu bé Phong con trai chị Cảnh.

Thức giấc cùng Cô Tô

Nếu như chị Cảnh là người dân đầu tiên có mặt ở đảo Trần thì ông Nguyễn Đăng Lương cũng là người có mặt ở Cô Tô từ rất sớm. Năm 1979, khi mới 7 tuổi, ông Lương đã cùng gia đình từ Hải Phòng chuyển ra Cô Tô xây dựng kinh tế mới. Nhớ lại những ngày đầu ra đảo, những kỷ niệm khó quên đó là ngày đầu tiên ông Lương cắp sách tới trường được ngồi trên cái ghế, cái bàn được ghép bằng gỗ ván kê trên mấy hàng gạch đỏ, mỗi khi viết bài cứ chòng chành, đu đưa như những con tầu trên sóng. Tối đến học bài bằng chiếc đèn dầu hoa kỳ nhưng phải vặn nhỏ để tiết kiệm dầu...

Ông Nguyễn Đăng Lương bên các ang mắm của gia đình.

Hình ảnh Cô Tô ngày ấy đã gắn bó thậm chí ám ảnh suốt cả quãng đời niên thiếu của ông Lương. Ông Lương trăn trở phải làm sao để Cô Tô thoát nghèo. Và trước khi huyện đảo thoát nghèo thì mình phải thoát nghèo đã. Ông Lương vay vốn để nuôi cá, làm mắm phát triển kinh tế hộ gia đình, thậm chí cả làm du lịch. Đến giờ, đời sống gia đình ông đã khấm khá có của ăn của để.

Cô Tô của ông Lương, ông Tân, chị Cảnh giờ cũng rất khác sau hơn một phần tư thế kỷ thành lập. Đó là quãng thời gian đủ để Cô Tô như một "nàng tiên ngủ quên" được đánh thức. Bằng những bàn tay, khối óc của những “chàng hoàng tử” đã thổi hồn cho “nàng tiên ngủ quên ngày ấy” nay trở nên rực rỡ muôn màu và tràn đầy hạnh phúc.

Đến hôm nay, ông Lương cũng như nhiều người dân sống trên đảo vẫn cảm thấy như đang được sống trong mơ. Cơ sở hạ tầng như nước, điện, đường, trường, trạm, đã được Đảng, Nhà nước quan tâm; giao thông nối đất liền với đảo được rút ngắn thời gian. Những con đường cát trắng ngày xưa đã biến thành đường bê tông, đường nhựa rộng thênh thang với ánh điện lung linh chiếu sáng dọc hai bên đường.

Với bà Nguyễn Thị Thau cũng vậy. Hơn 40 năm qua, gia đình bà Thau đã gắn bó, bám trụ nơi đảo tiền tiêu. Các con, cháu của bà Thau đều trưởng thành, về đất liền công tác. Chúng muốn đón bà về bờ hay về quê an hưởng tuổi già. Nhưng bà quyết không xa đảo. Chồng bà là một cựu quân nhân, tuy đang ốm nằm liệt giường nhưng cũng nhất quyết không về đất liền.

Diện mạo Cô Tô không ngừng đổi thay.

Mà cũng chẳng có lý do gì để về khi Cô Tô đã bắt kịp nhịp sống trên bờ. Đến nay, hệ thống cảng ở các xã đảo cơ bản đã được đầu tư xây dựng hoàn thiện, đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân. Hệ thống đường xuyên đảo đưa vào sử dụng tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, phát triển kinh tế. Câu chuyện phấn đấu tự túc lương thực như thuở ban đầu lập huyện giờ đã chỉ còn trong cổ tích.

Từ khi được đầu tư điện lưới và hạ tầng giao thông chính trên các đảo, Cô Tô từ một huyện đảo nghèo, đã trở thành huyện đảo nông thôn mới đầu tiên trong cả nước với mức thu nhập bình quân đầu người khoảng 5.000 USD/năm. Đây là cơ sở quan trọng để củng cố thế trận lòng dân vững chắc nơi biển đảo tiền tiêu của Tổ quốc.

Ngồi trên tàu rời đảo, nhìn về Cô Tô, tôi mường tượng về một tương lai không xa. Hình ảnh Cô Tô lúc đó sẽ có diện mạo của trung tâm du lịch biển đảo chất lượng cao, huyện đảo nông thôn mới kiểu mẫu, đời sống nhân dân khá giả, huyện không có tội phạm, không có rác thải nhựa, không có người nghèo. Ông Nguyễn Đăng Lương thì mong ước trong thời gian không xa được ngắm phong cảnh quê hương mình từ trên những ca bin cáp treo, hoặc ở những cây cầu trên cao, những đường hầm dưới đáy biển được nối liền giữa các đảo của Cô Tô.

Không chỉ với ông Lương mà Cô Tô là hai tiếng thân thương gắn bó gần như suốt quãng đời công tác của ông Nguyễn Thanh Sửu, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô thời kỳ Cô Tô được thành lập huyện (1994). Tuy vậy, là người tiền nhiệm đặt nền móng cho sự phát triển của Cô Tô và thường xuyên trở lại nơi này nhưng có những việc chính ông Sửu cũng ngạc nhiên: “Cô Tô đã phát triển ngoài sức tưởng tượng của tôi. Cô Tô đang vươn mình tỏa sáng như một viên ngọc giữa vùng biển trời Đông Bắc”. Mỗi khi trở lại Cô Tô, ông Nguyễn Thanh Sửu lại đinh ninh lời Bác Hồ dạy. Ông đứng lặng, nghiêm trang và thành khẩn trước tượng Bác Hồ mà như khấn nguyện: Bác ơi, lời Bác dạy năm xưa quân dân Cô Tô đã chắp thêm vần đã chắp cánh bay cao. Người Cô Tô quyết tâm xây dựng đảo phát triển xứng tầm như Bác hằng mong đợi. Lời khấn nguyện của ông Sửu cũng là nỗi lòng của mỗi người dân đang sinh sống trên huyện đảo Cô Tô hôm nay. Những người như bà Thau, chị Cảnh, ông Lương, ông Tân đang góp phần hiện thực hóa giấc mơ đó.

Huỳnh Đăng

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202105/chuyen-ve-nhung-nguoi-bam-dao-2532340/