Chuyện về trợ lý ngôn ngữ…

Trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa đã không còn đồng hành với HLV Park Hang-seo ở AFF Cup 2018, sau hai chiến dịch rất thành công là VCK U.23 châu Á và ASIAD 2018. Thay thế cho ông Lê Huy Khoa là trợ lý ngôn ngữ Phan Duy Tuấn. Ông Tuấn sinh năm 1977, tại Bến Cát (Bình Dương), từng học tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh.

Ở đây chúng tôi không so sánh về trình độ của hai trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa và Phan Duy Tuấn; bởi ông Tuấn mới lên tuyển và đang cùng ban huấn luyện trải qua chiến dịch AFF Cup 2018. Nhưng có thực tế là trong những buổi tập vừa qua của đội tuyển Việt Nam, không ít lần thầy Park đã phải dừng lại để trợ lý ngôn ngữ có thể truyền tải rõ ý đồ của ông cho các học trò hiểu tường tận. Đấy là trên sân tập, còn vào trận đấu, hai người ngồi bên nhau nói còn khó nghe vì các âm thanh cổ vũ của hàng vạn khán giả như muốn ù tai, vậy thì việc truyền tải thông điệp của ban huấn luyện tới các cầu thủ là điều vô cùng khó khăn.

Tại vòng chung kết U.23 châu Á 2018 và ASIAD 2018, trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa đều đồng hành cùng U.23 quốc gia và Olympic Việt Nam. Dân trong nghề và nhiều lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) thừa nhận ông Khoa là một trong những phiên dịch tốt nhất của đội tuyển. Ông Khoa không chỉ chuyển ngữ tốt mà còn truyền được cảm xúc, tâm trạng của HLV trưởng, hai trợ lý người Hàn Quốc tới các cầu thủ và ngược lại. Tóm lại, ông Khoa rất có nghề.

Trợ lý ngôn ngữ Phan Duy Tuấn đồng hành cùng HLV Park Hang-seo ở AFF Cup 2018.

Đáng chú ý, chính thầy Park đã tuyển chọn trực tiếp trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa trong số hàng loạt ứng viên. VCK U.23 châu Á 2018, đoạn phiên dịch: “Chúng ta đã nỗ lực hết sức, tại sao phải cúi đầu” của ông Lê Huy Khoa sau trận chung kết với U.23 Uzbekistan được coi là chuyển ngữ thành công hơn cả tâm ý của thầy Park dành cho các học trò.

Chuyện sẽ tiếp tục tốt đẹp với các bên nếu như không có việc ông Lê Huy Khoa xuất bản một vài cuốn sách, dự một vài sự kiện, trong đó tiết lộ nhiều chuyện của đội tuyển quốc gia, được lãnh đạo VFF cho là "tế nhị". Tất nhiên ông Khoa có cái lý của mình, và ông còn cẩn thận để lãnh đạo VFF xem qua nội dung sách cũng như bản thân ông tự chịu trách nhiệm về những gì mình viết.

Thế nhưng chuyện ông Lê Huy Khoa đột ngột rời đội tuyển quốc gia Việt Nam trước thềm AFF Cup 2018, thay vào đó là ông Phan Duy Tuấn đã cho thấy giữa ông Khoa và lãnh đạo VFF, ban huấn luyện đội tuyển Việt Nam đã có độ vênh nhất định dẫn tới việc các bên thống nhất đường ai nấy đi.

Cá nhân tác giả cho rằng không ai là không thể thay thế nhưng có những người làm rất tốt công việc chuyên môn của mình. Ông Khoa hiểu thể thao, nắm bắt được tâm ý, hiểu cầu thủ, HLV nên ông truyền tải thông điệp của thầy Park và hai trợ lý Hàn Quốc tới các cầu thủ rất nhanh, với sự đồng điệu về mặt cơ thể gần như ăn khớp với các nhân vật cần truyền tải thông điệp. Điều này rất có lợi cho cầu thủ và chính công sức của trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa đã được lãnh đạo VFF ghi nhận, khen thưởng xứng đáng. Tiếc đội tuyển Việt Nam không còn một trợ lý ngôn ngữ nhanh nhẹn như ông Khoa nhưng biết đâu, trợ lý ngôn ngữ Phan Duy Tuấn còn làm tốt hơn.

Đến đây, tác giả chợt nhớ tới cuốn tự truyện của Pirlo “Tôi tư duy, là tôi chơi bóng” có đoạn nói về vị trợ lý ngôn ngữ thảm họa của cựu HLV Milan Terim: "Terim là một người đáng chú ý, một người thực sự kỳ lạ, có vẻ dị ứng với các nguyên tắc. Ngay từ đầu, tôi đã thấy rõ ràng là ông ấy sẽ không ở lại được lâu và đúng là ông ấy bị sa thải thật.

Trước Milan, ông ấy đã làm việc ở những câu lạc bộ nhỏ hơn, ít trang trọng hơn, và họ cho phép ông ấy làm những gì ông ấy thích. Môi trường ở Milan thì khác… Ông ấy có một người phiên dịch điên khùng, đúng là cái bóng của ông ấy, người có lần còn khuyên ông ấy cắt mọi mối quan hệ với truyền thông…

Người phiên dịch đó cũng có một vài vấn đề trong việc chuyển thông điệp của Terim cho chúng tôi trong phòng thay đồ. HLV thì sẽ khoa tay múa chân và nói lia lịa bằng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ: “Các chàng trai, chúng ta sắp đá một trong những trận quan trọng nhất của mùa bóng. Rất nhiều người đang chỉ trích chúng ta, nhưng tôi tin ở các cậu. Chúng ta không thể bỏ cuộc lúc này. Có những kỳ vọng to lớn đặt vào chúng ta, và bổn phận đạo đức của chúng ta là không được để họ thất vọng. Hãy làm vì bản thân chúng ta, vì CLB, vì Chủ tịch, vì các fan. Có những khoảnh khắc trong đời mà một người phải ngẩng cao đầu. Tôi tin rằng khoảnh khắc đó đã đến với chúng ta. Tiến lên, các chàng trai. Tiến lên!”

Người phiên dịch đứng đó, gần như bất động, rồi sẽ nói bằng tiếng Ý: “Ngày mai Juventus sẽ tới. Chúng ta cần chiến thắng”. Một người nói trong 5 phút, người kia nói trong 5 giây…".

Bài, ảnh: HẢI ĐĂNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/chuyen-ve-tro-ly-ngon-ngu-554672