Chuyện về vị tướng công an từng bị giam ở nhà tù Côn Đảo

Sau khi rời chức Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng (nay là Tổng cục Chính trị, Bộ Công an) để nghỉ hưu theo chế độ, Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Châu Văn Mẫn đã trở về sinh sống tại mảnh đất Bà Rịa - Vũng Tàu - nơi vốn dĩ không phải quê hương của ông, nhưng những ân tình của ông với mảnh đất này còn rất sâu nặng.

Trung tướng Châu Văn Mẫn trong một chuyến từ thiện.

Trung tướng Châu Văn Mẫn trong một chuyến từ thiện.

Đồng chí Châu Văn Mẫn sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng tại huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Vì vậy, đồng chí đã sớm giác ngộ cách mạng và một lòng nguyện đi theo con đường mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn. Dưới vỏ bọc công nhân đồn điền cà phê, đồng chí đã thu thập được nhiều tin tức tình hình địch trong các địa bàn đặc biệt quan trọng ở chiến trường Tây Nguyên; thực hiện tốt nhiệm vụ, tuyên truyền giáo dục cách mạng cho nhân dân, xây dựng lực lượng nòng cốt và cơ sở cách mạng trong vùng địch kiểm soát; trấn áp bọn tề điệp trong vùng địch, nắm danh sách những tên thám báo, chỉ điểm ác ôn có nhiều nợ máu với cách mạng để kịp thời có biện pháp xử lý, tạo điều kiện cho phong trào đấu tranh của nhân dân địa phương ngày càng phát triển. Khi vừa tròn 20 tuổi, đồng chí bị địch bắt và giam cầm ở trung tâm cải huấn Côn Sơn (Côn Đảo), nơi được coi là “địa ngục trần gian” của chế độ lao tù Mỹ - Ngụy.

Với đồng chí, đây là giai đoạn thử thách ác liệt, giai đoạn đấu tranh cách mạng mới trong “trường học lớn của người cộng sản”. Đồng chí được phân công giao nhiệm vụ biên chép các tài liệu, kế hoạch đấu tranh, báo cáo sơ kết, tổng kết các cuộc đấu tranh chống địch phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của đảng ủy; tham gia biên tập các tờ tập san (nội san): Rèn luyện, Vươn lên của Phòng, của Trại và của Ban Thanh niên; sao chép các bản tin đọc chậm của Đài Phát thanh Giải phóng, Đài Tiếng nói Việt Nam... phục vụ công tác tin tức, thời sự, giáo dục, tuyên truyền cho anh em tù chính trị.

Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngày giải phóng Côn Đảo (30-4-1975) cũng là ngày chấm dứt cảnh lao tù khắc nghiệt nơi địa ngục trần gian Côn Đảo. Đồng chí Châu Văn Mẫn đã tình nguyện ở lại Côn Đảo phục vụ nhiệm vụ cách mạng trong suốt 7 năm. Sau đó, đồng chí được chuyển về công tác tại Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu rồi giữ chức Giám đốc, là đại biểu HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đại biểu Quốc hội khóa X (1995 - 2000). Từ cuối năm 2000, đồng chí Châu Văn Mẫn được điều động về Bộ Công an làm việc.

Đến năm 2011, đồng chí nghỉ hưu theo chế độ và chuyển vào sinh sống tại TP. Vũng Tàu. Trở lại nơi đã gắn bó với mình biết bao kỷ niệm, đồng chí đã tiếp tục có những đóng góp xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong đó, có ba việc mà đồng chí cho là ý nghĩa, tâm huyết nhất của mình. Đó là đồng chí đã tự thiết kế, xin kinh phí của UBND tỉnh xây dựng bia tưởng niệm đặt tại trại 6, khu B (nơi đồng chí từng bị địch bắt giam giữ). Việc thứ hai là trở về Côn Đảo nhân kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 40 năm giải phóng Côn Đảo, đồng chí đã cùng các đồng chí trong ban liên lạc trại I - 6B Côn Đảo đề nghị với UBND tỉnh, cấp ủy và chính quyền Côn Đảo cho phối hợp tổ chức lễ kỷ niệm Ngày chiến thắng tại Côn Đảo có sự tham gia của cán bộ, nhân dân huyện Côn Đảo và 300 cựu tù chính trị. Việc thứ ba là với sự tổ chức của Ban liên lạc cựu tù chính trị trại I-6B, hằng năm đã tổ chức lễ cúng tù nhân và những người vì Tổ quốc đã hy sinh tại Côn Đảo được vào ngày 20 tháng 6 (từ năm 2012).

“Thực sự, khi làm được những công việc này, trong lòng tôi cảm thấy vui và đầy ý nghĩa. Mọi việc suôn sẻ, chứng tỏ là các anh vẫn đang ủng hộ và dõi theo chúng tôi từng bước từng bước trên con đường mấy chục năm qua. Chúng tôi cảm thấy ấm lòng vì giờ đây Côn Đảo đã trở thành một địa chỉ du lịch tâm linh của đồng bào cả nước. Tại nghĩa trang Hàng Dương, có hàng ngàn ngôi mộ của các chiến sĩ đã hy sinh để bảo vệ Tổ quốc. Những ngọn đèn năng lượng mặt trời trên ngôi mộ của các anh đêm đêm vẫn tỏa sáng, như linh hồn các anh ở đó, tỏa sáng cho cả một dân tộc vươn lên. Nơi đó, hằng ngày những người dân thập phương cả nước vẫn đến viếng các anh, viếng chị Võ Thị Sáu, người con gái đất Đỏ anh hùng đã hy sinh khi tuổi đời còn quá trẻ, nhưng ánh hào quang của chị vẫn tỏa sáng cho bao thế hệ mai sau” - đồng chí Châu Văn Mẫn bộc bạch.

Được biết hiện nay, đồng chí còn là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Công an hưu trí của tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu. Câu lạc bộ có nhiều việc làm, hoạt động thiết thực, hiệu quả. Với cương vị là Chủ nhiệm Câu lạc bộ, đồng chí tích cực vận động các hội viên tham gia các hoạt động nhân đạo từ thiện, chung sức xây dựng nông thôn mới, tham gia các hoạt động tại các địa phương, quyên góp giúp đỡ hội viên nghèo, khó khăn và gặp hoạn nạn… Trong suốt thời gian qua, Câu lạc bộ đã tập hợp được hơn 500 hội viên tham gia sinh hoạt và đã tổ chức được nhiều cuộc nghe báo cáo tình hình thời sự trong nước, quốc tế, tình hình an ninh trật tự và xây dựng lực lượng Công an nhân dân, tổ chức các hoạt động thăm lại chiến trường xưa tại chiến khu D, An ninh Trung ương Cục miền Nam, Nha Công an Trung ương...

Đảm nhiệm vai Chủ nhiệm Câu lạc bộ Công an hưu trí niềm vui cũng nhiều và vất vả cũng không ít, cũng có một số người thân, bạn bè khuyên đồng chí “đã nghỉ hưu rồi thì nghỉ ngơi, gánh vác làm gì cho vất vả”nhưng lại bất ngờ nhận được câu trả lời “còn sức khỏe, còn làm việc được thì việc gì làm có lợi cho anh em thì tôi làm”.

Câu chuyện về vị tướng Châu Văn Mẫn đã khắc thêm trong tôi một nhân cách đẹp, một người chiến sĩ cách mạng kiên trung, một tấm gương để thế hệ trẻ noi theo.

Ngô Khiêm

Nguồn Xây Dựng Đảng: http://www.xaydungdang.org.vn/home/dang-vien-phan-dau-tot/2019/13427/chuyen-ve-vi-tuong-cong-an-tung-bi-giam-o-nha-tu.aspx