Chuyện ví tiền của EU hậu Brexit

Sau khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, giới lãnh đạo của khối này giờ đây đang chạy đua đàm phán phân chia trách nhiệm đóng góp ngân sách chi tiêu chung cho 27 quốc gia thành viên.

Để chuẩn bị cho cuộc họp thượng đỉnh đặc biệt bàn về chiếc ví tiền của EU trong 7 năm tới dự kiến diễn ra vào ngày 20-2, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen hồi tuần qua đã lần lượt gặp riêng 22 lãnh đạo quốc gia EU nhằm cố gắng thuyết phục họ dành sự ưu tiên cho ngân sách hoạt động của khối trong bối cảnh mới. Tuy nhiên, việc định đoạt phân bổ ngân sách thế nào có lẽ do Đức và Pháp đóng vai trò quyết định. Hai quốc gia có tác động chính trị và kinh tế nặng ký này của EU đóng góp lớn nhất và nhì, đảm bảo đến 42% ngân sách của khối. Bản thân tân Chủ tịch hội đồng châu Âu Charles Michel chưa từng điều hành công tác phân chia hầu bao của EU. Vòng đàm phán gần nhất về nghĩa vụ ngân sách của EU đã diễn ra năm 2013.

Sau Brexit, EU giảm đi 66 triệu công dân, 15% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và khoảng 12 tỉ euro ngân sách thường niên. Tuy nhiên, 27 quốc gia thành viên với khoảng 450 công dân còn lại của EU không thể cắt giảm ngân sách mà thậm chí phải tăng mức đóng góp cho những trọng trách khác như chống biến đổi khí hậu, giải quyết căn cơ vấn đề nhập cư. Theo đề xuất của Ủy ban châu Âu, ví tiền chi tiêu thường niên của EU sẽ tăng từ 1% Tổng thu nhập quốc dân (GNI) lên 1,3% GNI, tức vào khoảng 240 tỉ euro. Ngân sách hiện hành của EU (bao gồm trách nhiệm của Anh) sẽ kết thúc vào cuối năm nay. Vì vậy, các nhà lãnh đạo EU đã tất bật đàm phán để hy vọng đạt được thỏa thuận càng sớm càng tốt, bởi nếu chậm trễ sẽ có nguy cơ bế tắc cho phần “xương sống” của liên minh.

Không chỉ chuyện tiền nong thường xuyên, giới lãnh đạo EU đang đứng trước thách thức an ninh hậu Brexit như phát biểu của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 7-2. Ông chủ Điện Élyseé cảnh báo EU “không thể tiếp tục làm khán giả” trước cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân tiềm tàng mới mà phải thúc đẩy kiểm soát vũ trang toàn cầu giữa lúc Mỹ và Nga có thể rút khỏi Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) sẽ hết hạn vào tháng 2-2021. Ngoài việc thúc đẩy đối thoại duy trì New START, ông Macron một lần nữa muốn kêu gọi EU tăng cường khả năng phòng thủ riêng, chứ không mãi phụ thuộc quá mức vào Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ chi phối. Không có Anh, Pháp là nước duy nhất sở hữu vũ khí hạt nhân trong EU.

Để tăng cường sức mạnh của EU hậu Brexit, Pháp đã thay đổi lập trường, tán thành đề xuất của Cao ủy phụ trách mở rộng EU Oliver Varhelyi trong việc hạ thấp tiêu chuẩn gia nhập khối dành cho các quốc gia Balkan như Bắc Mecedonia, Albania, Serbia, Montenegro và Bosnia. Kosovo, vùng lãnh thổ của Serbia tự xưng là nước cộng hòa độc lập năm 2008, cũng được đa số các nước EU ủng hộ kết nạp.

ĐỨC TRUNG

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/chuyen-vi-tien-cua-eu-hau-brexit-a117976.html