Chuyến xe nghĩa tình của 'ông Phú xe lam'

Nhiều năm qua, bất kể ngày nắng hay mưa, ông Trần Văn Phú, 72 tuổi, trú tại phố Giáp Hải, phường Dĩnh Kế, TP Bắc Giang vẫn miệt mài đưa đón hàng chục học sinh từ nhà đến trường, từ trường về nhà.

Điều đặc biệt là những đứa trẻ được ông tận tụy đưa đón ấy không hề có quan hệ họ hàng, thân thích với ông. Ông làm việc thiện nguyện này cũng bởi xuất phát từ suy nghĩ “mình còn sức khỏe thì nên làm điều có ích cho xã hội”.

Nghĩa cử cao đẹp của ông Phú đã giúp nhiều bậc phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn yên tâm tập trung kiếm kế sinh nhai.

Những ngày gần cuối tháng 5, cái nắng oi ả như đổ lửa xuống đường khiến không khí vô cùng ngột ngạt. Phía bên kia cổng Trường Tiểu học Dĩnh Kế, ông Phú tấp chiếc xe ba bánh bằng điện sát lề đường đứng đợi lũ trẻ tan học.

Chiếc xe chỉ khởi hành khi đã có đủ số học sinh.

Đội chiếc mũ cối cũ, khoác lên người chiếc áo lính cộc tay bạc màu khiến ông Phú mang đậm phong thái của nhà binh. Ngày nào cũng vậy, dù trời nắng hay mưa, mọi người vẫn thấy ông đứng ở vị trí ấy, bên phải cổng trường cùng chiếc xe ba bánh. Một cháu, hai cháu, tám, chín cháu… đã lên xe nhưng ông vẫn đứng đợi.

Khi chúng tôi hỏi vì sao ông còn chưa đi thì ông Phú cười đáp: “Vẫn còn thiếu một cháu nên chưa thể về được. Hôm nay thằng cu Hoàng nó dặn là cháu phải trực nhật nên sẽ tan muộn hơn. Chắc phải đợi thêm lúc nữa nó mới xong việc”.

Nói rồi ông Phú nhanh tay chốt cửa xe để những đứa trẻ trên xe ngồi yên vị. Khi thấy bóng dáng của Hoàng, ông Phú nhanh chân bước về phía cổng trường để dắt Hoàng qua đường, lên xe. Lúc này, mồ hôi đã ướt đẫm chiếc áo lính bạc màu.

Những đứa trẻ vai khoác ba lô ngồi trật tự trên ghế bọc đệm tựa vào thành xe chắc chắn khuất dần sau hàng cây nơi cổng trường. Công việc ấy, ông Phú đã duy trì suốt 5 năm qua.

Nhiều khi, con cái hay bạn bè rủ ông đi chơi, đi du lịch ông cũng nhất quyết từ chối nếu như kỳ nghỉ đó vào những ngày trong tuần.

Tận tình dắt từng đứa trẻ qua đường.

Ông chia sẻ: “Mình đã làm là phải làm tới nơi tới chốn, chứ không thể bữa đực bữa cái, hay hứng lên thì làm mà không hứng lại thôi. Bố mẹ chúng bận công bận việc, giờ mình mà nghỉ thì lại xáo trộn cuộc sống của gia đình họ”.

Có lẽ chính vì suy nghĩ ấy mà nhiều khi trái gió trở giời khiến sức khỏe ông Phú không được tốt nhưng ông vẫn cố. Bà Liệu, vợ ông Phú tâm sự: “Nhiều khi thấy ông ấy vất vả, trời nắng thì không sao chứ trời mưa to gió lớn mà ông ấy vẫn đi tôi thật không cam lòng. Tôi bảo với ông ấy là gọi điện cho bố mẹ chúng nó đến đón con, ông ở nhà nghỉ ngơi đi, tuổi cao rồi, tay lái không được vững, nhỡ gió to quá nó bạt tay lái thì làm sao. Ấy thế mà ông ấy ương lắm, ông ấy bảo tôi còn khỏe chán, bà đừng lo”.

Hồi trẻ, ông Phú từng là bộ đội, lái xe trên đường Trường Sơn trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Đồng đội của ông nhiều người đã phải nằm lại nơi chiến trường. May mắn sống sót trở về nên ông Phú luôn tâm niệm phải làm việc có ích để tri ân những đồng đội đã mất.

Khi được hỏi, cơ duyên nào khiến ông tình nguyện chở xe miễn phí cho những đứa trẻ đến trường thì ông Phú bảo rằng: “Năm 2014, trong một lần đi du lịch ở Sầm Sơn, tôi được ngồi trên chiếc xe điện chạy êm như ru. Tôi vừa thấy lạ lại vừa thích thú. Sau hôm đó, tôi liền nghĩ khi về nhà sẽ chế ra một chiếc xe điện như thế để chở học sinh đến trường”.

Nghĩ là làm, về nhà ông gom tiền rồi mua một chiếc xe điện cũ, sau đó lắp thêm mái che và đóng thêm 2 hàng ghế hai bên. Khi chiếc xe được hoàn thiện cũng là lúc ông Phú bắt đầu công việc thiện nguyện của mình.

Hằng ngày, ông Phú đưa đón hơn chục học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 tới trường với quãng đường dài chừng 2km. Những đứa trẻ ngồi trên chiếc xe lam của ông đều phải tuân thủ các quy định như: không được nói tục chửi bậy, không được trêu đùa nhau tránh tai nạn giao thông.

Từ khi bắt đầu chạy xe tới nay, ông Phú chưa từng nhận một đồng nào của gia đình các cháu học sinh. Nhiều phụ huynh thấy ái ngại đã lấy cớ muốn hỗ trợ ông tiền bảo dưỡng xe hay tiền sạc điện nhưng ông đều từ chối.

Ông bảo: “Cái gì trong khả năng của mình, mình vẫn làm được thì cứ làm thôi. Tiền ai chả quý nhưng nhận thế nó mất hết cả ý nghĩa đi”. Thế nên mọi người vẫn trìu mến gọi ông là “ông xe lam miễn phí”.

Nhiều khi bố mẹ các cháu đi làm ca về muộn, vợ chồng ông Phú lại kiêm luôn cả việc trông coi chúng. Nếu muộn quá, vợ chồng ông lại cho bọn chúng ăn tối luôn. Ông bảo, đến bữa mình ăn mà bọn trẻ chưa được ăn thì sao đành lòng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, khu vực thuộc tổ dân phố Giáp Hải có nhiều cặp vợ chồng từ nơi khác đến thuê trọ. Họ chủ yếu làm công nhân nên thu nhập rất hạn chế, chi tiêu phải tằn tiện mới mong trang trải cuộc sống.

Họ phải đi làm rất sớm, tối muộn mới về nên việc đưa đón con đi học gặp nhiều khó khăn. Giờ nếu phải thêm khoản thuê người đón con đi học thì sẽ rất tốn kém, chi phí ít cũng vài trăm/tháng.

Ông Phú chia sẻ: “Nhiều cặp vợ chồng đến giờ tăng ca, vì mải làm có khi quên cả việc đón con. Nghĩ đến cảnh chúng nó lủi thủi ở trường ngóng bố mẹ đến đón, tôi thấy thương lắm. Chính vì thế tôi càng có thêm động lực để cố gắng”.

Chúng tôi đến tổ dân phố Giáp Hải, tìm gặp vợ chồng chị Nguyễn Thị Hòa (quê Thạch Thành, Thanh Hóa). Hai vợ chồng chị Hòa đều là công nhân của Công ty cổ phần May Bắc Giang. Vợ chồng chị sinh được 2 con, con gái lớn đang học lớp 5 Trường Tiểu học Dĩnh Kế.

Chị Hòa tâm sự: “Thực sự vợ chồng tôi không biết nói gì để tỏ lòng biết ơn ông Phú. May nhờ có ông mà con gái tôi được đi tới nơi về tới chốn. Nhiều hôm vợ chồng tăng ca nên về muộn lại gọi điện nhờ ông bà trông coi con giúp. Lắm khi thấy ái ngại quá nên vợ chồng tôi cũng ngỏ lời muốn gửi ông mấy đồng nhưng ông từ chối. Ông bảo cứ yên tâm mà đi làm lấy tiền nuôi con học hành cho bằng bạn bằng bè, về phần ông giúp được gì ông sẽ giúp hết lòng”.

Bà Nguyễn Thị Thành, hàng xóm của ông Phú cho biết: “Ông Phú trước đó từng ở quân đội nên kỷ luật nghiêm khắc lắm. Có lần tôi thấy ông ấy bắt bọn trẻ xuống đẩy xe. Tôi cứ tưởng là xe hết điện nhưng khi hỏi thì bọn trẻ bảo do chúng cháu trót nói bậy nên bị ông phạt.

Nói chung các bậc phụ huynh giao con cho ông Phú thì chỉ có mà yên tâm. Nhà tôi cũng có 2 đứa cháu đang đi nhờ xe của ông ấy, một đứa học lớp 5, một đứa vừa vào lớp 1. Chả ai như ông ấy đâu, hôm nào chúng nó khoe được điểm cao là ông ấy lại bỏ tiền ra mua bim bim hay mua bánh kẹo để thưởng. Chả thế mà bọn trẻ quý ông ấy lắm”.

Cũng vì muốn phục vụ những đứa trẻ ấy, vợ chồng ông Phú đã trích một khoản tiền từ đồng lương hưu ít ỏi để làm một tủ sách báo. Ông chia sẻ: “Hồi đầu, lúc đón bọn trẻ từ trường về mà bố mẹ chúng chưa đến đón kịp, chúng cứ bắt tôi phải kể hết chuyện này đến chuyện khác cho chúng nghe.

Trong lúc chờ đợi những học sinh tan muộn, ông Phú cẩn thận khóa chốt xe cho an toàn.

Kể thì tôi không ngại nhưng nghĩ kiến thức mình có hạn nên tôi bàn với bà ấy trích một số tiền để mua sách báo cho bọn trẻ đọc. Như vậy sẽ giúp chúng tăng thêm hiểu biết, học được nhiều điều hay lẽ phải và quan trọng là việc chờ đợi bố mẹ đến đón cũng không bị sốt ruột nữa”.

Sinh ra và lớn lên ở tỉnh Hải Dương, năm 1966, ông Phú xung phong đi bộ đội, huấn luyện ở Bắc Giang. Trước khi vào tuyến lửa đường Trường Sơn lái xe phục vụ chiến đấu, ông Phú bén duyên với người con gái Bắc Giang nơi ông đóng quân.

Yêu nhau 8 năm, hai người nên duyên vợ chồng, sinh được hai người con - một trai, một gái. Năm 1987, ông Phú nghỉ hưu với quân hàm Thượng úy. Trở về địa phương, ông lại tích cực tham gia công tác xã hội như: Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh, Trưởng Ban công tác mặt trận, Tổ phó tổ dân phố nhiều năm và nay là Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh phường Dĩnh Kế.

Khi được hỏi ông dự định làm công việc này đến khi nào thì ông Phú cười tươi đáp: “Tôi sẽ làm đến khi nào sức khỏe không cho phép nữa thì thôi. Thực lòng nghĩ đến một ngày mình không còn được đưa đón các cháu nữa, tôi vừa buồn lại vừa lo cho bố mẹ bọn trẻ.

Giờ điều tôi mong mỏi nhất là tìm được một ai đó cũng có tâm huyết như mình để sau này “truyền nghề” cho họ. Việc tốt thì nên duy trì mà, chứ giữa đường đứt gánh tôi thấy tiếc lắm”.

Phong Anh

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/phong-su-tieu-diem/chuyen-xe-nghia-tinh-cua-ong-phu-xe-lam-496085/