Chuyện xúc động trong nhật ký cách ly của nữ tiến sỹ luật

Tiến sĩ Phan Hà, công tác tại Viện Nhà nước và Pháp luật (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) không may trở thành F2 sau khi tiếp xúc với F1 của bệnh nhân số 21 mắc COVID-19, phải cách ly tại nhà. Mỗi ngày, chị đều ghi lại nhật ký.

Thời gian thực hiện cách ly tại nhà chị Hà nhận được sự quan tâm nhiệt tình, chu đáo của các cấp ngành ở phường.

Thời gian thực hiện cách ly tại nhà chị Hà nhận được sự quan tâm nhiệt tình, chu đáo của các cấp ngành ở phường.

Trong nhật ký của chị có nhiều chi tiết tình huống mà chị chưa từng trải qua về cán bộ nơi chị sinh sống - phường Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội.

"Sáng 9/3 tôi nhận được điện thoại từ Trung tâm Y tế phường Phương Mai (Đống Đa), nơi gia đình sinh sống, gọi để xác minh về thông tin đã tiếp xúc với người nghi nhiễm F1 bởi người này đã tiếp xúc với bệnh nhân số 21 nhiễm SARS-CoV-2. Mới đầu nghe, tuy có bất ngờ, dường như mọi thứ đang sụp đổ trước mắt. Tuy nhiên, sự hoang mang ấy được lập trình ngay trở lại bởi tôi ý thức được sự nguy hiểm của loại virus này cũng như sự động viên từ những người đang trò chuyện với tôi"- nhật ký ngày đầu tiên của Tiến Sỹ Phan Hà viết.

Thời gian cách ly tại nhà cũng là quãng thời gian chị Hà dành nhiều thời gian chăm sóc con cái học hành.

Ngày đầu tiên cách ly cũng là ngày chị nhận được nhiều lời động viên nhất, đặc biệt từ các cán bộ tổ dân phố, UBND phường. Nhật ký chị Hà Viết: "Cô Loan, Tổ trưởng tổ dân phố động viên “không sao đâu cháu. Cứ yên tâm. Đã có mọi người ở đây rồi” hay anh Công an khu vực trấn an tinh thần: “Thôi, chị chịu khó vậy. Chúng em cũng túc trực thường xuyên bên chị cơ mà”... Chính những lời động viên ấy, làm tinh thần của tôi phấn chấn trở lại.

Ngay sau đó, tôi được đưa vào diện cách ly tại nhà, hôm ấy là 9/3. Mọi sinh hoạt chỉ diễn ra trong nhà. Không đi ra ngoài. Trong nhà, tôi muốn làm gì thì làm, nên cũng khá thoải mái. Cuối ngày, cô Lan tổ trưởng lại gọi điện hỏi thăm, động viên. Rồi anh Cảnh sát khu vực, nhân viên y tế phường cũng gọi điện".

Ngày thứ 2 cách ly căng thẳng hơn với chị một chút bởi người thân, bạn bè, đồng nghiệp biết chuyện đã gọi điện hỏi thăm và đặc biệt, vẫn có sự chặm chút của các cấp chính quyền.Chị viết:"Tôi chìm vào giấc ngủ sâu. Hôm sau, lăn khỏi giường, tôi nhận được điện thoại từ anh cảnh sát khu vực gọi thăm hỏi về giấc ngủ, ăn uống và chúc một ngày mới tốt đẹp. Tôi đã rơm rớm nước mắt bởi lời động viên từ những người mà trước đây tôi rất ít tiếp xúc. Cuối cuộc điện thoại, anh còn dặn: Nếu cần mua gì, chị cứ gọi, sẽ có người mua giúp. Chị cố gắng ở trong nhà, không đi ra ngoài”.

"Trong tận đáy lòng tôi không vướng chút phiền muộn, thấy phấn chấn “giời ạ, vui lắm. Được chăm sóc, phục vụ đến tận cửa. Cần cứ bốc máy lên gọi cho cô Tổ trưởng, mọi người sẽ trợ giúp ngay trong vòng vài phút.", chị Hà cho hay. Trong ảnh, nhân viên y tế phường trong một lần mua vật dụng hàng ngày giúp chị Hà.

Ngày cách ly thứ 4, lương thực, thực phẩm trong nhà chị Hà cũng đã cạn và chị nhớ lời dặn, "cần gì sẽ mua giúp" của những người giám sát mình và chị rất xúc động khi nhận được sự giúp đỡ nhanh chóng, nhiệt tình.

"Trước đây, tôi khá kỹ lưỡng trong việc nhờ và người khác. Phần lớn là mình tự làm. Tuy nhiên, nhìn tủ lạnh đã hết đồ ăn, giấy vệ sinh cũng đã hết, tôi quyết định gọi điện cho cô Lan, Tổ trưởng tổ dân phố. Thú thật, nhờ cô trong tâm trạng được thì được, không thì thôi. Nhưng chỉ sau đó hơn 30 phút, tôi nhận được điện thoại từ cô “mở cửa lấy đồ vào nhé”. Cảm động đến nghẹn lòng, tôi quên mất gửi tiền trả cô. Chỉ đến khi lấy đồ vào nhà và bình tâm trở lại, tôi mới sực nhớ và gọi điện cho cô. Cô bảo: “Cứ để đấy, sau này trả cô cũng được”- nhật ký chị Hà viết. Thậm chí, vì đi lại nhiều, thân tình, phát sinh tình cảm, cô nhân viên y tế phường có hôm còn nâu "đãi" chị một nồi ốc om chuối đậu.

"Rồi đến Phó Chủ tịch UBND phường gọi thăm hỏi động viên và không quên dặn: “Cần gì cứ gọi nhé”. Thấy tôi trầm lại, chị tiếp lời: “may còn có các con ở nhà cùng, không thì cũng buồn lắm em nhỉ. Thôi, cố gắng vậy. Chị em mình làm việc này vừa để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, cho cộng đồng. Em chịu khó một chút là giúp đỡ phường rồi...”. Những lời động viên ân cần đấy, thấy mọi người gần gũi với mình lắm. Có lẽ họ chẳng coi mình là bệnh tật đâu. Cái ý nghĩ “kỳ thị” với người bị cách ly có lẽ do chính bản thân mình tự suy diễn mà thôi" - chị viết.

Được chăm sóc nhiệt tình chu đáo, khi bạn bè nhắn hỏi thăm, tận trong tận đáy lòng, chị không vướng chút phiền muộn, thấy phấn chấn, nhắn cho bạn: “Giời ạ, vui lắm. Được chăm sóc, phục vụ đến tận cửa. Cần cứ bốc máy lên gọi cho cô Tổ trưởng, mọi người sẽ trợ giúp ngay trong vòng vài phút. Tiền thì chuyển khoản hoặc trả sau. Mới nghe, bạn bè chị mắt tròn, mắt dẹt, chị còn đùa “sau 14 ngày, có lẽ tao sẽ xin cách ly thêm”.

Rồi đến lúc F1 được kết luận là âm tính. Lác đác một số phường đã có lệnh tháo cách ly trước thời hạn cho các F2 và F3. Tuy nhiên phường chị ở vẫn chưa làm vì chưa có văn bản hướng dẫn chính thức. Tuy không nói ra nhưng chị ngấm ngầm ủng hộ cách làm đúng nguyên tắc và rất chuyên nghiệp này.

Chị Hà nhận quyết định hết cách ly từ cán bộ y tế của phường.

"Những ngày đó, cán bộ y tế phường khá vất vả, hôm trước khản hết giọng vì cả ngày bận phải gọi điện cho mười mấy trường hợp mới từ nước ngoài về, tuyên truyền, giải quyết những trường hợp trốn cách ly, khai báo quanh co. Rồi đêm muộn vẫn ghé qua nhà an ủi mình "thôi chị chịu khó vậy! Hà Nội vừa có văn bản chỉ đạo phải làm nghiêm và nâng mức độ (phòng chống dịch) lên một nấc nữa, cao hơn các địa phương, nên có lẽ các F2 vẫn phải giữ nguyên cách ly đấy chị ạ" - Chị viết đầy cảm thông về việc chậm tháo lệnh cách ly.

"Rồi bất ngờ nhận tin nhắn, rồi cán bộ y tế phường gọi xuống mở cửa "chị ơi, em mang tin vui đến cho chị đây". Vẫn dáng vóc đó, xuất hiện ở cửa, áo bờ lu, khẩu trang kín mít, co cán bộ y tế phường phân bua: "Cả ngày hôm nay bận quá chị ạ, bọn em phải đi xác minh cả ngày!”. "Em trao quyết định hết cách ly, cùng chụp 1 kiểu ảnh kỷ niệm, rồi lại vội vã tiếp tục công việc" - nhật ký chị Hà viết.

Sau khi hết cách ly, chị Hà nói: "Cho đến giờ các quyết định của Chính phủ vẫn rất chính xác, hợp lý. "Muốn hết dịch mong tất cả hãy nhớ: Giữ mình cũng là bảo vệ cho người khác, đừng hoang mang, hoảng loạn, hãy bình tĩnh, đừng tin nghe những tin đồn thất thiệt, đừng tích trữ lương thực quá nhiều. Mua đồ ăn để hạn chế ra đường là cần thiết nhưng không nhất thiết phải vơ vét hàng hóa gây tình trạng khan hiếm giả. Nếu thiếu, ta vẫn ra chợ, siêu thị mua được mà. Cần nhất bây giờ là làm tốt trách nhiệm của mình là ở nhà và hạn chế tiếp xúc nhiều nhất có thể, ai ở đâu ở yên đấy, sống tích cực, vui vẻ, lạc quan, yêu thương nhau nhiều hơn nữa. Hãy tin tưởng và ủng hộ công tác chống dịch của chính quyền!".

Long Vân

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/ban-doc/chuyen-xuc-dong-trong-nhat-ky-cach-ly-cua-nu-tien-sy-luat-1633809.tpo