Chuyện xúc động về những cuộc 'trở về'

Tôi gọi hành trình mà nhiều cựu binh nước ngoài đã đưa những kỷ vật thiêng liêng của những chiến sỹ Việt Nam đã hy sinh trong chiến tranh mà họ đã run rủi cất giữ được về với quê hương, người thân yêu của các liệt sỹ là những cuộc 'trở về'. Và với những người lính nước ngoài đã từng tham chiến tại chiến trường Việt Nam cách đây nhiều thập kỷ, tạo nên những cuộc 'trở về' ấy, thực sự là sự thôi thúc của lương tâm, của tình người.

Ian Williamson: Chiếc võng, la bàn và niềm thôi thúc 44 năm ròng

Năm 1971, ở tuổi tròn 20, Ian Williamson được lệnh nhập ngũ, biên chế vào Trung đoàn số 4 Hoàng gia Australia tham chiến tại chiến trường Việt Nam. Chàng lính trẻ đã không thể ngờ mình lại nặng lòng với đất nước hình chữ S đến thế. Đơn vị Ian tham gia chiến dịch Overlord và chiến đấu trong vòng 2 tuần tại tỉnh Phước Tuy (nay là Bà Rịa - Vũng Tàu). Trong một trận đánh, Ian Williamson còn nhớ rõ đó là vào ngày 13/6/1971, khẩu súng của chàng lính trẻ người Australia đã nhả đạn, một người lính Việt Nam đã ngã xuống. Người lính Việt Nam sau đó bị lột toàn bộ đồ đạc trên người và được đem đi chôn cất. Chỉ huy trung đội của Ian Williamson đã trao cho ông một chiếc la bàn và một chiếc võng của người lính nói trên. Ian Williamson đã để chúng trong chiếc ba lô của mình. Sau khi rời khỏi cuộc chiến tranh ở Việt Nam trở về nước, Ian nhiều đêm mất ngủ, giằng xé trong ông là nỗi băn khoăn có nên bắt đầu cuộc hành trình tìm kiếm chủ nhân của hai kỷ vật mình đang giữ, và rằng liệu những người thân của người lính hy sinh ngày đó sẽ phản ứng ra sao khi nhìn thấy kỷ vật thiêng liêng của người thân yêu, họ sẽ phản ứng thế nào nếu nhìn thấy chính người đã từng rút súng bắn người thân của mình? Phải mất đến 44 năm, Ian Williamson mới tìm ra đáp án cho những băn khoăn của mình.

Cựu binh Ian Williamson đã có được sự thanh thản khi trao lại hiện vật cho thân nhân liệt sỹ Nguyễn Sỹ Quy.

Phải mất tới 2 năm, với sự giúp đỡ của con gái Amanda Williamson; đại tá Darren Kerr, tùy viên quân sự Australia và Trung tâm tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sỹ (MARIN), Ian Williamson biết được thân nhân liệt sỹ Nguyễn Sỹ Quy ở Thiệu Hóa (Thanh Hóa). Tháng 10/2015, ông và con gái lên đường sang Việt Nam. Ngày 13/10/2015, họ hàng cùng người dân thôn Nguyên Thịnh, xã Thiệu Nguyên (Thiệu Hóa, Thanh Hóa) đã tề tựu ở nhà ông Nguyễn Sỹ Định - em trai liệt sỹ Quy, hồi hộp chờ đón cựu chiến binh Ian Wiliamson về trao lại kỷ vật của liệt sỹ. Trái với dự đoán của ông, họ đã không có phản ứng nào khác ngoài sự cảm kích và xúc động. “Sau 44 năm, tôi muốn trả lại những thứ không phải của mình, mong cho linh hồn liệt sỹ được vui vẻ. Tôi thấy thanh thản với những gì mình đã làm được” ông Williamson chia sẻ trong nghẹn ngào.

Laurens Wildeboer: Giọt nước mắt sau 42 năm

Sáng 3/4/2012, ngôi nhà nhỏ của bà Nguyễn Thị Hiểu, mẹ của liệt sỹ Phan Văn Ban (tên khác là Phan Văn Nhơn, Phan Thanh Hùng) tại ấp 2, xã Long An, huyện Long Thành (Đồng Nai) chưa bao giờ đông vui đến thế. Người thân, hàng xóm láng giềng đến tề tựu để cùng bà chứng kiến một sự kiện đặc biệt: ông Laurens Wildeboer, cựu binh Úc, đến nhà để trao một kỷ vật mà ông đã lưu giữ 42 năm qua. Đó là một cuốn sổ học trò được ghi chép cẩn thận và một chiếc khăn choàng của liệt sỹ Ban. “Chiến tranh đã qua đi, con trai tôi đã hy sinh nhưng những gì của con trai tôi còn sót lại mà các ông còn giữ thật xúc động. Nhìn những kỷ vật, tôi như nhìn thấy con mình” - mẹ liệt sỹ Ban nghẹn ngào chia sẻ và nói lời cảm ơn trước nghĩa cử cao đẹp của cựu binh người Úc.

Ông Laurens Wildeboer trong hành trình trao trả kỷ vật cho liệt sỹ Phan Văn Ban.

Nhưng với ông Laurens Wildeboer, nghĩa cử ấy là việc ông cần phải làm, từ sự thôi thúc của lương tâm từ hàng chục năm qua. “Bao năm tôi như có một bóng ma luôn ám ảnh bản thân mình. Được trở lại đây và trao lại những kỷ vật đến tay người thân của họ tôi như đuổi được bóng ma đó ra khỏi cơ thể. Cảm xúc khi đến đây dồn nén, như muốn vỡ ra khi thấy đất nước các bạn. Liệt sỹ Ban và những người lính Việt Nam thật tuyệt vời. Họ thật tuyệt khi làm tất cả vì đất nước”, ông Laurens Wildeboer rưng rưng thổ lộ.

Tuy nhiên, hành trình để những kỷ vật của liệt sỹ Ban “trở về” với quê mẹ cũng chẳng dễ dàng. Thông qua những người tìm kiếm liệt sỹ Việt Nam, ông Laurens cho biết năm 1970 trong một trận chiến ông từng lấy được một cuốn nhật ký của một liệt sỹ tên Ban nên muốn trao lại cho người thân liệt sỹ. Tháng 1/2012, qua nhiều lần nhờ người tìm kiếm, mọi người đã xác định liệt sỹ tên Ban chính là liệt sỹ Phan Văn Nhơn ở ấp 2, xã Long An, huyện Long Thành (Đồng Nai), hy sinh năm 1970, đã được công nhận là liệt sỹ. Từ đó, ông Laurens đã kết nối và đến Việt Nam để trao lại những kỷ vật cho mẹ liệt sỹ Ban.

Dean Carter: Nỗi day dứt ngày hậu chiến

Ngày 27/4/2016, Bảo tàng LSQS Việt Nam tiếp nhận một chiếc mũ cối, một bi-đông của liệt sỹ Trần Nhật Ký, cùng những lá thư của ông Dean Carter, một lính hải quân từng phục vụ trong quân đội Mỹ từ năm 1967 đến 1988. Trong thư, Dean Carter viết: “Ngày 25/3/1969 đã trở thành một ngày đáng nhớ trong ký ức của tôi. Ngày ấy tôi đã kết liễu cuộc đời của một người lính trẻ Bắc Việt tên là Trần Nhật Ký. Buổi trưa hôm ấy, tôi nhìn thấy một người lính Việt Nam đang quan sát địa hình. Khi anh ta còn cách tôi chừng 20m, tôi đã bắn anh ta trước khi anh ta có thể bắn tôi. Và như bất kỳ người lính nào trong chiến đấu, sở thích của họ là thu nhặt những kỷ vật trong chiến tranh, vì thế tôi đã lấy chiếc mũ cối, con dao, thắt lưng và bi-đông của anh ấy. Sau đó, tôi chỉ giữ lại chiếc mũ cối và bi - đông, còn những thứ kia tôi cho các đồng đội trong đơn vị tôi”.

Hiện vật của liệt sỹ Trần Nhật Ký.

Nhưng cho đến gần nửa thế kỷ sau, người cựu binh Mỹ vẫn chưa thể thôi day dứt về hành động của mình trong buổi trưa hôm ấy. Những cơn ác mộng đeo đuổi ông mỗi đêm đã thôi thúc ông bằng mọi cách phải đưa những kỷ vật ấy “trở về”. “Tôi sẽ rất cảm kích khi các kỷ vật này được trả lại cho gia đình của Ký hoặc cho người bạn gái có tên viết tắt ghi trên mũ của anh. Nếu điều này không thể thực hiện được, tôi mong muốn các vật này được đặt trong một bảo tàng chiến tranh để người lính trẻ này có thể được ghi nhớ và tôn vinh. Như vậy mọi người sẽ biết rằng, Trần Nhật Ký đã chiến đấu anh dũng như thế nào. Dù đã hy sinh trong trận chiến nhưng anh sẽ không bao giờ bị lãng quên”, ông Dean Carter viết trong thư. Và tới thời điểm này, hai kỷ vật mà ông Dean Carter trao lại vẫn đang tiếp tục được trưng bày và lưu trữ tại Bảo tàng LSQS Việt Nam.

Để có những cuộc “trở về” đầy xúc động như thế, khi cuộc chiến tranh đã lùi xa khá lâu, khi kẻ còn người mất, khi những dữ liệu có được quá ít ỏi, thì mong muốn chủ quan của người nắm giữ kỷ vật là không đủ. Đơn cử như việc những cựu binh người Úc như Laurens Wildeboer có cơ hội trao trả lại kỷ vật, có cơ hội trở lại Việt Nam và thổ lộ lòng mình với những con người mà ông dự định từ lâu, là nhờ rất nhiều vào những chiến dịch như Operation Wandering Souls (Chiến dịch “Những linh hồn Phiêu bạt”) do tiến sỹ Bob Hall và cộng sự của ông thuộc trường Đại học New South Wales tại thủ đô Canberra, thực hiện. Tiến sỹ Bob Hall và cộng sự đã thiết lập được một hệ thống dữ liệu những trận đánh của binh lính Úc trong cuộc chiến ở Việt Nam. Hệ thống dữ liệu này gồm các thông tin liên quan đến từng trận đánh ví dụ ngày, giờ, địa điểm, quân số lực lượng tham chiến của hai phía, số người thương vong của hai phía, số lượng đạn dược của từng loại vũ khí được sử dụng… Chiến dịch “Những linh hồn phiêu bạt” đã giúp Chính phủ và nhiều gia đình Việt Nam xác định được những vị trí chôn cất các liệt sỹ và xác định danh tính của các liệt sỹ đã hy sinh trong cuộc chiến với các binh lính của Úc và New Zealand trong thời gian từ 1966 đến 1971 ở tỉnh Phước Tuy (cũ), nay là tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Dữ liệu này sử dụng hệ thống Google Earth và có thể xác định vị trí của nơi chôn của 3.700 liệt sỹ. Cũng qua hệ thống này mà tiến sỹ Hall đã đề nghị các cựu quân nhân của Úc và New Zealand trả lại những di vật, kỷ vật có thể giúp xác định danh tính những liệt sỹ của Việt Nam đã hy sinh trong các trận đánh đó.

Anh Thư (Tổng hợp)

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/thoi-su/trong-nuoc/chuyen-xuc-dong-ve-nhung-cuoc-tro-ve-40518