CII kỳ vọng hoạch lãi hơn 800 tỷ đồng, huy động vốn hàng nghìn tỷ đồng

Năm 2020, CII đưa ra 2 kế hoạch kinh doanh, thận trọng với doanh thu 5.800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế lợi nhuận ròng 808 tỷ đồng

Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh (CII) đã thông qua kế hoạch kinh doanh với 2 kịch bản “thận trọng” và “khả quan”, với con số lợi nhuận mục tiêu chênh nhau đến 800 tỷ đồng. Và kế hoạch phát hành trái phiếu huy động hàng nghìn tỷ đồng.

ĐHCĐ CTCP Đầu tư hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh (CII) đã thông qua kế hoạch kinh doanh với 2 kịch bản “thận trọng” và “khả quan”

Tổng giám đốc: lo lắng với kế hoạch nhưng tự tin sẽ hoàn thành

Năm 2020, CII đưa ra 2 kế hoạch kinh doanh, thận trọng với doanh thu 5.800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế lợi nhuận ròng 808 tỷ đồng. Trong kịch bản khả quan là 6.600 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận có thể đạt 1.608 tỷ đồng.

Theo ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc CII, sự chênh lệch lớn này chủ yếu do tác động bởi tiến độ phê duyệt thủ tục pháp lý từ các cơ quan chức năng.

Bất động sản sẽ là mảng đóng góp chính, chủ yếu đến từ các dựa án của công ty con là Năm Bảy Bảy (NBB), cụ thể là dự án Sơn Tịnh, Quảng Ngãi mang về 1.000 tỷ đồng lợi nhuận, với tỷ lệ sở hữu 80% NBB thì CII có thể thu về 800 tỷ đồng; các dự án khác của NBB và dự án 152 Điện Biên Phủ dự kiến mang về 850 tỷ đồng.

Còn mảng nước thì năm nay sẽ không lỗ, mảng cầu đường như các năm trước, ước tính đóng góp khoảng 300 tỷ đồng lợi nhuận.

Chia sẻ về doanh thu dự kiến thu phí từ dự án Xa lộ Hà Nội mở rộng và dự án cao tốc Trung Lương Mỹ Thuận, ông Bình cho biết, ước tính, doanh thu Xa lộ Hà Nội ước tính 1.000 tỷ đồng/năm, Doanh thu Trung Lương – Mỹ Thuận ước tính 1.400 tỷ đồng/năm cho năm thu phí đầu tiên, qua mỗi năm tăng giá 10%, riêng với Trung Lương – Mỹ Thuận qua 3 năm tăng giá 18%.

Nói về kế hoạch trên, ông Bình cho biết, kế hoạch được lập vào cuối năm 2019, trong kịch bản “thận trọng” ở trên, công ty có phần tự tin nhất định, nhưng đến thời điểm hiện tại, những tiến độ về hồ sơ pháp lý cần hoàn thành thì chưa thực hiện được cái nào. Theo đó, ông Bình bày tỏ “bắt đầu lo lắng cho việc thực hiện kế hoạch, dù vậy, ban Lãnh đạo công ty vẫn đang cố gắng và bằng kinh nghiệm của mình, vẫn tin tưởng sẽ đạt được kế hoạch đề ra”.

Trong năm 2020, CII sẽ nỗ lực để hoàn thành 3 nhiệm vụ lớn bao gồm, thu phí tuyến Xa Lộ Hà Nội. CII đang tiếp tục đeo bám để thực hiện các khâu sau đó, kỳ vọng sớm nhất 1/8 sẽ được tiến hành thu phí Xa lộ Hà Nội. (chậm hơn nhiều so với kế hoạch ban đầu)

Đồng thời, CII đang rốt ráo để đưa dự án BOT Trung Lương – Mỹ Thuận về đích vào cuối năm nay. Bắt đầu từ quý 2/2020 khai thác hoàn vốn.

Thứ 3, với mảng bất động sản, phải khai thác cho được quỹ đất của NBB, và Thủ Thiêm, tạo tiền đề hạch toán và phân bổ lợi nhuận trong năm 2021.

Từ năm 2018 đến nay, CII gặp vấn đề pháp lý dự án khiến bị kéo dài, trong đó, vấn đề về phần đất xen cài được xem là đất công không có hướng giải quyết. Giờ phải chờ quyết định của Chính Phủ, cho phép đối với đất xen cài thì chỉ định và giao cho Nhà đầu tư thực hiện. Riêng với Thủ Thiêm, CII vẫn đang theo đuổi, dù có lúc nhiều hi vọng cũng có lúc bị chùng xuống.

Về kế hoạch nguồn vốn, sẽ chuyển hướng sang các thương vụ giá trị lớn, thay vì chỉ huy động 200-300 tỷ đồng như các năm trước. Đầu năm 2020 đến nay, CII đã làm 2 deal lớn, giá trị 2.500 tỷ đồng và 2.000 tỷ đồng. Năm 2020, CII còn 3 thương vụ huy động vốn nữa, gồm thương vụ 1.600 tỷ đồng, thương vụ 800 tỷ đồng và thương vụ 1.200 tỷ đồng.

Tại đại hội, cổ đông cũng thắc mắc về kế hoạch cổ tức năm 2018-2019 đã chốt ở ĐHCĐ tổ chức ngày 27/3/2020 là 32%, trong đó 16% bằng tiền, nay trong tờ trình mới chỉ còn 12% bằng tiền mặt.

Ông Bình cho biết, cổ tức thực hiện chi trả dựa trên kết quả kinh doanh của công ty. Nhưng số liệu trước kiểm toán và sau kiểm toán của CII hụt cả hơn 500 tỷ đồng lợi nhuận. Trong khi, thực hiện xong thương vụ và tiền mang về rồi, nhưng vì ngày thực hiện là 2/1 nên kiểm toán đưa qua năm 2020. Thay vì lợi nhuận 970 tỷ đồng thì sẽ trả cổ tức 32%, thì nay chỉ còn hơn 490 tỷ đồng thì chỉ chi trả được cổ tức 12%.

CII phấn đấu trong quý 3 trả cổ tưc 2019. Còn năm 2020, dự kiến bằng tiền mặt

Phát hành trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu riêng lẻ kèm chứng quyền và mua 53 triệu cổ phiếu quỹ

HDQT CII trình cổ đông kế hoạch phát hành riêng lẻ kèm chứng quyền và tờ trình mua lại 53 triệu cổ phiếu quỹ để làm nguồn thanh toán cho trái chủ khi chuyển đổi chứng quyền.

CII cho biết, thời gian qua, CII đã thực hiện đàm phán bước đầu với nhà đầu tư về việc phát hành trái phiếu kèm chứng quyền. Theo đó, nhà đầu tư sẽ đầu tư trái phiếu kèm chứng quyền do CII phát hành và được cấp quyền mua tối đa 62 triệu cổ phiếu CII. Trái phiếu sẽ được phát hành thành 2 đợt:

Đợt 1 chào bán rộng rãi trái phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 200:1 (cổ đông sở hữu 200 cổ phiếu CII được quyền mua 1 trái phiếu). Số lượng trái phiếu dự kiến phá hành 1,24 triệu trái phiếu. Tổng giá trị phát hành 1.239,2 tỷ đồng.

Đợt 2 là chào bán riêng lẻ 1.600 tỷ đồng trái phiếu kèm chứng quyền cho NĐT. Đợt 2 chỉ được thực hiện khi đợt 1 giá trị chào bán không đạt 800 tỷ đồng. Đối tượng phát hành là quỹ đầu tư, ngân hàng, nhà đầu tư chiến lược…Kỳ hạn trái phiếu 5 năm, lãi suất dự kiến 11%/năm.

Thắc mắc về việc phát hành trái phiếu kèm chứng quyền, thay vì trái phiếu chuyển đổi như mọi lần, ông Lê Quốc Bình, Tổng Giám đốc CII cho rằng, theo quan điểm cá nhân,nên làm trái phiếu chuyển đổi vì sau khi làm việc với các cơ quan chức năng, thì ngặt một cái là trên HOSE chưa có giao dịch trái phiếu kèm chứng quyền – tức sẽ có rủi ro cho các nhà đầu tư cá nhân vì tính thanh khoản không có. Còn với nhà đầu tư tổ chức, thường giao dịch lô lớn thông qua thỏa thuận sẽ không bị ảnh hưởng. Theo đó, tôi cũng là một cổ đông của CII và có kiến nghị, nên thay đổi phần phát hành cho cổ đông hiện hữu thành Trái phiếu chuyển đổi.

Còn phần phát hành cho tổ chức thì phát hành kèm chứmg quyền, vì họ là nhà đầu tư tài chính, họ muốn tách rõ ràng là trái phiếu và chứng quyền để họ muốn giao dịch phần nào thì họ giao dịch.

Cổ đông cũng thắc mắc về 2 đợt phát hành, do thời điểm khác nhau, lỡ đợt sau cho nhà đầu tư tổ chức, mức giá thấp hơn giá mua của cổ đông hiện hữu thì thiệt cho cổ đông?

Ông Bình cho biết, theo tờ trình hiện nay, giá phát hành cho cổ đông hiện hữu bằng 110%bình quân 10 phiên giao dịch trước ngày nộp hồ sơ phát hành trái phiếu đến UBCK Nhà nước. Việc phát hành ở thời điểm khác nhau nên giá sẽ khác nhau.

Trong trường hợp giá xuống, cổ đông hiện hữu thiệt thòi hơn, giá lên thì nhà đầu tư chiến lược mua cao hơn.

“Tôi cho rằng, có lẽ kiến nghị chủ tọa đoàn sửa lại rằng: giá phát hành cho nhà đầu tư chiến lược cũng bằng 110% bình quân 10 phiên giao dịch trước ngày nộp hồ sơ phát hành trái phiếu đến UBCK Nhà nước và không thấp hơn giá phát hành cho cổ đông hiện hữu, và không quá 26.000 đồng/cổ phiếu”, ông Bình nói.

Đề xuất này đã được ĐHCĐ thông qua.

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/cii-ky-vong-hoach-lai-hon-800-ty-dong-huy-dong-von-hang-nghin-ty-dong-d123466.html