Clip: Ảo ảnh thị giác giúp chẩn đoán bệnh tự kỷ

Một nhóm nghiên cứu sinh thuộc đại học Pisa, Ý đã sáng tạo ra một loại ảo ảnh thị giác giúp các bác sĩ nhận biết các bệnh nhân mắc phải hội chứng rối loạn phổ tự kỷ (hay tự kỷ) so với người bình thường.

Quan sát ảo ảnh này, nếu bạn trông thấy một chiếc cột đang xoay tròn thì khả năng cao bạn không mắc phải hội chứng tự kỷ đâu. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng những cá nhân mắc phải hội chứng này sẽ nhìn nhận 2 lớp điểm trắng và đen theo cách khác với người thường.

Thay vì thấy một hình trụ 3 chiều xoay tròn, một số người sẽ nhìn ra 2 lớp chấm màu đang di chuyển một cách riêng biệt. Những người nhìn nhận theo hướng này thường có “tầm nhìn định hướng chi tiết hơn" và dễ mắc phải tự kỷ hơn.

Các nhà khoa học đánh giá kết quả của cuộc thử nghiệm dựa trên đồng tử của người tham gia. Những người có “tầm nhìn định hướng chi tiết hơn” sẽ tập trung vào 2 lớp màu đối lập nhau, do đó ta có thể quan sát được đồng tử của họ giãn ra và liên tục nháy qua lại.

Những người bình thường sẽ coi hình ảnh là một khối thống nhất và không thay đổi độ giãn nở của đồng tử.

Người thông thường sẽ nhìn thấy một cột trụ đang xoay vòng. (Ảnh: eLife)

Các cá nhân mắc tự kỷ sẽ nhìn thấy 2 lớp chấm màu di chuyển riêng biệt. (Ảnh: eLife)

Tuy rằng việc phát hiện hội chứng này phức tạp hơn rất nhiều nhưng việc sử dụng ảo ảnh cũng phần nào tăng độ chính xác cho các chẩn đoán của bác sĩ.

Những người tự kỷ thường gặp khó khăn với việc hòa nhập, thể hiện cảm xúc và giao tiếp. Các khó khăn này hình thành từ năm 3 tuổi và đi theo người bệnh đến cuối cuộc đời.

Những dấu hiệu cụ thể của hội chứng bao gồm phản ứng bất thường đối với các mùi hương, âm thanh, mùi vị và gặp vấn đề khi thay đổi thói quen.

Nhờ vào đặc điểm này, các nghiên cứu sinh người Ý phát triển một loại ảo ảnh thị giác với hi vọng phát hiện những trường hợp mà các chuyên gia có thể bỏ sót.

Thử nghiệm với hơn 50 người, kết quả của cuộc nghiên cứu khá khả quan. Bên cạnh bài thử nghiệm ảo ảnh, các nghiên cứu sinh yêu cầu những người tham gia trả lời một bộ câu hỏi để đối chiếu kết quả.

Với bộ câu hỏi được thiết kế để chẩn đoán người tự kỷ, các cá nhân với đồng tử thay đổi đạt điểm khá cao và có những đặc điểm tương đồng với chứng bệnh.

Theo báo eLife, Tiến sĩ Marco Turi, một trong những nghiên cứu sinh của dự án chia sẻ: “ Việc theo dõi sự thay đổi của đồng tử có thể giúp các nhà khoa học nhận biết cá nhân đó đang tập trung vào cái gì.”

Anh chỉ ra rằng: “Đồng tử của các cá nhân mang đặc tính tự kỷ giãn ra ra họ tiếp nhận mảng tối và co lại khi mảng sáng xuất hiện.”

Các nghiên cứu trong tương lai sẽ chỉ ra liệu thay đổi đồng tử có phải là một triệu chứng xác định của hội chứng này hay không.

Tự kỷ (Autism spectrum disorder – ASD), còn gọi là rối loạn phổ tự kỷ, ảnh hưởng đến sự làm việc của não bộ và bao gồm rất nhiều dạng thiếu năng lực hành vi và năng lực xã hội.

Tôn Vỹ (Tổng hợp)

.

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/clip-ao-anh-thi-giac-giup-chan-doan-benh-tu-ky-a382017.html