Clip: Cá chình biển sâu trổ tài thay hình đổi dạng

Các nhà khoa học đã ghi lại cảnh tượng hiếm hoi của một con cá chình dưới đáy biển gần quần đảo Hawaii.

Sinh vật trong đoạn clip được cho là loài cá chình bồ nông được phát hiện bởi tàu E/V Nautilus trong chuyến thám hiểm đáy đại dương vào ngày 19/9. Tại thời điểm phát hiện, con cá xuất hiện dưới một hình dạng phần thân đầu tròn to và đuôi dẹt dài khiến các nhà khoa học khó có thể xác định đây là loài sinh vật nào.

Chỉ ít giây sau đó, con cá bắt đầu mở miệng, nhả nước ra ngoài và trở lại với hình dạng vốn có của một con cá chình.

Sau khi tra cứu lại các ghi chép về sinh vật biển, các nhà khoa học xác nhận đây là một con cá chình bồ nông. Sở dĩ được đặt tên theo một loài chim bởi những con cá chình này có khả năng hút nước và bơm phồng cơ thể tương tự như chiếc mỏ đặc biệt của loài bồ nông. So với loài chim biển thì loài cá chình biển sau này có khả năng thay hình đổi dạng ấn tượng hơn nhiều nhờ sở hữu lớp da siêu đàn hồi.

Việc thay hình đổi dạng là một tập tính phòng ngự của loài cá khi gặp nguy hiểm. Con cá đã phát hiện chiếc camera từ trước đó và bơm phồng cơ thể lên để de dọa kẻ đang tiếp cận mình. Sau khi nhận thấy vật lạ không có vẻ gì là nguy hiểm, con vật trở lại hình dạng bình thường và bơi đi.

Dù đã có nhiều ghi chép về việc loài cá này có khả năng thay đổi hình dạng nhưng đây là lần đầu tiên các nhà khoa học được chiễm ngường toàn bộ quá trình biến hóa của chúng. Đây là một loài sinh vật hiếm trú ngụ ở sâu dưới đáy đại dương. Những tài liệu ghi chép về chúng ngoài tự nhiên không nhiều. Tuy nhiên, đã có nhiều trường hợp người dân bắt được một số cá thể bị mắc vào lưới đánh cá ở khu vực nước nông.

Tôn Vỹ (Dịch)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/clip-ca-chinh-bien-sau-tro-tai-thay-hinh-doi-dang-a405099.html