CMCN 4.0 đem đến hiệu quả, chất lượng cho lĩnh vực kiến trúc và quy hoạch đô thị

'Cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến nhiều lợi thế về hiệu quả, chất lượng, bước ngoặt đổi mới trong lĩnh vực kiến trúc và quy hoạch đô thị', TS. KTS. Lê Thị Bích Thuận, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị & phát triển hạ tầng nhận định.

CMCN 4.0 đang trở thành tâm điểm của mọi sự thay đổi, bởi những thành tựu quan trọng như: Trí tuệ nhân tạo, Bigdata, máy móc tự động, ô tô tự lái, in ấn 3D, kết nối vạn vật... được sử dụng trong nhiều ngành, lĩnh vực của các nền kinh tế. Từ đó, các doanh nghiệp, lĩnh vực nâng cao năng suất, hiệu quả, chất lượng sản phẩm, hàng hóa hơn, đồng thời cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh...

Đối với lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch đô thị cũng vậy. Nhờ sự nhanh nhạy trong việc cải tiến, nâng cao kĩ thuật trong thiết kế, xây dựng để đưa ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Bình luận sâu về vấn đề này, TS. KTS. Lê Thị Bích Thuận, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị & phát triển hạ tầng khẳng định, các công nghệ mới trên nền tảng cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến nhiều lợi thế và tiềm năng về hiệu quả và chất lượng, bước ngoặt đổi mới trong lĩnh vực kiến trúc và quy hoạch đô thị.

Theo bà Bích Thuận, công nghệ giúp doanh nghiệp tiếp cận dự án tốt hơn, thiết kế hợp lý hơn và cũng quản lý hiệu quả hơn. Nhận biết, hiểu và áp dụng công nghệ vào ngành xây dựng là nhu cầu cấp thiết đối với doanh nghiệp muốn tạo ra lợi thế cạnh tranh trong môi trường kinh doanh hiện đại. "Việc sử dụng năng lượng thông minh và vật liệu xanh góp phần giảm thiểu lượng ô nhiễm phát thải ra môi trường và tiết kiệm năng lượng từ quá trình xây dựng, vận hành đến sử dụng lâu dài về sau", TS. Lê Thị Bích Thuận phân tích.

 CMCN 4.0 đem đến hiệu quả, chất lượng cho lĩnh vực kiến trúc và quy hoạch đô thị.

CMCN 4.0 đem đến hiệu quả, chất lượng cho lĩnh vực kiến trúc và quy hoạch đô thị.

Đặc biệt, theo bà Thuận, công nghệ mới đã và đang ứng dụng rộng rãi trong giải pháp thi công công trình có thể kể tới như: Internet vạn vật - IoT; phân tích dự báo dựa trên dữ liệu lớn; máy móc tự cải tiến - learning machine; robot xây nhà; công nghệ thực tế ảo – VR...

Đồng tình và bổ sung thêm ý kiến của TS. KTS Lê Thị Bích Thuận, TS. KTS. Trần Minh Tùng, Trưởng bộ môn Kiến trúc dân dụng, Khoa Kiến trúc & Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng cho rằng: “Bước sang thời kỳ công nghiệp 4.0, chung cư cần có những thay đổi trong các quan điểm kiến tạo lẫn việc vận hành kiến trúc, cũng như trong các yếu tố vật chất lẫn tinh thần sử dụng không gian".

Theo ông, khái niệm “chung cư linh hoạt” đang được nhắc nhiều hơn gần đây bởi sự hỗ trợ của tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ vật liệu xây dựng, giúp con người có thể tạo ra nhiều hình thái không gian khác nhau, đáp ứng nhu cầu theo từng giai đoạn khác nhau của đời người”.

Dưới góc nhìn của mình, chuyên gia công trình xanh (IFC) - ông Vũ Hồng Phong cho rằng, sự biến đổi của khí hậu, yêu cầu của khách hàng càng trở nên khắt khe, tiêu chí tiết kiệm chi phí gia tăng thì nhiều doanh nghiệp địa ốc rất chú trọng vấn đề tiết kiệm năng lượng cho tòa nhà.

“Cách đây 5 năm, các kiến trúc sư, kỹ sư đã làm quen với công nghệ BIM. Công nghệ này kết hợp với nền tảng đám mây có thể hỗ trợ quy trình thiết kế đa chiều, bao gồm nhiều khâu. Nhờ có nền tảng công nghệ 4.0, quá trình ứng dụng phần mềm BIM giúp kiến trúc sư sử dụng nhanh hơn”, chuyên gia này chia sẻ.

Quy chuẩn quốc gia về quy hoạch xây dựng:

QCVN 01:2019/BXD do Viện Quy hoạch đô thị nông thôn Quốc gia biên soạn, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường trình duyệt, Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, Bộ Xây dựng ban hành theo Thông tư số 22/2019/TT-BXD ngày 31 tháng 12 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

QCVN 01:2019/BXD thay thế QCXDVN 01:2008 được ban hành theo Quyết định số 04/2008/QĐ-BXD ngày 03 tháng 04 năm 2008 và QCVN 14:2009/BXD được ban hành theo Thông tư số 32/2009/TT-BXD ngày 10 tháng 9 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

Các tài liệu viện dẫn sau là cần thiết cho việc áp dụng quy chuẩn này. Trường hợp các tài liệu viện dẫn được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì áp dụng phiên bản mới nhất:

QCVN 01 -1:2018/BYT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt;

QCVN 17:2018/BXD - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Xây dựng, lắp đặt phương tiện quảng cáo ngoài trời;

QCVN 09:2017/BXD - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả;

QCVN 07:2016/BXD - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Các công trình hạ tầng kỹ thuật;

QCVN 06:2019/BXD - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình;

QCVN 10:2014/BXD - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Xây dựng công trình đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng;

QCVN 01:2013/BCT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Yêu cầu thiết kế cửa hàng xăng dầu;

QCVN 02:2012/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Lò đốt chất thải rắn y tế;

QCVN 33:2011/BTTTT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Lắp đặt mạng cáp ngoại vi viễn thông;

QCVN QTĐ 8:2010/BCT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Kỹ thuật điện;

Quy định về kỹ thuật an toàn lưới điện hạ áp nông thôn (ban hành theo Quyết định số 34/2006/QĐ-BCN ngày 13 tháng 09 năm 2006 của Bộ Công nghiệp).

Thảo Nguyên

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/cmcn-40-dem-den-hieu-qua-chat-luong-cho-linh-vuc-kien-truc-va-quy-hoach-do-thi-d176434.html