Cơ bản đủ nước gieo cấy lúa đông xuân

ND - Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, do tác động của khối áp cao lục địa làm đầy vùng áp thấp nóng đang gây nắng nóng ở các tỉnh Bắc Bộ và miền trung, cho nên nắng nóng ở Bắc Bộ đã dịu hơn. Tuy nhiên, khối áp cao lục địa đang suy yếu, áp thấp nóng tiếp tục phát triển làm nhiệt độ tăng lên. Dự báo, những ngày đầu tuần nắng nóng trái mùa xuất hiện trên diện rộng ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, nhiệt độ phổ biến 33-36oC, riêng vùng núi Tây Bắc và Bắc Trung Bộ có nắng nóng kèm theo gió Lào thổi mạnh, nhiệt độ cao nhất lên tới 37-38oC.

Theo Cục Thủy lợi, kết thúc ba đợt xả nước, các hồ thủy điện đã xả khoảng 3,5 tỷ m3 nước phục vụ sản xuất vụ xuân 2010. Sau xả nước đợt ba, diện tích gieo cấy lúa xuân của các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng Bắc Bộ cơ bản đã đủ nước, còn khoảng bảy nghìn ha thuộc chân ruộng cao, vùng cao, nơi cuối kênh rất khó khăn, chưa được cấp đủ nước. Đến nay, các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ đã gieo cấy được 94% diện tích lúa đông xuân. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố đang tập trung chỉ đạo các công ty thủy lợi, các địa phương khẩn trương huy động nhân lực, phương tiện lấy nước tích trữ vào các kênh, mương, ao, hồ, vùng trũng... chuẩn bị tưới dưỡng lúa. Đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc đã cơ bản hoàn tất gieo cấy 31 nghìn ha lúa xuân, đạt 100% kế hoạch. Các địa phương đang tập trung phòng trừ sâu, bệnh hại lúa, bơm nước để tưới dưỡng cho cây trồng. Ngành thủy nông đang tập trung khai thác nước từ các con sông lớn bơm vào các hồ chứa trên địa bàn để trữ nước chống hạn trong sản xuất thời gian tới. Tuy nhiên, trong vòng 15 ngày nữa nếu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc không có mưa lớn diện rộng, thì diện tích lúa đã cấy có khả năng bị hạn nặng. Công ty Thủy nông Nam sông Mã (Thanh Hóa) tổ chức đắp đập ngăn sông Mã, với tổng vốn đầu tư gần hai tỷ đồng để lấy nước chống hạn cho vụ đông xuân. Vị trí ngăn sông Mã được thực hiện tại trạm bơm Nam sông Mã, xã Yên Phong, huyện Yên Định. Đến ngày 27-2, mực nước sông Mã tại đây đã dâng lên 3,15 - 3,2 m, đủ để bốn máy bơm công suất 7.000 m3/giờ/máy vận hành, bơm nước chống hạn. Theo Cục Kiểm lâm, do thời tiết khô hanh kéo dài và nhiều ngày không có mưa, đến nay đã có 12 tỉnh có nguy cơ xảy ra cháy rừng ở cấp cực kỳ nguy hiểm (cấp V) và 18 địa phương có nguy cơ cháy rừng ở cấp nguy hiểm (cấp IV). Trước tình hình cháy rừng xảy ra có chiều hướng gia tăng, Ban chỉ đạo T.Ư PCCCR yêu cầu UBND các cấp và chủ rừng thuộc các địa phương đã được cảnh báo cần thực hiện ngay các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng, đặc biệt ở các khu vực đang ở cấp V. Trong ngày 27-2, tỉnh Bắc Cạn tiếp tục xảy ra mười vụ cháy, trong đó có năm vụ cháy rừng với tổng diện tích rừng bị cháy gần 11 ha. Nguyên nhân gây cháy rừng được xác định là do người dân đốt nương rẫy, đốt thực bì... có trường hợp cố tình đốt để tạo bãi chăn nuôi. Cơ quan chức năng đang điều tra làm rõ hành vi vi phạm để xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Hiện nay, hàng nghìn hộ dân ở đồng bằng sông Cửu Long đang thiếu nước sinh hoạt do tình trạng xâm nhập mặn ngày càng tăng cao. Tại Tiền Giang, nước mặn đã xâm nhập vào đất liền hơn 30 km, làm hơn 6.000 ha lúa đông xuân thuộc dự án ngọt hóa Gò Công bị đe dọa. Ngoài ra, mặn xâm nhập đã làm tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt phục vụ người dân tăng cao. Để có nước sạch dùng cho ăn uống, tỉnh đã dự phòng phương án chở bằng sà-lan từ sông Tiền về. Tại tỉnh Bến Tre, nước mặn đã xâm nhập sâu vào đất liền làm tình trạng thiếu nước ngọt sinh hoạt xảy ra trên diện rộng ở các xã ven biển như Thạnh Phước, Thừa Đức, Thới Thuận (Bình Đại). Đến nay, đã có hơn mười nghìn hộ dân đã phải đi đổi nước ngọt với giá 2.000 đồng/40 lít về sử dụng. Dự báo từ nay đến tháng 5, tình hình xâm nhập mặn và thiếu nước ngọt ở Bến Tre sẽ trầm trọng hơn. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bạc Liêu, hiện nay, khô hạn, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến hơn 20 nghìn ha lúa đông xuân ở các huyện Hòa Bình, Hồng Dân, Phước Long, Giá Rai... Các tuyến kênh nội đồng cũng bị cạn nước, người dân phải bơm nước cứu lúa. Nhiều hộ dân sống ven các tuyến đê thiếu nước ngọt, phải đi rất xa mới có nước, hoặc mua với giá cao để sinh hoạt.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=168942&sub=127&top=39