Cỏ bàng dân dã

Luận văn tốt nghiệp của tôi được hội đồng khoa học đánh giá rất cao bởi có tính thực tiễn ứng dụng trong cuộc sống. Cây cỏ bàng dân dã miệt vườn một thời gắn bó đã nâng bước tôi đến trường, chắp cánh ước mơ tôi bước chân vào giảng đường đại học. Giờ đây lại giúp tôi hoàn thành luận văn tốt nghiệp của mình và mở ra cánh cửa mới trên bước đường lập nghiệp sau khi tốt nghiệp.

Nhà tôi nằm cặp bên con sông Giang Thành, thuộc xã Phú Mỹ, một xã nghèo có đông đồng bào dân tộc Khơme sinh sống giáp biên giới Campuchia. Sông Giang Thành bắt nguồn từ Campuchia, người Khmer gọi sông này là Tà Ten, sau gọi là Prêk Ten. Sông chảy vào nước ta trên địa phận xã Tân Khánh Hòa, xã Phú Mỹ rồi đổ vào vũng Đông Hồ ở Hà Tiên trước khi ra biển. Trên lãnh thổ tỉnh Kiên Giang sông dài 23 km. Sông Giang Thành nối liền với kênh Vĩnh Tế tạo nên tuyến đường thủy quan trọng từ thị xã Châu Đốc đến Hà Tiên góp phần đưa nước ngọt từ sông Hậu về tỉnh Kiên Giang phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt. Chỗ sông Giang Thành và kênh Vĩnh Tế gặp nhau gọi là ngã ba Giang Thành.

Nhà tôi nghèo lắm. Cái nghèo của sự đông con với năm đứa lít nhít, đứa chửa biết bò đứa đã thò ra, mảnh đất chọi chim không có. Thấy ba mẹ tôi hiền lành, thật thà, chịu khó làm thuê làm mướn nuôi con, không rượu chè, cờ bạc nên chủ ruộng thương tình cho mượn đất ven sông Giang Thành dựng căn nhà lá nhỏ để có chỗ chui ra chui vào trú mưa, trú nắng, chứ ở dưới cái xuồng nhỏ chật chội, cực lắm. Nhờ bà con hàng xóm người giúp tấm lá, người giúp cây tràm, người cho bao xi măng, cho gạch,…góp nhặt mỗi thứ một ít của ít lòng nhiều thắm tình làng nghĩa xóm căn nhà lá nhỏ được hình thành. Thế là hạnh phúc lắm rồi, đỡ phải thuê nhà trọ, tốn tiền lắm. Nói vậy chứ, làm gì có tiền mà thuê nhà trọ.

Đất đai xứ này làm lúa thất bát nên chẳng thể thuê mướn để làm ruộng được, vậy nên, năm cái miệng ăn hoàn toàn phụ thuộc vào số tiền đào đất mướn của ba và tiền bán bàng thô của má cho cư dân bên kia biên giới. Khổ nỗi, mấy năm nay ba bị bệnh hiểm nghèo phải nằm liệt giường một thời gian rồi mất, vì thế, gánh nặng mưu sinh đè nặng trên đôi vai gầy gò mảnh mai của má. Mỗi năm gia đình đều phải nhờ cậy chính quyền địa phương cứu đói.

Má bảo, nhà mình nghèo, chạy ăn từng bữa còn khó khăn, bữa đói bữa no nên không thể lo cho các con học chính khóa ở trường được. Má cho các con học lớp xóa mù chữ từ bẩy giờ tối đến chín giờ tối từ thứ hai đến thứ bẩy để biết cái chữ mà đọc, mà biết tính toán khi bán cỏ bàng, mớ tôm, mớ cá... để không bị người ta lừa gạt. Nhớ là phải chăm học để trở thành học sinh giỏi đó nghen, chớ học dốt má buồn lắm đó. Học giỏi để sau này có nghề có nghiệp nuôi sống bản thân, thoát nghèo con ạ. Má ôm từng đứa vào lòng, xoa đầu dặn dò ân cần. Anh em tôi nhập tâm lời dặn dò, nhắn nhủ của má, thầm hứa quyết tâm học thật giỏi để không phụ lòng mong mỏi của má. Cho anh em tôi đi học, mặc dù là học lớp xóa mù chữ không phải tốn tiền, nhưng đó là nỗ lực, sự cố gắng lớn lao, tình yêu thương vô bờ của má đối với anh em tôi. Trong sâu thẳm tâm hồn mình, tôi biết má muốn anh em tôi được học hành đến nơi đến chốn để thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn “đói nghèo” đã đeo đẳng cuộc đời ba má bao nhiêu năm nay.

Ở gần chỗ tôi ở, nhiều đứa trẻ cùng trang lứa không được ba má cho đi học, bắt ở nhà đặt trúm, bắt lươn, làm thuê làm mướn, đi bán vé số kiếm tiền hoặc chơi bời lêu lổng. Dường như, trong suy nghĩ của họ không có khái niệm học để có tri thức, để hiểu biết giúp bản thân, gia đình có cách làm ăn hiệu quả để thoát nghèo. Họ chỉ biết bắt con cái lao vào đời kiếm tiền mưu sinh mà quên đi bổn phận, trách nhiệm của bậc làm cha, làm mẹ là phải chăm sóc con cái chu đáo, cho con cái học hành đến nơi đến chốn. Nhiều người bảo, học chẳng để làm gì khi mà cái đói, cái nghèo bủa vây, phải kiếm tiền đong gạo trước đã, không thể để cái bụng đói được. Thật là những suy nghĩ thiển cận. Cứ theo cái nếp suy nghĩ cổ hủ ấy thì biết đến bao giờ mới đổi đời được, cái đói, cái nghèo vẫn cứ dai dẳng đeo bám mãi mà thôi. Thật may, má tôi lại không có suy nghĩ như họ nên đã cố gắng tạo mọi điều kiện để anh em tôi được đến trường. Được đi học anh em tôi vui mừng lắm, luôn hoàn thành tốt việc nhà để đến lớp đúng giờ, không nghỉ một buổi học nào. Về nhà, dưới ánh đèn dầu leo lét, anh em tôi cặm cùi làm bài tập thầy giao đến khuya mới đi ngủ.

Khi dự án trồng bàng được triển khai tại xã, gia đình tôi được mời tham gia. Hàng ngày, tôi và má đi học nghề đan còn ba đứa em ra đồng khai thác bàng thô về nhà. Mỗi lần ngồi đan cỏ bàng, má thường đọc cho anh em tôi nghe Bông xanh mà lá cũng xanh/ Em đi cấy lúa cho anh nhổ bàng; Trắng da vì bởi mẹ cưng/ Đen da vì bởi lội bưng nhổ bàng; Lòng thương con gái Kiến Vàng / Đầu đội neo bàng, tay xách mo cơm. Những câu ca dao mượt mà đằm thắm má hát cho thấy sự gắn bó máu thịt của người nông dân với cây cỏ bàng, sự gắn bó bền chặt của đôi trai gái yêu nhau trong công việc nhà nông một sương hai nắng. Cỏ bàng không chỉ được nhắc đến trong ca dao mà còn được nhắc đến trong bài hát "Con kênh xanh xanh" của nhạc sĩ Ngô Huỳnh Chiến khu bừng vui ấm bao lòng dân quê tôi. Tiếng ai giã bàng nhịp nhàng như tiếng lòng tôi. Trong ca khúc "Tiền Giang quê tôi" của NS Lê Kim Lực cũng có câu: Quê hương tôi những mùa nước lớn mênh mang, anh giăng câu em giã bàng đan nón, tiếng bịp chiều nhớ bông súng mắm kho...

Trước đây làm cật lực, vừa nhổ bàng vừa đan, nhưng thu nhập cũng chỉ đạt chừng năm đến bẩy ngàn đồng một người một ngày. Nhờ học lớp đào tạo nghề đan giỏ do ban quản lý bảo tồn loài sinh cảnh tổ chức, anh em tôi đã biết đan giỏ, đan túi tốn bàng ít mà tiền nhiều hơn. Bình quân một ngày, người nào siêng năng có thể làm được từ hai đến bốn cái giỏ bàng, thu nhập từ một trăm đến hai trăm ngàn đồng. Với phụ nữ là người dân tộc, trình độ học vấn thấp thì đây là công việc nhẹ nhàng, lại ổn định để có tiền trang trải sinh hoạt hàng ngày, có tiền để lo cho con em đi học. Ai cũng mừng khi nón, giỏ xách, túi thời trang, đồ gia dụng, giỏ, khay, thùng, chiếu, đệm, …đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng phù hợp với thị trường, nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng. Sản phẩm từ cỏ bàng được xuất khẩu sang các nước trong khu vực và thế giới như Mỹ, Canađa, Châu Âu, Trung Đông, Hàn Quốc, Nhật Bản,… thu về nguồn ngoại tệ không nhỏ góp phần giải quyết sinh kế, xóa đói giảm nghèo nâng cao đời sống cư dân miền biên giới.

Luận văn tốt nghiệp của tôi được hội đồng khoa học đánh giá rất cao bởi có tính thực tiễn ứng dụng trong cuộc sống. Cây cỏ bàng dân dã miệt vườn một thời gắn bó đã nâng bước tôi đến trường, chắp cánh ước mơ tôi bước chân vào giảng đường đại học. Giờ đây lại giúp tôi hoàn thành luận văn tốt nghiệp của mình và mở ra cánh cửa mới trên bước đường lập nghiệp sau khi tốt nghiệp. Ngày đưa thầy giáo chủ nhiệm về nhà mình chơi, nhìn đồng cỏ bàng thầy bảo: Tuấn này, Top of Formhiện nay, trong đời sống thường ngày người ta hay sử dụng ống hút bằng nhựa để uống nước bởi giá rẻ, gọn gàng, tiện lợi và dễ sử dụng, nhưng thực sự ống hút làm bằng nhựa là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, nó rất khó phân hủy, vì tạo ra nó thì phải sử dụng nguyên liệu hóa thạch. Người ta đã nghĩ ra rất nhiều cách để giảm dần việc sử dụng ống hút bằng nhựa, có người thì mua ống hút bằng kim loại, có nơi thì cấm ống hút nhựa, nhưng tất cả xem ra vẫn không ổn. Sao chúng ta không tận dụng từ cây cỏ thiên nhiên thân thiện với môi trường cho ra đời sản phẩm ống hút bằng cây cỏ sấy khô nhỉ? như cây cỏ bàng chẳng hạn.

Lời gợi ý của thầy khiến tôi bất ngờ, thú vị. Biết đâu đấy, cây cỏ bàng sẽ đa dạng hóa sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân quê tôi trong tương lai. Từ sự gợi ý của thầy, tôi bắt tay vào nghiên cứu đặc tính của cây cỏ bàng, sàng lọc về độ dài, độ dai, độ cứng…đạt một số tiêu chuẩn nhất định để sơ chế. Trong quá trình nghiên cứu, tôi nhận ra rằng, do đặc tính tự nhiên của cây cỏ, không cây nào giống cây nào nên ống hút của cây cỏ bàng có những hoa văn khác nhau, kích cỡ khác nhau, ống hút bàng có chiều dài từ 10 đến 22 cm và đường kính từ 0.4 đến 0.8 mm. Ống có thể bảo quản ít nhất 2-3 tháng ở điều kiện thường hoặc hơn một năm nếu như hút chân không. Bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh được ba tháng, bảo quản nhiệt độ phòng từ ba đến sáu ngày và có thể tái sử dụng từ một đến hai lần, nhưng khuyến khích sử dụng một lần. Ống có đường sọc là ống mới, khô cong, ống trơn láng là ống cắm vào nước lâu, nó ngấm nước nên tròn đẹp bóng bẩy và dai, không sợ hút không được hay xì nước. Ống hút dùng để uống nước ngọt, trà đá, sinh tố và sử dụng được với nước nóng.

Thầy chủ nhiệm nắm chặt bàn tay tôi chúc mừng thành công của bản luận văn và đánh giá sản phẩm ống hút Bottom of Formlàm bằng cây cỏ bàng tươi là sự thay thế hoàn hảo cho các loại ống hút được làm bằng nguyên liệu nhân tạo, nhựa hay kim loại. Ông bảo, nghiên cứu của Tuấn thực sự có ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay vì thân thiện mới môi trường nên em cần phải cố gắng hoàn thiện, chuyển giao khoa học kĩ thuật đến với người dân quê em để mọi người được biết, ứng dụng trong sản xuất, biến đồng cỏ bàng thành mỏ vàng xóa đói giảm nghèo.

Nhiều doanh nghiệp, công ty đã mời tôi về công tác tại cơ quan của họ với mức lương hậu hĩnh, được cấp xe máy làm phương tiện đi lại, cấp căn hộ cao cấp sang trọng tại trung tâm thành phố, những chuyến du lịch ở trời Âu với nhiều danh lam phong cảnh đẹp mỗi năm một lần, những chuyến công tác ở Nhật, Mỹ, Pháp với những bản hợp đồng béo bở với tỉ lệ phần trăm hoa hồng hấp dẫn, được mời đi ăn ở những quán ăn sang trong với nhiều món ăn đắt tiền mà ở quê người nông dân có làm việc quần quật cả đời cũng chẳng dám ước mơ bước chân vào đó. Ở thành phố phồn hoa đô hội, lương cao, cuộc sống của tôi sẽ được đảm bảo, an nhàn, nếu không muốn nói là giàu có, sống xa hoa trong nhung lụa mà chẳng phải băn khoăn, lo lắng điều gì. Vị trí của tôi là bao nhiêu mơ ước của sinh viên mới ra trường muốn mà không có được. Vậy mà, tôi từ bỏ tất cả để về quê. Đứa bạn thân bảo tôi là hâm, người yêu tôi bảo là gàn gở, muốn sống cuộc sống sung sướng không muốn lại đâm đầu về cái nơi khỉ ho cò gáy nơi quê nhà làm việc. Cô bảo, anh về vì lý tưởng ư? Vì muốn cống hiến sức trẻ cho quê hương ư? Quê hương có gì để cho anh cống hiến khi mà đời sống vất chất, tinh thần còn nhiều thiếu thốn, khó khăn, khi mà anh không có vốn, điều kiện làm việc không đảm bảo. Với một số khó khăn như thế tương lai của anh sẽ trở nên mù mịt. Anh đừng có sĩ diện hão nhé! Phải biết sống thực tế một chút, phải biết sống vì mình, vì tương lai của bản thân mình trước rồi hãy nghĩ đến người khác, đến quê hương. Cô ấy bảo nếu tôi chọn ở thành phố thì cô ấy sẽ đồng hành cùng tôi đi đến hết cuộc đời, còn nếu tôi chọn về quê lập nghiệp thì cô ấy chẳng thể đồng hành cùng tôi ở cái vùng quê heo hút, hẻo lánh ấy sống khổ sống khổ, thiếu thốn. Cũng phải thôi, cố ấy quen sống trong sung sướng, yêu chiều của ba mẹ rồi thì làm sao có thể chịu cực, chịu khổ được chứ? Gọi điện cho má, má bảo, sống ở thành phố con sẽ đỡ vất vả hơn, có cơ hội thăng tiến cao hơn trong sự nghiệp, về quê thì vất vả đấy, con biết mà. Em tôi thì bảo anh dại thế, sao không ở thành phố cho sướng, về quê làm gì. Má tôi bảo em, con suy nghĩ thiển cận quá, cần phải có cái nhìn xa, trông rộng hơn con ạ, có như vậy con mới thành công được. Má bảo, má luôn tôn trọng quyết định của con.

Trước sự khuyên bảo, phân tích, khuyên nhủ mọi người, tôi đã trăn trở, suy nghĩ rất nhiều trước cái “được” và cái “mất” trong cái sự “ở” hay “đi” của mình. Một quyết định đầy khó khăn. Tôi tự nhủ, hãy để trái tim của mình mách bảo và hành động theo đúng lương tâm, trách nhiệm của một người trai trẻ. Trong đêm khuya, lời một bài hát của nhạc sĩ Trần Long Ẩn vang lên nhẹ nhàng mà sâu lắng “…Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai, ai cũng một thời trẻ trai cũng từng nghĩ về đời mình phải đâu may nhờ rủi chịu phải đâu trong đục cũng đành phải không anh phải không em .Chân lý thuộc về mọi người không chịu sống đời nhỏ nhoi xin hát về bạn bè tôi những người sống vì mọi người ngày đêm canh giữ đất trời rạng rỡ như rừng mai nở chiều xuân”….

Về quê. Tôi sẽ trở về quê hương yêu dấu, nơi đã chắp cánh cho ước mơ của tôi bay cao, bay xa để có thành công như ngày hôm nay. Tôi sẽ đem trí tuệ, khối óc, khoa học công nghệ tiên tiến mà mình đã được lĩnh hội trong quá trình học tập, nghiên cứu để chuyển giao, đào tạo nghề cho bà con nông dân, biến cây cỏ bàng thành những sản phẩm có giá trị kinh tế cao góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp trên con đường xây dựng nông thôn mới, mặc dù mọi gian khó đang chờ đón tôi ở phía trước.

Trương Anh Sáng

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/co-bang-dan-da-83549