Có bằng lái xe quốc tế cần thêm điều kiện gì để lái xe ở Việt Nam?

Sau vụ việc CSGT Cát Lái nhận sai sót, cần tăng cường nâng cao nghiệp vụ cho người thi hành công vụ khi nhận dạng bằng lái xe quốc tế.

Liên quan vụ việc Trung úy CSGT Cát Lái tranh cãi với 1 Việt kiều Đức khi xử lý vi phạm và cho rằng “bằng lái quốc tế của anh vô giá trị ở Việt Nam”, ông Nguyễn Thắng Quân - Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện người lái (Tổng cục Đường bộ VN) cho hay, Trung úy CSGT đã sai và sau đó đã cải chính.

Trung úy Võ Thành Tâm khi lập biên bản xử lý vi phạm hành chính đối với Việt kiều Đức. Ảnh: cắt từ clip

Ông Quân nói rõ, ông Việt kiều Đức khi sang Việt Nam có bằng lái xe quốc tế của Đức cấp, có kèm theo bằng quốc gia của Đức nên được phép điều khiển phương tiện tại Việt Nam.

Có bằng quốc tế nhưng bắt buộc phải có thêm cả bằng quốc gia thì mới được tham gia điều khiển phương tiện giao thông.

“Đây là quy định của Công ước Vienna, người Việt Nam sang các nước cũng thế, ngoài bằng quốc tế thì phải có cả bằng quốc gia cấp thì mới được phép điều khiển phương tiện trong các nước tham gia công ước”, ông Quân nói.

Vụ trưởng nói thêm, bằng quốc tế phải là bằng của các nước tham gia công ước Vienna 1986 thì mới được công nhận. Như Mỹ, Trung Quốc không tham gia Công ước nên không có hiệu lực tại VN và ngược lại.

Công ước Vienna 1968 về giao thông đường bộ hiện có 85 quốc gia tham gia. Từ năm 2015, Việt Nam đã cấp GPLX quốc tế cho công dân để sử dụng ở nước ngoài. GPLX xe quốc tế của người Việt có hiệu lực lưu hành ở 84 nước (trừ Việt Nam).

Danh sách các nước tham gia Công ước Vienna

Trong những nước tham gia Công ước Vienna về giao thông đường bộ, có nhiều nước có tay lái nghịch so với Việt Nam. GPLX quốc tế do Việt Nam cấp vẫn được lái ở những nước này.

Để thuận tiện cho người dân khi lái xe ở các nước khác, bằng lái xe quốc tế mà Việt Nam cấp sẽ gồm tiếng Việt (tiếng nước sở tại) và được dịch sang các tiếng thông dụng như Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc.

Một lãnh đạo Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, về nguyên tắc, khi tham gia Công ước Vienna 1968, các quốc gia công nhận bằng quốc tế của Việt Nam thì Việt Nam cũng phải công nhận bằng của họ. Đức nằm trong 85 nước tham gia Công ước nên bằng quốc tế do Đức cấp hoàn toàn có thể điều khiển phương tiện tham gia giao thông tại VN.

Vị này cho rằng, sau vụ việc này cần phải tăng cường công tác nâng cao nghiệp vụ cho người thi hành công vụ để tránh sai sót khi nhận dạng bằng lái xe quốc tế.

Bằng quốc tế theo phom chuẩn và có đầy đủ thông tin nên hoàn toàn có thể nhận diện được dễ dàng.

Vũ Điệp

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/an-toan-giao-thong/co-bang-lai-xe-quoc-te-can-them-dieu-kien-gi-de-lai-xe-o-viet-nam-437233.html