Có bắt buộc phải chuyển nhượng hay tặng cho bất động sản khi xuất cảnh định cư

Luật sư Đặng Kim Ngân Hà, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh trả lời về việc có bắt buộc phải chuyển nhượng hay tặng cho bất động sản khi xuất cảnh định cư.

Hỏi: Gia đình Chị T sẽ xuất cảnh định cư tại nước ngoài, Chị T có cần phải bắt buộc phải chuyển nhượng hay tặng cho bất động sản trước khi xuất cảnh hay không? Trong trường hợp, sau khi đã sang định cư tại nước ngoài, chị T muốn chuyển tiền bán bất động sản thuộc quyền sở hữu của mình sang nước ngoàithì sẽ tiến hành những thủ tục nào?

Luật sư Đặng Kim Ngân Hà, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh trả lời vấn đề này như sau:

** Thông tin có tính chất tham khảo, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.

XỬ LÝ TÀI SẢN Ở VIỆT NAM TRƯỚC KHI XUẤT CẢNH ĐỊNH CƯ NƯỚC NGOÀI

Căn cứ Điều 105 và Điều 237 Bộ luật dân sự 2015 như sau:

Điều 105. Tài sản

1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.

2. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.

Điều 237. Căn cứ chấm dứt quyền sở hữu

Quyền sở hữu chấm dứt trong trường hợp sau đây:

1. Chủ sở hữu chuyển quyền sở hữu của mình cho người khác.

2. Chủ sở hữu từ bỏ quyền sở hữu của mình.

3. Tài sản đã được tiêu dùng hoặc bị tiêu hủy.

4. Tài sản bị xử lý để thực hiện nghĩa vụ của chủ sở hữu.

5. Tài sản bị trưng mua.

6. Tài sản bị tịch thu.

7. Tài sản đã được xác lập quyền sở hữu cho người khác theo quy định của Bộ luật này.

8. Trường hợp khác do luật quy định.

Như vậy, theo thông tin cung cấp, giả sử gia đình chị T xuất cảnh định cư nước ngoài một cách hợp pháp, Chị T không cần phải bắt buộc phải chuyển nhượng hay tặng cho bất động sản trước khi xuất cảnh bởi vì pháp luật Việt Nam không có quy định nào về việc công dân Việt Nam khi rời Việt Nam để định cư ở nước ngoài thì phải chấm dứt các quyền đối với tài sản đã có trước khi xuất cảnh.

Nếu tài sản là nhà ở, Chị T có thể ủy quyền quản lý nhà ở, cho mượn nhà ở hoặc cho ở nhờ nhà ở. Việc ủy quyền quản lý hay cho mượn, cho ở nhờ nhà ở cần tuân thủ các quy định của Luật Nhà ở và các văn bản hướng dẫn về điều kiện của nhà ở tham gia giao dịch; điều kiện của các bên tham gia giao dịch về nhà ở; về trình tự; thủ tục giao dịch về nhà ở (giao dịch phải được lập thành hợp đồng có các nội dung cơ bản có chứng nhận của công chứng hoặc chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc cấp xã tùy từng trường hợp).

Trường hợp sau khi đã định cư ở nước ngoài vài năm, chị T có nhu cầu chuyển nhượng hay tặng cho bất động sản thuộc quyền sở hữu của mình tại Việt Nam, tuy nhiên, theo quy định của Bộ luật dân sự, Luật nhà ở và Luật đất đai hiện hành, các hợp đồng giao dịch bất động sản phổ biến bắt buộc phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thựcvà các bên trong hợp đồng hoặc người đại diện cần có mặt để ký kết hợp đồng, cụ thể: Hợp đồng tặng cho bất động sản, Hợp đồng mua bán nhà ở, Hợp đồng chuyển nhượng mua bán nhà ở thương mại, Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ... Trong tình huống chị T không có mặt ở Việt Nam để ký hợp đồng giao dịch bất động sản thì vẫn có thể thực hiện công chứng hợp đồng giao dịch bất động sản bằng cách như sau:

Bước 1:Chị T thực hiện thủ tục ủy quyền (liên quan đến bất động sản, tài sản) và thủ tục hợp pháp hóa văn bản ủy quyền tại các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước mình đang định cư cho một người đang ở Việt Nam để thay mặt chị T ký kết hợp đồng giao dịch bất động sản tại các tổ chức hành nghề công chứng tại Việt Nam.

Lưu ý vào thời điểm lập Hợp đồng ủy quyền tại Đại sứ quán Việt Nam ở nước nơi chị T định cư, đất ở/nhà ở thuộc quyền sở hữu của chị T không thuộc diệnNhà nước quản lý sử dụng, không bị tranh chấp, không bị thế chấp, không bị kê biên.

Bước 2: Người được ủy quyền mang hợp đồng ủy quyền, bản sao giấy tờ tùy thân (Hộ chiếu, CMND/ Thẻ công dân …) và giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu tài sản, bất động sản liên quan đến nội dung ủy quyền đến các tổ chức hành nghề công chứng tại Việt Nam để thực hiện thủ tục nhận ủy quyền.

Bước 3: Người được ủy quyền mang hợp đồng ủy quyền, bản sao giấy tờ tùy thân (Hộ chiếu, CMND/ Thẻ công dân …) và giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu tài sản, bất động sản liên quan đến nội dung ủy quyền đến các tổ chức hành nghề công chứng tại Việt Nam để thực hiện công chứng hợp đồng giao dịch bất động sản thay mặt chị T.

Sau khi hợp đồng giao dịch bất động sản đã được công chứng, chứng thực thì Người được ủy quyền có thể tiến hành thủ tục đăng ký thay đổi chủ sở hữu tài sản tại văn phòng đăng ký đất đai theo quy định pháp luật.

CHUYỂN TIỀN BÁN BẤT ĐỘNG SẢN THUỘC QUYỀN SỞ HỮU SANG NƯỚC NGOÀI

Nếu Chị T được xác định địa vị pháp lý là người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo quy định tại Luật Quốc tịch, Luật Đất đai và Luật Nhà ở hiện hành, Chị T được chuyển ra nước ngoài số tiền có nguồn gốc giao dịch bất động sản thuộc quyền sở hữu của mình trên cơ sở xuất trình cho ngân hàng được phép hoạt động ngoại hối các giấy tờ sau:

+ Văn bản ủy quyền cho người đại diện hợp pháp để thực hiện thủ tục giao dịch bất động sản và thủ tục chuyển tiền ngân hàng tại Việt Nam.

+ Giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam (chứng minh thư, hộ chiếu thể hiện thông tin quốc tịch Việt Nam hoặc các giấy tờ xác nhận quốc tịch Việt Nam của cơ quan chức năng…).

+ Giấy tờ chứng minh đã được phép định cư ở nước ngoài.

+ Giấy tờ chứng minh nguồn tiền hợp pháp: Hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, cho thuê bất động sản, động sản (có công chứng). Hợp đồng tặng cho tài sản (có công chứng), Giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu tài sản, bất động sản liên quanđến nguồn tiền ...

Lưu ý số tiền chuyển ra tối đa không quá số tiền thu được từ giao dịch bất động sản theo hợp đồng đã được công chứng.

Luật sư Đặng Kim Ngân Hà.

Luật sư Đặng Kim Ngân Hà.

PV

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/kinh-doanh/co-bat-buoc-phai-chuyen-nhuong-hay-tang-cho-bat-dong-san-khi-xuat-canh-dinh-cu-1331843.html