Cờ cách mạng trước Ngọ Môn

L.T.S: Hôm nay, 26-3, Thừa Thiên - Huế kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng. Trước và sau TP Huế và tỉnh Thừa Thiên chỉ vài ngày, lần lượt Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định... cũng sạch bóng giặc thù. Nhà báo lão thành Phan Quang, lúc bấy giờ là phóng viên Báo Nhân Dân từ Bắc vào Nam đưa tin chiến sự, đã hồi tưởng những ngày tháng 3 sôi động ấy

Tết Ất Mão 1975 đến muộn, vào giữa tháng 2. Qua báo chí miền Bắc những ngày đầu Xuân, độc giả có cảm giác dường như thời cuộc sắp tới chưa có biến chuyển gì.

Tuy nhiên, đến ngày 21-3-1975 thì mọi việc đã quá rõ ràng. Tây Nguyên và Quảng Trị đã giải phóng. Ván bài lật ngửa. Mọi phương tiện báo đài, thông tấn rộ lên thông tin, bình luận chiến thắng ở miền Nam và dư luận thế giới. Qua 15 ngày tiến công và nổi dậy, ta giải phóng một vùng rộng lớn ở Tây Nguyên.

Tiến quân thần tốc

Đã chuẩn bị từ trước, đoàn phóng viên Báo Nhân Dân chúng tôi lên đường trên 2 chiếc xe dã chiến, phân làm 2 mũi rời Hà Nội cùng ngày, một theo đường Trường Sơn đi thẳng vào Nam Bộ, mũi kia dọc theo Quốc lộ 1. Miền Trung giải phóng tới đâu, phóng viên có mặt nơi ấy.

Đúng như băn khoăn của anh em từ đầu, chúng tôi khởi hành hơi muộn. Chính xác hơn, quân ta tấn công quá thần tốc, địch tan rã quá nhanh. Tới Vĩnh Linh, chúng tôi được tin địch đã rút chạy khỏi thị xã Quảng Trị và huyện Hải Lăng - hai vùng bị Sài Gòn tái chiếm năm 1973. Ngày 19-3-1975, toàn tỉnh Quảng Trị từ phía Nam ra bờ sông Bến Hải không còn bóng địch.

Xe chúng tôi đi một vòng trong thị xã Quảng Trị. Đâu đâu cũng chỉ thấy đổ nát hoang tàn, trơ trọi mấy mảng Thành cổ nham nhở thương tích. Rồi chúng tôi đi tiếp vào Huế.

Qua sông Mỹ Chánh, sông Ô Lâu, qua mấy cây cầu nhỏ nữa, chưa tới cố đô song chúng tôi đã cảm nhận được màu xanh mượt mà, bất chấp bom đạn. Xe dừng lại một phút trước hoàng thành cho mọi người thỏa thuê ngắm lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam VN phấp phới bay trên cột cờ cổ kính.
Đầu cầu Tràng Tiền, anh bộ đội trẻ măng, quân phục mới toanh cầm súng thản nhiên nhìn người qua lại. Thấy chiếc xe mang biển số miền Bắc, anh mỉm cười. Chúng tôi thò đầu ra hỏi họ tên. Anh xởi lởi đáp lại, hét thật to để giọng nói khỏi chìm lấp trong tiếng người xe rộn ràng qua lại.

Bộ đội tiến vào giải phóng TP Huế. Ảnh: T.L

TP Huế vừa giải phóng được một ngày. Từ đêm 24-3-1975, địch đã ùa nhau rút chạy, hướng về cửa Thuận An và cửa Tư Hiền, hy vọng có thể tháo thân bằng đường biển. Làm việc với bộ đội địa phương Quảng Trị, chúng tôi được biết thêm cũng ngày hôm ấy, tiểu đoàn địa phương đang làm nhiệm vụ tại Hải Lăng thấy tình hình yên ắng liền theo Quốc lộ 1 hành quân vào Huế.
Quân ngụy tháo chạy hết. Tiểu đoàn treo lá quân kỳ của mình lên đài cao trước Ngọ Môn. Lá cờ lần đầu phấp phới bay trở lại trên cố đô kể từ Tết Mậu Thân 1968.

Được lệnh cấp trên, anh em tiếc nuối rút về địa bàn của mình. Sáng hôm sau, đại quân ta ở Thừa Thiên tiến vào TP từ hai ngả Tây và Nam. Cả tỉnh Thừa Thiên nhanh chóng giải phóng. Một lá cờ to của mặt trận được kéo lên cột cờ trước Ngọ Môn.

Ở Liên khu 5, một số vùng huyện Thăng Bình, đồng bằng Sơn Tịnh, Bình Sơn... đã giải phóng mấy ngày trước. Từ mặt trận, nhà văn Phan Tứ gửi bài ra Hà Nội: “Chúng tôi đã hành quân rất gấp, đã thâu đêm phóng xe ào ào đến gãy nhíp, cuốc bộ theo nước mã hồi. Vội vàng vậy đó mà vẫn không theo kịp đà chiến thắng”.

Bằng mấy chục năm...

Vị chủ nhà tiếp đón đoàn nhà báo chúng tôi là nhạc sĩ Trần Hoàn. Anh chàng Sơn nữ ca này vào mặt trận Trị Thiên từ nhiều năm, đi đâu cũng không rời cây đàn guitar cũ, sẵn sàng cất tiếng hát, nay làm nhiệm vụ nghiêm túc là phó trưởng Ban Tuyên huấn khu. Anh vừa ca cẩm vừa cười: “Một cơ quan với cái bếp ăn phục vụ 50 người nay phải tiếp quản cả một TP”.

Mấy ngày đầu, khách khứa các nơi tới Huế đều dồn vào ngôi nhà 3 tầng đầu đường Lê Lợi, vốn là nhà khách của Viện ĐH Huế dành làm chỗ nghỉ cho giáo sư thỉnh giảng từ các nơi về dạy học. Huế đã vào hè, nắng đầu mùa đã gay gắt. TP bắt đầu thiếu điện, thiếu nước máy.
Chẳng ai chịu đựng nổi khi phải bước vào nơi không thể không tới hằng ngày ấy. Thấy vậy, anh Trần Hoàn sắp xếp cho cánh nhà báo chúng tôi tá túc ở ngôi nhà vắng chủ của một trí thức vừa di tản vào Đà Nẵng.

Ngôi nhà đẹp tọa lạc bên bờ sông An Cựu. Nhờ bộ đội ta vào đúng lúc, đồ đạc trong nhà chưa kịp bị cướp phá. Chúng tôi đến còn nhìn thấy quang cảnh chứng tỏ sự hoảng loạn của mọi người ở đây. Trong phòng ngủ nhỏ chắc dành riêng cho cô con gái, chiếc mùi soa thêu cùng đôi bít tất vứt trong ngăn kéo, thỏi son và lọ kem ném trên mặt bàn...

Tình hình TP ổn định nhanh. Chỉ mấy ngày, ta đã giải giáp 10.000 quân ngụy, trong đó có cả 1.000 sĩ quan. Đường phố Huế trở lại đông đúc. Đồng bào sơ tán tránh chiến sự lục tục trở về. Chợ Đông Ba và 8 chợ khác trong TP lại nhộn nhịp kẻ bán người mua...

Báo, đài miền Bắc đồng loạt rộ lên thông tin chiến thắng. Báo Nhân Dân trải dòng tít đậm suốt 6 cột: Giải phóng hoàn toàn TP Huế và tỉnh Thừa Thiên. Các văn nghệ sĩ, trước hết là những người con miền Trung, cũng say sưa ngợi ca chiến thắng.

Bốn hôm sau Huế, ngày 29-3, TP Đà Nẵng giải phóng. Rồi Quy Nhơn, Bình Định, Tuy Hòa, Phú Yên... Tháng 3-1975 đúng là một tháng kỳ diệu trong lịch sử cách mạng. Một tháng quân ta tiến thần tốc. Một tháng có 4 cuộc họp liền của Bộ Chính trị cùng Quân ủy Trung ương... Ngày 1-4-1975, báo Đảng đăng xã luận nhìn lại tháng vừa qua: Một tháng bằng mấy chục năm.

Rừng cờ chiến thắng

Vài tuần sau giải phóng, Huế tổ chức mít tinh mừng chiến thắng. Đoàn đại biểu cấp cao của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam VN do luật sư Nguyễn Hữu Thọ đứng đầu đến Huế chủ trì buổi lễ và thăm đồng bào các vùng vừa giải phóng.

Buổi lễ tiến hành ở Ngọ Môn. Nơi đây đúng 30 năm về trước, đoàn Chính phủ lâm thời do Phó Chủ tịch Trần Huy Liệu dẫn đầu đã tiếp nhận ấn kiếm biểu tượng vương triều từ tay cựu hoàng Bảo Đại.

Trên ngọn kỳ đài xây dựng đã 2 thế kỷ, lá cờ tưng bừng bay trước gió sớm. Cờ cách mạng phấp phới nơi đây đã 25 ngày, kể từ sáng 24-3, khi đó còn là một lá nhỏ của đơn vị quân giải phóng đầu tiên tiến vào từ hướng Bắc.
Rồi cơ man những lá cờ cùng mọc lên giữa TP Huế trưa 25-3, trong đó có lá cờ nổi dậy của đồng bào Huế được cắt may từ 3 chiếc áo dài khác màu của 3 nữ sinh Đồng Khánh...

Kỳ tới: Trở về quê cũ

Phan Quang

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/20100325111912740p0c1002/co-cach-mang-truoc-ngo-mon.htm